Luật Đất đai 2024

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

Số hiệu 153/2020/NĐ-CP
Cơ quan ban hành Chính phủ
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Chứng khoán
Loại văn bản Nghị định
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CHÀO BÁN, GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC VÀ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

2. Nghị định này không điều chỉnh việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng tại thị trường trong nước theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 3. Áp dụng quy định pháp luật liên quan

1. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và xổ số ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định của Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Doanh nghiệp dự án PPP chào bán trái phiếu ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này, phải thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

3. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, các văn bản hướng dẫn và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

4. Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc tuân thủ theo quy định của Nghị định này, phải tuân thủ quy định về giới hạn huy động vốn, thẩm quyền huy động vốn, mục đích huy động vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp.

5. Các hành vi vi phạm về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này của các tổ chức, cá nhân có liên quan bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

2. “Trái phiếu doanh nghiệp xanh” là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

3. “Trái phiếu chuyển đổi” là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

4. “Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.

5. “Trái phiếu kèm chứng quyền” là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

6. “Tổ chức kiểm toán đủ điều kiện” là tổ chức được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp phát hành là công ty không phải là công ty đại chúng; là tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đối với doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

7. “Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu” là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc tổ chức là thành viên lưu ký của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện dịch vụ đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp.

8. “Hoán đổi trái phiếu” là việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để hoán đổi cho trái phiếu đang lưu hành của chính doanh nghiệp đó tại cùng một thời điểm để cơ cấu lại danh mục nợ.

9. “Mua lại trái phiếu trước hạn” là việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu đã phát hành của chính doanh nghiệp trước ngày đáo hạn.

10. “Ngày phát hành trái phiếu” là ngày xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu. Trái phiếu trong một đợt chào bán có cùng ngày phát hành.

11. “Ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu” là ngày doanh nghiệp phát hành hoàn thành việc phân phối trái phiếu và thu tiền mua trái phiếu từ các nhà đầu tư.

Điều 5. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

2. Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

3. Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.

Điều 6. Điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu

1. Kỳ hạn trái phiếu: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

2. Khối lượng phát hành: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

3. Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu

a) Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là đồng Việt Nam.

b) Đối với trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là ngoại tệ theo quy định tại thị trường phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

4. Mệnh giá trái phiếu

a) Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam.

b) Trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, mệnh giá thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

5. Hình thức trái phiếu

a) Trái phiếu được chào bán dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.

b) Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.

6. Lãi suất danh nghĩa trái phiếu

a) Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.

b) Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng.

c) Doanh nghiệp phát hành quyết định lãi suất danh nghĩa cho từng đợt chào bán phù hợp với tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ. Lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

7. Loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định theo quy định của pháp luật.

8. Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành để công bố cho nhà đầu tư trước khi chào bán trái phiếu.

Điều 7. Mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi theo thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu để giảm nợ, cơ cấu lại nợ trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu.

Chương II

CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Mục 1. CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Điều 8. Nhà đầu tư mua trái phiếu

1. Đối tượng mua trái phiếu

a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

b) Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

c) Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

2. Trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

b) Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

c) Hiểu rõ và tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị quy định của pháp luật liên quan.

3. Quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

b) Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

c) Được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu; được sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Điều kiện chào bán trái phiếu

1. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

b) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

d) Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

đ) Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

e) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

2. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này.

3. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:

a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.

b) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

c) Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.

d) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

đ) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Điều kiện chào bán trái phiếu thành nhiều đợt

1. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Các điều kiện chào bán quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này;

c) Có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.

2. Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Điều 11. Quy trình chào bán trái phiếu

1. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty không phải là công ty đại chúng (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán):

a) Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

b) Doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

c) Doanh nghiệp tổ chức chào bán trái phiếu theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định này. Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.

d) Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán:

a) Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

b) Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ chào bán trái phiếu quy định tại điểm a khoản này đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán và tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này. Số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc mở và sử dụng tài khoản phong tỏa áp dụng theo quy định đối với chào bán, phát hành chứng khoán và chào mua công khai quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

d) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, doanh nghiệp báo cáo kết quả chào bán theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ báo cáo kết quả chào bán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời đăng lên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được báo cáo kết quả chào bán.

đ) Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được báo cáo kết quả chào bán, doanh nghiệp phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ chào bán.

e) Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu.

3. Doanh nghiệp thanh toán lãi, gốc trái phiếu và thực hiện chế độ công bố thông tin theo quy định tại Mục 3Mục 4 Chương II Nghị định này.

Điều 12. Hồ sơ chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm lập hồ sơ chào bán để phục vụ cho việc chào bán, giao dịch và thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

2. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:

a) Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

b) Tài liệu công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính;

c) Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu, bao gồm:

- Hợp đồng ký kết với tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán;

- Hợp đồng ký kết với tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phù hợp với phương thức phát hành trái phiếu quy định tại Điều 14 Nghị định này, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu;

- Hợp đồng ký kết với tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu;

- Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán (nếu có) để giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành;

- Hợp đồng ký kết với đại lý quản lý tài sản bảo đảm đối với trái phiếu có bảo đảm (nếu có);

- Hợp đồng ký kết với các tổ chức khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).

d) Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;

đ) Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);

e) Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của cấp có thẩm quyền;

g) Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);

h) Tài liệu chứng minh đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật chuyên ngành;

i) Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản này hồ sơ chào bán trái phiếu còn bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản sao Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị phê duyệt hồ sơ chào bán trái phiếu.

- Cam kết của doanh nghiệp về việc không vi phạm quy định về sở hữu chéo theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và thời điểm thực hiện quyền của chứng quyền.

- Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc doanh nghiệp mở tài khoản phong tỏa để nhận tiền mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của đợt chào bán.

3. Hồ sơ chào bán trái phiếu thành nhiều đợt ngoài các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này còn bao gồm:

a) Tài liệu về dự án hoặc kế hoạch sử dụng vốn làm nhiều đợt;

b) Cập nhật tình hình chào bán và sử dụng vốn trái phiếu từ các đợt chào bán trước theo phương án phát hành trái phiếu;

c) Cập nhật về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trong trường hợp đợt chào bán sau cách đợt chào bán trước từ 06 tháng trở lên và trường hợp đợt chào bán sau khác năm tài chính với đợt chào bán trước.

4. Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; doanh nghiệp phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc loại trừ.

a) Trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, doanh nghiệp sử dụng báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính tháng/báo cáo tài chính quý gần nhất sau báo cáo tài chính bán niên của năm tài chính trước liền kề được soát xét hoặc kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

b) Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính trong hồ sơ chào bán trái phiếu gồm báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm phát hành và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ năm trước liền kề năm phát hành. Trường hợp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề năm phát hành thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Điều 13. Phương án phát hành trái phiếu và thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu xây dựng phương án phát hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận và làm căn cứ để công bố thông tin. Phương án phát hành trái phiếu bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Thông tin về doanh nghiệp phát hành (tên doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, trụ sở, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật);

b) Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư; các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn; nguồn vốn được cơ cấu (cụ từng khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu được cơ cấu, giá trị của khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu được cơ cấu). Riêng đối với tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, mục đích phát hành trái phiếu bao gồm để tăng vốn cấp 2 hoặc để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

c) Các tài liệu chứng minh đáp ứng từng điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9Điều 10 Nghị định này; riêng đối với điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định này, doanh nghiệp phải có văn bản cam kết đáp ứng điều kiện này;

d) Điều kiện, điều khoản của trái phiếu dự kiến chào bán, đối với chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải dự kiến số lượng đợt chào bán, khối lượng chào bán của từng đợt và thời điểm chào bán của từng đợt;

đ) Phương án chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu đối với trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi (điều kiện, thời hạn, tỷ lệ hoặc phương pháp tính giá chuyển đổi, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, các điều khoản khác);

e) Phương án thực hiện quyền của chứng quyền đối với trường hợp chào bán trái phiếu kèm chứng quyền (điều kiện thực hiện quyền, thời hạn, tỷ lệ, giá hoặc phương pháp tính giá, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, các điều khoản khác);

g) Điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có);

h) Một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp trong 03 năm liền kề trước năm phát hành và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có), bao gồm:

- Vốn chủ sở hữu;

- Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu;

- Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu;

- Lỗ/lãi (trường hợp lỗ, nêu cụ thể lỗ trong năm tài chính và lỗ lũy kế);

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu.

i) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có);

k) Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính hoặc ý kiến soát xét của kiểm toán đối với báo cáo tài chính;

l) Phương thức phát hành trái phiếu;

m) Kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu;

n) Kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu;

o) Cam kết công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành;

p) Các cam kết khác đối với nhà đầu tư mua trái phiếu (nếu có);

q) Điều khoản về đăng ký, lưu ký trái phiếu;

r) Điều khoản về giao dịch trái phiếu theo quy định tại Điều 0 Nghị định này;

s) Quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu;

t) Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành;

u) Trách nhiệm và nghĩa vụ của từng tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến việc phát hành trái phiếu;

v) Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và danh sách nhà đầu tư chiến lược đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành trái phiếu kèm chứng quyền.

2. Thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu:

a) Đối với công ty cổ phần:

- Phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và chào bán trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Việc biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt phương án phát hành thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

- Phương án chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác, Hội đồng quản trị có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất; báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ chào bán trái phiếu.

b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu là Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc chủ sở hữu công ty theo Điều lệ của công ty.

c) Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, phải tuân thủ quy định về giới hạn huy động vốn và thẩm quyền quyết định huy động vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp.

d) Đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

Điều 14. Phương thức phát hành trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ

1. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo các phương thức sau:

a) Đấu thầu phát hành: là phương thức lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu mua trái phiếu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phát hành.

b) Bảo lãnh phát hành: là phương thức bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành.

c) Đại lý phát hành: là phương thức doanh nghiệp phát hành ủy quyền cho một tổ chức khác thực hiện bán trái phiếu cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

d) Bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng.

2. Doanh nghiệp phát hành quyết định phương thức phát hành và công bố cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành theo quy định của pháp luật.

a) Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và doanh nghiệp phát hành phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên. Nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ bao gồm trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trong việc công bố đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

b) Trường hợp tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư (trong đó nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu) và phải tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện các cam kết này.

4. Tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán. Khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán, đồng thời chịu trách nhiệm về việc rà soát của mình.

Mục 2. ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ VÀ GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU

Điều 15. Đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đăng ký, lưu ký trái phiếu trong thời hạn sau:

a) 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo dã nhận được báo cáo kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

b) 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

2. Tại một thời điểm, mỗi mã trái phiếu doanh nghiệp chỉ được đăng ký, lưu ký tại một tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.

Điều 16. Giao dịch trái phiếu

1. Trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền chỉ được phép giao dịch giữa các nhà đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

3. Khi thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều này phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Mục 3. THANH TOÁN LÃI, GỐC TRÁI PHIẾU

Điều 17. Thanh toán lãi, gốc trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn trả nợ lãi, gốc trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.

2. Đối với trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

3. Đối với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc thì tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp phát hành theo cam kết bảo lãnh giữa tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành nêu tại phương án phát hành trái phiếu và đã được công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Mục 4. CÔNG BỐ THÔNG TIN

Điều 18. Nguyên tắc công bố thông tin

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư; các thông tin phải rõ ràng theo quy định của Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và tính chính xác, trung thực của thông tin công bố.

