ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 34/BC-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 02 năm 2013
|
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT NĂM 2012 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
Thực hiện Công văn số 1600/BTP-VĐCXDPL ngày 02
tháng 3 năm 2012 của Bộ Tư pháp về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật
năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày
19 tháng 5 năm 2012 ban hành Kế hoạch công tác theo dõi tình hình thi hành pháp
luật năm 2012 trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở kết quả hoạt động theo dõi tình hình thi
hành pháp luật ở 02 lĩnh vực trọng tâm là An toàn giao thông và An toàn vệ sinh
thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo
về tình hình thi hành pháp luật năm 2012 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như
sau:
I. CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THI
HÀNH PHÁP LUẬT
1. Lĩnh vực theo dõi tình hình
thi hành pháp luật:
Căn cứ Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03 tháng 3
năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi
hành pháp luật, Công văn số 1600/BTP-VĐCXDPL ngày 02 tháng
3 năm 2012 của Bộ Tư pháp về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm
2012, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2544/QĐ-UBND
ngày 19 tháng 5 năm 2012 ban hành Kế hoạch công tác theo dõi tình hình
thi hành pháp luật năm 2012 trên địa bàn thành phố, xác định 02 lĩnh vực trọng
tâm cần theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật gồm:
- An toàn giao thông: Đánh giá việc thi hành Nghị
quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện
các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành
phố Hồ Chí Minh.
- An toàn vệ sinh thực phẩm: Đánh giá việc thi hành
Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn thành phố
Hồ Chí Minh.
2. Phương thức thực hiện:
Công tác đánh giá về tình hình thi hành pháp luật ở
2 lĩnh vực trọng tâm được thực hiện trên cơ sở các hoạt động:
a) Tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật tại
8 quận - huyện trên địa bàn thành phố.
Ngày 05 tháng 11 năm 2012 Ủy ban nhân dân thành phố
đã ký Quyết định số 5657/QĐ-UBND Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra tình hình
thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông và an toàn thực phẩm năm
2012 trên địa bàn thành phố. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đoàn liên ngành gồm
đại diện các ban ngành thành phố (Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Công
Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban An toàn giao thông thành phố,
Công an thành phố) đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 08 đơn vị: quận 8, quận
Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Tân Bình, quận Thủ Đức, huyện
Hóc Môn và huyện Bình Chánh.
Qua kết quả làm việc, Đoàn kiểm tra liên ngành đã nắm
bắt được những thông tin cơ bản về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực
an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các đơn vị được kiểm tra, đồng
thời đã ghi nhận các ý kiến kiến nghị của các đơn vị đối với công tác này.
b) Hoạt động thu thập và xử lý thông tin về tình hình
thi hành pháp luật ở 2 lĩnh vực:
Hoạt động thu thập, cung cấp thông tin được thực hiện
đối với 2 lĩnh vực, trên phạm vi toàn thành phố. Cụ thể: Sở Y tế chịu trách nhiệm
thu thập và xử lý các thông tin, số liệu về tình hình thi hành pháp luật trong
lĩnh vực An toàn vệ sinh thực phẩm từ báo cáo của 24 quận - huyện và các Sở -
ngành có liên quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương) đã
có Báo cáo số 6096/BC-SYT-ATVSTP ngày 24 tháng 10 năm 2012 về tình hình thi
hành pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012 trên địa bàn
thành phố; Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thu thập, xử lý thông tin số
liệu về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông từ báo
cáo của 24 quận - huyện và các Sở - ngành có liên quan (Ban An toàn giao thông
thành phố) đã có các Báo cáo số 1038/BC-SGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2012, Báo
cáo số 1180/BC-SGTVT ngày 11 tháng 12 năm 2012 về tình hình công tác theo dõi
thi hành văn bản quy phạm pháp luật an toàn giao thông năm 2012 trên địa bàn
thành phố. Nội dung các báo cáo được thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Phụ
lục nội dung báo cáo về tình hình thi hành pháp luật năm 2012 ban hành kèm theo
Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành
phố.
Ngoài ra, thông tin còn được thu thập thông qua kết
quả thực hiện các nghiên cứu điều tra xã hội học (về tình hình thi hành pháp luật
trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố) do
Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
thực hiện.
II. ĐÁNH GIÁ NHỮNG NỘI DUNG CỤ
THỂ VỀ THI HÀNH PHÁP LUẬT
Trên cơ sở các hoạt động kiểm tra, thu thập và xử
lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật nêu tại Mục I báo cáo này, Ủy ban
nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cụ thể về tình hình thi hành pháp luật
năm 2012 với các nội dung sau:
1. Tình hình ban hành văn bản
thi hành pháp luật:
a) Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Trong năm 2012, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
thành phố ban hành ban hành 121 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể:
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố: 28 văn bản
+ Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: 69 văn bản
+ Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố: 24 văn bản.
Trong đó, có 12 văn bản được ban hành nhằm cụ thể
hóa các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, 02 văn bản trong lĩnh
vực an toàn vệ sinh thực phẩm (xem Phụ lục 1).
Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
năm 2012 (ban hành kèm theo Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 22 tháng 2 năm 2012
của Ủy ban nhân dân thành phố), có 13 văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành để
cụ thể hóa các quy định pháp luật của Trung ương về các lĩnh vực an toàn giao
thông (11 văn bản), an toàn thực phẩm (2 văn bản). Tuy nhiên, đến nay chưa có
văn bản nào trong chương trình lập quy được ban hành (xem Phụ lục 2).
b) Tình hình ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực
hiện văn bản quy phạm pháp luật:
Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành
phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc, hướng
dẫn thực hiện. Cụ thể:
- Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm: Cấp thành phố
đã ban hành 74 văn bản (trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố có 12 văn bản,
Ngành Y tế có 59 văn bản, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 03 văn bản);
Tại 8 quận - huyện được kiểm tra đã ban hành 143 văn bản.
- Đối với lĩnh vực an toàn giao thông: Cấp thành phố
đã ban hành 18 văn bản (trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố có 04 văn bản, Sở
Giao thông vận tải có 06 văn bản, Ban An toàn giao thông có 8 văn bản); Tại 8
quận - huyện được kiểm tra đã ban hành: 113 văn bản.
Nhìn chung, văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành phù hợp
với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu
triển khai và thi hành quy định pháp luật trong 02 lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch
công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2012.
Công tác hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản
do Trung ương, thành phố ban hành cũng được các đơn vị ở cấp sở - ngành, quận -
huyện triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, ở lĩnh vực an toàn giao thông, công tác
hướng dẫn, đôn đốc được triển khai khắp trên địa bàn 24 quận, huyện với tần suất
sâu, rộng.
Về tồn tại, hạn chế: trong Chương trình ban hành
văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 đề ra kế hoạch ban hành 13 văn bản nhưng đến
nay chưa có văn bản nào được ban hành. Trong khi đó, thành phố đã ban hành 14
văn bản nằm ngoài chương trình lập quy. Nguyên nhân là do:
- Công tác dự báo ban hành văn bản quy phạm ở cấp
thành phố để thi hành pháp luật trong 02 lĩnh vực trọng tâm còn hạn chế;
- Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo mặc dù đã
tuân thủ quy trình ban hành văn bản nhưng vẫn chưa thể đảm bảo thời gian soạn
thảo, trình dự thảo theo Kế hoạch, xuất phát từ việc phải lấy ý kiến nhiều
ngành, đơn vị có liên quan;
- Nhiều văn bản được đưa vào Chương trình xây dựng
ban hành văn bản nhưng không thực hiện được do bị động, phải chờ các cơ quan
Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật làm cơ sở để thành phố
xây dựng, ban hành văn bản để tổ chức thực hiện Luật.
- Tình hình thực tế ở địa phương có nhiều thay đổi,
biến động, nên yêu cầu từ thực tiễn phải ban hành nhiều văn bản nằm ngoài
chương trình lập quy.
2. Các điều kiện bảo đảm cho
việc thi hành pháp luật:
a) Công tác phổ biến giáo dục pháp luật:
Ngày 07 tháng 02 năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố
ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật năm 2012 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Ủy
ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tập
trung phổ biến các văn bản liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm như trật tự an
toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng trên địa bàn phù hợp.
Qua kết quả hoạt động cho thấy, công tác phổ biến,
giáo dục, pháp luật đã được các Sở, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp
triển khai sâu rộng trên địa bàn. Cụ thể:
i. Về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm:
Cấp thành phố đã tổ chức được 567 đợt tập huấn,
tuyên truyền với 34.373 số người tham dự; cấp quận huyện (các đơn vị được kiểm
tra) đã tổ chức được 776 đợt tập huấn, tuyên truyền trong một số lĩnh vực gồm:
* Ngành Y tế
Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh
và đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông trong Tháng hành động như thực hiện
1.877 băng rôn; khẩu hiệu về các thông điệp, khẩu hiệu, chủ đề của Tháng hành động
năm 2012; cấp phát và in sang 665 băng, đĩa hình, đĩa tiếng về đảm bảo an
toàn thực phẩm như: Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Tết Nhâm Thìn;
quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn thực phẩm; quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm; Những hành vi cấm và xử lý vi phạm
pháp luật về an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an
toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố; điều kiện đảm
bảo an toàn thực phẩm; thông tin giáo dục truyền thông về an
toàn thực phẩm; phòng ngừa ngăn chặn sự cố về an toàn thực
phẩm; 2.707 tranh, áp - phích; 26.604 tờ gấp hướng dẫn, tuyên
truyền, các kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm
trong dịp tết Nguyên đán và lễ hội.
- Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức
khỏe đã định hướng truyền thông tháng 01 - 02 năm 2012 cho mạng lưới Truyền thông - Giáo dục sức
khỏe quận - huyện, phường - xã về Tháng hành động Vệ sinh
an toàn thực phẩm năm 2012, đồng thời thực hiện: 5 bài viết trên website, 6 bài
viết trên Bản tin sức khỏe thành phố Hồ Chí Minh và phát thanh trên kênh chương
trình Bác sĩ của bạn.
- Ban Chỉ đạo liên ngành phối hợp với
Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn TNCS thành phố Hồ
Chí Minh xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch
4515/KH-BCĐLNTP ngày 14 tháng 8 năm 2012
phối hợp thực hiện công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 - 2013.
- Phối hợp Cục An toàn vệ sinh
thực phẩm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ
chức hội thảo: “Phụ nữ nói không với kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm
không an toàn”.
- Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng
quận - huyện phối hợp với các Hội, Đoàn tại quận - huyện thực hiện 189 buổi nói chuyện chuyên đề về vệ sinh an toàn thực
phẩm với 11.428 người nghe; tổ chức 2.080 lượt phát thanh, tuyên truyền về an
toàn thực phẩm trên 319 phường - xã.
