Báo cáo 114/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh thành phố 6 tháng đầu năm và các giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 114/BC-UBND
Ngày ban hành 15/07/2014
Ngày có hiệu lực 15/07/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 7 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG - AN NINH THÀNH PHỐ 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2014

Thực hiện Kết luận số 74-KL/TW ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XI; Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Kết luận số 151-KL/TU ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 16 Thành ủy khóa IX; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về dự toán và phân bổ ngân sách thành phố năm 2014, Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014; Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời ban hành các Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch về điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2014, xây dựng các chương trình cụ thể và tổ chức thực hiện; chỉ đạo các Sở, ban ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp trực thuộc thành phố tập trung công tác chỉ đạo điều hành, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân thành phố; tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2014 đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

I.- Kết quả chủ yếu:

1. Kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi tăng trưởng ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực

1.1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố quý I tăng 7,7%, quý II tăng 8,7%; 6 tháng đầu năm ước đạt 378.915 tỷ đồng, tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,9%). Mức tăng này cao hơn cùng kỳ 2 năm liên tiếp[1], cho thấy tình hình kinh tế ổn định so các năm 2012, 2013. Khu vực dịch vụ tăng 9,6% (cùng kỳ tăng 9,1%), chiếm 59,4% tổng GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 6,2%), chiếm 39,8% GDP; khu vực nông nghiệp tăng 6% (cùng kỳ tăng 7%), chiếm 0,9% GDP.

1.2. Thương mại - Dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước 312.147 tỷ đồng, tăng 12,8% (cùng kỳ tăng 11,14%). Trong đó, thương mại tăng 13,5%; khách sạn nhà hàng tăng 12,4%; du lịch lữ hành tăng 14%. Loại trừ yếu tố biến động giá, thì tăng 7,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,1%).

b) Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước 14,182 tỷ đô-la Mỹ, tăng 5,72% (cùng kỳ tăng 4,2%). Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước 10,31 tỷ đô-la Mỹ, tăng 5,70% (cùng kỳ tăng 4,1%). Nếu loại trừ thêm yếu tố tái xuất vàng thì kim ngạch xuất khẩu của thành phố 6 tháng đầu năm ước 10,25 tỷ đô-la Mỹ, tăng 10,4% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so cùng kỳ: hạt tiêu (tăng 100%); gạo (tăng 12,58%); rau quả (tăng 57,91%); cà phê tăng 25,27%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (tăng 36,01%); thủy sản (tăng 21,53%); giày dép (tăng 23,08%); hàng dệt may (tăng 10,18%); và một số mặt hàng giảm: cao su giảm 39,25% (do nguồn cung cao su trên thị trường thế giới tăng cao so nhu cầu); máy tính và sản phẩm điện tử giảm 13,97% (do một số doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đầu tư máy móc, thiết bị để chuyển đổi công nghệ).

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước 12,44 tỷ đô-la Mỹ, giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 15,5%). Chủ yếu nhập nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất như: nhiên liệu, hóa chất, dược phẩm, chất dẻo, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày. Một số mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc và có khả năng bị ảnh hưởng tác động từ tình hình biển Đông như: nguyên liệu vải; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; thuốc trừ sâu; sắt thép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.

Lãnh đạo thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội các ngành nghề để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư để giữ vững thị trường xuất nhập khẩu truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, đa dạng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt thị trường nội địa thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ đầu tháng 5/2014, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp trên Biển Đông đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố, đặc biệt một số các mặt hàng có tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn với thị trường Trung Quốc (gạo, rau quả, nguyên liệu vải, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, thuốc trừ sâu và nguyên liệu). Thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Lãnh đạo thành phố đã tổ chức gặp gỡ các Lãnh sự quán; tiến hành nhiều cuộc họp và chỉ đạo các ngành, các cấp, Hiệp hội doanh nghiệp, gặp gỡ các giới đồng bào dân tộc Hoa trên địa bàn thành phố để nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo tăng cường xúc tiến đầu tư, tìm thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường; phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của thành phố (dệt may, sản phẩm gỗ nội thất cao cấp, gỗ mỹ nghệ); đầu tư đổi mới máy móc thiết bị; đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); kiến nghị Chính phủ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng cần kiểm soát và mặt hàng hạn chế nhập khẩu.

c) Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015: Các mặt hàng thiết yếu trong Chương trình được cung ứng với lượng dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo vnguồn hàng ổn định; không có hiện tượng khan hàng, sốt giá; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tính đến tháng 6 năm 2014, trên địa bàn thành phố đã có 8.459 điểm bán, tăng 8.211 điểm bán so năm 2008 và tăng 259 điểm bán so thời điểm tháng 4 năm 2014 khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015. Chương trình năm nay có sự gia tăng về chủng loại trong một số nhóm mặt hàng, về lượng hàng hóa và số doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Các ngân hàng thương mại đã nâng hạn mức tín dụng cam kết cho vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo nguồn hàng bình ổn thị trường với lãi suất ưu đãi và mở rộng đối tượng cho vay[2]. Từ tháng 4 năm 2014, biểu trưng (Logo) của Chương trình bình ổn thị trường được đưa vào khai thác nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm Việt Nam tham gia bình ổn thị trường; nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp; thúc đẩy quảng bá hoạt động và góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của Chương trình; hạn chế các hành vi lợi dụng thương hiệu của Chương trình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Chương trình.

- Thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra kiểm soát chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, hạn chế thiệt hại và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, 6 tháng đầu năm 2014 triển khai kiểm tra 10.035 vụ, thu nộp ngân sách 52,486 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán là 33.tỷ đồng và chuyển cơ quan chức năng điều tra 12 vụ.

d) Tín dụng - Ngân hàng

Ước đến cuối tháng 6 tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 1.178.000 tỷ đồng, tăng 0,61% so cuối năm 2013; trong đó, huy động vốn bằng VNĐ là 1.003.000 tỷ đồng, chiếm 85,1% tổng huy động, tăng 1,97% so cuối năm 2013; huy động vốn bằng ngoại tệ là 175.000 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng huy động, giảm 6,52% so cuối năm 2013.

Tổng dư nợ tín dụng ước 965.500 tỷ đồng, tăng 1,32% so cuối năm 2013; trong đó, dư nợ bằng VNĐ đạt 800.500 tỷ đồng, chiếm 82,9% tổng dư nợ, giảm 0,16% so cuối năm 2013; dư nợ bằng ngoại tệ 165.000 tỷ đồng, chiếm 17,1% tổng dư nợ, tăng 9,18% so cuối năm 2013. Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 53,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 46,6% tổng dư nợ. Nợ xấu đến cuối tháng 5 năm 2014 giảm 1.164 tỷ so tháng trước (tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,84% tổng dư nợ). Tuy nhiên, so cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,15% (cuối năm 2013 là 4,69%). Do những khó khăn chung của nền kinh tế và biện pháp thắt chặt các điều kiện cơ cấu lại nợ theo quy định của Ngân hàng nhà nước (Thông tư 09/2014/TT-NHNN), nợ xấu trong những tháng đầu năm có xu hướng tăng trong khi dư nợ tín dụng giảm nên tỷ lệ nợ xấu tăng so cuối năm 2013. Lượng kiều hối ước đạt 2 tỷ đô-la Mỹ, xấp xỉ cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục ổn định, mặc dù tốc độ chậm hơn so chỉ tiêu định hướng đề ra trong năm 2014[3]. Tuy nhiên tín dụng trên địa bàn vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 80,2% trong tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên[4] là 134.525 tỷ đồng[5], tăng 6,53% so cuối năm 2013, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao nhất với 61,8% tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Tính đến cuối tháng 6 năm 2014, đã tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện kết nối cho 671 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tại 24 quận huyện vay vốn ngân hàng 15.625 tỷ đồng với lãi suất phù hợp. Lãi suất cho vay ở mức không quá 8%/năm đối với ngắn hạn và không quá 11%/năm đối với trung, dài hạn.

