Báo cáo số 2821/TM-QLTT ngày 22/07/2002 của Bộ Thương mại về việc báo cáo sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2002

Số hiệu 2821/TM-QLTT
Ngày ban hành 22/07/2002
Ngày có hiệu lực 22/07/2002
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Phan Thế Ruệ
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2821/TM-QLTT

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2002

 

BÁO CÁO SƠ KẾT CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2002

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Tình hình thị trường hàng hoá, giá cả:

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2002 thị trường hàng hoá có biến động, giá cả tăng không đều. Giá một số mặt hàng tăng đáng kể so với Quý 4/2001 như xăng dầu, xi măng, sắt thép. Trước và trong Tết Nhâm Ngọ, do sức mua tăng cao nên hoạt động vận chuyển, buôn bán nhập lậu, hàng cấm và 17 mặt hàng quy định phải dám tem cũng tăng mạnh. Sang tháng 6/2002, giá cả một số mặt hàng chủ yếu đã đứng ở mức cao; gạo tẻ thường phổ biến ở mức 2800 - 3000đ/kg, giá vàng 99,99% bán ra từ 580.000 - 590.000 đ/chỉ; giá đôla Mỹ bán ra từ 15.200 - 15.300 đ/USD, sắt thép xây dựng các loại tăng từ 150.000 - 200.000 đ/tấn... Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, sự quan tâm của các Bộ, ngành nên 6 tháng qua không có "cơn sốt" nào đáng kể xảy ra. Thị trường hàng hoá phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp nhưng vẫn còn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào.

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2002 tăng so với tháng 12/2001 khoảng 2,8%, trong đó giá lương thực 3,2%; thực phẩm 7,3%; vàng 11,6%; đôla Mỹ 1%.

2. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại:

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 1254/VPCP-V1 ngày 14/3/2002 của Văn phòng Chính phủ và phương án số 0993/BCĐ 127 ngày 20/3/2002 của Ban chỉ đạo 127-TW về việc tập trung chỉ đạo và đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đồng loạt ra quân, tích cực điều tra, trinh sát nắm tình hình, tăng cường kiểm tra kiểm soát và đã thu được một số kết quả nhưng nhìn chung tình hình chưa chuyển biến rõ rệt và không đồng đều ở các địa phương; thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn: Buôn lậu vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến; hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại đa dạng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn; sự chống trả người thi hành công vụ của chúng cũng quyết liệt và trắng trợn hơn.

Tình hình cụ thể trên một số tuyến như sau:

a. Tuyến biên giới Việt - Trung:

Tại Lạng Sơn: Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại diễn ra trên cả đường bộ, đường sắt, các chợ và trung tâm thương mại. Trên đường bộ: Sau khi vận chuyển qua biên giới, hàng được tập kết ngay đường biên ở phía Việt Nam, sau đó được xé nhỏ, vận chuyển nhiều lần trên các loại xe con, xe khách, xe du lịch; cao điểm, có ngày tới 300 - 400 xe và hầu như xe nào cũng có hàng lậu. Trên tuyến đường sắt, ngoài các thủ đoạn thông thường, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng một số quy định bất hợp lý hoặc chủ trương khác nhau giữa các ngành để vận chuyển hàng lậu. Tại các chợ và trung tâm thương mại, hàng lậu bày bán công khai và không tuân thủ Quy chế ghi nhãn hàng hoá. Đặc biệt, việc không quan tâm đến xuất xứ hàng hoá, chi thu thuế trên khâu lưu thông đã tạo điều kiện cho các đối tượng làm ăn phi pháp dùng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành để lưu thông hàng nhập lậu trong cả nước sau khi đã qua biên giới, làm thất thu thuế xuất nhập khẩu và hợp thức hóa cho hàng lậu.

Việc tổ chức, chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) chưa kiên quyết và triệt để dẫn đến tình trạng tồn tại đường dây buôn lậu lớn, phạm vi hoạt động rộng, nhiều năm mà chính quyền và các lực lượng liên quan ở địa phương không xử lý mà vụ Hang Dơi là một điển hình.

Tại Quảng Ninh: tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp và những tháng gần đây có xu hướng gia tăng. Ngoài các mặt hàng vải, quần áo may sẵn và các mặt hàng tiêu dùng khác, nổi lên việc nhập lậu xi măng Trung Quốc. Ngoài ra, đã phát hiện một số trường hợp đường, thuốc lá, dầu DO tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu qua Trung Quốc quay trở lại Việt Nam.

Việc vận chuyển hàng lậu trên biển vẫn tiếp diễn, kết quả ngăn chặn rất hạn chế.

b. Tuyến biên giới Việt - Lào:

Tại Quảng Trị: Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp hơn so với trước, nhất là từ khi khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo đi vào hoạt động. Trước đây, hàng hoá thẩm lậu trên phạm vi tương đối hẹp thì nay với diện tích gần 16.000 ha, dân số khoảng 25.000 người, đa số là nghèo và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế hàng hoá thẩm lậu dễ dàng hơn. Điểm nóng về buôn lậu vẫn là khu vực cửa khẩu Lao Bảo. Lượng thuốc lá nhập lậu ở khu vực này khá lớn nhưng chưa phát hiện, triệt phá được các ổ nhóm và đường dây buôn lậu lớn, UBND tỉnh đang tìm các giải pháp để xử lý vấn đề này.

Tại Quảng Bình: Một số đối tượng buôn lậu trước đây đã bán tàu, thuyền, chuyển nghề khác, nay sắm lại phương tiện để hoạt động, nhưng tình hình buôn lậu được hạn chế nhiều do UBND tỉnh Quảng Bình sớm có kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ đạo 127 của tỉnh đã triển khai hoạt động ngay tại các địa bàn trọng điểm như Thanh Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch... đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện tốt kế hoạch này.

