Báo cáo 302/BC-BTP năm 2021 về tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp thời gian qua, định hướng hoạt động Hội đồng giai đoạn 2022–2026 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 302/BC-BTP
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 28/12/2021
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thanh Tịnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 302/BC-BTP

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CÁC CẤP THỜI GIAN QUA, ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG HỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022 – 2026 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022

Kính gửi: Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương

Ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tại Điều 7 đã quy định thiết chế Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi là Hội đồng). Thực hiện nhiệm vụ được Luật giao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng[1]. Qua theo dõi, tham mưu tổng hợp, Bộ Tư pháp – Cơ quan Thường trực Hội đồng báo cáo kết quả hoạt động Hội đồng các cấp từ năm 2013 đến nay, định hướng hoạt động Hội đồng giai đoạn 2022 – 2026nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 như sau:

I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TỪ NĂM 2013 ĐẾN NAY

1. Việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng

a) Từ năm 2013 đến ngày 07/8/2021, Hội đồng được thành lập và kiện toàn theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg. Theo đó, Hội đồng là thiết chế tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL. Hội đồng trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng với 33 thành viên; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng với 30 đến 48 thành viên/Hội đồng cấp tỉnh. Dù Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) không quy định phải thành lập, nhưng căn cứ vào yêu cầu của công tác PBGDPL của ngành, lĩnh vực, có 26 bộ, ngành, đoàn thể đã thành lập Hội đồng và phát huy vai trò tích cực trong tư vấn, tham mưu công tác PBGDPL cho ngành, lĩnh vực của mình (xin xem Phụ lục I).

b) Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL, trong đó lần đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, đến ngày 27/12/2021, Hội đồng trung ương[2], 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã kiện toàn Hội đồng cùng cấp và văn bản triển khai thực hiện Quyết định này (xem Phụ lục II).

2. Kết quả cụ thể đạt được

2.1. Tham mưu xây dựng thể chế về công tác PBGDPL

a) Ở trung ương: Từ năm 2013 đến nay, sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực, với sự tham mưu, tư vấn của Hội đồng trung ương, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Kết luận số 80-KL/TW); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương đã ban hành 19 văn bản quy phạm pháp luật[3] về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) (xem Phụ lục III).

b) Ở địa phương: Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL trên địa bàn. Hiện có 46/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh[4] quy định về kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL.

2.2. Tham mưu xây dựng, hướng dẫn thực hiện chương trình, đề án về PBGDPL

a) Ở trung ương: Từ năm 2013 đến nay, với sự tham mưu, tư vấn của Hội đồng, các bộ, ngành, đoàn thể đã và đang triển khai 47 đề án, kế hoạch theo từng giai đoạn thực hiện về PBGDPL (xem Phụ lục IV). Năm 2021 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021, Cơ quan Thường trực Hội đồng đã ban hành văn bản, kế hoạch hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương thực hiện tổng kết Chương trình này[5]. Qua tổng hợp, 100% các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã tổng kết Chương trình, đề án đúng tiến độ.

b) Ở địa phương: Sở Tư pháp – Cơ quan Thường trực Hội đồng cấp tỉnh là cơ quan đầu mối theo dõi, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021, các đề án về PBGDPL. Nhìn chung, các đề án trong Chương trình đã được địa phương triển khai dưới nhiều hình thức phong phú. Hiện 63/63 địa phương đã tổng kết thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021.

2.3. Tham mưu tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; tổ chức thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư

Hội đồng đã tư vấn tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Trên cơ sở kết quả tổng kết, Hội đồng đã tư vấn ban hành Kết luận số 80-KL/TW, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Hiện đã có 07 bộ, ngành, đoàn thể trung ương[6]; 63/63 địa phương đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg (xem Phụ lục V). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ban hành Đề án được giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg bảo đảm tiến độ[7]. Nhiều địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân triển khai thực hiện các Đề án này.

