Chỉ thị 01/2015/CT-UBND về công tác thú y năm 2015 do tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu | 01/2015/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/01/2015 |
Ngày có hiệu lực | 18/01/2015 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Đinh Viết Hồng |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2015/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 08 tháng 01 năm 2015 |
Nghệ An là một trong những tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Tại thời điểm 01/10/2014, Nghệ An có 971.876 con lợn, 17.955.000 con gia cầm, 296.241 con trâu và 391.190 con bò, trong đó có hơn 33.150 con bò sữa.
Công tác Thú y trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2014 đã đạt được những kết quả tốt. Tổ chức, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Đã hạn chế lây lan nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong chỉ đạo tổ chức, thực hiện: Công tác quản lý giết mổ gia súc, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh, tiêm phòng gia súc, gia cầm,… đây là những nguyên nhân làm dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và các loại bệnh từ động vật lây sang người, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác Thú y trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các ban, ngành liên quan chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, LMLM ở gia súc, Tai xanh, Dịch tả lợn, Dại chó, Đốm trắng và Hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi… nhằm hạn chế thấp nhất dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
c) Chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vắc xin, hóa chất để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; đồng thời căn cứ vào kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015 của các địa phương, phối hợp với UBND cấp huyện, các ngành chức năng và các đoàn thể liên quan tổ chức triển khai, chỉ đạo công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% số gia súc, gia cầm, chó mèo trong diện phải tiêm;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản; buôn bán thuốc thú y, vắc xin, hành nghề Thú y trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Xây dựng Phương án, giải pháp phòng, chống tổng hợp và cho từng loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản kịp thời để khống chế có hiệu quả dịch xảy ra.
- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; giám sát tiêm phòng ở cơ sở. Thực hiện tốt việc quản lý, bảo quản, sử dụng vắc xin, hóa chất.
2. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh đảm bảo đủ nguồn kinh phí để kịp thời phục vụ cho hoạt động Thú y năm 2015 và kinh phí phòng, chống dịch khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản xẩy ra.
3. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, phòng tránh những bệnh nguy hiểm từ vật nuôi lây sang người.
4. Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tích cực phối hợp với Chi cục Thú y tăng cường công tác quản lý lưu thông động vật, sản phẩm động vật và các chế phẩm phục vụ cho chăn nuôi, thú y, thủy sản.
5. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Nghệ An: Chỉ đạo Trạm Hải Quan cửa khẩu Nậm Cắn, Trạm Hải Quan cửa khẩu Thanh Thủy, Đồn biên phòng huyện Kỳ Sơn, Đồn biên phòng 561 phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các nước láng giềng sang Việt Nam.
6. Công an tỉnh: Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không qua kiểm dịch từ các tỉnh khác vào địa bàn Nghệ An, từ huyện này qua huyện khác trong tỉnh.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT - TH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.
8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng triển khai nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn quản lý theo quy định của Pháp luật về Thú y và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015 được UBND tỉnh phê duyệt;
b) Tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật và Thông tư số 48/2009/TT-BNN ngày 04/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại động vật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
c) Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), Trạm Thú y và UBND các xã, phường, thị trấn không được chủ quan, lơ là đối với các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Xây dựng Kế hoạch; Phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2015;
- Giao trách nhiệm giám sát, báo cáo dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản cho chính quyền cấp xã. Khi có dịch xảy ra trên đàn vật nuôi, thủy sản báo cáo với cơ quan cấp trên biết, đồng thời chủ động triển khai ngay các biện pháp chống dịch khẩn cấp để khống chế, dập tắt dịch khi mới xuất hiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
- Chỉ đạo công tác điều tra nắm chính xác tổng đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch đã đề ra và đạt hiệu quả cao. Thanh tra, kiểm tra sau mỗi đợt tiêm phòng để hạn chế hao hụt vắc xin, hạn chế số vật nuôi phản ứng do tiêm phòng, từ đó nâng cao hiệu quả phòng bệnh.