Báo cáo 10/BC-BCĐ389 năm 2020 về tổng kết, đánh giá thực hiện Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 do Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành

Số hiệu 10/BC-BCĐ389
Ngày ban hành 11/09/2020
Ngày có hiệu lực 11/09/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN
THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/BC-BCĐ389

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2020

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 1239/KH-BCĐ389 NGÀY 13/12/2017 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 13 tháng 12 năm 2017, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch số 1239/KH-BCĐ389 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 1239).

Sau hai năm triển khai, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch số 1239 với những nội dung sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất. Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp hóa học được dùng trong nông nghiệp để phòng, chống các đối tượng gây hại cho cây trồng và nông sản trên đồng ruộng, vườn tược, kho tàng... Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, có vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất, an ninh lương thực và đời sống của nhân dân. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày một nhiều nên hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại nước ta ngày càng tăng cao, tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về nông nghiệp và trồng cây công nghiệp ở các khu vực như đồng bằng và trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và khu vực Nam bộ. Mỗi năm, trung bình hàng chục triệu tấn phân bón (với hàng nghìn loại phân bón khác nhau) và hàng trăm nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (với nhiều dạng, loại và đủ các nhóm như rất độc, độc, nguy hiểm và cẩn thận) được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ trên thị trường. Các cơ sở sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố phía Nam và phía Bắc. Hàng năm, hoạt động nhập khẩu, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân luôn biến động, thay đổi cả về địa điểm, số lượng, quy mô... Hệ thống các cửa hàng, đại lý cung ứng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng nhanh về số lượng, được phân bố rộng rãi trên đến khắp các thôn, xóm, bản, ấp... xen kẽ trong khu dân cư.

Trong năm 2018 và 2019, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra phức tạp trên hầu hết các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại nặng nề đối với nền sản xuất nông nghiệp (ước tính các hoạt động trên gây thiệt hại trên 2 tỷ USD mỗi năm), người tiêu dùng, nông dân, các doanh nghiệp chân chính và đời sống, sức khỏe nhân dân, tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nổi lên:

- Đối với phân bón: Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán hoặc nhái nhãn hiệu gần giống nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định, tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình... (ở khu vực phía Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng... (ở khu vực miền Trung), Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... (ở khu vực phía Nam).

- Đối với thuốc bảo vệ thực vật: Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định, tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... (ở khu vực phía Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng... (ở khu vực miền Trung), Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... (ở khu vực phía Nam).

2. Về phương thức, thủ đoạn

- Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu chỉ đứng sau chỉ đạo tổ chức hoạt động bí mật, khép kín, chia nhỏ từng khâu từ sản xuất, mua bán, kinh doanh, vận chuyển, giao nhận đến tiêu thụ các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng...; thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng trên thực tế không có cơ sở sản xuất, gây khó khăn trong việc truy tìm cơ sở sản xuất khi phát hiện các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trên thị trường...

- Lợi dụng đăng ký sản xuất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau để đề phòng trường hợp sản phẩm này bị phát hiện vi phạm thì sử dụng sản phẩm khác thay thế hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ để đề phòng trường hợp bị phát hiện vi phạm thì các cơ quan chức năng rất khó điều tra, truy tìm được cơ sở sản xuất.

- Thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất hoặc không tổ chức quy trình sản xuất tập trung tại một địa điểm nhất định mà phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau, mỗi địa điểm thực hiện một khâu sản xuất, phân phối hàng hóa hoặc chỉ sản xuất một số hàng hóa theo thời vụ, vừa đủ theo yêu cầu đơn đặt hàng, không có hàng tồn nhằm tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện, kiểm tra.

- Tổ chức làm giả nhãn, bao bì, giả tên thương phẩm của doanh nghiệp khác có thương hiệu hoặc giả tên thương phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang bán chạy trên thị trường hoặc sản xuất nhưng không có đăng ký công bố sản phẩm theo đúng quy định hoặc sản xuất hàng hóa với quy mô nhỏ, đơn lẻ tại địa phương này nhưng bán cho các cửa hàng, đại lý tại địa phương khác với giá rẻ, số lượng ít để tiêu thụ sản phẩm giả nhanh nhằm tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện, kiểm tra.

- Lợi dụng quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào thực phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón...; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

- Lợi dụng sản xuất hàng nhái gần giống với các nhãn hiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nổi tiếng, có uy tín trên thị trường, giả các thương hiệu chưa đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam hoặc sản xuất mà không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm theo quy định nhằm đề phòng trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện thì cũng chỉ xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

- Đối tượng thường sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng với số lượng nhỏ, giá trị thấp, đưa tiêu thụ ngay để đề phòng trường hợp bị các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra thì cũng chỉ xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

- Lợi dụng vừa sản xuất vừa nhập khẩu để sản xuất, pha trộn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước lấy nhãn hiệu và thông tin của phân bón nhập khẩu đánh lừa người tiêu dùng và chuyển đi tiêu thụ ngay để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

- Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, ban đầu sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng tiêu chuẩn đăng ký, sau thời gian hoạt động có uy tín, thương hiệu thì sản xuất sản phẩm với hàm lượng, chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn đăng ký để thu lợi nhuận cao hơn.

- Quảng cáo trên bao bì sản phẩm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất theo công nghệ Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... hoặc ghi nhãn phức tạp, không rõ ràng, ghi tên gần giống sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài và Việt Nam làm cho người tiêu dùng ngộ nhận, nhầm lẫn với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, có uy tín.

- Lợi dụng nhận thức, trình độ dân trí thấp, tâm lý ham hàng hóa giá rẻ của đại đa số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vùng có nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn như khu vực đồng bang sông Cửu Long, khu vực đồng bằng Bắc bộ... đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, chiết khấu tỷ lệ cao, cho trả chậm, trả trước một phần, mua một tặng một... tại những cửa hàng vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, số lượng hạn chế ở khu vực nông thôn để tiêu thụ nhanh hàng giả, kém chất lượng, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai

Căn cứ nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng và các đơn vị căn cứ tình hình thực tế tại từng địa bàn để xây dựng kế hoạch, chuyên đề, tổ chức tọa đàm, hội thảo về thực trạng tình hình và các phương án, giải pháp đấu tranh; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn; đến nay cơ bản đã đạt được kết quả tích cực, kiểm soát được thị trường; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến lực lượng chức năng; tuyên truyền sâu rộng đến tất cả người dân, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, nông dân và các doanh nghiệp chân chính.

a) Các bộ, ngành Trung ương

- Chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại phân bón trên toàn quốc; chấn chỉnh, xử lý những sai phạm; rà soát, đánh giá những bất cập, sơ hở, chồng chéo và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ và các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