BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 259/BC-BVHTTDL
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 11
năm 2013
|
BÁO CÁO
VỀ VIỆC RÀ SOÁT HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO HIỆN HÀNH VÀ ĐÁNH GIÁ GIỮA
KỲ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2012-2015 VÀ
TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 80/NQ-CP VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THỜI KỲ
2011-2020
Kính
gửi: Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận
được Công văn số 3498/LĐTBXH-GN ngày 16 tháng 9 năm 2013 về việc đánh giá giữa
kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và
triển khai Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo
bền vững thời kỳ 2011-2020 và Công văn số 4167/LĐTBXH-VPQGGN ngày 29 tháng 10
năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị báo cáo đánh giá các
chính sách giảm nghèo do Bộ quản lý và thực hiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
báo cáo tình hình thực hiện như sau:
I. HỆ THỐNG CÁC CHÍNH SÁCH LIÊN
QUAN ĐẾN GIẢM NGHÈO DO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN
- Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà
nước về giảm nghèo, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người
nghèo góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống
giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng cơ chế, chính sách
đưa văn hóa, thể thao và du lịch về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ
đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn đặc biệt khó khăn
có điều kiện tiếp cận với văn hóa, thể thao thông qua các đề án, chương trình mục
tiêu quốc gia. Với nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng và
trang bị thiết bị cho các Trung tâm văn hóa thể thao, Nhà văn hóa thể thao cấp
xã, phường, thôn, ấp; Xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em ở các khu vực nông
thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi; Tập trung đầu tư xây dựng
và bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn
với đời sống văn hóa cộng đồng thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ
của Nhà nước, chính phủ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản quy phạm pháp luật,
các quyết định, chỉ thị... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các
Bộ, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch, tiêu chí đầu tư, các định mức hỗ trợ,
bố trí kinh phí cho từng mục tiêu, dự án một cách công khai, minh bạch; hướng dẫn
và tăng cường phân cấp quản lý và lập dự toán kinh phí đối với các mục tiêu, dự
án do địa phương tổ chức thực hiện cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra.
1. Các chính sách liên quan đến
giảm nghèo Bộ đang triển khai thực hiện
- Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày
14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;
- Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày
20/7/2006 về việc cấp 14 loại báo, tạp chí nhằm tăng cường công tác thông tin,
tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;
- Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày
05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn
đến 2015, định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày
16/9/2011 phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn
2011-2015, định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày
23 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành
Quy chế công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa;
- Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày
12/3/2010 phê duyệt đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ
Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn
2010-2015”;
- Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày
27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa
các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Với 6 dự án thành phần:
Dự án 1: Xây dựng bộ chỉ số phát triển
văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, tổng kiểm kê di sản các dân
tộc thiểu số;
Dự án 2: Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ
tăng cường năng lực bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở
vùng đồng bào dân tộc thiểu số (đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phê duyệt tại Quyết định số 3508/QĐ-BVHTTDL ngày
10/10/2013);
Dự án 3: Đào tạo và sử dụng nguồn
nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số;
Dự án 4: Gắn kết phát triển kinh tế
và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số;
Dự án 5: Giới thiệu quảng bá các sản
phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số
và đưa giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc vào trường học;
Dự án 6: Chương trình hoạt động, lễ hội
và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh vùng và quốc gia giai đoạn
2011-2020.
- Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến 2015,
định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày
05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về
văn hóa giai đoạn 2012-2015;
- Liên Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ
Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 46/2006/TTLT/BVHTT-BTC ngày 25/4/2006
hướng dẫn thực hiện Quyết định 170/2003/QĐ-TTg. Ngoài nguồn kinh phí của nhà nước,
chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ kinh phí hay
hiện vật và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp
với phong tục tập quán, tuổi tác, thể chất và tinh thần của các đối tượng được
hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;
- Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày
21 tháng 1 năm 2011 Quy định về việc thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
- Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8 tháng 3 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quy định về tổ chức, hoạt động của Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn, làng, ấp bản,
phun sóc, buôn, plây (sau đây gọi chung là thôn);
- Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày
02/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định chi tiết về
tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn
văn hóa nông thôn mới”.
- Kế hoạch liên tịch số
2064/KHLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTƯMTTQVN-TƯĐTNCSHCM phát động toàn dân tham gia
vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản
lý, hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng giữa Bộ
Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Thông tư liên tịch số
51/2013/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015.
