Chỉ thị 01/2000/CT-BTP thực hiện các công tác trọng tâm năm 2000 của ngành tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/2000/CT-BTP
Ngày ban hành 24/02/2000
Ngày có hiệu lực 24/02/2000
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2000/CT-BTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 2 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CÔNG TÁC TRỌNG TÂM NĂM 2000 CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Năm 1999 trong thử thách và khó khăn chung của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp đã có nỗ lực lớn, vượt lên khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác của Ngành; tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghi quyết của Đảng; góp phân thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1999, Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá X, Chương trình công tác năm 1999 của Chính phủ.

Đạt được các kết quả đó là do toàn Ngành đã tập trung sức lực, trí tuệ, đoàn kết nhất trí, thực hiện đổi mới một bước công tác quản lý và chỉ đạo điều hành, xác định đúng các công tác trọng tâm, trọng điểm như Chỉ thị số 03 ngày 8/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề ra; cải tiến lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện các Quy chế làm việc.

Những chuyển biến, tiến bộ đó tạo đà tiến mới để tiếp tục hoàn thành Chương trình công tác năm 2000 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến, tiến bộ và kết quả đạt được, đối chiếu với yêu cầu nêu trong Chỉ thị số 03 ngày 8 tháng 3 năm 1999 và Chương trình công tác đề ra trong năm thì vẫn còn một số công tác triển khai chậm, có mặt chuyển biến chưa cơ bản. Nguyên nhân chủ yếu là do tính tích cực, chủ động, đề cao vai trò, trách nhiệm cử từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân chưa được phát huy đầy đủ và đồng bộ; sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc còn thiếu bao quát, sâu sát, kịp thời. Đây là những hạn chế, tồn tại cần được kiểm điểm nghiêm túc và quyết tâm khắc phục.

Năm 2000 là năm có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với đất nước ta, năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc.

Đối với ngành Tư pháp, năm 2000 là năm kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2000), năm đầu tiên tổ chức Đại hội thi đua yêu nước của Ngành.

Nhân dịp năm mới, toàn Ngành phấn khởi đón nhận lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua Thư chúc tết gửi Báo Pháp luật: "Các cơ quan Tư pháp có trách nhiệm rất nặng nề và cao quý: giữ nghiêm phép nước. Phép nước nghiêm mình thì thế nước vững chãi. Cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp là những người gương mẫu về kỷ cương. Đó là đòi hỏi nghiêm khắc và nguyện vọng của đồng bào cả nước ta". Lời chúc mừng đầu xuân của đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chỉ thị lớn, giao trách nhiệm phấn đấu cho toàn ngành Tư pháp - trách nhiệm phấn đấu không chỉ trong năm 2000 mà còn cho nhiều năm sau. Đó cũng là định hướng lớn, vừa cấp bách vừa lâu dài mà toàn Ngành phải phấn đấu thực hiện.

Trước trách nhiệm ngày càng nặng nề được Đảng và Nhà nước giao, toàn thể cán bộ, công chức ngành Tư pháp quyết tâm phấn đấu, đề cao trách nhiệm, tạo nên một bước chuyển biến cơ bản trong công tác Tư pháp, chuẩn bị hành trang bước vào thể kỷ mới.

Để bảo đảm hoàn thành Chương trình công tác năm 2000, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chỉ thị toàn Ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện một số công tác trọng tâm sau đây:

I. CÁC CÔNG TÁC TRỌNG TÂM VÀ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Triển khai thi hành Bộ luật Hình sự.

Tập trung chuẩn bị tốt mọi điều kiện để triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ 1/7/2000.

Cùng các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát các quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật.

Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về những nội dung cơ bản của Bộ luật. Phát động cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự trong phạm vi cả nước. Kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền Bộ Luật với kiểm điểm việc chấp hành pháp luật trong Ngành, trong từng cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, công chức trong Ngành có trách nhiệm tự giác tìm hiểu, nghiên cứu Bộ luật để gương mẫu chấp hành và áp dụng đúng đắn.

Phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên và nhân viên Tư pháp khác, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất Bộ luật Hình sự theo sự chỉ đạo thống nhất của các cơ quan Nội chính ở Trung ương.

Rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy liên quan đến bộ môn Luật Hình sự và các bộ môn có liên quan trong các trường học để có kế hoạch, bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với bộ luật hình sự.

2. Tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự.

Phải tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp giải quyết án tồn đọng; quyết tâm làm giảm số án tồn đọng, tăng tỷ lệ số vụ việc được thi hành nhiều hơn năm 1999. Tập trung chỉ đạo để thi hành tốt các vụ án lớn, án điểm. Các cơ quan Tư pháp địa phương phải phát huy vai trò tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự.

Tiến hành kiểm điểm, rút khinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án; kiểm tra việc chấp hành các quy định về nghiệp vụ thi hành án, trong đó chú trọng hoạt động tự kiểm tra kết hợp với kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các cơ quan thi hành án và kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất của Sở tư pháp và của Bộ. Qua kết quả kiểm tra, thanh tra, kịp thời rút bài học kinh nghiệm, biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến chung trong toàn Ngành, tránh những sai sót nghiệp vụ trong thi hành án. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án.

Tổ chức thực hiện tốt đề tài cấp Nhà nước độc lập: Luận cứ khoa học và thực tiến của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án trong giai đoạn mới.

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh.

Khắc phục một bước cơ bản tình trạng thiếu cán bộ và yếu về chuyên môn nghiệp vụ ở một số bộ phận, cơ quan, đơn vị trong Ngành. Nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành.

Thực hiện chế độ chỉ định đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật và bổ sung kiến thức pháp luật, đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ toà án và thi hành án, nhất là các địa phương còn thiếu Thẩm phán và Chấp hành viên; xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp khác và đội ngũ cán bộ - công chức trong toàn Ngành.

Hoàn thành việc soạn thảo các Đề án: Danh hiệu vinh dự của Thẩm phán; Quy chế đạo đức Thẩm phán, Chấp hành viên, luật sư; Chế độ dưỡng liêm cho các chức danh Tư pháp trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tư pháp. Các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành phải thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, thanh tra; tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra về nghiệp vụ, về việc thực hiện các quy chế đã ban hành. Củng cố và kiện toàn Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở; phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân. Từng cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ công chức, gương mẫu thực hiện kỷ cương, phép nước.

4. Kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh cải cách hành chính trong Ngành.

[...]