Tại Hà Tĩnh: Tình hình buôn lậu vẫn diễn biến rất phức tạp, c ác đối tượng buôn lậu không chỉ hoạt động ban đêm mà ngay cả ban ngày, "cửu vạn" vẫn cõng hàng qua 2 bên cánh gà cửa khẩu Cầu Treo. Hàng lâu qua tuyến này nổi lên trong thời gian qua là nước giải khát "Bò húc", ti vi, tủ lạnh...

Tại Nghệ An: Nhiều đối tượng buôn lậu đã dùng tàu, thuyền tổ chức buôn bán,đưa hàng lậu có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản vào thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu; ngoài ra, chúng còn tổ chức "đón" hàng lậu từ cửa khẩu Cầu Treo đưa qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên về T.P Vinh để tiêu thụ.

c. Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia:

Tại An Giang: Thực hiện kế hoạch số 06/KH-BCĐ ngày 04/4/2002 của Ban chỉ đạo 127/ĐP, các ngành, các cấp đã triển khai khẩn trương, có các biện pháp rất cụ thể cho từng địa bàn, điển hình là Kế hoạch số 17/KH-PC 15 về triển khai thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo 127 tỉnh hay Phương án phối hợp số 84/PA.PC - 15 của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh về tổng kiểm tra mặt hàng đường cát ở 4 địa bàn trọng điểm... Quá trình thực hiện bước đầu đã đem lại kết quả tốt, nhờ đó, tình hình buôn lậu và gian lậu thương mại đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu đang tìm cách thay đổi phương thức hoạt động để đưa hàng qua biên giới. Điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn này vẫn là xã Vĩnh Xương, Vĩnh Ngươn và thị xã Châu Đốc.

Tại Tây Ninh: Nhìn chung buôn lậu giảm nhưng khu vực 3 xã phía Tây huyện Trảng Bàng, nhất là khu vực Y9 - Châu Ó - Phước Chỉ, buôn lậu vẫn không giảm, do khu vực này có nhiều đường mòn qua biên giới. Thủ đoạn hoạt động đáng lưu ý của các đối tượng buôn lậu nơi đây là tổ chức vận chuyển hàng lậu từng đoàn có xe mở đường, cản hậu để hộ tống.

Tại Long An: Tình hình buôn lậu giảm như ở An Giang do có sự chỉ đạo cương quyết của UBND và Ban chỉ đạo 127 tỉnh.

d. Tuyến biển: Hàng nhập lậu nổi lên trong thời gian qua là phụ tùng ô tô cũ, ngoài ra còn có hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, gạch ốp lát... Phương thức và thủ đoạn chủ yếu vẫn là dùng tàu, thuyền mang hàng ra nước ngoài bán rồi vận chuyển hàng lậu về nước ta, khi cách bờ khoảng 100 - 140 hải lý chúng sang mạn các tàu nhỏ, lợi dụng đêm tối chuyển hàng vào bờ hoặc bằng nhiều hình thức khác để đưa hàng vào đất liền. Một số đối tượng lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu để nhập lậu với số lượng lớn đã bị lực lượng Hải quan bắt giữ.

e. Tuyến hàng không - bưu điện: Hàng nhập lậu là các mặt hàng có thuế suất cao như điện thoại di động và linh kiện, hàng điện tử, tân dược, vải... Xuất lậu vẫn là cổ vật, ngoại tệ. Hàng ngàn kiện vải đã đi qua tuyến này. Phương thức hoạt động rất tinh vi và đối tượng vi phạm rất đa dạng, trong đó có cả các Tiếp viên Hàng không Việt Nam, điển hình là việc nhập lậu gần 400 điện thoạt di động cùng nhiều linh kiện, gần 7kg vàng giấu vào xe chứa suất ăn của hành khách trong tháng 5 vừa qua tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.

f. Trên tuyến đường sắt: các mặt hàng tiêu dùng nhập lậu vẫn được vận chuyển bằng đường sắt từ biên giới vào trong nội địa, phức tạp nhất vẫn là tuyến Lạng Sơn - Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng Công an, Quản lý thị trường cùng ngành đường sắt xử lý được một số vụ việc, tình hình đã dịu xuống.

g. Trên thị trường nội địa: nhiều mặt hàng nhập lậu vẫn được bày bán công khai, các đối tượng làm ăn phi pháp vẫn dùng mội phương thức và thủ đoạn để lưu thông và hợp thức hóa hàng lâụ. Từ khi triển khai phương án chống vải và thuốc lá ngoại nhập lậu, chúng rút vào hoạt động lén lút, bí mật hơn.

3. Tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả:

Mặc dù các lực lượng chức năng rất tích cực và tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa bị đẩy lùi. Hàng giả bao gồm nhiều loại như hàng tiêu dùng, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc, thiết bị... hàng giả chủ yếu là giả về chất lượng, về nhãn hiệu, về kiểu dáng công nghiệp, sản xuất tại nước ngoài nhập khẩu hoặc nhập lậu vào nước ta. Việc kiểm tra, xử lý hàng giả còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Hàng giả khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ không có kinh phí cho lưu giữ, bảo quản và tổ chức tiêu huỷ, do đó một số Chi cục và nhiều địa phương chưa thật quan tâm đến công tác chống hàng giả. Nhận thức của nhiều hộ kinh doanh về ý thức tự giác, trách nhiệm, lương tâm của mình đối với người tiêu dùng chưa được nâng cao.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