2. Việc công bố thông tin trước khi chào bán trái phiếu không được chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào và không thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp công bố thông tin theo quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

3. Doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt:

a) Đối với đợt chào bán đầu tiên, việc công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với các đợt chào bán tiếp theo, ngoài việc công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước mỗi đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin bổ sung cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu, đồng thời gửi Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 20. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 21. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán.

a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng.

b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

d) Đối với trái phiếu xanh, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hàng năm doanh nghiệp phát hành phải lập báo cáo về việc hạch toán, quản lý sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán; báo cáo tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 22. Công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp

1. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán:

a) Bị tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; khi có Quyết định về việc tổ chức lại hoặc chuyển đổi doanh nghiệp;

b) Có sự thay đổi về nội dung thông tin so với thông tin đã công bố khi chào bán trái phiếu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ lãi, gốc trái phiếu.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện chế độ báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Chương III

CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Mục 1. CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Điều 24. Nguyên tắc chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế

1. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế (chào bán riêng lẻ hoặc ra công chúng) phải tuân thủ quy định tại Nghị định này và đáp ứng điều kiện chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.

2. Việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

Điều 25. Điều kiện chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế

1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền:

a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

b) Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 28 Nghị định này;

c) Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

d) Tuân thủ quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và pháp luật về quản lý ngoại hối;

đ) Các điều kiện chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.

2. Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:

a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền kèm theo chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;

c) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

Điều 26. Quy trình chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế

1. Đối với chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty không phải là công ty đại chúng:

a) Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 27 Nghị định này và tổ chức chào bán tại thị trường phát hành.

b) Doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định này và quy định của thị trường phát hành.

2. Đối với chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán:

a) Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 27 Nghị định này và gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b) Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước khi chào bán theo quy định tại Điều 29 Nghị định này và thực hiện chào bán trái phiếu theo quy định của thị trường phát hành.

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, doanh nghiệp báo cáo kết quả chào bán theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3. Doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu và thực hiện chế độ công bố thông tin theo quy định của thị trường phát hành và Mục 2 Chương III Nghị định này.

Điều 27. Hồ sơ chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế

1. Doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm lập hồ sơ chào bán để phục vụ cho việc chào bán, giao dịch và thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

2. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:

a) Phương án chào bán trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.

b) Giấy xác nhận tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

c) Văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận hạn mức phát hành nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia.

d) Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của cấp có thẩm quyền.

đ) Báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế trong trường hợp thị trường phát hành yêu cầu.

e) Hồ sơ đăng ký chào bán với cơ quan có thẩm quyền tại thị trường phát hành hoặc ý kiến pháp lý của công ty tư vấn luật quốc tế về việc doanh nghiệp không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nước sở tại khi phát hành trái phiếu.

g) Đối với chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản này, hồ sơ chào bán trái phiếu còn bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản sao Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty phê duyệt hồ sơ chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Điều 28. Phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế

1. Đối với công ty cổ phần:

a) Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi và chào bán trái phiếu kèm chứng quyền, phương án phát hành phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Việc biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt phương án phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

b) Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu thực hiện theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác thì Hội đồng quản trị có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất, báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ chào bán trái phiếu.

2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu là Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc chủ sở hữu công ty theo Điều lệ của công ty.

3. Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, phải tuân thủ quy định về việc huy động vốn quốc tế theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp.

4. Đối với doanh nghiệp phát hành thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Mục 2. CÔNG BỐ THÔNG TIN

Điều 29. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp thực hiện việc công bố thông tin theo quy định tại thị trường phát hành và quy định tại Nghị định này.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này. Việc Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Điều 30. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi thông tin về kết quả chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 31. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ đến Sở Giao dịch Chứng khoán.

a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng.

b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể việc thay đổi mục đích sử dụng vốn và lý do thay đổi.

d) Báo cáo về thông tin bất thường của doanh nghiệp phát hành (nếu có).

đ) Báo cáo về mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền (nếu có).

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Chương IV

CHUYÊN TRANG THÔNG TIN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Điều 32. Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán

1. Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm:

a) Tổng hợp thông tin trên cơ sở nội dung thông tin đã tiếp nhận của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Xây dựng, ban hành Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

2. Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp gồm các nội dung sau:

a) Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, mã trái phiếu (nếu có), ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn;

b) Tình hình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn, thị trường phát hành.

c) Tình hình chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, việc thực hiện quyền của chứng quyền, việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có).

d) Thông tin khác theo thỏa thuận giữa Sở giao dịch chứng khoán và doanh nghiệp phát hành để cung cấp cho đối tượng được tiếp nhận thông tin theo Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu được truy cập chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp do Sở giao dịch chứng khoán ban hành.

Điều 33. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán

1. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp.

2. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Sở giao dịch chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ để Sở giao dịch chứng khoán tổng hợp báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Chế độ báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán

a) Sở giao dịch chứng khoán thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về tình hình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp gồm chào bán tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.

b) Ngoài chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản này, Sở giao dịch chứng khoán báo cáo đột xuất cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký và Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Chương V

QUẢN LÝ, GIÁM SÁT VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

Điều 34. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

1. Tuân thủ quy định của Nghị định này về việc chào bán trái phiếu.

2. Phải quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

3. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật.

5. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 35. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định của Nghị định này. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 36. Trách nhiệm của tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ, thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu và chuyển quyền sở hữu trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 8Điều 16 Nghị định này.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 37. Trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành

1. Tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành.

2. Thực hiện đúng theo hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

4. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 38. Trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán

1. Tổng hợp thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Trường hợp phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu giải trình, cung cấp bổ sung thông tin hoặc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

5. Xây dựng Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; Quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giám sát giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán để ban hành sau khi có ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Điều 39. Trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại thị trường trong nước; cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

2. Quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán; giám sát Sở giao dịch chứng khoán trong việc thực hiện công bố thông tin, chế độ báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Nghị định này.

3. Trên cơ sở giám sát của Sở giao dịch chứng khoán tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Nghị định này, tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

4. Có ý kiến chấp thuận Quy chế vận hành chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp và Quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Nghị định này.

Điều 40. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Hướng dẫn việc chào bán trái phiếu của tổ chức tín dụng, hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

2. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu; giám sát việc tổ chức tín dụng cam kết mua lại trái phiếu của doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) trong việc kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối và vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Điều 41. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

1. Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, chủ sở hữu công ty có trách nhiệm:

a) Phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều lệ của công ty, quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật doanh nghiệp.

b) Giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ công ty.

2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước, quản lý, giám sát việc huy động và sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý và báo cáo tài chính của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi Bộ Tài chính có yêu cầu.

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc công bố thông tin và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này để kiến nghị Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi cơ chế chính sách.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các quy định tại Nghị định này đối với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện cho đến khi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.

2. Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho đến khi trái phiếu đáo hạn, ngoại trừ chế độ báo cáo, công bố thông tin định kỳ theo quy định tại điểm b khoản này.

b) Chế độ báo cáo, công bố thông tin định kỳ thực hiện theo quy định tại Nghị định này cho đến khi trái phiếu đáo hạn.

c) Doanh nghiệp không được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu tại phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt.

Điều 45. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC I

MẪU GIẤY ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI/ TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN RIÊNG LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
(Kèm theo Nghị định số: 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ)

TÊN CÔNG TY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/…….

……., ngày ... tháng... năm 20...

GIẤY ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI/ TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN RIÊNG LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Trái phiếu: …………….. (mã trái phiếu)

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

I. GIỚI THIỆU VỀ TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

1. Tên tổ chức đăng ký chào bán (đầy đủ): …………………………………………………………...

2. Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………………..

3. Điện thoại: …………………………………….. Fax: ………………………………………………..

4. Vốn điều lệ: ……………………………………………………………………………………………

5. Mã cổ phiếu (nếu có): ………………………………………………………………………………..

6. Nơi mở tài khoản thanh toán: ……………… Số hiệu tài khoản: …………………………………

7. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số ... do Sở Kế hoạch và Đầu tư ... cấp lần đầu ngày ..., cấp thay đổi lần ... ngày...(nêu thông tin thay đổi lần gần nhất)

- Ngành nghề kinh doanh chủ yếu: ……………………….……. Mã ngành: ………………………

- Sản phẩm/dịch vụ chính: …………………………………………………………………………….

- Vốn điều lệ: ……………………………………………………………………………………………

8. Doanh nghiệp phát hành thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật chuyên ngành quy định phải có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc phát hành: ………….. (có/không).

II. HÌNH THỨC PHÁT HÀNH: CHÀO BÁN RIÊNG LẺ

III. MỤC ĐÍCH PHÁT HÀNH: …………………………………………………………………………

IV. THÔNG TIN VỀ TRÁI PHIẾU ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN

1. Tên trái phiếu: ………………………………………………………………………………………..

2. Loại trái phiếu: ……………………………………………………………………………………….

3. Mệnh giá trái phiếu: …………………………………………………………….….đồng/trái phiếu.

4. Số lượng trái phiếu đăng ký chào bán: ……………………………………………….. trái phiếu.

5. Tổng giá trị trái phiếu đăng ký chào bán (theo mệnh giá): ………………………………..đồng.

6. Tỷ lệ tổng giá trị trái phiếu tính theo mệnh giá trên tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá: ………...................…..%

7. Giá chào bán: ……………………………………………………………….……….đồng/trái phiếu.

8. Lãi suất: ……………………………………………………………………………..………..%/năm.

9. Kỳ hạn trái phiếu: ………….....................................................................................…………..

10. Kỳ trả lãi: …………………………………………………………………………………………….

11. Điều khoản mua lại trái phiếu, mua lại trái phiếu trước hạn (nếu có): ……………………..

12. Các điều khoản liên quan đến chuyển đổi trái phiếu (trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi):

- Thời hạn chuyển đổi: ………………………………………………………………………………..

- Tỷ lệ chuyển đổi hoặc phương pháp xác định tỷ lệ chuyển đổi: ……………………………….

- Phương án đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài: …………………………………………………..

- Các điều khoản khác (nếu có): …………………..…………………………………………………

13. Các điều khoản đối với chứng quyền kèm theo trái phiếu (trường hợp chào bán trái phiếu kèm chứng quyền):

- Thời hạn thực hiện quyền: ………………………………………………………………………….

- Tỷ lệ thực hiện quyền: ………………………………..………………………………………………

- Giá cổ phiếu thực hiện chứng quyền và nguyên tắc tính thực hiện chứng quyền: ……………………………………………………………………………………………………………

- Phương án đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài: …………………………………………………..

- Các điều khoản khác (nếu có): ……………………………………………………………………..

14. Các thông tin khác liên quan trái phiếu có bảo đảm (trường hợp chào bán trái phiếu có bảo đảm):

- Hình thức bảo đảm: ………………………………………………………………………………….

- Giá trị trái phiếu được bảo đảm: ………………..………………………………………………….

- Bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán (trường hợp bảo đảm thanh toán bằng bảo lãnh):

+ Tên tổ chức bảo lãnh thanh toán: …………………………………………………………………

+ Giá trị bảo lãnh: ………………….………………………………………………………………….

- Bảo đảm bằng tài sản (trường hợp bảo đảm thanh toán bằng tài sản):

+ Tài sản bảo đảm: ……………………………….…………………………………………………..

+ Giá trị tài sản bảo đảm: ………………….……………………….………………………………..

+ Chủ sở hữu tài sản bảo đảm: ………………….……………………….………………………….

+ Tổ chức nhận tài sản bảo đảm: ……………………………………………………………………

- Đại diện người sở hữu trái phiếu (nếu có): ……………………………………………………….

15. Thứ tự ưu tiên thanh toán trái phiếu: …………………………………………………………..

16. Thông tin về trái phiếu đã phát hành hiện đang lưu hành của tổ chức phát hành

- Tổng giá trị trái phiếu hiện đang lưu hành của tổ chức phát hành: ....đồng, trong đó:

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng: ……………………………………….... đồng.

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán riêng lẻ: …………………………………………………..đồng.

- Tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký chào bán: ……………………..đồng, trong đó:

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng: …………………………………..………đồng.

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán riêng lẻ: …………………………………………..………đồng.