- Sở Y tế đã phối hợp với Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Hội Y tế công cộng thành
phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại quảng cáo Vương Gia triển
khai thực hiện treo 2.540 băng rôn, 20 pano, 900 phướn
(trong đó, vận động xã hội hóa 600 phướn, 2.500 băng rôn dọc) tại các cột đèn chiếu sáng trên các tuyến đường
thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với Đài Truyền hình
Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ
Chí Minh thực hiện phóng sự chuyên đề về cơ sở cung cấp suất ăn sẵn,
bếp ăn tập thể, an toàn thực phẩm ngày Tết. Trả lời truyền
hình trực tiếp chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về quản lý vệ sinh an toàn
thực phẩm trên địa bàn thành phố của Hội đồng nhân dân thành phố.
- Trả lời phỏng vấn cho các báo, đài
34 lượt. Giao lưu trực tuyến với Báo Pháp luật 02 buổi với 02 nội dung: “Hiểu
đúng về cháo dinh dưỡng”; “Kiểm soát gia cầm trong sản xuất thực phẩm” và “Kiểm
tra, giám sát nước uống đóng chai”.
- Tổ chức xây dựng, bổ sung tài liệu
tập huấn trong đó lồng ghép các nội dung về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản
dưới Luật; Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm
nhìn 2030; Đề án đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn thành
phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến
năm 2025; Đề án “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản
lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn” tại thành phố Hồ
Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 vào chương trình tập huấn kiến thức an toàn thực
phẩm cho người quản lý, người trực tiếp tiếp xúc thực phẩm nhằm nâng cao kiến
thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng.
- Triển khai tổ chức 492 lớp tập huấn
kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho 29.832 lượt người trực tiếp sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm tham dự (trong đó Chi cục An toàn vệ sinh
thực phẩm 92 lớp/4.951 người tham dự, quận - huyện 402 lớp/
24.881 người tham dự). Nội dung tập huấn chủ yếu về việc đảm bảo an toàn thực phẩm
và phổ biến các văn bản quy định của pháp luật.
* Ngành Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Đã tổ chức 70 lớp
tập huấn với 3.765 lượt người tham dự (Chi cục Thú y: 61 lớp với 3.369
người tham dự; Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản: 6 lớp với
279 người tham dự; Chi cục Bảo vệ thực vật: 3 lớp, với 117 người tham dự).
- Treo 476 băng rôn, 4.210 poster,
phát 485.791 tờ rơi, tờ bướm, phát loa 3.659 lượt để tuyên truyền việc thực hiện
đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm cho các đối tượng
là những người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
- Một số nội dung, tuyên truyền chủ yếu,
gồm:
+ Tập huấn, tuyên truyền cho người
chăn nuôi không sử dụng chất kích thích tạo nạc (nhóm Beta - agonist), biện
pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thuốc thú y đúng theo hướng dẫn của
nhà sản xuất, định kỳ vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn
nuôi, chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho gia súc, thực hiện khai báo kiểm
dịch khi nhập xuất đàn gia súc, gia cầm; khuyến cáo các cửa hàng kinh doanh thuốc
thú y không được phép kinh doanh các sản phẩm có chứa chất kích thích tạo nạc;
tập huấn, tuyên truyền thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh, an
toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ, sản xuất, kinh doanh thịt
gia súc, gia cầm, trứng gia cầm.
+ Tập huấn, tuyên truyền cho người
nuôi tôm không sử dụng các chất cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; hướng dẫn triển khai Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT
ngày 03 tháng 8 năm 2011 kiểm tra, chứng
nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản; tuyên truyền
các hành vi cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo Luật An toàn
thực phẩm và các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực
phẩm theo Nghị định số 31/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định
số 45/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
+ Tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn xử
lý thuốc bảo vệ thực vật và bao bì đã qua sử dụng trên đồng ruộng; những quy định
hình thức xử phạt, mức phạt về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn
thực phẩm; hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước tiết kiệm;
hướng dẫn lựa chọn và chế biến rau quả; hướng dẫn kinh doanh rau quả đảm bảo an
toàn thực phẩm; phối hợp với báo, đài thực hiện tin thời sự về
công tác xây dựng vùng sản xuất rau tại huyện Hóc Môn, tin thời sự về Hội nghị
ký kết Bản thỏa thuận hợp tác về sản xuất, tiêu thụ rau, củ quả an toàn giữa
Thành phố và tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, tin về tổng kết mô hình thí điểm
và trao Giấy chứng nhận VietGAP cho Saigon CO.OP, Hợp tác xã Phước An, Liên tổ Tân Trung và phóng sự về mô hình sản xuất Rau
an toàn tại Hợp tác xã Phước An.
* Ngành Công Thương
Thực hiện Văn bản số 3732/BCT-KHCN
ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ Công Thương về hướng dẫn nội dung hoạt động thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011, Sở Công
Thương đã chủ trì và phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ủy ban
nhân dân các quận - huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng và phổ biến các văn bản quy
phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cán bộ quản lý chợ, kết quả đạt được
như sau:
Tổ chức 05 lớp bồi dưỡng về kiến thức
và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với nội dung trọng
tâm là phổ biến Luật An toàn thực phẩm với 776 lượt cán bộ tham gia bao gồm cán bộ của Sở Công Thương, phòng kinh tế
quận - huyện, Ban quản lý chợ, hạ tầng thương mại các quận - huyện. Đồng thời, Chi cục Quản lý
thị trường đã triển khai Kế hoạch phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định
về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý thị trường.
