Báo cáo 119/BC-TGCP năm 2013 kết quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2013 do Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành

Số hiệu 119/BC-TGCP
Ngày ban hành 01/10/2013
Ngày có hiệu lực 01/10/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ban Tôn giáo Chính phủ
Người ký Bùi Thanh Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
BAN TÔN GIÁO
CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/BC-TGCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, RÀ SOÁT VĂN BẢN QPPL LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO NĂM 2013

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết định 134/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ; Nghị định 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL; Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của Bộ Nội vụ. Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương và địa phương. Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành Công văn số 718/TGCP-PCTT ngày 05/8/2013 về việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực tôn giáo năm 2013 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời chỉ đạo đơn vị chuyên trách tổ chức tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả như sau:

I. CÔNG TÁC RÀ SOÁT VĂN BẢN QPPL

1. Cấp trung ương

Ban Tôn giáo Chính phủ đã tiến hành rà soát 30 ván bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tôn giáo do các cơ quan nhà nước cấp Trung ương ban hành (phụ lục 1). Về cơ bản, các văn bản này hiện còn hiệu lực thi hành và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến tôn giáo, 01 văn bản đã được ban hành mới (phụ lục 2), 01 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung (phụ lục 3).

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản có hiệu lực cao nhất điều chỉnh cụ thể về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, sau 08 năm thực hiện, Pháp lệnh đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo, thể hiện tinh thần đổi mới trong nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân tôn giáo và cơ quan nhà nước. Qua đó, thống nhất nhận thức và hành động trong các ngành, các cấp về tôn giáo và công tác tôn giáo, mang lại hiệu quả tích cực đối với ngành quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, qua rà soát các nội dung Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, cho thấy một số hạn chế, bất cập sau:

1.1. Một số nội dung chưa được quy định trong Pháp lệnh

- Về giải thích thuật ngữ: Một số cụm từ trong Pháp lệnh chưa được giải thích dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện từ phía cơ quan Nhà nước lẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo như: tín ngưỡng; tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo; chức việc; tổ chức tôn giáo trực thuộc; “đạo lạ”, “tà đạo”; truyền đạo; truyền đạo trái pháp luật; mê tín dị đoan; hoạt động tôn giáo ổn định...

- Về quản lý hoạt động của các tổ chức chưa được cấp đăng ký hoạt động; hiện tượng tôn giáo mới “đạo lạ”, ‘‘tà đạo” chưa được phân công rõ ràng.

- Về quản lý hoạt động tín ngưỡng: Chưa phân công cho cơ quan nào quản lý tầm vĩ mô, tầm chính sách. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý lễ hội trong đó có lễ hội tín ngưỡng còn quản lý đối với các cơ sở tín ngưỡng hoạt động thi chưa được quy định (Điều 3 Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo mới chỉ điều chỉnh việc cử người đại diện hoặc Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng và đăng ký hoạt động tín ngưỡng hàng năm với Ủy ban nhân dân cấp xã), dẫn đến việc quản lý hoạt động tín ngưỡng trong đó có quản lý cơ sở tín ngưỡng còn nhiều lúng túng. Đa số các địa phương đều gặp khó khăn khi xác định cơ quan có thẩm quyền quản lý và tham mưu quản lý hoạt động này.

- Về thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo: Pháp lệnh chưa quy định việc sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tôn giáo được công nhận độc lập có cùng giáo lý, giáo luật, đức tin với nhau.

- Về thẩm quyền đình chỉ các hoạt động tôn giáo vi phạm: Pháp lệnh chưa quy định về thẩm quyền đình chỉ hoạt động tôn giáo khi vi phạm pháp luật thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 15 Pháp lệnh, cần có quy định về đình chỉ hoạt động của chức sắc, nhà tu hành, tổ chức tôn giáo khi vi phạm pháp luật về tôn giáo.

- Về cấp đăng ký hoạt động của Hội đoàn, Dòng tu: Pháp lệnh chưa quy định về điều kiện để thành lập Hội đoàn, Dòng tu. Thực tế, Hội đoàn và Dòng tu có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có chức năng, phạm vi hoạt động rộng, liên quan đến các vấn đề xã hội, do vậy, cần quy định các điều kiện cụ thể để bảo đảm hoạt động của các tổ chức này cũng như đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thời gian tới. cần có tiêu chí cụ thể để phân biệt Hội đoàn phải đăng ký và Hội đoàn không phải đăng ký hoạt động để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thống nhất.