17. Tỷ lệ tổng giá trị trái phiếu đăng ký chào bán thêm trên tổng giá trị trái phiếu hiện có: …………......………….%.

18. Thời gian dự kiến chào bán: ……………………….........................................................…..

19. Phương thức phân phối: ………………..................................................................………..

V. PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG VỐN THU ĐƯỢC TỪ ĐỢT CHÀO BÁN

(Nêu phương án sử dụng, tiến độ sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán và nguồn vốn đối ứng khác (nếu có))

VI. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CHÀO BÁN

1. Tiêu chí lựa chọn đối tượng được chào bán: ……............................................……………..

2. Danh sách dự kiến (đính kèm): ……………………………………………………………………

STT

Tên nhà đầu tư

Số Giấy CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đối tượng

Số lượng cổ phiếu sở hữu trước đợt chào bán

Số lượng chứng khoán dự kiến được phân phối (cổ phiếu/ trái phiếu)

Tỷ lệ sở hữu dự kiến sau đợt chào bán (%) (đối với chào bán cổ phiếu)

Nhà đầu tư chiến lược/Nhà đầu tư chuyên nghiệp

Nhà đầu tư nước ngoài/Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ/Nhà đầu tư trong nước

1

2

3. Quan hệ của các đối tượng được chào bán với tổ chức phát hành, thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên và Ban Giám đốc (nếu có):

VII. CÁC BÊN LIÊN QUAN

1. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý chào bán: ………………………………………………….

2. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán: ……………………………………………………….………..

3. Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu: ……………………………………………………………..

4. Tổ chức kiểm toán: ………………………………………………………………………………..

5. Bên liên quan khác (nếu có): ……………………………………………………………………..

VIII. CAM KẾT CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH

1. Chúng tôi xin đảm bảo rằng những thông tin trong hồ sơ là đầy đủ và đúng sự thật, không phải là thông tin giả hoặc thiếu có thể làm cho nhà đầu tư mua trái phiếu chịu thiệt hại.

2. Chúng tôi cam kết:

- Nhà đầu tư tham gia đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán và/hoặc quy định tại Nghị định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia đợt chào bán.

- Nghiên cứu đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Lựa chọn ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản phong tỏa không phải là người có liên quan của tổ chức phát hành.

- Sử dụng số tiền huy động đúng mục đích.

- Việc phát hành không dẫn đến vi phạm quy định về sở hữu chéo của Luật Doanh nghiệp.

- Chịu mọi hình thức xử lý nếu vi phạm các cam kết nêu trên.

IX. HỒ SƠ KÈM THEO

1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

2. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán;

3. Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa;

4. Tài liệu cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư (nếu có);

5. Tài liệu sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán (nếu có);

6. ………….

………, ngày.... tháng.... năm 20..
TÊN DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH
(Người đại diện theo pháp luật)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC II

MẪU GIẤY ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
(Kèm theo Nghị định số: 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ)

TÊN CÔNG TY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/…….

……., ngày ... tháng... năm 20...

GIẤY ĐỀ NGHỊ VIỆC ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

I. GIỚI THIỆU VỀ DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH

1. Tên doanh nghiệp phát hành (đầy đủ): …………………………………………………………...

2. Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………..………..

3. Điện thoại: ……………………….. Fax: ……………………..Website: ……………………………

4. Vốn điều lệ: ………………………………………………………………………………………đồng

5. Mã cổ phiếu (nếu có): ………………………………………………………………………………..

6. Nơi mở tài khoản thanh toán: ……………… Số hiệu tài khoản: …………………………………

7. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số doanh nghiệp ... do Sở Kế hoạch và Đầu tư ... cấp lần đầu ngày ..., cấp thay đổi lần thứ ... ngày...(nêu thông tin thay đổi lần gần nhất)

- Ngành nghề kinh doanh chủ yếu: ……………………….……. Mã ngành: ………………………

- Sản phẩm/dịch vụ chính: …………………………………………………………………………….

8. Giấy phép thành lập và hoạt động (nếu có theo quy định của pháp luật chuyên ngành): ……………………

9. Doanh nghiệp phát hành thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật chuyên ngành quy định phải có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc phát hành: ………….. (có/không).

II. MỤC ĐÍCH PHÁT HÀNH: …………………………………………………………………………

III. THÔNG TIN VỀ TRÁI PHIẾU ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN

1. Tên trái phiếu: ………………………………………………………………………………………..

2. Loại trái phiếu: ……………………………………………………………………………………….

3. Mệnh giá trái phiếu: …………………………………………………………….….đồng/trái phiếu.

4. Số lượng trái phiếu đăng ký chào bán: ……………………………………………….. trái phiếu.

5. Tổng giá trị trái phiếu đăng ký chào bán (theo mệnh giá): ………………………………..đồng.

6. Tỷ lệ tổng giá trị trái phiếu tính theo mệnh giá trên tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá: ………...................…..%

7. Giá chào bán: ……………………………………………………………….……….đồng/trái phiếu.

8. Lãi suất: ……………………………………………………………………………..………..%/năm.

9. Kỳ hạn trái phiếu: ………….....................................................................................…………..

10. Kỳ trả lãi: …………………………………………………………………………………………….

11. Điều khoản mua lại trái phiếu, mua lại trái phiếu trước hạn (nếu có): ……………………..

12. Các điều khoản liên quan đến chuyển đổi trái phiếu (trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi):

- Thời hạn chuyển đổi: ………………………………………………………………………………..

- Tỷ lệ chuyển đổi hoặc phương pháp xác định tỷ lệ chuyển đổi: ……………………………….

- Phương án đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài: …………………………………………………..

- Các điều khoản khác (nếu có): …………………..…………………………………………………

13. Các điều khoản đối với chứng quyền kèm theo trái phiếu (trường hợp chào bán trái phiếu kèm chứng quyền):

- Thời hạn thực hiện quyền: ………………………………………………………………………….

- Tỷ lệ thực hiện quyền: ………………………………..………………………………………………

- Giá phát hành cổ phiếu thực hiện chứng quyền và nguyên tắc tính giá cổ phiếu thực hiện chứng quyền: ……………………………………………………………………………………………

- Phương án đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài: …………………………………………………..

- Các điều khoản khác (nếu có): ……………………………………………………………………..

14. Các thông tin khác liên quan trái phiếu có bảo đảm (trường hợp chào bán trái phiếu có bảo đảm):

- Hình thức bảo đảm: ………………………………………………………………………………….

- Giá trị trái phiếu được bảo đảm: ………………..………………………………………………….

- Bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán (trường hợp bảo đảm thanh toán bằng bảo lãnh):

+ Tên tổ chức bảo lãnh thanh toán: …………………………………………………………………

+ Giá trị bảo lãnh: ………………….………………………………………………………………….

- Bảo đảm bằng tài sản (trường hợp bảo đảm thanh toán bằng tài sản):

+ Tài sản bảo đảm: ……………………………….…………………………………………………..

+ Giá trị tài sản bảo đảm: ………………….……………………….………………………………..

+ Chủ sở hữu tài sản bảo đảm: ………………….……………………….………………………….

+ Tổ chức nhận tài sản bảo đảm: ……………………………………………………………………

15. Thứ tự ưu tiên thanh toán trái phiếu: …………………………………………………………..

16. Thông tin về trái phiếu đã phát hành hiện đang lưu hành của tổ chức phát hành

- Tổng giá trị trái phiếu hiện đang lưu hành của tổ chức phát hành: ....đồng, trong đó:

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng: ……………………………………….... đồng.

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán riêng lẻ: …………………………………………………..đồng.

- Tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký chào bán: ……………………..đồng, trong đó:

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng: …………………………………..………đồng.

+ Tổng giá trị trái phiếu chào bán riêng lẻ: …………………………………………..………đồng.

17. Tỷ lệ tổng giá trị trái phiếu đăng ký chào bán thêm trên tổng giá trị trái phiếu hiện có: …………......………….%.

18. Thời gian dự kiến chào bán: ……………………….........................................................…..

19. Phương thức phân phối: ………………..................................................................………..

20. Thị trường phát hành: ……………………………………………………………………………

IV. PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG VỐN

(Nêu phương án sử dụng, tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và nguồn vốn đối ứng khác (nếu có))

V. CÁC BÊN LIÊN QUAN

1. Tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu có): …………………………………………………………

2. Tổ chức tư vấn: ……………………………………………………….…………………………..

3. Tổ chức kiểm toán: ………………………………………………………………………………..

4. Bên liên quan khác (nếu có): ……………………………………………………………………..

VI. CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH

1. Chúng tôi xin đảm bảo rằng những thông tin trong hồ sơ là đầy đủ và đúng sự thật, không phải là thông tin không chính xác hoặc thiếu có thể làm cho người mua chịu thiệt hại.

2. Chúng tôi cam kết:

- Nghiên cứu đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc chào bán chứng khoán trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

- Sử dụng vốn huy động đúng mục đích.

- Chịu mọi hình thức xử lý nếu vi phạm các cam kết nêu trên.

VII. HỒ SƠ KÈM THEO

1. Quyết định của cấp có thẩm quyền thông qua phương án chào bán;

2. Văn bản xác nhận của ngân hàng về việc mở tài khoản phong tỏa;

3. ………….

……., ngày.... tháng.... năm 20...
TÊN DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH
(Người đại diện theo pháp luật)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC III

MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI/TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN RIÊNG LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
(Kèm theo Nghị định số: 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ)

TÊN CÔNG TY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

…….., ngày ... tháng... năm 20...

BÁO CÁO KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI/ TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN RIÊNG LẺ

Trái phiếu: ………….…… (mã trái phiếu)

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

I. GIỚI THIỆU VỀ DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH

1. Tên doanh nghiệp phát hành (đầy đủ): ……………………………………………………………

2. Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………….…..

3. Điện thoại: ………………………… Fax: ………......…….. Website: ……………………………

4. Vốn điều lệ: ……………………………………………………………………………….……đồng.

5. Mã cổ phiếu (nếu có): ……………………………………………………………………………….

6. Nơi mở tài khoản thanh toán: ……………………………… Số hiệu tài khoản: ………………..

7. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số doanh nghiệp....do Sở Kế hoạch và Đầu tư....cấp lần đầu ngày ……, cấp thay đổi lần thứ.... ngày ....(nêu thông tin thay đổi lần gần nhất).

- Ngành nghề kinh doanh chính: ……………………….…………. Mã ngành: …….......…………

- Sản phẩm/dịch vụ chính: ………………….........................................................................…….

8. Giấy phép thành lập và hoạt động (nếu có theo quy định của pháp luật chuyên ngành): ………………………………………………………………………

II. TRÁI PHIẾU CHÀO BÁN RIÊNG LẺ

1. Tên trái phiếu: …………………………………………………………………………………………

2. Loại trái phiếu: …………………………………………………………………………………………

3. Số lượng trái phiếu đăng ký chào bán: ……………………………………………….. trái phiếu

4. Mệnh giá trái phiếu: ……………………đồng

5. Giá bán dự kiến: …………….đồng/trái phiếu

6. Thời hạn trái phiếu: ……….năm

7. Lãi suất: ………./năm.

8. Kỳ trả lãi: ………………………………………………………………………………………………

9. Thời gian hạn chế chuyển nhượng: ……………………………………………………………….

10. Các điều khoản liên quan đến chuyển đổi trái phiếu (trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi):

- Điều kiện: ………………………………………………………………………………………………

- Thời hạn chuyển đổi: …………………………………………………………………………………

- Tỷ lệ chuyển đổi và phương pháp tính giá chuyển đổi: …………………………………………..

- Các điều khoản khác (nếu có): ……………….……………………………………………………..

11. Các điều khoản của chứng quyền kèm theo trái phiếu (trường hợp phát hành trái phiếu kèm theo chứng quyền):

- Thời gian thực hiện quyền: …………………………………………………………………………..

- Tỷ lệ thực hiện quyền: ………………………………………………………………………………..