* Tại các đơn vị được kiểm
tra:
Ủy ban nhân dân 08 quận - huyện đã tổ
chức nhiều lễ phát động, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm với nhiều
hình thức đa dạng, phong phú như: phát hành tài liệu hỏi đáp, treo băng rôn,
phân phát tờ bướm, đăng tin trên bản tin, tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật
An toàn thực phẩm, về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm đã thu hút được sự
tham gia của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận - huyện
(Xem Phụ lục 4 đính kèm).
ii. Về lĩnh vực trật tự an
toàn giao thông đường bộ:
* Sở Giao thông vận tải:
- Sở đã tổ chức phổ biến giáo dục
pháp luật bằng hình thức tập trung (tuyên truyền miệng) 100 buổi, phổ biến 66 văn bản quy phạm pháp luật cho 7.045 lượt người tham dự.
- Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông bằng các hình thức
khác như tổ chức thực hiện đăng ký cá nhân không vi phạm về an toàn giao
thông, kết quả: có 400 lượt người tham gia đăng ký qua mạng và
3.282 lượt người đăng ký qua giấy.
- Sở đã triển khai thực hiện tốt các
khẩu hiệu, băng rôn, áp phích tại các tuyến đường, bến xe như: “An toàn giao
thông - Trách nhiệm của mọi người”, “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Hãy
nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô
tô, xe gắn máy”, phát 50.000 tờ rơi có nội dung về an toàn giao thông; tổ chức 11 buổi nghe phổ biến về an toàn
giao thông, có 12.495 lượt người tham dự.
- Sở đã thực hiện Đề án “ Tăng cường
công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức
pháp luật cho thanh thiếu niên, giai đoạn 2011 - 2015”.
- Tại các đơn vị trực thuộc Sở đã tổ
chức 22 buổi Hội thi, Hội thảo cho 1.285 lượt người tham dự, nội dung chủ yếu
là tìm hiểu “Năm An toàn Giao thông - Năm 2012”; Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi
về an toàn giao thông trong Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh Sở Giao thông vận tải”; phát tài liệu về an
toàn giao thông và tiết kiệm nhiên liệu cho xe ra vào bến và khi
đưa các Trạm Đăng kiểm để đăng kiểm xe; Hội thi về việc chấp hành nội quy, quy
chế cho học sinh, sinh viên có kiến thức về Luật Giao thông đường bộ. Sở đã tổ
chức phát hành 10.037 tài liệu, tờ rơi về các quy định an
toàn giao thông đường bộ; Cẩm nang tiết kiệm nhiên liệu nhằm hưởng
ứng cuộc vận động thực hiện tiết kiệm nhiên liệu trong giao thông vận tải; Cẩm nang hướng dẫn phòng, chống ứng phó với thiên tai trên địa bàn
thành phố.
Định kỳ 03 ngày trong tuần, tại các Bến
xe khách trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền Luật Giao
thông đường bộ bằng hình thức sử dụng loa phát thanh để nâng cao
ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho đội
ngũ lái xe, phụ xe và hành khách đi xe.
Tại Trung tâm Quản lý và Điều hành vận
tải hành khách công cộng thành phố đã tập huấn
đạo đức nghề nghiệp cho 158 lái xe của Doanh nghiệp vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt và 694 lái xe thuộc 11 doanh nghiệp vận tải
trên địa bàn thành phố; Tập huấn nghiệp vụ phục vụ hành
khách cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt là 1.654 người; Tập huấn
nghiệp vụ lái xe taxi cho 4.500 người. Sở đã gửi 91 thông báo về điều chỉnh tổ
chức giao thông, 15 thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa đến các
báo, đài phát thanh (VOH, VOV) nhằm
thông báo rộng rãi cho nhân dân nắm rõ lộ trình lưu thông phù hợp. Đẩy mạnh các
hoạt động thi đua viết tin, bài về các lĩnh vực, ngành giao thông vận tải
để đưa lên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải, tại địa chỉ: http://www.sgtvt.hochiminhcity.gov.vn
* Ban An toàn giao thông thành phố:
Phối hợp với các Sở - ngành, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể thành viên, 24
quận - huyện trong công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật
về trật tự an toàn giao thông và xem đây là một trong những giải pháp vừa cấp
bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các công việc đã thực
hiện, cụ thể:
- Phát hành 100.000 cuốn cẩm nang
tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đường bộ; 15.000 cuốn cẩm nang những
điều cần biết về an toàn giao thông đường sắt; 3.000 quyển tài liệu tuyên truyền
Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và
chuyển cho các quận - huyện, đơn vị
liên quan; ký hợp đồng với một số báo, tạp chí về công tác tuyên truyền an toàn
giao thông trên mặt báo; phát động tổ chức liên hoan
phim, Cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông.
- Triển khai thực hiện chiến dịch
tuyên truyền kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội
mũ bảo hiểm đối với trẻ em, giai đoạn 1 năm 2012.
