Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2023 về tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 04/01/2023
Ngày có hiệu lực 04/01/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Kon Tum, ngày 04 tháng 01 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thời gian qua các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản ngày càng được tăng cường; các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản cơ bản tuân thủ quy định pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, góp phần hạn chế thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông ở một số địa phương còn chưa hiệu quả, việc khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn xảy ra chưa ngăn chặn, chấm dứt triệt để; tình trạng một số tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản kê khai, báo cáo số liệu khai thác thực tế chưa chính xác, trong khi công tác phối hợp kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế, chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế… dẫn đến khả năng có nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, sở, ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các sở, ban ngành chức năng liên quan. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.

3. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và cát, sỏi lòng sông nói riêng nhằm đảm bảo nhu cầu vật liệu phục vụ cho các công trình vốn ngân sách nhà nước tại các địa phương, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là các hành vi: không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế, khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản; Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

5. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và của người dân; kịp thời phản ánh, thông tin về tình hình khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các đơn vị, địa phương có nội dung được báo chí phản ánh, dư luận quan tâm liên quan đến hoạt động khoáng sản nói chung và khoáng sản cát, sỏi lòng sông nói riêng, kịp thời thẩm tra, xử lý và chủ động tổ chức công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin nhanh chóng đến Nhân dân và tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản và tạo sự đồng thuận trong xã hội và Nhân dân.

6. Tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

7. Quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các công trình xây dựng, giao thông, trong đó có xem xét nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi đã sử dụng; kiên quyết không nghiệm thu công trình đối với trường hợp cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan rà soát các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông, xác định các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định của pháp luật và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

- Hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nghiêm túc thực hiện việc thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trong quá trình khai thác theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp trạm cân, camera giám sát theo quy định, chấp hành đầy đủ các quy định theo Giấy phép đã được cấp có thẩm quyền cấp và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; chủ trì lập và thực hiện kế hoạch đo đạc xác định trữ lượng khoáng sản đã khai thác thực tế của các đơn vị có rủi ro về kê khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, vượt trữ lượng, công suất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hoặc Cục Thuế tỉnh đề nghị, làm cơ sở xử lý trường hợp vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; không tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gia hạn giấy phép khai thác đối với các tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc chấp hành các trách nhiệm và nghĩa vụ có liên quan trong quá trình hoạt động khoáng sản.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan xác định cụ thể: Số lượng thiết bị khai thác đảm bảo công suất khai thác của dự án phù hợp với trữ lượng đã được phê duyệt và công suất khai thác/năm; thời gian khai thác trong năm (số ngày khai thác trong tháng, các tháng được phép khai thác trong năm) để thông báo đến các cơ quan chức năng, địa phương liên quan biết, thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu thực hiện nghiêm việc cho thuê đất, thuê mặt nước chuyên dùng đối với các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

b) Sở Giao thông vận tải:

- Chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các phương tiện, vận chuyển cát trên sông; kiểm tra việc vận chuyển khoáng sản vượt tải trọng cho phép trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ và phối hợp với các địa phương, đơn vị đối với các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đi khu sản xuất, đường chuyên dùng, đường tuần tra biên giới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

c) Sở Xây dựng:

- Tổ chức thực hiện việc thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế khai thác đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền theo quy định.

- Thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

- Phối hợp kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng vật liệu xây dựng tại các cơ sở sản xuất, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định.

[...]