- Chưa có quy định về tổ chức, cá nhân tôn giáo tổ chức hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm về các vấn đề liên quan của đời sống xã hội hoặc tổ chức, cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo về tôn giáo.

- Vấn đề dựng tượng Chúa, Phật, Thánh, Thần: Thực tế, hiện nay chưa có quy định nào về dựng tượng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, dẫn đến thời gian qua quản lý hoạt động này của các địa phương còn nhiều lúng túng, có nơi buông lỏng, có nơi chặt chẽ. Do vậy, cần phải bổ sung quy định này vào trong Pháp lệnh nhằm chấn chỉnh lại hoạt động dựng tượng nơi công cộng, khuôn viên cơ sở thờ tự và nhà riêng tín đồ.

- Vấn đề treo cờ Tổ quốc: Cờ Tổ quốc thể hiện chủ quyền thiêng liêng, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, tuy nhiên, thời gian qua, việc treo cờ Tổ quốc mặc dù đã có quy định nhưng chưa được các tổ chức tôn giáo triển khai thực hiện. Đòi hỏi phải đưa quy định này vào văn bản mang tính chuyên ngành và có giá trị pháp lý cao hơn để bảo đảm việc thực hiện, qua đó góp phần vun đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo.

- Về Pháp nhân tôn giáo: Pháp luật chưa quy định tổ chức tôn giáo là loại tổ chức nào theo quy định của Bộ Luật Dân sự về pháp nhân.

- Chưa có quy định cụ thể về xử lý vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong hoạt động tôn giáo.

1.2. Một số nội dung quy định thiếu cụ thể, không phù hợp với thực tiễn

- Về đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo: Việc cho đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo hiện nay còn khó khăn, bất cập khi chưa có cơ sở pháp lý để phân biệt giữa tín ngưỡng với tôn giáo và hoạt động mê tín, dị đoan; điều kiện để được đăng ký, công nhận còn đơn giản, không đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với hoạt động tôn giáo của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang hình thành hiện nay.

- Về đăng ký hoạt động tôn giáo hàng năm: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh thì chỉ tổ chức tôn giáo cơ sở phải đăng ký hoạt động tôn giáo hàng năm, còn những tổ chức cấp trên cơ sở như tổ chức tôn giáo cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương không phải đăng ký, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động tôn giáo diễn ra trên địa bàn.

- Về tổ chức tôn giáo tham gia thực hiện các hoạt động xã hội: Quy định tại Điều 33 Pháp lệnh không phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tôn giáo, chưa phát huy được vai trò và tiềm năng của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc cùng Nhà nước giải quyết các vấn đồ xã hội; mâu thuẫn với một số văn bản pháp luật như Luật Phòng, chống HIV, AIDS; Luật Khám chữa bệnh; Luật Hoạt động chữ thập đỏ và một số quy định về bảo trợ xã hội...

- Về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam: Quy định tại Điều 37 Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn và chủ trương chính sách của Nhà nước. Hiện nay, với chủ trương hội nhập quốc tế của Nhà nước, người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, trong số này, có bộ phận không nhỏ là người theo tôn giáo trong đó có những tôn giáo không có cơ sở thờ tự ở Việt Nam như Chính Thống giáo, đạo Sikh, Thần đạo. Hoặc có cơ sở thờ tự tôn giáo tương ứng nhưng quá chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của họ; có sự khác biệt về nghi lễ, giáo lý, đức tin nên họ mong muốn Nhà nước cho phép mượn hoặc thuê địa điểm không phải là cơ sở tôn giáo để sinh hoạt tôn giáo riêng và thực tế cũng đã có một số trường hợp Tin lành Hàn Quốc sử dụng nhà ở, thuê khách sạn để nhóm họp tôn giáo.

1.3. Về quản lý nhà nước

Cần quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước thành một Chương riêng. Quy định về tổ chức bộ máy, trách nhiệm, thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động tôn giáo để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.

Những nội dung được rà soát nêu trên đã thể hiện một số bất cập của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, yêu cầu tiến tới việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh. Đây cũng là những nội dung chính mà Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất đưa vào Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo sắp tới, nhằm đáp ứng tình hình quản lý nhà nước về tôn giáo trong điều kiện hiện nay.

[...]