- Phối hợp với
Công ty Cổ phần Thương mại Ánh Dương Việt triển khai tuyên truyền 1.500 băng
rôn treo dọc hai bên một số tuyến đường trong thành phố (24 tuyến đường); với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức liên hoan tuyên truyền lưu động thành phố
Hồ Chí Minh lần I năm 2012 với chủ đề “Toàn dân tích cực thực hiện Năm an toàn
giao thông 2012”; với Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an thành phố và Thành đoàn
TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày hội học sinh trung học phổ thông lần 4 với chủ đề
“Học sinh phổ thông thành phố với Văn hóa giao thông” tại Công viên Văn hóa Đầm
Sen; với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội thi “Tìm hiểu
Luật giao thông đường bộ - đường sắt
và đường thủy nội địa năm 2012 và tổ chức cuộc đi bộ đồng hành hưởng ứng “Năm
an toàn giao thông - 2012”; với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ
chức cuộc thi “Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông” năm 2012 và phát động
cuộc thi “Giao thông thông minh” trên internet; với các
cơ quan báo đài thực hiện nhiều chuyên trang tuyên truyền về an toàn giao
thông, đặc biệt là các chuyên mục an toàn giao thông phát trên sóng phát thanh
(VOH, VOV), Đài Truyền hình thành phố (HTV) được phát sóng đều đặn mỗi ngày.…
thông tin kịp thời tình hình xung đột giao thông đến người tham gia giao thông,
nhất là người điều khiển phương tiện ô tô có trang bị Radio, giúp cho các tài xế
lái xe nhận biết khu vực đang bị ùn tắc giao thông để tránh sang đường khác, tạo
điều kiện cho lực lượng chức năng giải quyết nhanh ùn tắc giao thông.
* Tại các đơn vị được kiểm
tra:
Các phòng ban, đơn vị quận - huyện
và các tổ chức Đoàn thể trên địa bàn quận - huyện đã tổ chức nhiều cuộc tuyên
truyền, tọa đàm, hội thi về chủ đề “Năm an toàn giao thông - 2012”, Luật An
toàn giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính,... đến các đối tượng học
sinh, sinh viên, công nhân và người dân trên địa bàn quận huyện.
(Xem Phụ lục 5 đính kèm).
iii. Đánh giá nhận xét:
Nhận thức được tầm quan trọng của
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tổ chức và thực hiện pháp luật, Ủy
ban nhân dân các cấp, các ngành chức năng tại thành phố đã có sự quan tâm, chỉ
đạo sâu sát. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng với
nội dung, hình thức phong phú.
Qua công tác phổ biến giáo dục pháp
luật đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho tổ chức, cá nhân trên
địa bàn, kéo giảm tình hình vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn
giao thông và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm tra tình hình
thi hành pháp luật ở một số địa phương và qua số liệu điều tra, khảo sát tình
hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ trên
địa bàn thành phố cho thấy:
(1) Công tác phổ biến giáo dục pháp
luật, nhất là phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông chưa sát, chưa
thực sự đến được với đối tượng cần tuyên truyền.
(2) Các địa phương, các ngành mặc dù
đã rất nỗ lực trong việc đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật, tuy nhiên, những phương thức, công cụ tuyên truyền, phổ biến
pháp luật có thể thực sự đến được với các đối tượng nhân dân, như thông qua các
phương tiện truyền thông đại chúng, chưa được chú ý và khai thác hiệu quả.
b) Về các điều
kiện đảm bảo khác:
- Đối với hai lĩnh vực trọng tâm, để
triển khai các quy định mới, các sở - ngành, quận - huyện đã tổ chức các lớp tập
huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan nhà
nước. Cụ thể như tập huấn triển khai quy định về kiến thức vệ sinh an toàn thực
phẩm theo Luật An toàn thực phẩm, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
theo Nghị quyết số 88/NQ-CP, tập huấn kiến thức pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính.
- Về tổ chức, nhân sự và các điều kiện đảm bảo khác đã
được Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo, như việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành
về Vệ sinh an toàn thực phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành về Vệ sinh an toàn thực
phẩm, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách trong công tác quản lý an toàn thực
phẩm trên địa bàn thành phố, tăng cường lực lượng tuần tra trong lĩnh vực an
toàn giao thông.
Tuy nhiên, ở 02 lĩnh vực này, một số
điều kiện đảm bảo cho việc thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cụ
thể như:
+ Đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực
phẩm: Với nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
cho người dân trên toàn thành phố nhưng tổ chức, nhân sự, bộ máy quản lý về vệ
sinh an toàn thực phẩm tại thành phố chưa đồng bộ (tổng số nhân sự của Chi cục
Vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Sở Y tế năm 2012 là 149 người tham gia
công tác quản lý an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố; tại Sở Công
Thương hiện chỉ có 06 nhân sự quản lý về an toàn thực phẩm, trong đó 3 biên chế
và 3 hợp đồng). Cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại cấp quận -
huyện, phường - xã chủ yếu là kiêm nhiệm do đó về chuyên môn nghiệp vụ không đồng
đều, chưa phát hiện kịp thời các sai phạm, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết.
+ Về lĩnh vực an toàn giao thông: Nhiều
địa bàn có đường sắt chạy ngang cần có gác chắn tại một số vị trí nhưng chưa được
đầu tư kịp thời. Phương tiện phục vụ cho hoạt động kiểm tra, tuần tra của cảnh
sát giao thông ở một số quận - huyện chưa được đảm bảo như: thiếu phương tiện
kiểm tra nồng độ cồn (quận Thủ Đức, quận 8), thiếu xe mô tô (quận Bình Thạnh,
huyện Hóc Môn),... Ngoài ra, vẫn còn các yếu tố khác như tình trạng kẹt xe, rào
chắn thi công trên đường, lấn chiếm lòng, lề đường, biển báo và đèn giao thông
còn thiếu, chưa phù hợp, ý thức chấp hành của người giao thông chưa cao,...
cũng là những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật giao thông.
