Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Báo cáo 1446/BC-BGTVT tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Kỳ tháng 01 năm 2024) do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1446/BC-BGTVT
Ngày ban hành 06/02/2024
Ngày có hiệu lực 06/02/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Duy Lâm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1446/BC-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2024

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Kỳ tháng 01 năm 2024)

Kính gửi:

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Năm 2023, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 05 phiên họp Ban Chỉ đạo và cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra hiện trường các công trình, dự án; đã chỉ đạo, ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho các dự án. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm, sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương, ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả: nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ lâu tại một số dự án đã được tập trung xử lý; công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã được khởi công trong năm 2023 như cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 03 dự án trục Đông - Tây, đường Vành đai của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, An Hữu - Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa…, nhiều công trình dự án đã được khánh thành đưa vào sử dụng (7 DATP dài 412 km thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km) phát huy hiệu quả đầu tư. Với các dự án mới triển khai, các tỉnh đã tập trung lực lượng để tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhanh hơn so với các dự án trước đây; các đơn vị thi công nỗ lực tổ chức thi công với phương châm vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp, đa số đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; kết quả giải ngân của các dự án đều đạt ở mức cao hoặc vượt yêu cầu.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hoàn thành một phần Dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đã có hướng dẫn về sử dụng điều phối vật liệu khai thác từ nền đào để đắp trong phạm vi Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Bộ GTVT đã triển khai thí điểm sử dụng cát biển cho các dự án giao thông và hoàn thành công tác theo dõi, đánh giá. Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sửa đổi Thỏa thuận vay VN14-P3 cho dự án Bến Lức - Long Thành[1]. Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng VLXD cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia[2].

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đơn vị liên quan, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các dự án đến nay như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án

a) Công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT)

Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bình Dương đã phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Hữu Nghị - Chi Lăng, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo hình thức PPP và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh.

Tỉnh Bình Phước đã hoàn chỉnh hồ sơ chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư[3]; theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đang tham mưu Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Nhìn chung công tác lập, phê duyệt BCNCTKT đã được các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu, còn một số dự án tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch như dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài[4], dự án đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo[5].

b) Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT)

Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với Bộ KHĐT, Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc.

Tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Tiền Giang, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình

- Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình, Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án thành phần (DATP) 3 Đường Vành đai 4 Hà Nội, DATP 2 Cao Lãnh - An Hữu và dự án Mỹ An - Cao Lãnh.

2. Công tác thực hiện đầu tư các dự án

a) Công tác GPMB

Các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai để hoàn thành công tác GPMB đáp ứng tiến độ triển khai thi công[6]. Tuy nhiên, công tác xây dựng các khu tái định cư[7], di dời đường điện cao thế triển khai chậm so với yêu cầu. Tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk (DATP 2 thuộc Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị (dự án Vạn Ninh - Cam Lộ), thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên

- Túy Loan), tỉnh Tuyên Quang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang), tỉnh Kiên Giang (dự án Hậu Giang - Cà Mau) chậm so với kế hoạch đề ra. Riêng tỉnh Đồng Nai[8] (dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai rất chậm.

b) Về VLXD thông thường

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025:

- Với các DATP từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa: UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 17/17 mỏ cát, 55/55 mỏ đất. Các nhà thầu khai thác được 14/17 mỏ cát[9] với trữ lượng khoảng 4,82 triệu m³ (91%) và 43/55 mỏ đất[10] với trữ lượng khoảng 33,55 triệu m³ (75%), cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Các mỏ còn lại đang được các nhà thầu, địa phương thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, dự kiến có thể khai thác chậm nhất vào tháng 03/2024.

- Với DATP đoạn Cần Thơ - Cà Mau: các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được 16,02 triệu m³, còn 2,98 triệu m³ chưa xác định được nguồn[11]. Đã hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu, nâng công suất mỏ được 10,42 triệu m³[12]. Đang hoàn thiện thủ tục cấp 06 mỏ với trữ lượng 5,6 triệu m³, dự kiến khai thác trong tháng 02/2024[13]. Thực tế đến nay nhà thầu mới khai thác[14] được hơn 2 triệu m³; công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp do các địa phương khống chế trữ lượng khai thác theo thời gian tại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: đất đắp, đá cơ bản đáp ứng nhu cầu; đang triển khai các thủ tục để khai thác. Riêng với nguồn cung cấp cát khoảng 9,3 triệu m³ gặp nhiều khó khăn;[15] chưa xác định đủ nguồn, các chủ đầu tư đang tổng hợp nhu cầu để tiếp tục làm việc với các tỉnh.

Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: tổng nhu cầu cát đắp khoảng 31,3 triệu m³; tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ mới xác định nguồn khai thác cát từ An Giang khoảng 5 triệu m³ (38%) nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục khai thác[16]; tỉnh An Giang đang triển khai khai thác để thi công và tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện thủ tục khai thác 07 mỏ cát của tỉnh.

Các dự án Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội[17], Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột[18], Biên Hòa - Vũng Tàu[19] nguồn VLXD cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ triển khai thi công cần đẩy nhanh thủ tục khai thác.

[...]