Chỉ thị 01/2000/CT-BCN về việc tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong ngành Công nghiệp năm 2000 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 01/2000/CT-BCN
Ngày ban hành 03/01/2000
Ngày có hiệu lực 03/01/2000
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đặng Vũ Chư
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2000/CT-BCN

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP NĂM 2000

Năm 1999 vừa qua, phong trào thi đua yêu nước trong các đơn vị (Tổng Công ty, Công ty, cơ quan, doanh nghiệp, viện, trường...) đã có bước phát triển mới, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo sản phẩm và tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước nên đạt mức tăng trưởng công nghiệp 10,5% so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành điện, hoá chất, dệt may, chế tạo động cơ, bóng đèn, giấy, sữa, bia... tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo kinh tế quốc doanh. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đã đáp ứng được một phần nhu cầu tuyển dụng cán bộ và công nhân kỹ thuật trong ngành. Lực lượng nghiên cứu khoa học đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiều công trình, đề tài, thiết thực đóng góp cho sản xuất phát triển.

Năm 2000 là năm trọng đại có một ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với dân tộc ta với nhiều ngày lễ lớn. Theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQTW của Bộ Chính trị và chương trình tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000 của Chính phủ, phong trào thi đua yêu nước trong ngành Công nghiệp nói chung và trong từng đơn vị phải là những biểu hiện cụ thể của việc tiếp nối truyền thống và ý chí tự lực tự cường của dân tộc, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và tiếp tục con đường đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào thi đua góp phần xây đắp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tinh thần dân tộc được nhân lên trong xu thế của thời đại, đưa toàn ngành vượt qua khó khăn thách thức, đổi mới toàn diện để tạo nên bước phát triển mới khi bước vào thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Với ý nghĩa đó, Bộ chỉ thị cho các đơn vị trong ngành tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội với quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra cho ngành Công nghiệp, thiết thực đóng góp vào thành công của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2000.

I/ MỤC TIÊU THI ĐUA.

1- Toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế nêu trong Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ sáu.

2- Các Tổng Công ty, các Sở Công nghiệp căn cứ vào kế hoạch năm 2000, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các mục tiêu thi đua cụ thể, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất kinh doanh theo chương trình của Tổng Công ty và của Sở.

3- Các Cục, Vụ, Ban, Viện, các Sở Công nghiệp thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, hướng dẫn các đơn vị tổ chức phong trào thi đua đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư và đào tạo nhân lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ công tác khác.

4- Các doanh nghiệp đặt chỉ tiêu thi đua, tăng trưởng sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trên cơ sở phấn đấu sử dụng cao nhất năng lực sản xuất theo công suất thiết kế, bảo đảm việc làm và đời sống người lao động. Các trường đào tạo thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tăng cường trao đổi, học tập các kinh nghiệm, mô hình giáo dục tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.

II/ NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA.

1- Tập trung chỉ đạo phong trào thi đua lao động sản xuất các sản phẩm công nghiệp có lợi thế, có sức cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Tập trung phát triển những ngành hàng (cơ khí, máy động lực, máy nông nghiệp, hoá chất phân bón...) phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, hàng cơ kim khí tiêu dùng.

2- Các doanh nghiệp và các Viện đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá mặt hàng, tạo sức cạnh tranh mới cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất; đồng thời phải đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp và chú trọng làm giảm tác động tới môi trường sinh thái.

3- Các Sở Công nghiệp, các doanh nghiệp giúp đỡ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sử dụng nhiều lao động, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong xã hội.

4- Các đơn vị tổ chức sâu rộng phong trào tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham những. Tiết kiệm nghiêm ngặt trong sản xuất, xây dựng; giảm chỉ phí hành chính, lễ tân, quảng cáo có tính chất phô trương hình thức.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào CKT trong thanh niên công nhân viên chức; động viên thanh niên đi đầu trong phong trào tiết kiệm.

5- Các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, trước hết là pháp luật về lao động, an toàn, bảo hiểm... trong công nhân viên chức. Tổ chức thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo cho các đơn vị phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

6- Từng đơn vị tổ chức phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ Quốc, an ninh chính trị, kinh tế, an toàn xã hội theo chỉ đạo của địa phương và ngành. Chấp hành nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.

7- Các trường đào tạo, dạy nghề thi đua đổi mới quản lý, tăng cường chất lượng dạy và học. Nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp để nâng cao trình độ thực hành của học viên, làm tốt công tác tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

8- Các đơn vị tổ chức sâu rộng phong trào “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đẩy mạnh các hoạt động văn-thể, thư viện... Tham gia các hoạt động từ thiện, xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Thực hiện tốt chương trình dân số-kế hoạch hoá gia đình. Có các biện pháp kiên quyết đẩy lùi tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma tuý và lây nhiễm HIV-AIDS.

III/ VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2000.

1- Các đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm. Kế hoạch thi đua chia ra nhiều đợt, gắn với các ngày lễ kỷ niệm lịch sử trong nước, ngành và địa phương.

2- Tổ chức thi đua cần đổi mới, thiết thực. Tiêu chuẩn thi đua cần cụ thể, lượng hoá và sát với các công việc trong đơn vị.

Chú trọng nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến mới về công tác thi đua-khen thưởng. Kiện toàn bộ máy thi đua-khen thưởng từ đơn vị cơ sở. Phải làm tốt từ khâu động viên, cổ vũ, bình chọn thi đua. Trong mỗi đợt phát động thi đua cần tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời.

Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá cũng cần tổ chức, chỉ đạo tốt phong trào thi đua yêu nước để nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của các cổ đông.

3- Từng đơn vị và các cơ quan cấp trên đơn vị cần quan tâm kiểm tra, đôn đốc phong trào thi đua, thực hiện tổng kết rút kinh nghiêm, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng các nhân tố mới, biểu dương tuyên truyền trong nội bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng các tấm gương lao động sáng tạo, làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vào cuối năm 2000.

[...]