3. Tình hình
thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính:
a) Lĩnh vực vệ
sinh an toàn thực phẩm:
- Cấp thành phố: các cơ quan chức
năng của thành phố đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 24.723 cơ
sở, phát hiện 6.001 cơ sở có vi phạm
(tỷ lệ 24,3%), ban hành 5.008 quyết định xử phạt. Hành
vi vi phạm chủ yếu là sản xuất kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo
vệ sinh; vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không có
giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; thiết bị, dụng cụ chứa đựng, tiếp xúc thực phẩm không an toàn vệ
sinh.
- Cấp quận - huyện (8 đơn vị được kiểm
tra) đã tổ chức kiểm tra 9.269 cơ sở, phát hiện 1.726 cơ sở có vi phạm (18,6%), ban hành 808 quyết định xử phạt, đã chấp
hành 696 quyết định (tỷ lệ 86,1%), với số tiền phạt là
2.749.225.000 đồng.
- Nguyên nhân của tình hình vi phạm:
+ Do ý thức của
các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm: các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau
khi được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện chưa ý thức
được trách nhiệm của cơ sở mình trong việc phải duy trì các điều kiện đảm bảo về
vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác,
do một số cơ sở hoạt động trên mặt bằng được thuê mướn ngắn hạn, nhỏ lẻ nên
không muốn đầu tư kinh phí lớn cho việc xây dựng và sửa chữa mặt bằng nơi sản
xuất, chế biến cho phù hợp với tiêu chuẩn về vệ sinh an
toàn thực phẩm.
+ Tình trạng
kinh doanh nông sản thực phẩm tại các chợ lòng lề đường, chợ tự phát vẫn
tồn tại, ảnh hưởng đến công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Nghị định số
45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực y tế (trước khi có Nghị định số 12/NĐ-CP) có mức chế
tài không đủ sức răn đe.
+ Lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng,
còn nhiều cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm chưa được đào tạo về
nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu, thẩm định, đánh giá nguy cơ trong thực
phẩm..., chưa có cán bộ chuyên trách (thực trạng ở quận 8, huyện Hóc Môn).
+ Công tác kiểm tra, thanh tra đã
phát hiện nhiều vi phạm, nhưng chủ yếu là nhắc nhở, chưa kiên quyết xử phạt vi
phạm (quận Phú Nhuận: phát hiện 201 trường hợp vi phạm, xử phạt 67 trường hợp,
nhắc nhở 143 trường hợp; quận Bình Tân: phát hiện 642 trường hợp, xử phạt 60
trường hợp, nhắc nhở 41 trường hợp,...)
b) Lĩnh vực an
toàn giao thông:
- Về tai nạn giao thông, theo thống
kê từ Ban An toàn giao thông thành phố, trong năm 2012, trên địa bàn thành phố
đã xảy ra 890 vụ tai nạn giao thông,
làm chết 746 người, bị thương 351 người.
So với năm 2011, giảm 107 vụ (-10,73%), giảm 97 người chết (-11,51%), giảm
114 người bị thương (-24,52%). Trong đó:
+ Đường bộ: xảy ra 873 vụ, làm chết
742 người, bị thương 350 người. So với năm 2011, giảm 98 vụ (-10,09%), giảm 89
người chết (-10,71%), giảm 109 người bị thương (-23,75%).
+ Đường sắt: xảy ra 04 vụ, làm chết
03 người và bị thương 01 người. So với năm 2011, giảm 01 vụ (-20%), số người chết
giảm 02 người (-40%), số người bị thương tăng 01 người.
+ Đường thủy: xảy ra 13 vụ, làm chết 01 người và không có người bị thương. So với cùng kỳ năm
2011, giảm 08 vụ (-38,10%), giảm 06 người chết (-85,71%), giảm 06 người bị
thương (-100%).
- Về ùn tắc giao thông: trong năm
2012 đã xảy ra 09 vụ ùn tắc giao thông với thời gian kéo dài trên 30 phút, so với cùng kỳ
năm 2011 giảm 22 vụ (-70,97%).
- Về kiểm tra, xử phạt vi phạm trật tự
an toàn giao thông:
Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức
năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra phát hiện và lập biên bản xử lý
1.084.910 trường hợp vi phạm; thực hiện quyết định xử phạt 887.542 trường hợp với
số tiền phạt 265.384.482.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 33.193 trường
hợp vi phạm (-23,50%); giảm 404.949 trường hợp ra quyết định xử phạt (31,33%);
số tiền xử phạt tăng 39.591.303.000 đồng (17,53%).
+ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ
- đường sắt:
Đã phát hiện xử lý 756.116 trường hợp
vi phạm và thực hiện quyết định 591.341 trường hợp với số tiền phạt
129.830.116.000 đồng. So với cùng kỳ tăng 31.816.488.000 đồng. (Trong đó phạt tại
chỗ : 407.564 trường hợp với số tiền phạt 22.779.421.000 đồng); Tước Giấy phép
lái xe: 58.931 trường hợp (30 ngày: 57.407, 60 ngày: 1.524); Tạm giữ: 28.148 xe
(gồm : 930 ôtô ; 25.982 môtô; 1.236 xe 3, 4 bánh)
+ Phòng Cảnh sát đường thủy:
Ra quyết định xử phạt: 52.257 trường
hợp vi phạm với số tiền phạt là 11.068.390.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2011
tăng 5.637 trường hợp vi phạm (5,31%), số tiền xử phạt giảm 1.305.656.000 đồng
(-10,55%).
Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng,
chứng chỉ chuyên môn 04 trường hợp, tịch thu bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn: 04
trường hợp phát hiện đề xuất phạt tăng nặng 2.345 trường hợp.
+ Thanh tra Sở Giao thông vận tải:
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã
phát hiện và xử lý tổng cộng 37.483 trường hợp vi phạm hành chính trên các lĩnh
vực giao thông đường bộ, giao thông đường thủy nội địa; đã ra quyết định xử phạt
vi phạm hành chính theo thẩm quyền bằng hình thức phạt tiền, với tổng số tiền xử
phạt là 62.500.222.000 đồng (giảm 0.33% số vụ vi phạm và tăng 4.78% số tiền xử
phạt so với năm 2011).
- Theo báo cáo thống kê tại 8 đơn vị
được kiểm tra: các quận - huyện đã ban hành 273.731 quyết định xử phạt vi
phạm, với số tiền phạt là 55.037.665.000
đồng.
- Về nguyên nhân của tình hình vi phạm:
mặc dù các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã chú trọng
thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: đưa vào khai
thác sử dụng nhiều công trình cầu đường, tăng số làn xe, tổ chức phân luồng
giao thông, rà soát và điều chỉnh lắp đặt biển báo trên các tuyến đường… đem lại
hiệu quả tích cực trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến đường ở
khu vực trung tâm, giảm số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng…; Tuy nhiên qua
công tác kiểm tra tại một số quận huyện cho thấy vẫn còn một số mặt hạn chế:
+ Việc phân làn,
phân luồng giao thông tại một số địa bàn, điểm còn chưa phù hợp, thiếu khoa học
ở một số tuyến đường giao thông; việc bố trí các biển báo, đèn tín hiệu nhiều
nơi còn chưa hợp lý; hệ thống bến, bãi trông giữ xe, các điểm đón, trả khách
còn thiếu công trình phụ trợ đi kèm (quận Bình Tân, quận
Tân Bình, quận Phú Nhuận).
+ Công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về an toàn giao thông chưa phủ khắp, chưa đến được với những nhóm đối tượng cần phải biết như lái
xe chuyên nghiệp, học sinh, sinh viên - những người thường xuyên lưu thông trên
đường phố,....
+ Ý thức chấp
hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa tốt, vẫn có nhiều trường hợp người tham gia giao thông cố tình vi phạm, chưa
tự giác chấp hành, chấp hành mang tính đối phó, thậm chí chống người thi hành
công vụ vẫn còn diễn ra.
III. ĐÁNH GIÁ, KẾT
LUẬN
Trong năm 2012, đối với 2 lĩnh vực trọng
tâm được tổ chức theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật, cho thấy
các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp đã tích cực chỉ đạo, triển khai
các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật và trên thực tế đã đạt được một số kết
quả nhất định, tình hình tuân thủ, chấp hành pháp luật có nhiều chuyển biến
tích cực so với năm 2011. Cụ thể như đã kéo giảm tình hình tai nạn giao thông,
kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm số vi phạm hành chính ở các lĩnh vực…
Bên cạnh đó, tình hình thi hành, chấp
hành pháp luật ở 2 lĩnh vực này cũng còn những tồn tại, hạn chế:
- An toàn giao thông: vi phạm về an
toàn giao thông đường bộ còn phổ biến: vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường,
tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông, đi
ngược chiều, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông,…; vẫn còn xảy ra tai nạn
giao thông nghiêm trọng về đường sắt, đường thủy.
- An toàn vệ sinh thực phẩm: các quy
định pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được tuân thủ
nghiêm: các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, tự
phát, thức ăn đường phố mọc lên nhiều, hoạt động kinh doanh khi chưa có giấy chứng
nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa tham gia tập huấn an
toàn thực phẩm,…; một số cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động thì cơ sở
hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh an toàn
thực phẩm (như: không khám sức khỏe định kỳ, sử dụng hàng hóa
không rõ nguồn gốc,…)
Tình trạng vi phạm pháp luật do một số
nguyên nhân sau:
1. Ý thức
chấp hành pháp luật thấp; mức độ hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật của
cá nhân, tổ chức chưa cao. Một số trường hợp cố tình vi phạm vì lợi ích kinh tế;
2. Việc
ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa, triển khai các quy định của Trung ương
chưa kịp thời, chưa đồng bộ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được rà
soát, hệ thống hóa.
3. Hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành ở một số lĩnh vực có nhiều quy định bất
cập, chồng chéo, không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung; văn bản hướng dẫn
quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai thực hiện chậm được ban hành. Cụ thể
như:
a) Về lĩnh vực an toàn thực phẩm:
- Chưa có Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định số
07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được
giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên
ngành; chưa có Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số
38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
- Các Bộ - ngành chưa ban hành các Thông tư liên tịch,
Thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn thu lệ phí trong quản lý an
toàn thực phẩm,… để các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương thực hiện.
- Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38 hướng dẫn
thi hành luật đã có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra sự chồng chéo, mâu thuẫn,
hoặc bỏ sót một số lĩnh vực, ngành hàng… gây khó khăn cho việc áp dụng (Ví dụ:
Điều 22 một số điểm quy định chưa cụ thể, việc cấp giấy xác nhận nội dung quảng
cáo đối với các thực phẩm hỗn hợp gồm thành phần do từ 02 bộ quản lý thì Bộ nào
sẽ chịu trách nhiệm, chưa phân biệt được thế nào là “nhỏ lẻ” để quản lý,…).
b) Về lĩnh vực an toàn giao thông:
Hiện nay, Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ
quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chưa được sửa đổi, bổ sung nên còn gây khó khăn trong việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành giao thông.
4. Công
tác tổ chức thi hành pháp luật và đảm bảo các điều kiện thi hành pháp luật có một
số hạn chế như: hạn chế về tổ chức, bộ máy, nhân sự,
kinh phí…
a) Lĩnh vực an toàn giao thông:
Cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ công tác chưa được
trang bị và quan tâm đúng mức:
- Đường sắt: ở một số địa bàn dân cư, không có gác
chắn giữa đường bộ và đường sắt (quận Phú Nhuận, Bình Thạnh)
- Xe mô tô phục vụ cho lực lượng cảnh sát giao
thông còn hạn chế, không đủ phục vụ so với số lượng cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ
(quận Bình Thạnh chỉ có 6 xe/50 người, huyện Hóc Môn: có 6 xe nhưng sử dụng đã
14 năm).
- Kho bãi xử lý phương tiện tang vật đã quá tải,
không đủ diện tích để tạm giữ (quận 8, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn).
b) Lĩnh vực an toàn thực phẩm:
- Việc xử phạt chưa kiên quyết, công tác kiểm tra
chưa được tăng cường, chưa tạo được chuyển biến tốt về hành vi và nhận thức của
tổ chức, cá nhân về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tổ chức xử phạt trên
lĩnh vực an toàn thực phẩm còn quá ít so với số lượng vụ kiểm tra và phát hiện
vi phạm (quận Thủ Đức: kiểm tra 1.772 cơ sở, phát hiện 469 trường hợp, xử phạt
200 cơ sở (42,6%); quận Phú Nhuận: kiểm tra 677 cơ sở, phát hiện 201 trường hợp,
xử phạt 67 cơ sở (33,3 %),.. (Xem Phụ lục 4 đính kèm).
- Nhân sự: thay đổi thường xuyên, chủ yếu là cán bộ
kiêm nhiệm, chưa có chính sách quan tâm, đãi ngộ phù hợp,… dẫn đến việc không đủ
cán bộ có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý vệ sinh an
toàn thực phẩm, còn tâm lý ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm trong quá trình
làm việc.
- Trang thiết bị phục vụ cho việc lấy mẫu xét nghiệm
chưa được trang bị đầy đủ.
IV. GIẢI PHÁP KHẮC
PHỤC VÀ KIẾN NGHỊ
1. Giải pháp khắc phục:
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về
thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố
sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải
pháp sau:
a) Đôn đốc, chấn chỉnh các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố khắc phục tình trạng dự báo chưa sát
hợp trong việc đề xuất Chương trình lập quy và chậm tham mưu cho Ủy ban nhân
dân thành phố trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc Chương
trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân thành phố.
b) Chỉ đạo các Sở - ngành, Ủy ban
nhân dân quận - huyện các biện pháp đảm bảo việc thi hành pháp luật:
- Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc
tự giác tuân thủ pháp luật, đặc biệt là pháp luật về an toàn thực phẩm; chú ý sử dụng và phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại
chúng như truyền thanh, truyền hình, báo viết, internet, và có các phương thức
phù hợp để thông tin đến được các đối tượng cần tuyên truyền.
- Đảm bảo các điều kiện về tổ chức, bộ
máy, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm
tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử
phạt nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm,
nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ
sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
c) Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp
giữa các đơn vị có liên quan đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an
toàn thực phẩm, để đảm bảo hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước
trong 2 lĩnh vực này trên địa bàn thành phố.
2. Kiến nghị:
Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị
Chính phủ, các Bộ và các Cơ quan ngang Bộ:
- Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn
triển khai thi hành Luật, Nghị định của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung các văn bản
quy phạm pháp luật có những nội dung bất cập (cụ thể nêu tại Phụ lục 3 đính
kèm);
- Sớm ban hành tiêu chí đánh giá tình hình thi hành
pháp luật;
- Xác định lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi tình
hình thi hành pháp luật hàng năm (hoặc trong khoảng thời gian xác định) trên phạm
vi cả nước để các Bộ và địa phương chủ động hơn trong phối hợp, tổ chức thực hiện.
Trên đây là Báo cáo của Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thi hành pháp luật đối với 02 lĩnh vực
trọng tâm An toàn giao thông và An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012 trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh.
Đính kèm các phụ lục:
+ Phụ lục 1: Danh mục văn bản quy phạm
pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành về 02 lĩnh vực
trọng tâm được theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
+ Phụ lục 2: Tình hình xây dựng, ban
hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc Chương trình xây dựng, ban hành văn bản
quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố;
+ Phụ lục 3: Những kiến nghị về hoàn
thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
+ Phụ lục 4: Tổng hợp số liệu về tình
hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
+ Phụ lục 5: Tổng hợp số liệu về tình
hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở - ban ngành TP;
- Ủy ban nhân dân quận - huyện;
- VPUB: CPVP; Các Phòng CV;
- Lưu:VT, (PCNC-TNh) H.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Trí
|