Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

​Kế hoạch 1839/KH-UBND năm 2023 về thực hiện chương trình trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Gia L​ai giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1839/KH-UBND
Ngày ban hành 15/07/2023
Ngày có hiệu lực 15/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1839/KH-UBND

Gia Lai, ngày 15 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc Bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 14/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội và Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí;

Căn cứ Quyết định số 1069/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 289/QĐ-LĐTBXH ngày 16/3/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38.872 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên. Trong đó có 13.591 người khuyết tật; 17.536 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; 644 trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng; 1.160 người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sống ở vùng khó khăn 5.934 em; trẻ em và người nhiễm HIV 07 người; số người và hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng 3.598 người. Ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, người nuôi dưỡng chăm sóc, đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng hàng năm khoảng 296 tỷ đồng.

Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng. Việc triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế của tỉnh đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó từng bước ổn định và nâng cao đời sống. Các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được quan tâm; nhờ đó, đời sống của các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được cải thiện và góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, đối tượng bảo trợ xã hội có xu hướng ngày càng tăng, nhất là nhóm người cao tuổi, người khuyết tật về thần kinh, trẻ em mắc bệnh tự kỷ. Hàng năm có hơn 1.200 lượt người bị bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện tâm thần kinh tỉnh; lập hồ sơ theo dõi, quản lý hơn 3.000 bệnh nhân tâm thần, rối nhiễu tâm trí; có hơn 500 trẻ em mắc bệnh tự kỷ cần được điều trị, chăm sóc, giúp đỡ. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội còn mỏng, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 cơ sở trợ giúp xã hội được cấp phép hoạt động (công lập 03 cơ sở, ngoài công lập 04 cơ sở) thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 550 đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, tâm thần, người già neo đơn không nơi nương tựa. Hiện còn nhiều đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chưa có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý...

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo chính sách an sinh xã hội phải luôn được chú trọng; trong đó triển khai các chương trình chăm sóc, giúp đỡ đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn luôn là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội; tạo môi trường thuận lợi, thân thiện và khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để đối tượng bảo trợ xã hội vươn lên tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng và ổn định cuộc sống.

Huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó ưu tiên công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Thành lập các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau nhằm huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi. Thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, hỗ trợ cải thiện điều kiện sống nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi ở cộng đồng dân cư, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025

2.1. Chương trình trợ giúp người khuyết tật, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng

- Hàng năm khoảng 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật. Khoảng 1.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình;

- 100% người khuyết tật đủ điều kiện được trợ cấp xã hội thường xuyên.

- 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

- 100% người khuyết tật trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có nhu cầu được học nghề và tạo việc làm phù hợp.

- 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

- 80% công trình xây mới, 30% công trình sửa chữa cải tạo là các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hoá, thể dục, thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

[...]