Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 02/04/2018
Ngày có hiệu lực 02/04/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Tuyên Quang, ngày 02 tháng 4 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN ĐẾN NĂM 2020

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở, lũ quét, hạn hán… sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời có hiệu quả và khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị: Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm cho những năm tiếp theo.

2. Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, trong đó phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở mỗi cấp, mỗi ngành, bảo đảm kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

3. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 -2020; Kế hoạch số 1075/KH-PCTT về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020; Các phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Rà soát hoàn chỉnh các phương án phòng, chống thiên tai tương ứng, phù hợp với từng loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương được quy định tại Điều 15 và Điều 22 Luật Phòng, chống thiên tai; lập phương án chi tiết thực hiện Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 về phê duyệt Phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du thủy điện Tuyên Quang; Kế hoạch số 03/KH-PCTT Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố vỡ đê, đổ vỡ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai được rà soát bổ sung, xây dựng hàng năm, đồng thời, thống kê các phương tiện, trang thiết bị hiện có xây dựng phương án huy động hoặc tổ chức hiệp đồng với chủ các phương tiện để chủ động công tác ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Tổ chức kiểm tra, rà soát các vùng xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất,...khẩn trương xây dựng phương án và tổ chức thực hiện di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước mùa mưa bão đảm bảo an toàn.

c) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hoặc cụm xã thành lập đội xung kích do lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm đội trưởng. Nòng cốt đội xung kích bao gồm: lực lượng thanh niên, dân quân, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Đội xung kích sẵn sàng tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

d) Lập kế hoạch dự phòng các loại vật tư thiết bị, phương tiện để đảm bảo thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Triển khai việc dự trữ về các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, muối ăn, dầu hoả, thuốc chữa bệnh..., cho nhân dân tại các cụm dân cư; đặc biệt cần chú trọng đến những vùng nguy cơ bị cô lập khi thiên tai xảy ra.

đ) Tăng cường kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình giao thông, thuỷ lợi, nhà ở, trường học, trạm y tế, bệnh viện, kho tàng bến bãi, cơ sở sản xuất, đê, cống dưới đê, đường điện, nước, điện thoại, các công trình đang xây dựng…. có biện pháp cụ thể để khắc phục kịp thời các công trình bị xuống cấp, hư hỏng có thể gây ra mất an toàn trong mùa mưa lũ.

e) Phân công lãnh đạo phụ trách chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn; tổ chức tốt lực lượng hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.

f) Các huyện, thành phố có hệ thống đê Xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ các khu vực xung yếu với phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”

g) Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, bản, người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai ở cơ sở.

h) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc huy động các nguồn lực của địa phương để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn bảo đảm theo đúng quy định.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện phòng, chống thiên tai theo đúng Luật Phòng, chống thiên tai; chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý bảo đảm an toàn các công trình phòng chống thiên tai, công trình thủy lợi, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố rà soát, chỉ đạo việc di dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bảo đảm kịp thời và có hiệu quả.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng Luật Thú y; có phương án dự trữ thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở những địa bàn xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, thiên tai nhằm kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh tránh lây lan diện rộng. Chủ trì phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tham mưu hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra.

d) Chỉ đạo, đôn đốc Quỹ Phòng chống thiên tai tổ chức thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ theo đúng quy định tại Quyết định số 1233/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tuyên Quang.

7. Công an tỉnh:

Xây dựng kế hoạch phối hợp và bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tham gia cứu hộ, cứu nạn vùng bị thiên tai xảy ra; tiếp nhận các thông tin cứu nạn, cứu hộ do nhân dân cung cấp và kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả khi xảy ra thiên tai.

8. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng Phương án cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn tương ứng với từng loại hình thiên tai, tình huống, cấp độ thiên tai để tổ chức thực hiện hiệu quả khi có thiên tai xảy ra, bảo đảm lực lượng quân đội là chủ lực, nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng và tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

c) Kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các huyện, thành phố, rà soát thống kê các phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các huyện, thành phố, các ngành, các đơn vị đóng trên địa bàn để tham gia cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết; chủ động phòng ngừa, ứng phó trong mọi tình huống.

[...]