- Giá cổ phiếu phát hành: ………………………………………………………………………………

12. Ngày phát hành: ……………………………………………………………………………………

13. Ngày bắt đầu đợt chào bán: ………………………………………………………………………

14. Ngày kết thúc đợt chào bán: ………………………………………………………………………

15. Thời hạn đăng ký mua: từ ngày …….. đến ngày ………………………………………………..

16. Ngày thanh toán tiền mua trái phiếu: ……………………………………………………………..

17. Ngày kết thúc chuyển giao trái phiếu: …………………………………………………………….

III. KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI/TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN RIÊNG LẺ

1. Tổng số trái phiếu đã phân phối: …….., chiếm....% tổng số trái phiếu được phép chào bán.

2. Tổng số tiền thu từ việc bán trái phiếu: ……………..đồng (có xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu đính kèm).

3. Tổng chi phí: ………………………………………………………………. đồng.

- Phí bảo lãnh phát hành: …………………………………..…………………………………………..

- Phí phân phối trái phiếu: …………………………………..…………………………………………..

- Phí kiểm toán: …………………………………..……………………………………………………….

- Chi phí khác (nếu có) …………………………………..……………………………………………….

4. Tổng thu ròng từ đợt chào bán: ………………………………………………………………đồng

IV. DANH SÁCH NHÀ ĐẦU TƯ THAM GIA MUA TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI/TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN RIÊNG LẺ

STT

Tên nhà đầu tư

Số Giấy CMND/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Số lượng trái phiếu dự kiến phân phối

Giá trị trái phiếu đã phân phối

Ghi chú

1

2

(Nêu rõ lý do thay đổi nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu trong trường hợp danh sách các nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu có thay đổi so với danh sách đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

V. CƠ CẤU VỐN CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH SAU ĐỢT CHÀO BÁN

Đơn vị: 1.000 đồng

Chỉ tiêu

Trước đợt chào bán

Sau đợt chào bán

Tổng nợ:

Nợ ngắn hạn:

Nợ dài hạn:

Trong đó trái phiếu:

Tổng vốn cổ phần:

Tỷ lệ nợ/vốn cổ phần:

Trong đó tổng giá trị trái phiếu người nước ngoài nắm giữ sau đợt chào bán: .... nghìn đồng, chiếm: .... % tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành.

VI. TÀI LIỆU GỬI KÈM

1. Xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán;

2. Quyết định của Hội đồng quản trị về việc phân phối trái phiếu (nếu có);

3. ……………

……….., ngày.... tháng.... năm 20...
TÊN DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH
(Người đại diện theo pháp luật)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC IV

MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN, CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
(Kèm theo Nghị định số: 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ)

TÊN CÔNG TY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

…….., ngày ... tháng... năm 20...

BÁO CÁO KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

I. GIỚI THIỆU VỀ DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH

1. Tên doanh nghiệp phát hành (đầy đủ): ……………………………………………………………

2. Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………….…..

3. Điện thoại: ………………………… Fax: ………......…….. Website: ……………………………

4. Vốn điều lệ: ……………………………………………………………………………….……đồng.

5. Mã cổ phiếu (nếu có): ……………………………………………………………………………….

6. Nơi mở tài khoản thanh toán: ……………………………… Số hiệu tài khoản: ………………..

7. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số doanh nghiệp....do Sở Kế hoạch và Đầu tư....cấp lần đầu ngày ……, cấp thay đổi lần thứ.... ngày ....(nêu thông tin thay đổi lần gần nhất).

- Ngành nghề kinh doanh chính: ……………………….…………. Mã ngành: …….......…………

- Sản phẩm/dịch vụ chính: ………………….........................................................................…….

8. Giấy phép thành lập và hoạt động (nếu có theo quy định của pháp luật chuyên ngành): ………………………………………………………………………………………………………….

II. TRÁI PHIẾU DỰ KIẾN CHÀO BÁN

1. Tên trái phiếu: …………………………………………………………………………………………

2. Loại trái phiếu: …………………………………………………………………………………………

3. Số lượng trái phiếu đăng ký chào bán: ……………………………………………….. trái phiếu

4. Mệnh giá trái phiếu: ……………………đồng

5. Giá bán dự kiến: …………….đồng/trái phiếu

6. Thời hạn trái phiếu: ……….năm

7. Lãi suất: ………./năm.

8. Kỳ trả lãi: ………………………………………………………………………………………………

9. Thị trường phát hành: ………………………………………………………………………………..

10. Mục đích phát hành: ………………………………………………………………………………..

11. Ngày kết thúc việc thu tiền mua cổ phiếu: ..………………………………………………………

12. Ngày giao dịch dự kiến: …………………………………………………………………………….

III. KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

1. Số trái phiếu đã phân phối: ………………..................................................…………………..

2. Giá phát hành: ……………………………………………………………………..……………….

IV. TÀI LIỆU GỬI KÈM (nếu có)

……….., ngày.... tháng.... năm 20...
TÊN DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH
(Người đại diện theo pháp luật)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

132
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
Tải văn bản gốc Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No.: 153/2020/ND-CP

Hanoi, December 31, 2020

 

DECREE

PRESCRIBING PRIVATE PLACEMENT AND TRADING OF PRIVATELY PLACED CORPORATE BONDS IN DOMESTIC MARKET AND OFFERING OF CORPORATE BONDS IN INTERNATIONAL MARKET

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015 and the Law on Amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Securities dated November 26, 2019;

Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;

At the request of the Minister of Finance;

The Government promulgates a Decree prescribing private placement and trading of privately placed corporate bonds in domestic market and offering of corporate bonds in international market.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 1. Scope

1. This Decree deals with the private placement and trading of privately placed corporate bonds in the territory of the Socialist Republic of Vietnam and the offering of corporate bonds in international market.

2. This Decree shall not apply to the public offering and trading of corporate bonds in the domestic market in accordance with the Law on Securities No. 54/2019/QH14.

Article 2. Regulated entities

1. Issuers that are joint-stock companies or limited liability companies duly established and operating under the law of Vietnam.

2. Regulatory authorities, organizations and individuals involving in the offering and trading of corporate bonds.

Article 3. Application of relevant regulations and laws

1. In addition to the provisions laid down herein, enterprises operating in securities, bank and lottery sectors shall be obliged to abide by provisions of specialized laws. In case the provisions of the specialized law are contrary to the provisions herein, the former shall prevail.

2. In addition to the provisions laid down herein, when offering bonds, PPP project enterprises shall be obliged to abide by provisions of the Law on public-private partnership investment. In case the provisions of the Law on public-private partnership investment are contrary to the provisions herein, the former shall prevail.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. In addition to the provisions laid down herein, state enterprises shall comply with regulations on limits on, authority to decide, and purpose of raised funds in accordance with provisions of the Law on management and use of state funds invested in enterprises’ business and production activities and the Law on enterprises.

5. Any violations against regulations on the offering and trading of corporate bonds laid down herein shall be handled in accordance with regulations on penalties for administrative violations in the fields of securities and securities market, and relevant laws.

Article 4. Definitions

In addition to the definitions in the Law on Securities No. 54/2019/QH14, the terms below shall be construed as follows:

1. “corporate bond” means a type of debt security with a term to maturity of at least 01 year, issued by an enterprise to confirm the bondholder's legitimate rights and interests over a part of its debts.

2. “green bond” means a corporate bond issued to raise funds for environmental protection projects or projects that generate environmental benefits in accordance with the provisions of the Law on Environmental Protection.

3. “convertible bond” means a type of bonds which are issued by a joint-stock company and can be converted into a number of common shares of the issuer under terms and provisions predetermined in the bond issuance plan.

4. “secured bond” means a type of bonds whose principal and interest payments, when they become due, are entirely or partially secured by a specific asset of the issuer or a third party in accordance with law regulations on secured transactions, or guaranteed in accordance with regulations of law.

5. “warrant-linked bond” means a type of bonds which are issued by a joint-stock company with warrants that entitle bondholders to buy a specific number of common shares of the issuer under terms and provisions predetermined in the bond issuance plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7. “registering and depository organization” means Vietnam Securities Depository and Clearing Corporation (VSDCC) or depository members of VSDCC that provide corporate bond registration and depositing services.

8. “bond swap” means an enterprise’s issuance of bonds which shall be swapped with outstanding bonds issued by that enterprise at the same time for restructuring its debt portfolio.

9. “redemption of bonds before maturity” means the issuer’s repurchase of its issued bonds before maturity.

10. “issue date” means the date on which the bond issuer’s debt liabilities are confirmed. Bonds issued in an offering shall be the same issue date.

11. “completion date of a bond offering” means the date on which the issuer completes the distribution of bonds and receipt of payments for bonds from investors.

Article 5. Rules for issuance of bonds and use of raised funds

1. An issuer shall issue bonds according to the rules of conventional loans, assume responsibility for the use of raised funds and ensure its repayment capacity.

2. Bond are issued for executing investment projects/programs; increasing working capital; restructuring the issuer’s funding sources or serving other purposes prescribed in specialized laws. The bond issuance purposes must be specified in the issuer’s bond issuance plan as prescribed in Article 13 hereof and disclosed to investors registering for purchase of bonds. The funds raised from a bond issue must be used for the purposes specified in the issuer’s bond issuance plan and notified to investors.

3. In addition to the provisions in Clauses 1 and 2 of this Article, the funds raised from the issuance of green bonds must be separately recorded and managed, and disbursed to the environmental protection projects/projects that generate environmental benefits specified in the approved bond issuance plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Bond term: decided by the issuer in each offering based on its demands for funds.

2. Quantity of bonds issued: decided by the issuer in each offering based on its demands for funds.

3. Currency used in issuance and payment for bonds

a) The currency used in issuance and payment of bond principals and interests of bonds offered in the domestic market is Vietnamese dong (VND).

b) The currency used in issuance and payment of bond principals and interests of bonds offered in the international market is a foreign currency according to regulations adopted in the issuing market and regulations on foreign exchange management.

4. Face value:

a) Face value of a bond offered in the domestic market is VND 100.000 (one hundred thousand) or a multiple of VND 100.000 (one hundred thousand).

b) Face value of a bond offered in the international market shall comply with regulations adopted in the issuing market.

5. Bond form:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The form of bond in each offering shall be decided by the issuer according to regulations adopted in the issuing market.

6. Coupon rate:

a) The coupon rate of a bond may be the fixed interest rate over its entire term, floating interest rate or a combination of these two interest rates.

b) If the coupon rate is the floating interest rate or combination of the fixed interest rate and floating interest rate, the issuer shall indicate the reference rate which is used as the basis for determining the floating interest rate in the bond issuance plan and also notify it to bond buyers.

c) The issuer shall decide the coupon rate in each bond offering in conformity with its financial health and repayment capacity. In addition to the provisions herein, the coupon rate of bonds issued by a credit institution must also comply with regulations on interest rates adopted by the State Bank of Vietnam (SBV).

7. The bond types shall be decided by the issuer in accordance with regulations of law.

8. The method of principal and interest payment shall be decided by the issuer based on its demand for funds and the practices of the issuing market, and shall be notified to investors before the bond offering.

Article 7. Redemption of bonds before maturity and bond swaps

1. The issuer is entitled to redeem bonds before maturity or conduct a bond swap as agreed upon with bondholders in order to reduce or restructure its debts. The redemption of bonds offered in the international market before maturity must comply with SBV’s regulations on foreign exchange management. Bonds must be disposed of after redemption.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Chapter II

OFFERING OF BONDS IN DOMESTIC MARKET

Section 1. BOND OFFERING

Article 8. Bond buyers

1. Eligible bond buyers

a) Buyers of non-convertible bonds without warrant are professional investors as defined in the Law on securities.

b) Buyers of convertible bonds and warrant-linked bonds are professional investors and less than 100 strategic investors.

c) Organizations responsible for determination of professional investors and documents proving professional investors shall comply with the Decree providing guidelines for implementation of the Law on Securities.