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và 38/2013/QĐ-UBND về Chương trình kích cầu của thành phố; đến nay, thành phố đã phê duyệt 97 dự án với tổng mức đầu tư là 7.518,44 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 3.654,903 tỷ đồng[6]. Vốn đầu tư bình quân của 01 dự án là 82,09 tỷ đồng. Lũy kế vốn hỗ trợ137,868 tỷ đồng.

đ) Thị trường chứng khoán, kinh doanh vàng: đến ngày 30 tháng 5 năm 2014, có 91 công ty chứng khoán là thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh; có 298 cổ phiếu, 38 trái phiếu, 2 chứng chỉ quỹ chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, giá trị chứng khoán niêm yết tăng 10,99% so cuối năm 2013. Chỉ số VN-Index ngày 11/6 đạt 570,36 điểm, tăng 65,73 điểm so cuối năm 2013.

Các chính sách về tỷ giá và ngoại tệ đã phát huy tốt hiệu quả, thị trường ngoại hối vẫn ổn định, tỷ giá giao dịch mua bán trong hệ thống ngân hàng so các tháng đầu năm có biến động tăng nhưng vẫn trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng trong nước tuy có biến động mạnh trong tháng 5 và đầu tháng 6 do ảnh hưởng tình hình Biển Đông, nhưng thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định. Đến ngày 10/6/2014, giá vàng trong nước ở mức 36,35 triệu đồng/lượng, tăng 4,54% so cuối năm 2013, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi khoảng 4,11 triệu đồng/lượng.

e) Hoạt động du lịch tiếp tục đẩy mạnh thông qua các chương trình như: phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị, dịch vụ đạt chuẩn du lịch, nghệ thuật phục vụ khách du lịch; các sự kiện được nâng tầm với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng, chú trọng chiều sâu tiêu biểu như Lễ hội Áo dài, Ngày hội du lịch, Lễ hội trái cây Nam bộ và Liên hoan ẩm thực đất Phương Nam…. Đã tổ chức Chương trình quảng bá giới thiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tại thị trường Nhật Bản ở Tokyo và Fukuoka; tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, hướng đến nâng tầm mối quan hệ khu vực hạ nguồn sông Mekong với Nhật Bản (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam + Nhật Bản). Tổng doanh thu du lịch (khách sạn, nhà hàng và du lịch lữ hành) ước 44.299 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ, đạt 45% kế hoạch năm 2014 (99.000 tỷ đồng). Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác quảng bá du lịch kết hợp với những sự kiện du lịch nổi bật của thành phố, trong 6 tháng đầu năm lượng khách quốc tế đến thành phố ước 2,1 triệu lượt, tăng 10% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5%), đạt 48% kế hoạch năm 2014 (4,4 triệu lượt khách). Tuy nhiên từ tháng 5 năm 2014, tình hình kinh doanh du lịch của thành phố bị tác động bởi tình hình Biển Đông; nhất là sau một số hiện tượng lợi dụng biểu tình ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, khách du lịch từ Trung Quốc và một số thị trường nói tiếng Trung như Macau, Malaysia, Singapore, Đài Loan có sự sụt giảm đột ngột, công suất phòng của khách sạn 3-5 sao phục vụ khách nói tiếng Trung sụt giảm đáng kể so quý I năm 2014.

g) Đến ngày 20/6/2014, sản lượng hàng hóa thông qua luồng hàng hải cảng 6 tháng đầu năm là 45,573 triệu tấn, tăng 7% so cùng kỳ, riêng khu cảng Hiệp Phước là 2,61 triệu tấn, tăng 8% so cùng kỳ. Thành phố đã tổ chức đón tàu vận tải biển 50.000 tấn đầu tiên lưu thông theo luồng Soài Rạp vào Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT). Việc đón tàu Container NORTHERN GENIUS tải trọng 54.020 DWT của Hãng tàu NYK Nhật Bản vào cảng SPCT qua luồng Soài Rạp thành công đã đánh dấu bước phát triển mới của hoạt động hàng hải trên địa bàn thành phố; giúp các phương tiện rút ngắn quãng đường gần 20 km, tiết kiệm hơn 01 giờ đồng hồ và nhiều chi phí khác so việc di chuyển qua luồng Lòng Tàu như trước đây. Sau hơn 01 năm thi công, đến nay luồng sông Soài Rạp đã đạt độ sâu âm 9,5 m, chiều rộng của luồng đạt 120 m đoạn sông và 160 m đoạn ngoài biển. Việc hoàn thành dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tăng cạnh tranh hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

h) Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin:

