Chỉ thị 01/2009/CT-UBND về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009, tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu | 01/2009/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/02/2009 |
Ngày có hiệu lực | 02/03/2009 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Sóc Trăng |
Người ký | Huỳnh Thành Hiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2009/CT-UBND |
Sóc Trăng, ngày 20 tháng 02 năm 2009 |
Triển khai Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
a) Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cục Thuế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp triển khai nhanh dự án và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành có liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phù hợp tình hình thực tế, đồng thời có biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
c) Sở Công Thương thường xuyên theo dõi, kịp thời hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh có biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ở các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
d) Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thủ tục pháp lý trong đầu tư và xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, trước hết là các dự án đầu tư quan trọng, công trình trọng điểm, bức xúc.
Các Sở ngành, địa phương được giao làm chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích, đúng pháp luật; chủ động xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, đôn đốc nhà thầu thi công nhanh các công trình theo tiến độ đề ra.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp các ngành và địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch, biện pháp và tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bảo đảm đạt hiệu quả, giữ vững sản lượng lúa, phòng trừ kịp thời sâu bệnh trên lúa; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống lúa có phẩm chất tốt, thực hiện các biện pháp thâm canh tăng năng suất, hạ giá thành. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm, giám sát, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh phát sinh. Tăng cường công tác khuyến ngư, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, khuyến cáo lịch thời vụ, quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống nhằm hạn chế thấp nhất tôm nuôi thiệt hại;
- Phối hợp Sở Công Thương có giải pháp chỉ đạo gắn kết hiệu quả giữa sản xuất nông nghiệp với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; theo dõi việc tiêu thụ nông sản của nông dân, nhất là lúa, cá tra để kịp thời có biện pháp hỗ trợ hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương giải quyết theo thẩm quyền;
- Khẩn trương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt Kế hoạch này; kịp thời xử lý hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết vướng mắc;
- Phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan chủ động hoàn thiện và triển khai phương án cụ thể, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra.
b) Ban Quản lý các khu công nghiệp tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong Khu công nghiệp An Nghiệp; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư thuê đất đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
c) Sở Công Thương:
- Hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, hoàn thiện quản lý, triệt để tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nhằm hạ giá thành, phí lưu thông, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm;
- Có kế hoạch đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống, nghiên cứu, mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Phát triển các trung tâm thương mại ở các thị trấn, hình thành các khu dân cư đô thị tập trung, đầu tư và chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động các khu chợ ở trung tâm huyện, xã.
d) Thủ trưởng các Sở ngành, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch này.
a) Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có liên quan, địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống người nghèo, vùng đông đồng bào dân tộc Khmer, vùng bị thiên tai, dịch bệnh; đồng thời chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện để nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, quan tâm công tác đào tạo nghề ở nông thôn.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện tốt các chính sách chăm sóc, ổn định đời sống nhân dân tại chỗ.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố rà soát lại các trường hợp gặp khó khăn bức xúc trên địa bàn, các trường hợp neo đơn, bệnh tật để kịp thời hỗ trợ, không để người dân bị đói.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện việc cải tạo và xử lý môi trường trên các sông, hồ, ao, kênh mương bị ô nhiễm nặng. Có kế hoạch giám sát, kiểm soát môi trường ở khu vực các nhà máy, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành liên quan có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; quy hoạch, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực này. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực xã hội theo kế hoạch 2006 - 2010.