2. Responsibilities of bond buyers

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Self-assess and assume responsibility for their investment decisions as well as incur any risks from the investment and trading in bonds. The State provides no guarantee that the issuer will make full and timely payment of bond principals and interests when they become due, and exercise other rights for bondholders.

c) Clearly understand and comply with regulations on eligible bond buyers, purchase and trading of privately placed corporate bonds in accordance with regulations herein and relevant laws.

3. Rights and benefits of bond buyers

a) Access adequate information disclosed by the issuer as prescribed herein, and bond offering dossiers as requested.

b) Receive full and timely payments of bond principal and interests when they become due and exercise other associated rights (if any) under terms and conditions of bonds and as agreed upon with the issuer.

c) Transfer, give, donate, discount or leave bonds as inheritance or use them as collateral in civil and commercial transactions in accordance with regulations of law.

Article 9. Conditions for bond offering

1. In order to carry out the offering of non-convertible bonds without warrant (except the offering of bonds by securities companies or fund management companies that are not public companies), the issuer is required to meet the following requirements:

a) It is a joint-stock company or limited liability company duly established and operating in accordance with the law of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) It has maintained adequacy ratios and prudential ratios in operations in accordance with regulations of specialized laws.

d) It must have a bond issuance plan approved and accepted as prescribed in Article 13 hereon.

dd) Its financial statements of the year preceding the year of issuance have been duly audited by an accredited audit organization according to regulations herein.

e) Entities participate in the offering according to Point a Clause 1 Article 8 hereof.

2. In order to carry out the offering of non-convertible bonds without warrant, the securities companies or fund management companies that are not public companies shall meet the following requirements in Point a, Point c, Point dd and Point e Clause 1 of this Article.

3. In order to carry out the offering of convertible bonds or warrant-linked bonds, the following requirements must be met:

a) The issuer is a joint-stock company.

b) Entities participate in the offering according to Point b Clause 1 Article 8 hereof.

c) The offering conditions in Point b, Point c, Point d and Point dd Clause 1 of this Article are satisfied.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) The conversion of bonds into shares and execution of warrants must ensure the ratio of holding by foreign investors as prescribed by law.

Article 10. Conditions for offering of bonds in multiple waves

1. An enterprise that wishes to offer bonds in multiple waves must satisfy the following conditions:

a) Meet the requirements for bond offering laid down in Article 9 hereof;

b) Have demands for funds in multiple stages in conformity with the purposes of bond issuance approved according to Clause 2 Article 13 hereof;

c) Have a bond issuance plan in which the quantity of bonds to be offered, issuing time and plan to use funds raised from each offering wave must be specified.

2. Bonds offered in each wave must be distributed within 90 days from the date of disclosure of information before offering. Total duration for offering of bonds in multiple waves shall not exceed 12 months from the issue date of the first offering wave.

Article 11. Bond offering procedures

1. With regard to the offering of non-convertible bonds without warrant by public companies and companies other than public companies, and the offering of convertible bonds and warrant-linked bonds by companies other than public companies (excluding securities companies and fund management companies):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The issuer shall disclose information before the bond offering as prescribed in Article 19 hereof.

c) The issuer shall organize the bond offering according to the methods prescribed in Article 14 hereof. The issuer shall complete the distribution of bonds within 90 days from the date of information disclosure before offering.

d) The issuer shall carry out registration and depositing of bonds as prescribed in Article 15 hereof.

2. With regard to the offering of convertible bonds and warrant-linked bonds by public companies, securities companies or fund management companies:

a) The issuer shall prepare a bond offering dossier as prescribed in Article 12 hereof.

b) The issuer shall send 01 set of the bond offering dossier prescribed in Point a of this Clause to the State Securities Commission of Vietnam (SSC). Within 10 days from the receipt of adequate and valid dossier, SSC shall give written approval. If a dossier is refused, SSC shall give a written response in which reasons for such refusal must be specified.

c) After obtaining the written approval from SSC, the issuer shall disclose information before the offering and organize the issuance of bonds according to Point b, Point c Clause 1 of this Article. Proceeds from the offering shall be transferred to the escrow account opened at a bank or foreign bank branch. Opening and use of escrow account shall comply with regulations on offering, issuance of securities and tender offer laid down in the Decree providing guidelines for implementation of the Law on Securities.

d) Within 10 days from the completion date of the offering, the issuer shall submit a report on offering results, made according to the form in Appendix III enclosed herewith, enclosed with confirmation of proceeds given by the bank or foreign bank branch where the escrow account is opened, to SSC. Within 03 working days from the receipt of the adequate report on offering results, SSC shall give a notification to the issuer and publish information about the offering results on its website.

dd) After receiving the notification from SSC, the issuer shall have the proceeds from the bond offering in escrow released.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The issuer shall make payments of bond principals and interests, and disclose information according to Section 3 and Section 4 Chapter II hereof.

Article 12. Bond offering dossier

1. The issuer shall prepare a bond offering dossier which shall be used for offering, trading and payment of bond principals and interests.

2. A bond offering dossier shall include the following documents:

a) The bond issuance plan prescribed in Clause 1 Article 13 hereof;

b) The disclosure of information about the bond offering according to regulations herein and guidelines of the Ministry of Finance;

c) The contracts signed between the issuer and the bond issue-related service providers, including:

- The contract signed with the counseling organization that provides counseling on bond offering dossiers, unless the issuer is a securities company that is licensed to provide counseling on securities offering dossiers as prescribed by the Law on Securities;

- The contracts signed with organizations providing bidding, underwriting and brokerage services in conformity with the bond issuance method prescribed in Article 14 hereof, unless credit institutions sell bonds directly to bond investors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- The contract signed with the representative of bondholders as prescribed in the Law on securities (if any) for supervising the fulfillment of the issuer’s commitments;

- The contract signed with the collateral-managing agent in case of offering of secured bonds (if any);

- The contracts signed with other organizations related to the bond offering (if any).

d) The audited financial statements of the year preceding the year of issuance;

dd) Rating results given by credit rating agencies with respect to the issuer and type of bonds issued (if any);

e) Decision to approve and accept the bond issuance plan issued by a competent authority;

g) The written approval given by a competent authority as prescribed in the specialized law (if any);

h) Documents proving the issuer’s satisfaction of adequacy ratios and prudential ratios in operations in accordance with regulations of the specialized law.

i) In case of offering of convertible bonds or warrant-linked bonds by public companies, securities companies or fund management companies, in addition to the documents mentioned in Point a, Point b, Point c, Point d, Point dd, Point e and Point g of this Clause, the bond offering dossier shall also include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- The copy of the decision to approve the bond offering dossier issued by the General Meeting of Shareholders (GMS)/Board of Directors.

- The issuer’s commitment not to commit violations against regulations on cross ownership as prescribed in the Law on Securities at the time of conversion from bonds into shares and exercise of warrant.

- The bank or foreign bank branch’s confirmation of the issuer’s escrow account for receiving payments for convertible bonds or warrant-linked bonds offered.

3. In addition to the documents prescribed in Clause 2 of this Article, a dossier for offering of bonds in multiple waves shall also include:

a) Documents about the project or plan for use of funds in multiple stages;

b) Updates on offering and use of funds raised in previous offering waves according to the bond issuance plan;

c) Updates on the issuer’s financial health in case the interval between two waves is 06 months or longer, and two waves are made in two different fiscal years.

4. Financial statements of the year preceding the year of issuance included in the bond offering plan must be duly audited by an accredited audit organization. The financial statements must receive unqualified opinions. If the auditor gives qualified opinions, such qualified opinions must not affect the bond offering conditions, and the issuer must provide justifications certified by the audit organization.

a) If the bond offering is performed within 90 days from the end of the fiscal year when the audited financial statements of the year preceding the year of issuance or the audited consolidated financial statements of the year preceding the year of issuance are not available, the issuer may submit the half-year financial statements and latest monthly/quarterly financial statements made after the half-year financial statements of the previous fiscal year, which have been reviewed or audited by an accredited audit organization. Within 20 days after the report on audit of annual financial statements is made, the issuer shall make information available to bondholders.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 13. Bond issuance plan and authority to approve and accept bond issuance plan

1. The issuer shall formulate and submit the bond issuance plan to a competent authority for approval, which then shall be used as the basis for disclosure of information. A bond issuance plan shall, inter alia, include the following contents:

a) Particulars of the issuer (including name, type of business, headquarters address, enterprise registration certificate or business registration certificate or another license of equivalent validity as regulated by law);

b) Bond issuance purposes, including information about the investment program/project; business operations requiring funds; restructured funding source (restructured debts or the owner's equity, and value thereof). The bond issuance purposes of a credit institution or securities company are to increase tier-2 capital, or raise funds for granting loans, making investments or serving other purposes as prescribed in the specialized law.

c) Documents proving the issuer’s satisfaction of every requirement for bond offering prescribed in Article 9 and Article 10 hereof. With regard to the requirement in Point b Clause 1 Article 9 hereof, the issuer is required to provide the commitment to meet this requirement;

d) Terms and conditions of bonds to be offered. In case of offering of bonds in multiple waves, the planned number of bond offering waves, quantity of bonds offered in each wave, and offering time of each wave must be specified;

dd) The plan for conversion of bonds into shares in case of offering of convertible bonds (requirements, time limit, ratio or method of determining conversion price, compliance with regulations on holding of shares by foreign investors as prescribed by law, and other terms);

e) The plan for exercise of warrant in case of offering of warrant-linked bonds (requirements for warrant exercise, time limit, ratio, price or pricing method, compliance with regulations on holding of shares by foreign investors as prescribed by law, and other terms);

g) Terms and conditions for redemption of bonds before maturity or bond swap (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- Equity;

- Debt-to-equity ratio;

- Ratio of outstanding bond debt to equity;

- Losses/gains (in case of losses, losses in the fiscal year and accumulated losses are specified);

- Return on equity (ROE).

i) Payment of principal and interest amounts of the issued bonds or mature debts over the last 03 consecutive years before the bond offering (if any);

k) The auditor’s audit or review opinions about the financial statements;

l) Method of bond issuance;

m) Plan for use of funds raised from the bond issue;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

o) The issuer’s commitment to disclose information;

p) Other commitments to bondholders (if any);

q) Provisions on registration and depositing of bonds;

r) Provisions on trading of bonds as prescribed in Article 0 of this Decree;

s) Rights and responsibilities of bondholders;

t) Rights and responsibilities of the issuer;

u) Responsibilities and obligations of each bond issue-related service provider.

v) Criteria for selection of strategic investors and list of strategic investors in case of issuance of convertible bonds and warrant-linked bonds.

2. Authority to approve and accept the bond issuance plan:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- The plans for private placements of convertible bonds and warrant-linked bonds must be approved by the GMS. Voting for ratification of the resolution on approval of the bond issuance plan must be carried out according to the Law on enterprises.

- The plan for offering of non-convertible bonds without warrant shall be approved by a competent authority as prescribed in the company’s charter. Unless otherwise prescribed by the company’s charter, the Board of Directors is entitled to approve the bond issuance plan but must report it to the nearest GMS. Such report must be enclosed with the bond offering dossier and relevant documents.

b) The authority to approve the bond issuance plan of a limited liability company is given to the Board of Members or President or owner of the company as prescribed in the company’s charter.

c) Apart from the provisions in Point a and Point b of this Clause, state enterprises shall comply with regulations on limits on and authority to decide on raising of funds in accordance with provisions of the Law on management and use of state funds invested in enterprises’ business and production activities and the Law on enterprises.

d) Apart from the provisions in Point a, Point b and Point c of this Clause, the authority to approve the bond issuance plan of an enterprise operating in conditional business lines shall comply with the specialized law (if any).

Article 14. Issuance methods and service providers

1. Corporate bonds are issued according to the following methods:

a) Bidding means a method adopted to select investors that meet the issuer’s requirements to buy bonds.

b) Underwriting means a method of selling corporate bonds to investors through an underwriter or underwriter syndicate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Selling bonds directly to investors in case the issuer is a credit institution.