2.4. Hướng dẫn nội dung PBGDPL trọng tâm, hình thức PBGDPL

a) Hằng năm, Hội đồng trung ương đều ban hành Kế hoạch công tác năm, trong đó có sự phân công trách nhiệm thực hiện đối với từng thành viên của Hội đồng. Bên cạnh đó, Hội đồng trung ương còn ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai công tác PBGDPL cho Hội đồng các cấp. Trên cơ sở đó, Hội đồng các cấp đã ban hành các văn bản tham mưu, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Năm 2021, có 27 bộ, ngành, đoàn thể ban hành riêng Kế hoạch PBGDPL; các bộ, ngành, đoàn thể khác thực hiện lồng ghép nhiệm vụ PBGDPL trong các kế hoạch công tác pháp chế; 100% Ủy ban nhân dân, Hội đồng cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL năm 2021 (xem Phụ lục V).

b) Nội dung PBGDPL trọng tâm hằng năm được hướng dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua, ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của đất nước như: việc ban hành Hiến pháp năm 2013, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân[8]…; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội[9], trong đó, năm 2020, 2021, một trong những nội dung trọng tâm là pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19[10]; các điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên; Công ước, điều ước quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… Nhiều địa phương chủ động ban hành văn bản riêng hướng dẫn phổ biến vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn, định hướng lựa chọn nội dung PBGDPL theo từng tháng, quý[11].

c) Hoạt động PBGDPL cũng đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng, quan tâm hơn đến nhóm đối tượng đặc thù. Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết tháng 6/2021, cả nước đã tổ chức hơn 8,3 triệu cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp dưới nhiều hình thức thu hút hàng trăm triệu lượt người tham dự; tổ chức 93.829 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 53.902.760 lượt người tham gia; phát hành hơn 405 triệu bản tài liệu pháp luật, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài.

Bên cạnh các hình thức truyền thống, các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Tính đến ngày 26/11/2021, cả nước có 02 bộ, ngành[12] và 06 địa phương[13] đã vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL và 05 bộ, ngành, 40 địa phương đã xây dựng, vận hành Trang Thông tin PBGDPL (xem Phụ lục VI). Các bộ, ngành, địa phương còn lại đã có chuyên mục PBGDPL trên Cổng hoặc Trang Thông tin điện tử. Bên cạnh đó, một số hình thức PBGDPL mới, hiệu quả đang được triển khai như: tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; đối thoại, tư vấn văn bản pháp luật trực tuyến; PBGDPL qua mạng xã hội; giải đáp pháp luật qua thư điện tử, gửi ý kiến giải đáp qua đường bưu điện; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử, qua điện thoại

Các hình thức PBGDPL đa dạng, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Trong đó, những hình thức PBGDPL thông qua ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong cả nước và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

2.5. Hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

Thực hiện Điều 8 Luật PBGDPL năm 2012, từ năm 2013 đến nay, Hội đồng trung ương đã tư vấn, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam với chủ đề phù hợp, có điểm nhấn[14].

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả, thiết thực như: Thực hiện chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức (thi sân khấu, thi trực tuyến, thi viết, thi sáng tác tiểu phẩm pháp luật…)[15]; tổ chức tọa đàm, hội thảo về Ngày Pháp luật, hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL; tư vấn pháp luật miễn phí, trợ giúp pháp lý; tổ chức diễn đàn góp ý dự thảo Luật; tổ chức Ngày hội pháp luật, phiên tòa giả định; treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng; tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật; lồng ghép sinh hoạt “Ngày Pháp luật” với “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”; xây dựng chuyên mục hưởng ứng “Ngày Pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng; tin nhắn điện thoại hưởng ứng Ngày Pháp luật...

2.6. Tham mưu các giải pháp nâng cao hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai hoạt động PBGDPL

Với sự tham mưu của Hội đồng, các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương đã ký kết 11 chương trình phối hợp có nội dung về PBGDPL (xem Phụ lục VII). Nhiều địa phương (Bến Tre, Đồng Tháp, Điện Biên…) đã đổi mới hình thức thông tin, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thành viên Hội đồng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