Chỉ thị 01/CT-BTP năm 2014 tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/CT-BTP
Ngày ban hành 11/02/2014
Ngày có hiệu lực 11/02/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-BTP

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG TIÊU CỰC, THAM NHŨNG TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Trong thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành Tư pháp, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan nên công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động, đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự vẫn chưa đạt yêu cầu. Tiêu cực trong thi hành án dân sự vẫn còn, với những biểu hiện phức tạp, xảy ra ở nhiều khâu, nhiều nội dung công việc. Tình trạng cán bộ, công chức thi hành án dân sự vi phạm phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ, tài chính - kế toán bị phát hiện, xử lý có xu hướng tăng, trong đó có một số trường hợp bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với toàn Ngành Tư pháp.

Nhằm tạo chuyển biến cơ bản công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, góp phần thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, công chức thi hành án dân sự trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án dân sự liêm, chính, chí công, vô tư.

2. Yêu cầu:

a) Tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao;

b) Phân công, xác định rõ trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự; gắn công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay";

c) Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả với cấp uỷ, chính quyền, Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra, cơ quan Công an, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan Báo chí và nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự.

II. CÁC NỘI DUNG CÔNG VIỆC

1. Quán triệt nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp; những việc cán bộ, công chức không được làm; nghĩa vụ của cán bộ, công chức phải báo cáo, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị.

2. Về thể chế:

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định (kể cả quy định nội bộ) liên quan đến nghiệp vụ thi hành án, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản không còn phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, đặc biệt là những khe hở dễ gây ra tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự.

3. Về tổ chức thi hành án dân sự:

a) Các cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm niêm yết công khai thủ tục thi hành án tại trụ sở cơ quan, tiến tới công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị về quá trình thi hành án, kết quả thi hành án để các bên có liên quan theo dõi, giám sát. Thụ lý, ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với bản án, quyết định có hiệu lực thi hành. Thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong thi hành án dân sự. Nghiêm cấm thanh toán tiền mặt cho đương sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời thông tin về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thi hành án dân sự;

c) Công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc thi hành án dân sự cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết. Tất cả công chức thi hành án khi tiếp, làm việc với tổ chức, cá nhân liên quan phải đeo thẻ công chức. Việc tiếp đương sự phải thực hiện theo quy định về tiếp công dân; chỉ tiếp tại phòng tiếp công dân, phòng khách, các địa điểm do pháp luật quy định; nghiêm cấm tiếp đương sự tại nhà riêng, phòng làm việc, những nơi khác không đúng quy định;

d) Tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ án lớn, phức tạp và tồn đọng. Nghiêm cấm lợi dụng việc hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ để trì hoãn, kéo dài thi hành án dân sự.

4. Về công tác tổ chức, cán bộ:

a) Công khai quy trình, thủ tục tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, dân chủ trong tổ chức, cán bộ;

b) Nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; đổi mới công tác đánh giá công chức trên cơ sở kết quả, hiệu quả công tác, đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, thực chất. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với công chức 02 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ;

c) Việc quy hoạch, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức phải dựa trên cơ sở của đánh giá công chức. Thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan Thi hành án dân sự để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng;

d) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự. Khẩn trương xây dựng quy trình về công tác cán bộ thi hành án dân sự. Thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, thực hiện kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức, định kỳ hàng năm và đột xuất theo quy định.

5. Về lĩnh vực tài chính, kế toán và đầu tư xây dựng cơ bản:

a) Công khai, minh bạch trong lập dự toán, cấp phát kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản; xây dựng, ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách nhà nước;

b) Việc lập, phân bổ dự toán ngân sách, thực hiện định mức phân bổ ngân sách; việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán ngân sách vốn đầu tư, xây dựng cơ bản của cơ quan Thi hành án dân sự phải bảo đảm chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

[...]