Bản ghi nhớ về đảm bảo an toàn thủy sản xuất-nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam

Số hiệu khongso
Ngày ban hành 21/04/2011
Ngày có hiệu lực 21/04/2011
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Liêng bang Nga,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CƠ QUAN LIÊN BANG VỀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT LIÊN BANG NGA VÀ CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỦY SẢN XUẤT-NHẬP KHẨU GIỮA LIÊN BANG NGA VÀ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Nhằm kiểm soát hiệu quả an toàn thủy sản xuất-nhập khẩu giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cơ quan liên bang về kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (sau đây được gọi là VPSS) và Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây được gọi là NAFIQAD), được gọi là các Bên, đã nhất trí về các biện pháp hành chính sau đây:

1. Thủy sản xuất khẩu từ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Liên bang Nga và từ Liên bang Nga vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nguồn gốc từ các tỉnh, khu vực vùng của Việt Nam và Liên bang Nga không có các bệnh dịch động vật phải kiểm dịch và đặc biệt nguy hiểm, cũng như các bệnh của cá và các loài thủy sinh khác có tên trong danh mục của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đối với loại động vật đó theo Tiêu chuẩn Codex về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản. NAFIQAD và VPSS sẽ kịp thời thông báo cho nhau về sự thay đổi tình hình dịch bệnh tại các địa phương có các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sản phẩm của mình vào Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thủy sản dành cho xuất khẩu từ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Liên bang Nga chỉ có thể có nguồn gốc từ các doanh nghiệp (tàu cá) khai thác, chế biến thủy sản, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và các kho lạnh được VPSS công nhận để xuất khẩu vào Liên bang Nga.

3. Thủy sản dành cho xuất khẩu từ Liên bang Nga vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ có thể có nguồn gốc từ các doanh nghiệp (tàu cá) khai thác, chế biến thủy sản, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và các kho lạnh được NAFIQAD công nhận để xuất khẩu vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. NAFIQAD đảm bảo rằng thủy sản được sản xuất tại các doanh nghiệp của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xuất khẩu từ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang Liên bang Nga đáp ứng các yêu cầu thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản của Liên bang Nga, NAFIQAD sẽ áp dụng tất cá các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc cung cấp vào lãnh thổ Liên bang Nga thủy sản không đáp ứng các yêu cầu này.

5. VPSS đảm bảo rằng thủy sản được sản xuất tại các doanh nghiệp của Liên bang Nga và xuất khẩu từ Liên bang Nga vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng các yêu cầu thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam. VPSS sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc cung cấp vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thủy sản không đáp ứng các yêu cầu này.

6. VPSS và NAFIQAD trong phạm vi thẩm quyền của mình đảm bảo việc thường xuyên giám sát các doanh nghiệp (tàu cá) đã được công nhận để đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm phù hợp luôn luôn được thực hiện. Trong khuôn khổ giám sát thường xuyên như vậy, nếu thấy doanh nghiệp (tàu cá) đã được công nhận mà không tuân thủ các yêu cầu này. Bên xuất khẩu sẽ đình chỉ việc xuất khẩu hàng từ doanh nghiệp (tàu cá) này và thông báo điều đó cho Bên nhập khẩu.

7. Trong quá trình kiểm tra, chứng nhận chất lượng các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, VPSS và NAFIQAD trong phạm vi thẩm quyền của mình đảm bảo việc giám sát nguồn gốc xuất xứ từ nguyên liệu dùng để sản xuất các lô hàng thủy sản này.

8. VPSS và NAFIQAD tiến hành kiểm tra kiểm nghiệm thủy sản nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu sau khi kiểm tra kiểm nghiệm phát hiện ra thủy sản không đáp ứng yêu cầu vệ sinh-thú y và an toàn thực phẩm của Liên bang Nga hoặc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, VPSS và NAFIQAD trong phạm vi thẩm quyền của mình áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy hải sản từ doanh nghiệp sản xuất cụ thể phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu.

9. Trong trường hợp doanh nghiệp (tàu cá) Việt Nam bị loại ra khỏi danh sách các doanh nghiệp (tàu cá) chế biến thủy sản của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm của Liên bang Nga. VPSS sẽ xem xét lại việc công nhận doanh nghiệp (tàu cá) này trên cơ sở các cam kết do NAFIQAD gửi tới VPSS rằng các sai lỗi đã được khắc phục và doanh nghiệp (tàu cá) lại có thể đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú y, hoặc, tùy thuộc vào mức độ và tính chất mối nguy, sau khi VPSS thanh tra các doanh nghiệp (tàu cá) này trong thời hạn sớm nhất.

10. Trong trường hợp doanh nghiệp (tàu cá) Nga bị loại ra khỏi danh sách các doanh nghiệp (tàu cá) chế biến thủy sản của Liên bang vì không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm của Việt Nam. NAFIQAD sẽ xem xét lại việc công nhận doanh nghiệp (tàu cá) này trên cơ sở các cam kết do VPSS gửi tới NAFIQAD rằng các sai lỗi đã được khắc phục và doanh nghiệp (tàu cá) lại có thể đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, hoặc, tùy thuộc vào mức độ và tính chất mối nguy, sau khi NAFIQAD thanh tra các doanh nghiệp (tàu cá) này trong thời hạn sớm nhất.

11. Để kiểm tra các cam kết được quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 và 7, VPSS và NAFIQAD sẽ cùng tiến hành các cuộc thanh tra ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.

12. NAFIQAD sẽ cung cấp cho VPSS thông tin về các doanh nghiệp được VPSS công nhận cho phép xuất khẩu sản phẩm của mình vào lãnh thổ Liên bang Nga, theo Phụ lục 1.

13. VPSS sẽ cung cấp cho NAFIQAD thông tin về các doanh nghiệp được NAFIQAD công nhận cho phép xuất khẩu sản phẩm của mình vào lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Phụ lục 2.

14. Bản ghi nhớ này là một văn kiện liên ngành và các điều khoản của Bản ghi nhớ được bắt buộc thực hiện trong phần liên quan đến thẩm quyền của các Bên.

15. Mọi bổ sung vào Bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện dưới dạng văn bản và là một phần không thể tách rời của Bản ghi nhớ.

16. Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày đại diện có thẩm quyền của các Bên ký.

17. Bản ghi nhớ này được ký kết ngày 21 tháng 4 năm 2011, bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh. Trong trường hợp nảy sinh bất đồng, bản tiếng Anh sẽ được sử dụng.

 

Cơ quan liên bang
về kiểm dịch động thực vật
(Liên bang Nga)

Cục Quản lý chất lượng
Nông Lâm sản và Thủy sản
(Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

 

Phụ lục 1 đi kèm Bản ghi nhớ giữa Cơ quan liên bang về kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đảm bảo an toàn thủy sản xuất-nhập khẩu giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Doanh nghiệp nhà sản xuất (tên, số đăng ký, địa chỉ)

Công suất sản xuất của DN (tấn)

Nhà xuất khẩu

Công ty nhà nhập khẩu ở Liên bang Nga

Khối lượng cung cấp theo thỏa thuận (tấn/năm)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 2 đi kèm Bản ghi nhớ giữa Cơ quan liên bang về kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đảm bảo an toàn thủy sản xuất-nhập khẩu giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Doanh nghiệp nhà sản xuất (tên, số đăng ký, địa chỉ)

Công suất sản xuất của DN (tấn)

Nhà xuất khẩu

Công ty nhà nhập khẩu ở CHXHCN Việt Nam

Khối lượng cung cấp theo thỏa thuận (tấn/năm)