2. Đánh giá kết
quả thực hiện các chính sách về giảm nghèo
2.1. Kết quả thực hiện các
chính sách hỗ trợ giảm nghèo
Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đã và đang triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác
trong ngành, cụ thể:
- Tổ chức thực hiện các hoạt động
tuyên truyền cổ động, lấy lực lượng tuyên truyền lưu động, đội văn nghệ quần chúng làm nòng cốt mở rộng các đợt vận động lớn tuyên truyền cổ động các nhiệm vụ chính
trị, các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, góp phần đáng kể vào việc cổ vũ nhân
dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước sâu rộng ở cơ sở; khơi dậy sức sáng tạo chủ
động của nhân dân qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn truyền thống
văn hóa trong gia đình, làng, thôn, bản, ấp tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đó nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo được môi trường văn
hóa lành mạnh, khắc phục tình trạng chênh lệch
mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở các vùng, miền, vùng dân tộc thiểu số,
biên giới, hải đảo góp phần thiết thực trong lĩnh vực văn hóa về xóa đói, giảm
nghèo.
- Từng bước xây dựng, đầu tư trang thiết bị hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tăng cường
hoạt động văn hóa nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên khắp mọi
miền Tổ quốc, đặc biệt nâng cao đời sống tinh thần, tạo động lực phát triển sản
xuất phát triển kinh tế gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các
dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
- Tiếp tục triển khai thực hiện phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; vận động nhân dân tham gia
xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ
hội. Kết quả nổi bật của các phong trào nói trên đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng:
huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở vật
chất hạ tầng tạo sự chuyển biến tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh, thực hành
tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và
phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
dân tộc, gìn giữ thuần phong mỹ tục, ngăn chặn và đẩy lùi
các tệ nạn xã hội. Lễ đón Bằng công nhận Làng văn hóa, khu phố văn hóa đã trở
thành ngày hội văn hóa, là niềm tự hào và khơi dậy ý thức trách nhiệm xây dựng
cộng đồng của nhân dân.
Năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tổ chức Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc
lần thứ nhất diễn ra từ ngày 29-30/9/2007 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với
911 gia đình đại diện cho hơn 40 dân tộc và 8 thành phần tôn giáo thuộc 64 tỉnh,
thành phố tham gia. Hội nghị mang ý nghĩa chính trị sâu sắc
trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân
dân về tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình
văn hóa giai đoạn trong hiện nay, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống
văn hóa ở cơ sở. Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức Hội thảo xây dựng gia đình văn hóa với
công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm tìm
ra những biện pháp hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, đẩy lùi tội phạm và tệ
nạn xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện tốt vai trò Thường trực Ban
Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo từng
bước hoàn thiện và ban hành các quy chế, chính sách triển khai thực hiện Chương
trình như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương; Quy chế về
công nhận Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; Thông tư liên tịch
hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp; Thông tư hướng dẫn về phối hợp chỉ
đạo, tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Hướng dẫn hình thức, đối tượng và
tiêu chuẩn khen thưởng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa.
Việc đưa các nội dung, tiêu chí của
phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vào
các nhiệm vụ chính trị, lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các
thành viên Ban Chỉ đạo thông qua phong trào Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa là giải pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện phong
trào đúng đắn, tạo ra sự gắn kết giữa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa tại các khu dân cư, mở rộng phạm vi, đối tượng thực hiện phong trào, quy tụ lực lượng của toàn xã hội tham gia thực hiện phong trào, hướng mục tiêu của phong trào vào phong trào thi đua
yêu nước chung, "tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
2.2. Kết quả bố trí nguồn lực
thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo
- Ngày 27/7/2011 Thủ tướng Chính phủ
đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn,
phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Với mục tiêu huy động sức mạnh của
toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của
các dân tộc thiểu số phù hợp với
tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng các địa bàn, các dân tộc có
nguy cơ bị mai một, biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn
hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; Tôn vinh các giá trị
văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng
tạo các giá trị văn hóa mới. Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.