Ước 06 tháng đầu năm, ngành đạt hơn 15,4 triệu thuê bao. Mật độ thuê bao (tính cả di động trả sau và cố định) ước đạt 162 máy/100 dân. Có 4.010 cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng và 1.016.715 thuê bao Internet ADSL. Doanh thu bưu chính, viễn thông ước 15.412 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bưu chính ước 1.454 tỷ đồng (tăng 24%) và doanh thu viễn thông ước 13.958 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin ước 49.175 tỷ đồng (giảm 4% so cùng kỳ); trong đó, sản xuất phần cứng ước 35.947 tỷ đồng, doanh thu từ công nghiệp phần mềm ước 9.891 tỷ đồng, doanh thu từ công nghiệp nội dung số ước 3.337 tỷ đồng; do Intel đang trong giai đoạn chuyển đổi máy móc thiết bị, dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, kéo theo sự giảm sút doanh thu từ công nghiệp phần cứng (kim ngạch xuất khẩu của Intel trong 6 tháng đầu năm ước 596 triệu đô-la Mỹ, giảm 38% và kim ngạch nhập khẩu là 584 triệu đô-la Mỹ, giảm 32%).

1.3. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2014 ước tăng 0,58% so tháng trước (cùng kỳ tăng 0,12%); so tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,09% (cùng kỳ tăng 0,78%). Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong khi lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ trên địa bàn vẫn đạt tăng trưởng ổn định ở mức khá, có xu hướng cao dần. Điều này cho thấy thành phố đã thực hiện tốt các giải pháp chuẩn bị nguồn hàng, phát triển hệ thống phân phối, kiểm soát giá cả, thị trường, đẩy lùi dần tệ ghim hàng làm giá gây mất ổn định thị trường; nhằm ổn định cuộc sống nhân dân, góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

1.4. Sản xuất công nghiệp - xây dựng: 6 tháng đầu năm, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 5,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,2%). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành chế biến, giảm dần tỷ trọng của ngành khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 6,4% so cùng kỳ. Ngành cơ khí chế tạo có bước phát triển nhanh, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển các ngành kinh tế, ước tăng 21,7% so cùng kỳ. Ngành điện tử ước tăng 2,6% so cùng kỳ. Ngành hóa chất, cao su - nhựa phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường, ước tăng 3,2% so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống từng bước chuyển sang tinh chế, những công nghệ sản xuất mới được ứng dụng đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, với tốc độ tăng 0,8%.

Ngành điện đã đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng công trình lưới điện 220kV, 110kV, ngầm hóa lưới điện theo hướng công nghệ hiện đại kết hợp ngầm hóa hệ thống dây thông tin; nâng cấp điện áp từ 15kV đến 22kV kết hợp hoàn chỉnh kết cấu lưới điện; triển khai công tác nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng… đảm bảo việc cung ứng điện ổn định cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, giảm tổn thất điện năng, kết hợp mỹ quan trên địa bàn thành phố. Sản lượng điện nhận tiêu thụ 6 tháng ước tăng 3,31% so cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm cung cấp ước đạt 47,29% kế hoạch, tăng 3,14% so cùng kỳ. Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ theo chiều sâu các hoạt động, chương trình tiết kiệm điện năm 2014 nhằm tạo chuyển biến trong nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Sản lượng điện tiết kiệm ước 228,36 triệu kWh, chiếm 2,54% điện thương phẩm, đạt 60,1% kế hoạch.

[...]