2. The issuer shall decide the issuance method and notify it to investors.

3. Organizations providing bidding, underwriting and brokerage services include securities companies, credit institutions and financial institutions licensed to provide such bidding, underwriting and brokerage services as prescribed by law.

a) Bidding, underwriting and brokerage service providers must enter into service contracts with the issuer, in which rights and responsibilities of each party must be specified. The service contract must specify the responsibility of the bidding, underwriting or brokerage service provider to provide adequate and accurate information to investors according to the approved bond issuance plan and sell bonds to eligible investors as defined in Clause 1 Article 8 hereof.

b) In case the bidding, underwriting or brokerage service provider commits to redeem corporate bonds with investors, it must enter into a contract with investors (in which terms and conditions of redemption of bonds must be specified) and must comply with regulations of the specialized law when fulfilling this commitment.

4. Organizations providing counseling on bond offering dossiers are securities companies licensed to provide counseling on bond offering dossiers as prescribed by the Law on Securities. When rendering counseling services, the counseling organization shall review the fulfillment of bond offering requirements and bond offering dossier as prescribed herein and the Law on Securities, and assume responsibility for its review.

Section 2. REGISTRATION, DEPOSITING AND TRADING OF BONDS

Article 15. Registration and depositing of bonds

1. An enterprise that performs the private placement of bonds must carry out registration and depositing of bonds within the following time limits:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) 05 working days from the completion date of the private placement of corporate bonds by entities other than those specified in Point a of this Clause.

2. At a given time, each code of corporate bonds shall be registered and deposited at the one registering and depository organization.

Article 16. Bond trading

1. Privately placed corporate bonds shall be only traded between professional investors, except for transfer under an effective court judgment or decision, arbitral decision, and transfer due to inheritance as prescribed by law.

2. The transfer of convertible bonds and warrant-linked bonds shall be limited according to Point c Clause 1 Article 31 of the Law on Securities No. 54/2019/QH14. After the prescribed period of limited transfer, convertible bonds and warrant-linked bonds shall be traded between investors as prescribed in Point b Clause 1 Article 8 hereof, except for transfer under an effective court judgment or decision, arbitral decision, and transfer due to inheritance as prescribed by law.

3. When transferring the ownership of bonds, the registering and depository organization must comply with Clause 1 and Clause 2 of this Article.

4. The Ministry of Finance shall provide guidelines for trading of privately placed corporate bonds at the Stock Exchange according to the provisions of this Article in conformity with the market development.

Section 3. BOND PRINCIPAL AND INTEREST PAYMENTS

Article 17. Bond principal and interest payments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. With regard to bonds secured by the issuer’s asset, when the issuer is unable to pay bond principal and interests, the asset serving as collateral shall be settled to perform secured obligations in accordance with regulations of the Law on secured transactions.

3. With regard to bonds for which the payment is guaranteed, when the issuer is unable to pay bond principal and interests, the payment guarantee provider shall fulfill payment obligations on behalf of the issuer according to the guarantee commitment between the payment guarantee provider and the issuer as specified in the bond issuance plan and notified to investors.

Section 4. INFORMATION DISCLOSURE

Article 18. Information disclosure rules

1. The issuer shall disclose information to investors in an adequate and timely manner. Information to be disclosed must be clear according to regulations herein and guidelines given by the Ministry of Finance. The issuer shall be legally responsible for the information disclosed as well as its accuracy and truthfulness.

2. The information disclosed before offering shall not include any advertising information and shall not disclosed by means of mass media, unless information is disclosed in accordance with regulations on disclosure of information on securities market.

3. The issuer that is a public company shall disclose information in accordance with regulations herein and regulations on disclosure of information on securities market.

Article 19. Disclosure of information before offering of corporate bonds

1. At least 01 working day before the planned date of the bond issue, the issuer shall disclose information before offering so that investors may register for bond purchase, and send the disclosed information to the Stock Exchange.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) With regard to the offering of green bonds, in addition to the information to be disclosed as prescribed in Point a of this Clause, the issuer shall disclose information about accounting, management and disbursement of funds raised from the offering of green bonds as prescribed in Clause 3 Article 5 hereof.

c) The issuer sends its disclosed information to the Stock Exchange to serve the Stock Exchange’s fulfillment of its responsibility as prescribed in Article 32 hereof. It does not mean that the Stock Exchange confirms and guarantees the offering.

2. In case of offering of bonds in multiple waves:

a) For the first wave, the disclosure of information before offering shall comply with the provisions in Clause 1 of this Article.

b) For the following waves, in addition to the information disclosure prescribed in Point a of this Clause, at least 01 working day before the offering wave, the issuer shall disclose additional information for investors registering for bond purchases, and send the same to the Stock Exchange. Additionally disclosed information shall comply with Point b and Point c Clause 3 Article 12 hereof.

3. The Stock Exchange shall receive information disclosed before offering as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article for consolidation and reporting on issuance of corporate bonds in accordance with the provisions in Article 33 hereof.

Article 20. Disclosure of information on bond offering results

1. Within 10 working days from the completion date of the bond offering, the issuer shall disclose information on offering results to bondholders, and send the disclosed information to the Stock Exchange. The information to be disclosed shall comply with guidelines given by the Ministry of Finance.

2. The Stock Exchange shall receive the disclosed information on offering results as prescribed in Clause 1 of this Article for consolidation and publishing on the corporate bond information webpage as prescribed in Clause 2 Article 32 hereof and reporting on issuance of corporate bonds as prescribed in Article 33 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. For every 06 months and on annual basis, until the maturity date of bonds, the issuer shall send periodically disclosed information to bondholders and the Stock Exchange.

a) Within 60 days of the end of the first 06 months of the fiscal year, the issuer shall disclose 06-month periodic information.

b) Within 90 days of the end of the fiscal year, the issuer shall disclose annual periodic information.

2. The information to be disclosed shall comply with guidelines given by the Ministry of Finance and include the followings:

a) The issuer’s half-year and annual financial statements which have been audited or reviewed (if any); the data on annual and half-year financial statements which are not yet audited and reviewed respectively must be certified by GMS or the Board of Directors or the Board of Members or the Company’s President.

b) The payment of bond principals and interests.

c) Reports on use of funds raised from the bond issuance.

d) With regard to green bonds, in addition to the provisions in Point a and Point b of this Clause, the issuer shall also prepare reports on accounting, management and use of funds raised from bond issuance which must bear the auditor’s review opinions; reports on disbursement and project execution progress, and environmental impact assessment report.

3. The Stock Exchange shall receive the issuer’s periodically disclosed information for consolidation and publishing on the corporate bond information webpage as prescribed in Clause 2 Article 32 hereof and reporting on issuance of corporate bonds as prescribed in Article 33 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The issuer shall disclose ad hoc information to bondholders and send the disclosed information to the Stock Exchange within 24 hours from the occurrence of one of the following events:

a) Its business operations are partially, wholly or permanently suspended, or the issuer has its enterprise registration certificate or business registration certificate or another license of equivalent validity revoked as prescribed by law; it is subject to a decision on enterprise restructuring or conversion;

b) There are changes in the disclosed information resulting in the capacity to make bond principal and interest payments.

2. The Stock Exchange shall receive information disclosed as prescribed in Clause 1 of this Article for reporting on issuance of corporate bonds as prescribed in Article 33 hereof.

Article 23. Disclosure of information on convertible bonds, warrant-linked bonds, redemption of bonds before maturity and bond swap

1. Within 05 working days from the completion of conversion of bonds into shares or exercise of warrants, the issuer shall send information to the Stock Exchange.

2. With regard to redemption of bonds before maturity and bond swap:

a) At least 10 days before the date of redemption of bonds before maturity or bond swap, the issuer shall disclose the following information on such redemption or bond swap to bondholders, including: method of redemption or bond swap; terms and conditions of redemption or bond swap; quantity of bonds to be redeemed or swapped according to the plan approved by a competent authority.

b) Within 10 days from the completion of the redemption of bonds before maturity or bond swap, the issuer shall report it to the authority approving/accepting the bond issuance plan and send the disclosed information to the Stock Exchange.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. The Stock Exchange shall receive the disclosed information as prescribed in Clause 1, Clause 2 and Clause 3 of this Article for consolidation and publishing on the corporate bond information webpage as prescribed in Clause 2 Article 32 hereof and reporting on issuance of corporate bonds as prescribed in Article 33 hereof.

Chapter III

OFFERING OF BONDS IN INTERNATIONAL MARKET

Section 1. BOND OFFERING

Article 24. Rules of offering of bonds in international market

1. Any enterprise performing offering of bonds in the international market (whether private placement or public offering) must comply with regulations herein and meet offering conditions according to regulations adopted in the issuing market.

2. Trading of corporate bonds offered in the international market shall comply with regulations adopted in the issuing market.

Article 25. Conditions for offering of bonds in international market

1. With regard to non-convertible bonds without warrant:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The plan for issuance of bonds in the international market must have been approved and accepted by a competent authority as prescribed in Article 28 hereof;

c) It has maintained adequacy ratios and prudential ratios in operations in accordance with regulations of specialized laws;

d) It complies with regulations on management of enterprises’ borrowing and repayment of foreign debts which are not guaranteed by the Government, and regulations on foreign exchange management;

dd) It meets the offering conditions according to regulations adopted in the issuing market.

2. With regard to convertible bonds or warrant-linked bonds:

a) The issuer must be a joint-stock company that meets the conditions laid down in Clause 1 of this Article;

b) The conversion of bonds into shares and execution of warrants must ensure the ratio of holding by foreign investors as prescribed by law;

c) There is an interval of at least 06 months between two offerings of convertible bonds or warrant-linked bonds.

Article 26. Procedures for offering of bonds in international market

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) The issuer shall prepare a bond offering dossier as prescribed in Article 27 hereof and organize the offering in the issuing market.

b) The issuer shall disclose information according to Articles 29, 30 and 31 hereof and regulations adopted in the issuing market.

2. With regard to the offering of bonds in the international market by a public company, securities company or fund management company:

a) The issuer shall prepare a bond offering dossier as prescribed in Article 27 hereof and send it to SSC. Within 10 days from the receipt of adequate and valid dossier, SSC shall give its written approval. If a dossier is refused, SSC shall give a written response in which reasons for such refusal must be specified.

b) After obtaining the approval from SSC, the issuer shall disclose information before offering according to Article 29 hereof and organize the offering according to regulations adopted in the issuing market.

c) Within 10 days from the completion date of the bond offering, the issuer shall submit a report on offering results, made according to the form in Appendix IV enclosed herewith, to SSC.

3. The issuer shall make bond principal and interest payments, and disclose information according to regulations adopted in the issuing market and Section 2 Chapter III hereof.

Article 27. Dossiers for offering of bonds in international market

1. The issuer shall prepare a bond offering dossier which shall be used for offering, trading and payment of bond principal and interests.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) A bond offering plan approved and accepted by a competent authority as prescribed in Article 28 hereof.

b) The written confirmation of foreign currency account used for receiving proceeds from bond issuance given by a licensed credit institution according to SBV’s regulations.

c) The SBV’s certification of issuance limit which must fall within total national limit on commercial foreign loans.

d) Decision to approve and accept the bond issuance plan issued by a competent authority.

dd) Financial statements prepared according to international accounting standards if required by regulations adopted by the issuing market.

e) The application for registration of bond offering with a competent authority in the issuing market or legal opinions given by an international legal counseling company that the issuer is not required to register the bond offering with a competent authority in the home country.

g) In case of offering of bonds in the international market by a public company, securities company or fund management company, in addition to the documents mentioned in Point a, Point b, Point c, Point d, Point dd and Point e of this Clause, the bond offering dossier shall also include:

- The application for registration of offering of bonds in the international market made according to the form in Appendix II enclosed herewith.