- Đề án được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt với Tổng kinh phí dự kiến là 1.512 tỷ đồng (giai đoạn 1: 2011-2015 là 1.030,7 tỷ đồng;
giai đoạn 2: 2016-2020 là 481,3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nguồn ngân sách nhà nước có hạn nên Chính phủ
không thể bố trí nguồn ngân sách riêng để thực hiện đề án,
kinh phí triển khai thực hiện đề án này chủ yếu được Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép bố trí từ nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ
thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Kết quả thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia về văn hóa
- Dự án Chống xuống
cấp và tôn tạo di tích
Giai đoạn 2006-2010 với kinh phí dự
án 3.496,5 tỷ đồng: Đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 130 di tích; hỗ trợ chống
xuống cấp cấp thiết, sửa chữa nhỏ cho 801 di tích; Chống
xuống cấp bằng hóa chất, chống mối, chống tiêu tâm cho 120 di tích. Giai đoạn
2011-2013 với kinh phí 1.189 tỷ đồng đã hỗ trợ tu bổ tôn tạo tổng thể 280 di tích; hỗ trợ chống
xuống cấp cấp thiết, sửa chữa nhỏ cho 619 di tích.
- Dự án Sưu tầm, bảo tồn và phát huy
di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam
Giai đoạn 2006-2010 với kinh phí dự
án 132 tỷ đồng: Đã thực hiện sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể được 458 dự án; hỗ trợ
lập hồ sơ khoa học 04 kiệt tác văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận là di
sản văn hóa thế giới; Cấp trang thiết
bị cho 15 trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật
thể tại 15 tỉnh thành phố. Giai đoạn 2011-2013 với kinh
phí 62,5 tỷ đồng đã tổ chức quảng bá
và thực hiện sưu tầm 230 dự án văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Dự án điều tra, bảo tồn một số
làng, bản buôn tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc dân tộc
thiểu số
Giai đoạn 2006-2010 với kinh phí dự
án 112,5 tỷ đồng: Đã hỗ trợ để phục dựng 38 lễ hội truyền thống tiêu biểu của
các dân tộc; hỗ trợ bảo tồn 20 làng truyền thống tiêu biểu.
Những di tích lịch sử, các làng, bản,
buôn, lễ hội truyền thống sau khi được hỗ trợ đầu tư tu bổ, phục dựng đã góp phần
bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng
thời hình thành trên địa bàn các dân tộc tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lịch
sử từ đó nhân rộng phát triển mô hình làng văn hóa-du lịch, điểm văn hóa du lịch,
tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại làng, bản ở các vùng dân tộc thiểu số,
thúc đẩy du lịch phát triển, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho cộng đồng dân
cư nơi có di tích và lễ hội truyền thống, mang lại lợi ích vật chất thiết thực
cho nhân dân góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương.
- Dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát
triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở vùng sâu, vùng
xa.
Giai đoạn 2006-2010 với kinh phí dự
án 261 tỷ đồng: Đã hỗ trợ cấp 300 xe văn hóa thông tin lưu động tổng hợp cho
các đội thông tin lưu động cấp tỉnh, huyện (mức hỗ trợ 350-400 triệu đồng/xe);
cấp 105 lượt trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động cấp tỉnh (mỗi lượt trị giá 60 triệu đồng); cấp 484 lượt trang thiết bị cho các đội thông tin
lưu động cấp huyện (mỗi lượt trị giá 30 triệu đồng); Đầu tư 55 lượt trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh (60 triệu đồng cho một Trung tâm), 482 lượt cho Trung tâm Văn hóa cấp huyện (mỗi
Trung tâm 30 triệu đồng), và 1.100 Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (15 triệu đồng cho một Nhà văn hóa); Đầu tư bộ trang thiết bị trị giá 14,5 triệu
cho các xã đặc biệt khó khăn (theo danh mục các xã đặc biệt khó khăn khu
vực III được Chính phủ công bố).
Giai đoạn 2011-2013 với kinh phí
138,43 tỷ đồng đã hỗ trợ xây dựng 06 Trung tâm văn hóa thể thao huyện, 343 nhà văn hóa xã và 812 nhà văn hóa
thôn, bản. Hỗ trợ 17,24 tỷ đồng mua trang thiết bị cho Trung tâm văn hóa thể
thao huyện; 53,9 tỷ đồng mua trang thiết bị cho Trung tâm văn hóa thể thao xã
và 71 tỷ đồng để mua trang thiết bị cho nhà văn thôn, bản.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối
kinh phí về cho các địa phương, để các địa phương chủ động
mua sắm trang thiết bị và có trách nhiệm quản lý sử dụng
các trang thiết bị này. Thông qua đầu tư xây dựng và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động cho các thiết chế văn
hóa hình thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các khu dân cư. Những thiết
chế văn hóa này đã góp phần vào việc tuyên truyền các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đó có chính
sách về giảm nghèo.
