Báo cáo 862/BC-UBDT về tình hình công tác dân tộc tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2023 do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 862/BC-UBDT
Ngày ban hành 26/05/2023
Ngày có hiệu lực 26/05/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Lê Sơn Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 862/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2023

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC DÂN TỘC THÁNG 5, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 6 NĂM 2023

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc báo cáo tình hình vùng dân tộc, kết quả chỉ đạo, điều hành tháng 5 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2023 với các nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI THÁNG 5 NĂM 2023

1. Kinh tế, đời sống

Trong tháng, tình hình kinh tế, đời sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) duy trì ổn định và đạt những kết quả tích cực. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả. Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS được quan tâm triển khai. Tình hình sản xuất nông nghiệp, canh tác lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản tại một số địa phương ổn định, có mặt phát triển1. Cơ quan chức năng các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu để triển khai nhiều giải pháp cụ thể chủ động ứng phó phát triển sản xuất2 và hỗ trợ đời sống nhân dân.

Tuy vậy, hoạt động sản xuất, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh3, giá một số loại nông sản không ổn định, có lúc giảm mạnh, khó tiêu thụ, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá phân bón. Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân, nguy cơ cháy rừng vẫn ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra mưa dông, lốc, mưa đá, gió giật mạnh gây thiệt hại vật chất và người4. Thị trường lao động, trong đó nhiều lao động người DTTS thiếu việc làm trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chung chậm lại, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.

2. Văn hóa - xã hội

- Về văn hóa - thông tin: Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả các di tích, gắn với việc phát triển du lịch; bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3 âm lịch), 30/4 và 1/5 năm 2023, nhiều địa phương đã tổ chức chuỗi các sự kiện như: Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ; liên hoan Đờn ca tài tử; lễ hội khinh khí cầu; trải nghiệm sông nước, khu du lịch sinh thái... nhận được sự quan tâm, thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan, du lịch tăng cao so với dịp lễ năm 20225. Tại các khu, điểm tham quan, du lịch, các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về an ninh, trật tự, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Công tác giáo dục - đào tạo và dạy nghề:

+ Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục đối với đồng bào DTTS. Một số tỉnh ban hành chính sách đặc thù của địa phương6; quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài, tặng quà, học bổng, nhận đỡ đầu học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi và xã hội hóa hỗ trợ vật chất cho các trường học vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Các trường học chuẩn bị công tác tổng kết năm học 2022-2023 và nghỉ hè theo lịch của địa phương; tuyển sinh năm học mới 2023-2024. Tuy nhiên, tình hình giáo dục - đào tạo trong vùng còn những hạn chế, nhất là về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn thấp so mặt bằng chung cả nước, vẫn còn tình trạng học sinh DTTS bỏ học; nhiều sinh viên đã tốt nghiệp nhưng khó tìm được việc làm phù hợp, trong đó có sinh viên cử tuyển; chất lượng giáo viên dạy tiếng DTTS còn hạn chế.

+ Về đào tạo, dạy nghề, kết hợp giải quyết việc làm: Các địa phương tiếp tục quan tâm công tác nâng cao chất lượng dạy, đào tạo nghề; tìm giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động, thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi về việc làm gắn với thị trường lao động trong, ngoài nước và tiêu thụ sản phẩm; quan tâm gặp gỡ, đối thoại, tặng vật chất cho người lao động nhân Tháng công nhân, góp phần đảm bảo an sinh, ổn định đời sống.

- Về y tế: Trong tháng thời tiết khắc nghiệt, số ngày nắng, nóng kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức cao, từ 35-36 độ C, có thời điểm cao hơn 36 độ C, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là số trẻ em mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH)... đều tăng so với cùng kỳ. Tại tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm đến ngày 12/5, toàn tỉnh ghi nhận 283 trường hợp mắc SXH, trong đó có 280 trường hợp mắc SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 3 trường hợp mắc SXH Dengue nặng. So với tháng liền kề trước đó tăng hơn 40 ca bệnh và ghi nhận thêm 3 ổ dịch tại các huyện Buôn Đôn, Krông Năng và Krông Ana7.

Sau thời gian dài tạm lắng, những ngày qua, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Số ca mắc mới tăng đột biến, theo đó số ca nhập viện cũng tăng lên, đáng lo ngại hơn là có nhiều trường hợp trở nặng. Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19; tăng cường truyền thông, thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, trong các cơ sở giáo dục và cửa khẩu.

3. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS và tuyến biên giới cơ bản ổn định, không xảy ra điểm nóng và không có yêu cầu phối hợp xử lý của cơ quan chức năng8. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS và tuyến biên giới vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, trong đó có vấn đề dân tộc, tôn giáo, lợi dụng vấn đề khiếu kiện kéo dài gây mất an ninh, trật tự. Chính quyền các cấp và các bộ, ngành liên quan vẫn tăng cường theo dõi, phối hợp nắm tình hình để kịp thời xử lý, báo cáo tham mưu cấp trên xử lý, không để bị động, bất ngờ.

Tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS hoạt động bình thường và đúng pháp luật; việc tổ chức các lễ hội tôn giáo truyền thống được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện.

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo, điều hành toàn diện các lĩnh vực công tác dân tộc, trong đó có một số hoạt động trọng tâm như sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc

Trong tháng, các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban đã dự các cuộc họp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo, làm việc với các vụ, đơn vị về thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác, một số hoạt động chính như sau:

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban:

Trong tháng 5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã dự họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII; Trưởng Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng và tỉnh Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị chức năng của UBDT về tình hình thực hiện các kế hoạch, dự án tuyên truyền Chương trình MTQG DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025; chủ trì cuộc họp báo cáo tiến độ, kết quả triển khai sửa đổi, bổ sung một số thông tư, nghị định thuộc thẩm quyền và nhiệm vụ trong kế hoạch công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của UBDT...

Các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban

Đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr dự họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại tỉnh Đắk Lắk; tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về “Tình hình thực hiện Chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022”; cùng dự với Bộ trưởng, Chủ nhiệm một số cuộc làm việc với các vụ, đơn vị của UBDT...

Các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đi công tác các tỉnh Sơn La, Cà Mau, Đắk Nông, Gia Lai; làm việc với Đoàn đánh giá độc lập của Ngân hàng Phát triển Châu Á; chỉ đạo Hội nghị phổ biến tuyên truyền pháp luật, môi trường, dự Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội; làm việc với các vụ, đơn vị về kế hoạch, chương trình công tác theo lĩnh vực được phân công.

Trong tháng: Ủy ban Dân tộc đã tiếp nhận 1.075 văn bản đến (trong đó có 24 văn bản mật); phát hành hơn 275 văn bản các loại. Tất cả các văn bản đi luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo về hình thức, thể thức và thời gian, không bị thất lạc, chậm, muộn.

2. Xây dựng các đề án, chính sách trong chương trình công tác

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