- The copy of the decision of GMS/Board of Directors or Board of Members/Company’s President to approve the dossier for offering of bonds in international market.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. With regard to a joint-stock company:

a) The plans for issuance of convertible bonds and warrant-linked bonds must be approved by GMS. Voting for ratification of the resolution on approval of the bond issuance plan must be carried out according to the Law on enterprises.

b) The plan for offering of non-convertible bonds without warrant shall be approved by a competent authority as prescribed in the company’s charter. Unless otherwise prescribed by the company’s charter, the Board of Directors is entitled to approve the bond issuance plan but must report it to the nearest GMS. Such report must be enclosed with the bond offering dossier and relevant documents.

2. The authority to approve the bond issuance plan of a limited liability company is given to the Board of Members or President or owner of the company as prescribed in the company’s charter.

3. Apart from the provisions in Clause 1 and Clause 2 of this Article, state enterprises shall comply with regulations on international raising of funds in accordance with provisions of the Law on management and use of state funds invested in enterprises’ business and production activities and the Law on enterprises.

4. Apart from the provisions in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, the authority to approve the bond issuance plan of an enterprise operating in conditional business lines shall comply with the specialized law.

Section 2. INFORMATION DISCLOSURE

Article 29. Disclosure of information before offering

1. The issuer shall disclose information according to regulations adopted in the issuing market and provisions herein.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The Stock Exchange shall receive information disclosed before offering as prescribed in Clause 1 of this Article for consolidation and reporting on issuance of corporate bonds in the international market in accordance with the provisions in Article 33 hereof. The Stock Exchange’s receipt of information disclosed by the issuer does not mean that it confirms and guarantees the issuer’s offering of bonds.

Article 30. Disclosure of information on bond offering results

1. Within 10 days from the completion date of the bond offering, the issuer shall send information on offering results to the Stock Exchange. The information on offering results to be disclosed shall comply with guidelines given by the Ministry of Finance.

2. The Stock Exchange shall receive the issuer’s disclosed information on offering results as prescribed in Clause 1 of this Article for consolidation and publishing on the corporate bond information webpage as prescribed in Clause 2 Article 32 hereof and reporting on issuance of corporate bonds in the international market as prescribed in Article 33 hereof.

Article 31. Periodic information disclosure

1. For every 06 months and on annual basis, until the maturity date of bonds, the issuer shall send periodically disclosed information to the Stock Exchange.

a) Within 60 days of the end of the first 06 months of the fiscal year, the issuer shall disclose 06-month periodic information.

b) Within 90 days of the end of the fiscal year, the issuer shall disclose annual periodic information.

2. The information to be disclosed shall comply with guidelines given by the Ministry of Finance and include the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The payment of bond principals and interests.

c) Reports on use of funds raised from the bond issuance. In case of changes in the purposes of raised funds, the issuer must specify such changes and reasons thereof.

d) Reports on ad hoc information of the issuer (if any).

dd) Reports on redemption of bonds before maturity, bond swap, conversion of bonds into shares or exercise of warrants (if any).

3. The Stock Exchange shall receive the issuer’s periodically disclosed information as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article for consolidation and publishing on the corporate bond information webpage as prescribed in Clause 2 Article 32 hereof and reporting on issuance of corporate bonds as prescribed in Article 33 hereof.

Chapter IV

CORPORATE BOND INFORMATION WEBPAGE AND REPORTING ON CORPORATE BONDS

Article 32. Corporate bond information webpage of the Stock Exchange

1. The Stock Exchange shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Formulate and promulgate regulations on operation of the corporate bond information webpage after obtaining the approval from SSC.

2. The corporate bond information webpage shall include the following contents:

a) Information on issuance of corporate bonds in the domestic market, including: name of issuer, code of bond (if any), issue date, quantity, face value and maturity date;

b) Information on issuance of corporate bonds in the international market, including: name of issuer, issue date, quantity, face value, maturity date and issuing market.

c) Information on conversion of bonds into shares, exercise of warrants, redemption of bonds before maturity and bond swap (if any).

d) Other information as agreed upon the Stock Exchange and the issuer which shall be then provided for information users as prescribed in the regulations on operation of the corporate bond information webpage of the Stock Exchange.

3. Investors and issuers may access the corporate bond information webpage in order to be updated with latest information on issuance of corporate bonds according to the regulations on operation of the corporate bond information webpage adopted by the Stock Exchange.

Article 33. Reporting by providers of counseling on bond offering dossiers, bidding, underwriting and brokerage service providers, registering and depository organization, and Stock Exchange

1. Organizations providing counseling on bond offering dossiers shall submit quarterly and annual reports on their provision of counseling on bond offering dossiers to SSC.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Reporting by the Stock Exchange

a) The Stock Exchange shall submit quarterly and annual reports on offering and trading of corporate bonds, including offerings in the domestic market and international market, to SSC and the Ministry of Finance.

b) In addition to the periodic reports prescribed in Point a of this Clause, the Stock Exchange shall submit ad hoc reports to SSC and Ministry of Finance at the request of regulatory authorities.

4. The Ministry of Finance shall provide guidelines on reporting by organizations providing counseling on bond offering dossiers, bidding, underwriting and brokerage service providers, and registering and depository organization, and the Stock Exchange as prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

Chapter V

MANAGEMENT, SUPERVISION AND RESPONSIBILITY OF RELEVANT AUTHORITIES AND ORGANIZATIONS

Article 34. Responsibilities of issuers

1. Comply with regulations on offering of bonds herein.

2. Properly manage and use funds raised from issuance of bonds according to bond issuance plans approved by competent authorities and regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Assume legal responsibility for accuracy, truthfulness and adequacy of bond offering dossiers and disclosed information; comply with regulations on financial management, statistical accounting and auditing as prescribed by law.

5. Issuers that fail to comply with regulations herein shall be liable to administrative penalties or criminal prosecution depending on the nature and severity of the violation. The imposition of administrative penalties shall comply with regulations on penalties for administrative violations against regulations on securities and securities market, and relevant laws.

Article 35. Responsibilities of providers of counseling on bond offering dossiers

1. Comply with regulations of the Law on Securities and those herein when providing counseling on bond offering dossiers.

2. Comply with regulations on reporting laid down herein.

3. Bear the management and supervision of SSC in accordance with regulations of the Law on securities and those herein. If the service provider commits violations while providing services, it shall be liable to administrative penalties in accordance with regulations on penalties for administrative violations against regulations on securities and securities market.

Article 36. Responsibilities of registering and depository organization

1. Comply with regulations of the Law on Securities and those herein when rendering services and processing applications for registration and depositing of bonds and transfer of bond ownership according to Clause 1 Article 8 and Article 16 hereof.

2. Comply with regulations on reporting laid down herein.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 37. Responsibilities of bidding, underwriting and brokerage service providers

1. Comply with regulations of law when rendering bidding, underwriting and brokerage services.

2. Perform service contracts signed with issuers and bond buyers.

3. Comply with regulations on reporting laid down herein.

4. If committing any violations while providing services, the service provider shall be liable to administrative penalties in accordance with regulations on penalties for administrative violations against regulations on securities and securities market.

Article 38. Responsibilities of the Stock Exchange

1. Consolidate information on issuance of corporate bonds for publishing on the corporate bond information webpage and reporting as prescribed herein.

2. Organize and supervise trading of privately placed bonds at the Stock Exchange according to regulations herein and the Ministry of Finance’s guidelines.

3. Manage and supervise the disclosure of information and reporting by issuers, bidding, underwriting and brokerage service providers, registering and depository organization according to regulations herein and the Ministry of Finance’s guidelines.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Formulate regulations on operation of the corporate bond information webpage; regulations on receipt and supervision of information disclosure, reporting and supervision of corporate bond transactions made at the Stock Exchange for promulgation after obtaining the approval from SSC.

Article 39. Responsibilities of SSC

1. Give opinions about the private placement of convertible bonds and warrant-linked bonds by public companies, securities companies and fund management companies in the domestic market; give opinions about the offering of bonds in the international market by public companies, securities companies and fund management companies in accordance with regulations herein and those of the Law on securities.

2. Manage and supervise securities companies’ provision of counseling on bond offering dossiers; supervise the Stock Exchange’s compliance with regulations on information disclosure, reporting and trading of corporate bonds in accordance with regulations of the Law on securities and those herein.

3. Based on the supervision by the Stock Exchange as prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 38 hereof, receive reports and take actions against violations against regulations on private placement and trading of corporate bonds in the domestic market according to regulations herein and those in the Law on securities.

4. Give approval for regulations on operation of the corporate bond information webpage and regulations on receipt and supervision of information disclosure, reporting and supervision of corporate bond transactions made at the Stock Exchange in accordance with regulations herein.

Article 40. Responsibilities of SBV

1. Provide guidelines for bond offering and trading of corporate bonds by credit institutions.

2. Inspect and supervise credit institutions’ raising of funds by bond issuance; supervise credit institutions’ fulfillment of their commitment to repurchase bonds from other enterprises according to regulations of the Law on Credit Institutions and its guiding documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Perform state management of foreign exchange and enterprises’ borrowing and repayment of foreign debts which are not yet guaranteed by the Government in respect of enterprises issuing bonds in the international market.

Article 41. Responsibilities of other authorities and entities

1. Boards of Directors, GMS, Boards of Members and Company’s Presidents and owners shall:

a) Approve and accept bond issuance plans according to the company’s charter, regulations herein and the Law on enterprises.

b) Supervise the raising and use of funds from bond issuance and payment of bond principal and interests according to regulations herein and the company’s charter.

2. Agencies representing state fund owners shall approve bond issuance plans of state enterprises, manage and supervise the raising and use of funds from issuance of bonds by state enterprises according to regulations on management and use of state funds invested in enterprises’ business and production activities.

3. The Ministry of Planning and Investment and business registration agencies shall cooperate in and provide information about enterprise registration contents, legal status and financial statements of enterprises on the National Enterprise Registration Database at the request of the Ministry of Finance.

Article 42. Responsibilities of Ministry of Finance

1. Play the leading role and cooperate with relevant agencies in instructing the information disclosure and organization of trading market of privately placed corporate bonds for professional investors according to regulations herein.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Chapter VI

IMPLEMENTATION

Article 43. Effect

1. This Decree comes into force from January 01, 2021.

2. This Decree supersedes the Government’s Decree No. 163/2018/ND-CP dated December 04, 2018 prescribing issuance of corporate bonds and the Government’s Decree No. 81/2020/ND-CP dated July 09, 2020 providing amendments to the Government’s Decree No. 163/2018/ND-CP .

Article 44. Transition

1. Regulations herein applied to Vietnam Securities Depository and Clearing Corporation (VSDCC) shall be implemented by Vietnam Securities Depository until VSDCC officially operates according to the Law on Securities NO. 54/2019/QH14.

2. With regard to corporate bonds issued before this Decree comes into force:

a) They shall be treated according to the Government’s Decree No. 163/2018/ND-CP dated December 04, 2018 and the Government’s Decree No. 81/2020/ND-CP dated July 09, 2020 until their maturity, except provisions on reporting and periodic information disclosure in Point b of this Clause.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Terms and conditions of bonds specified in the approved bond issuance plans shall be kept unchanged.

Article 45. Responsibility for implementation

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities, General Meetings of Shareholders, Boards of Directors, Boards of Members, Company’s Presidents, General Directors or Directors of enterprises that issue bonds shall implement this Decree./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

 

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
Số hiệu: 153/2020/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Lĩnh vực, ngành: Chứng khoán
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 31/12/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:

1. Sửa đổi khoản 4 Điều 4 như sau:

“4. “Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật.”

Xem nội dung VB
Điều 4. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
4. “Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
2. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:

“2. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.”

Xem nội dung VB
Điều 5. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu
...
2. Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
4. Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 6 như sau:

“a) Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam”.

Xem nội dung VB
Điều 6. Điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu
...
4. Mệnh giá trái phiếu

a) Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam.
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu, ngoại trừ trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

3. Các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:

a) Mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu.

b) Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:

- Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

- Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

- Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định này (nếu có).