- Dự án cấp sản phẩm văn hóa thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuyến
biên giới hải đảo
Giai đoạn 2006-2010 với kinh phí 38 tỷ
đồng: Đã sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa, ấn phẩm văn hóa hàng năm cho
2.674 xã đặc biệt khó khăn, vùng chiến khu căn cứ địa cách
mạng của 48 tỉnh/thành miền núi, 322 đội thông tin lưu động các huyện miền núi
dân tộc, 185 trường phổ thông dân tộc nội trú; 369 đồn biên phòng. Giai đoạn
2011-2013, hỗ trợ 62 tỷ đồng mua sách cho 400 thư viện huyện, miền núi, vùng
sâu, vùng xa; 45 tỷ đồng mua các ấn phẩm văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số với 2.763 xã khu vực III,
184 trường phổ thông dân tộc nội trú, 349 đội thông tin lưu động và các xã thuộc
62 huyện nghèo; hỗ trợ 16 tỷ đồng để mua trang thiết bị, sản phẩm văn hóa thông
tin cho 167 Đồn biên phòng và các đội tuyên truyền văn hóa Bộ đội biên phòng để
xóa trắng các điểm trắng văn hóa tại vùng biên giới, hải đảo.
Việc sản xuất và cung cấp ấn phẩm văn
hóa bằng ngôn ngữ phổ thông và dịch ra các thứ tiếng dân tộc Thái, Dao, Mông,
EĐê, BaNa, GiaRai, Khmer, Chăm... phù hợp với đặc thù văn hóa của đồng bào các
dân tộc giúp đồng bào hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng
cao kiến thức về pháp luật, khoa học
kỹ thuật ứng dụng thiết thực góp phần xóa đói, giảm nghèo ở
vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao
đời sống tinh thần, bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền, chống tệ nạn xã hội,
bài trừ các hủ tục mê tín, lạc hậu.
- Phối hợp đẩy mạnh thực hiện các mục
tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đặc biệt quan tâm phát triển
văn hóa ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc
thiểu số, biên giới và hải đảo. Bảo đảm nhu cầu dạy và học
tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số
cho các cấp học. Tích cực đầu tư hệ thống
trường, lớp, kiên cố hóa trường lớp (nâng cấp và xây mới các trường hiện có, quy hoạch lại các trường chuyên nghiệp ở vùng đồng bào dân
tộc thiểu số); đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo cử tuyển
con em dân tộc vào các trường cao đẳng, đại học; Cải thiện tiền lương, chế độ
đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản
lý, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân
tộc thiểu số; bảo đảm mức học bổng, chính sách hỗ trợ đối
với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tập tại các trường đào tạo
công lập lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; có chính sách đào tạo,
sử dụng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi
đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.
Trong các Chiến lược, Quy hoạch phát
triển Ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng lồng ghép xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế địa
phương. Ưu tiên lập quy hoạch các khu du lịch quốc gia, điểm
du lịch quốc gia đô thị du lịch; các khu tuyến, điểm du lịch
thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm phát triển du
lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; Thực
hiện chính sách phát triển bền vững, có chính sách ưu đãi đối với phát triển du
lịch sinh thái, du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu
kinh tế xóa đói giảm nghèo, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Xây
dựng Đề án Nâng cao năng
lực của gia đình trong phát triển
kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo
việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách,
hộ nghèo và cận nghèo.
Kết quả thực hiện Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm
2015, định hướng đến năm 2020
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà
nước về Phát triển văn hóa nông thôn trên cơ sở kế thừa những
kết quả, thành tựu đã đạt được sau 10 năm (2000-2010) thực
hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, lồng ghép Chương
trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau làm giàu chính đáng
ở nông thôn. Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, các địa
phương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa” các cấp kiểm tra, đôn đốc tại 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới
(XDNTM) của Ban Bí thư Trung ương, 1.392 xã điểm XDNTM của các tỉnh/thành trên
địa bàn toàn quốc; hàng năm Ban Chỉ đạo Trung ương có đánh giá tiến độ và kết
quả triển khai, phát hiện để chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các
xã chỉ đạo điểm XDNTM, xây dựng Trung tâm văn hóa-thể thao xã, xây dựng Nhà văn
hóa-khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ
dân phố văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho
người dân ở nông thôn. Đại đa số các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đều thực
hiện đầy đủ 5 tiêu chuẩn với 21 tiêu chí công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ
dân phố văn hóa”. Các tỉnh/thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng,
Hà Tĩnh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bến tre, Đồng Nai, Nghệ An..., có nhiều giải pháp duy trì và giữ vững danh hiệu làng văn hóa trong
nhiều năm liền, thực hiện tốt quy ước làng (thôn, ấp, bản), phổ biến nhân rộng
mô hình làng văn hóa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề phụ, huy
động được nội lực của người dân nông thôn vào việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ
tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới; xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về
chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, tạo dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp - an toàn”.
- Thực hiện Thông tư số
12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa, thể thao
xã, theo tiêu chí số 06 của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhiều địa
phương áp dụng đảm bảo diện tích đất sử dụng theo đúng quy hoạch phát triển hệ
thống thiết chế văn hóa cơ sở với tính tổng diện tích của các công trình phục vụ
văn hóa, thể dục thể thao không nhất thiết phải xây dựng tập
trung tại một địa điểm mà có thể xây dựng tại nhiều địa điểm của khu dân cư.
- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể
thao cơ sở: Qua 02 năm, ngân sách Nhà nước đầu tư và hỗ trợ gần 1.000 tỷ đồng
xây dựng thiết chế văn hóa (cấp tỉnh hơn 400 tỷ đồng; cấp huyện 300 tỷ đồng; cấp
xã 200 tỷ đồng). Công tác xã hội hóa trong việc xây dựng hệ thống thiết chế văn
hóa cơ sở phát triển mạnh mẽ; nhân dân đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng xây dựng
nhà văn hóa, sân thể thao thôn. Ngoài 11 xã điểm XDNTM của Trung ương, những điển
hình trong quá trình triển khai thực
hiện Đề án ở cấp tỉnh có xã Long Tân
(Bà Rịa Vũng Tàu), Vĩnh Thanh (Bạc Liêu), Chánh Phú Hòa (Bình Dương), Châu Bình
(Nghệ An), Vũ Phúc (Thái Bình), Tân An (Gia Lai), Quý Lộc (Thanh Hóa)...
- Về phát triển sản xuất, tạo việc
làm, tăng thu nhập cho người dân: Được Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp tập trung chỉ đạo,
tìm hướng đi mới, xây dựng các đề án phát triển sản xuất trên cơ sở phát triển
tiềm năng thế mạnh truyền thống của địa phương. Nhiều xã
sáng tạo, phối hợp liên doanh liên kết thực hiện đa dạng hóa, cách làm sáng tạo,
tạo sức mạnh tổng hợp, phát huy tiềm năng của địa phương nhằm nâng cao chất lượng
“Phát triển văn hóa nông thôn” như Mỹ Long Nam (Trà Vinh), Sơn Dương (Phú Thọ),
Tân Thịnh (Bắc Giang), Hải Đường (Nam Định), Thụy Hương (Hà Nội), Tân Thông Hội
(Tp Hồ Chí Minh)...
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Về kết quả đạt được
Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng
và nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung chỉ đạo, triển khai tổ
chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công nhằm thúc đẩy các hoạt động văn hóa,
gia đình, thể thao và du lịch trên cả hai mặt quản lý nhà nước và phát triển sự
nghiệp, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, lành mạnh đời sống
văn hóa tinh thần trong xã hội và thúc đẩy phát triển kinh
tế đất nước.
Thực hiện tốt vai trò Thường trực Ban
Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo từng bước hoàn thiện và ban hành các quy chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình. Đề
xuất đưa các nội dung, tiêu chí của phong trào Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa vào các nhiệm vụ chính trị, lồng ghép thực hiện các
nhiệm vụ chính trị của các thành viên Ban Chỉ đạo thông qua phong trào Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để quy tụ toàn xã hội tham gia thực hiện
phong trào, hướng mục tiêu của phong trào vào phong trào thi đua yêu nước chung
"tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh" góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt
công tác xóa đói giảm nghèo.
- Qua việc triển khai thực hiện các mục
tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã xây dựng hệ thống thiết
chế văn hóa cơ sở ở các cấp, là nơi thực hiện phúc lợi xã hội của nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt quần chúng tại các thiết chế
văn hóa cơ sở đã góp phần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng,
Nhà nước với nhân dân thông qua việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước, cổ vũ nhân dân thực hiện
đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực của lĩnh vực văn
hóa trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm
nghèo.
- Thông qua Chương trình mục tiêu quốc
gia về văn hóa đã bảo tồn được các di sản văn hóa đặc trưng của dân tộc đã góp
phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa
của cộng đồng dân cư, hình thành nên những sản phẩm văn
hóa, du lịch đặc thù hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, tạo việc làm ổn định, cuộc sống của người dân được cải thiện, góp phần thực hiện
chính sách về xóa đói giảm nghèo.
2. Khó khăn, hạn chế trong thực
hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
- Phần lớn những khu vực dân cư có điều
kiện kinh tế thấp thuộc những khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở,
dân cư sống phân tán, cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển; đời sống vật chất và tinh thần còn thấp kém, ít được tiếp cận với
các dịch vụ xã hội và tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Do không có điều kiện phát
triển trình độ văn hóa đã tạo sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng
dân tộc thiểu số và miền núi với các khu vực khác trong cả nước. Bên cạnh đó,
các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng sự yếu kém, khó khăn trong đời sống của
đồng bào các dân tộc để nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước ta, chống phá cách mạng, gây chia rẽ, mất đoàn kết
trong cộng đồng các dân tộc, làm mất ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng.
- Công tác tuyên truyền, duy trì hoạt
động văn hóa thông tin cơ sở ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn
do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị và duy trì
hoạt động thường xuyên của các Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa.
- Việc huy động
nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách còn hạn chế, hoạt động của các hội đoàn thể còn bất cập, chưa thực sự “chung tay” xây dựng nông thôn mới.
- Chưa chú trọng đến các hoạt động về
xây dựng, bảo vệ thiết chế văn hóa, giữ gìn và bảo vệ các
nét đẹp truyền thống văn hóa ở nông thôn; việc xử lý rác thải, nước thải còn
chưa được quan tâm đúng mức.
3. Đề xuất, kiến nghị
Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo là chủ
trương lớn của Đảng và Nhà nước, để thực hiện tốt mục tiêu này Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch kiến nghị:
3.1. Ưu tiên mở rộng các ngành sản xuất
kinh doanh thương mại và dịch vụ, khuyến khích thương nhân phát triển kinh
doanh tại chợ trung tâm huyện, hình thành mạng lưới chợ nông thôn, các điểm thu
mua, trao đổi hàng hóa ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Phát
triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm thay đổi cơ
cấu kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo. Hoàn thành xây dựng công trình, tìm nguồn kinh phí dự án trưng bày, vận hành và duy trì hoạt động
nhà văn hóa truyền thống, Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa... nhằm bảo tồn, phát
huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời
góp phần giảm nghèo về đời sống tinh thần của bà con cộng đồng các dân tộc ở
vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
3.2. Tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng
và duy trì hoạt động, nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ Trung ương
đến địa phương, đặc biệt chú ý các xã, thôn, bản có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn. Đào tạo đội ngũ cán bộ, có trình độ tiếp nhận, khai thác có hiệu quả hệ
thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.
3.3. Bố trí kinh
phí thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc
thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết
định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011.
3.4. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ xã thôn, bản.
Có chính sách và chế độ đãi ngộ để thu hút lực lượng cán bộ trẻ, sinh viên tốt
nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
3.5. Khai thác sử dụng và phát huy
giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa có hiệu quả phục vụ xã hội trên mọi
lĩnh vực: khoa học, giáo dục, văn hóa, kinh tế, chính trị và
du lịch, gắn với việc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
3.6. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tập trung củng cố chất lượng và
hiệu quả gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, doanh nghiệp,
đơn vị văn hóa.
3.7. Tiếp tục thực hiện công tác giáo
dục, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm
không ngừng nâng cao nhận thức đối với đồng bào dân tộc
thiểu số. Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước trong
nhân dân và cán bộ cơ sở về công tác xóa đói giảm nghèo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi
báo cáo kết quả rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo và triển khai thực hiện
Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 để
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, KHTC, NTT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Huỳnh Vĩnh Ái
|