4. Quy định tại điểm b khoản 3 Điều này không áp dụng đối với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.”

Xem nội dung VB
Điều 7. Mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi theo thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu để giảm nợ, cơ cấu lại nợ trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
6. Sửa đổi Điều 8 như sau:

"Điều 8. Nhà đầu tư mua trái phiếu

1. Đối tượng mua trái phiếu

a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

b) Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

c) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.

d) Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

*Điểm d Khoản 1 Điều 8 bị ngưng hiệu lực bởi Khoản 1 Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023

Điều 3. Ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023

1. Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.*

2. Trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

b) Hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu; hiểu rõ và đảm bảo tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.

c) Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

d) Trước khi mua trái phiếu (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp), nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình sau khi ký văn bản xác nhận này. Văn bản xác nhận thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và phải được lưu trữ tại hồ sơ chào bán khi phát hành trái phiếu hoặc tại công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức. Việc huy động vốn và mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty quản lý quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

e) Khi bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp phải cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

b) Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

c) Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

d) Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

4. Trường hợp nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.”
...
PHỤ LỤC V MẪU BẢN XÁC NHẬN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ TRƯỚC KHI MUA TRÁI PHIẾU

Mẫu 1. Áp dụng đối với nhà đầu tư cá nhân
...
Mẫu 2. Áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 8. Nhà đầu tư mua trái phiếu

1. Đối tượng mua trái phiếu

a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

b) Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

c) Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

2. Trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

b) Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

c) Hiểu rõ và tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị quy định của pháp luật liên quan.

3. Quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

b) Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

c) Được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu; được sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
7. Sửa đổi khoản 2 Điều 10 như sau:

“2. Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.”

*Khoản 7 Điều 1 bị ngưng hiệu lực bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023

Điều 3. Ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023
...
2. Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7 ... Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.*

Xem nội dung VB
Điều 10. Điều kiện chào bán trái phiếu thành nhiều đợt
...
2. Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
8. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 11 như sau:

“c) Doanh nghiệp tổ chức chào bán trái phiếu theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định này. Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.”

*Khoản 8 Điều 1 bị ngưng hiệu lực bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023

Điều 3. Ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023
...
2. Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại ... khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.*

Xem nội dung VB
Điều 11. Quy trình chào bán trái phiếu

1. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty không phải là công ty đại chúng (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán):
...
c) Doanh nghiệp tổ chức chào bán trái phiếu theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định này. Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
9. Sửa đổi khoản 2 ... Điều 12 như sau:

“2. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:

a) Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định này;

c) Tài liệu công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính;

d) Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu, bao gồm:

- Hợp đồng ký kết với tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu;

- Hợp đồng ký kết với tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phù hợp với phương thức phát hành trái phiếu quy định tại Điều 14 Nghị định này, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán trực tiếp cho nhà đầu tư mua trái phiếu;

- Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán (nếu có) để giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, hồ sơ chào bán trái phiếu phải bao gồm hợp đồng ký kết với Đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán;

- Hợp đồng ký kết với đại lý quản lý tài sản bảo đảm đối với trái phiếu có bảo đảm (nếu có);

- Hợp đồng ký kết với các tổ chức khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).

đ) Các báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định này.

e) Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

*Điểm e Khoản 2 Điều 12 bị ngưng hiệu lực bởi Khoản 3 Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023

Điều 3. Ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023
...
3. Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.*

g) Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu;

h) Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);

i) Văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc doanh nghiệp mở tài khoản để nhận tiền mua trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hoặc mở tài khoản phong tỏa để nhận tiền mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của đợt chào bán. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là ngân hàng thương mại, phải có văn bản tự xác nhận của ngân hàng đó về việc đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu;

k) Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h và điểm i khoản này hồ sơ chào bán trái phiếu còn bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản sao Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị phê duyệt hồ sơ chào bán trái phiếu.

- Cam kết của doanh nghiệp về việc không vi phạm quy định về sở hữu chéo theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và thời điểm thực hiện quyền của chứng quyền.

l) Đối với trái phiếu có bảo đảm, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản này, hồ sơ chào bán trái phiếu phải bao gồm tài liệu về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, tài liệu định giá tài sản bảo đảm bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và tài liệu về việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, tài liệu, thông tin về thứ tự thanh toán của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ.

m) Văn bản xác nhận của nhà đầu tư mua trái phiếu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

n) Văn bản của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu xác nhận tiền thu được từ chào bán trái phiếu đã được chuyển vào tài khoản nhận tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là ngân hàng thương mại, phải có văn bản tự xác nhận của ngân hàng đó về việc đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.

o) Các văn bản khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).

Xem nội dung VB
Điều 12. Hồ sơ chào bán trái phiếu
...
2. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:

a) Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

b) Tài liệu công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính;

c) Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu, bao gồm:

- Hợp đồng ký kết với tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán;

- Hợp đồng ký kết với tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phù hợp với phương thức phát hành trái phiếu quy định tại Điều 14 Nghị định này, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu;

- Hợp đồng ký kết với tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu;

- Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán (nếu có) để giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành;

- Hợp đồng ký kết với đại lý quản lý tài sản bảo đảm đối với trái phiếu có bảo đảm (nếu có);

- Hợp đồng ký kết với các tổ chức khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).

d) Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;

đ) Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);

e) Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của cấp có thẩm quyền;

g) Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);

h) Tài liệu chứng minh đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật chuyên ngành;

i) Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản này hồ sơ chào bán trái phiếu còn bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản sao Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị phê duyệt hồ sơ chào bán trái phiếu.

- Cam kết của doanh nghiệp về việc không vi phạm quy định về sở hữu chéo theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và thời điểm thực hiện quyền của chứng quyền.

- Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc doanh nghiệp mở tài khoản phong tỏa để nhận tiền mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của đợt chào bán.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
9. Sửa đổi ... khoản 3 ... Điều 12 như sau:
...
3. Hồ sơ chào bán trái phiếu thành nhiều đợt ngoài các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này còn bao gồm:

a) Tài liệu về dự án hoặc kế hoạch sử dụng vốn làm nhiều đợt;

b) Cập nhật tình hình chào bán và sử dụng vốn trái phiếu từ các đợt chào bán trước theo phương án phát hành trái phiếu;

c) Cập nhật về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trong trường hợp đợt chào bán sau cách đợt chào bán trước từ 03 tháng trở lên và trường hợp đợt chào bán sau khác năm tài chính với đợt chào bán trước.

Xem nội dung VB
Điều 12. Hồ sơ chào bán trái phiếu
...
3. Hồ sơ chào bán trái phiếu thành nhiều đợt ngoài các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này còn bao gồm:

a) Tài liệu về dự án hoặc kế hoạch sử dụng vốn làm nhiều đợt;

b) Cập nhật tình hình chào bán và sử dụng vốn trái phiếu từ các đợt chào bán trước theo phương án phát hành trái phiếu;

c) Cập nhật về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trong trường hợp đợt chào bán sau cách đợt chào bán trước từ 06 tháng trở lên và trường hợp đợt chào bán sau khác năm tài chính với đợt chào bán trước.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
9. Sửa đổi ... khoản 4 Điều 12 như sau:
...
4. Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; doanh nghiệp phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.

a) Trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, doanh nghiệp sử dụng báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính quý 4 của năm liền kề trước năm phát hành/báo cáo tài chính tháng gần nhất của năm phát hành. Các báo cáo tài chính phải được soát xét hoặc kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

b) Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính trong hồ sơ chào bán trái phiếu gồm báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm phát hành và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ năm trước liền kề năm phát hành. Trường hợp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề năm phát hành thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.”

Xem nội dung VB
Điều 12. Hồ sơ chào bán trái phiếu
...
4. Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; doanh nghiệp phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc loại trừ.

a) Trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, doanh nghiệp sử dụng báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính tháng/báo cáo tài chính quý gần nhất sau báo cáo tài chính bán niên của năm tài chính trước liền kề được soát xét hoặc kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

b) Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính trong hồ sơ chào bán trái phiếu gồm báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm phát hành và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ năm trước liền kề năm phát hành. Trường hợp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề năm phát hành thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
10. Sửa đổi khoản 1 Điều 13 như sau:

“1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu xây dựng phương án phát hành bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Thông tin về doanh nghiệp phát hành (tên doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, trụ sở, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật); số tài khoản nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;

b) Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư (trong đó nêu cụ thể về tình trạng pháp lý và các rủi ro đầu tư của chương trình, dự án); khoản nợ được cơ cấu (cụ thể giá trị, kỳ hạn của khoản nợ được cơ cấu). Riêng đối với tổ chức tín dụng, mục đích phát hành trái phiếu bao gồm để tăng vốn cấp 2 hoặc để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

c) Thuyết minh việc đáp ứng từng điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định này;

d) Điều kiện, điều khoản của trái phiếu dự kiến chào bán. Đối với chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải dự kiến số lượng đợt chào bán, khối lượng chào bán của từng đợt và thời điểm chào bán của từng đợt. Đối với trái phiếu có bảo đảm, phải nêu cụ thể loại tài sản bảo đảm và giá trị của tài sản bảo đảm được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá, tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và thứ tự thanh toán của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ.

đ) Phương án chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu đối với trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi (điều kiện, thời hạn, tỷ lệ hoặc phương pháp tính giá chuyển đổi, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, các điều khoản khác);

e) Phương án thực hiện quyền của chúng quyền đối với trường hợp chào bán trái phiếu kèm chứng quyền (điều kiện thực hiện quyền, thời hạn, tỷ lệ, giá hoặc phương pháp tính giá, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, các điều khoản khác);

g) Các trường hợp, điều kiện, điều khoản và cam kết của doanh nghiệp phát hành về việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu;

h) Một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp trong 03 năm liền kề trước năm phát hành và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có), bao gồm:

- Vốn chủ sở hữu (nêu cụ thể vốn đầu tư của chủ sở hữu, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá...);

- Tổng số nợ phải trả gồm nợ vay ngân hàng, nợ vay từ phát hành trái phiếu và nợ phải trả khác (nêu cụ thể các khoản nợ phải trả);

- Chỉ tiêu về cơ cấu vốn gồm: hệ số nợ phải trả/tổng tài sản, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu;

- Chỉ tiêu về khả năng thanh toán gồm: hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn), hệ số thanh toán nhanh ((tài sản ngắn hạn - hàng tồn kho)/nợ ngắn hạn);

- Tổng dư nợ vay trái phiếu (bao gồm tất cả các hình thức vay trái phiếu)/vốn chủ sở hữu;

- Lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế (trường hợp lỗ, nêu cụ thể lỗ trong năm tài chính và lỗ lũy kế);

- Chỉ tiêu về khả năng sinh lời gồm: hệ số lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản, hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu;

- Các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

i) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành và các khoản nợ đến hạn (không bao gồm nợ trái phiếu) trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu.

k) Báo cáo về tình hình phát hành và sử dụng vốn đối với các trái phiếu còn dư nợ bao gồm các nội dung: tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành; lãi, gốc trái phiếu đã thanh toán; dư nợ trái phiếu còn lại; tình hình sử dụng vốn trái phiếu và kế hoạch thanh toán lãi, gốc trái phiếu; các vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có);

l) Đánh giá về tình hình tài chính và khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, khả năng trả nợ đối với trái phiếu dự kiến phát hành;

m) Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính hoặc ý kiến soát xét của kiểm toán đối với báo cáo tài chính;

n) Phương thức phát hành trái phiếu;

o) Đối tượng chào bán trái phiếu: Doanh nghiệp nêu rõ đối tượng chào bán trái phiếu, đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này. Trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về hồ sơ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Nghị định này.

p) Kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Trong đó nêu rõ kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu tạm thời nhàn rỗi trong trường hợp giải ngân theo tiến độ nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu;

q) Kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu;

r) Cam kết công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành;

s) Các cam kết khác đối với nhà đầu tư mua trái phiếu (nếu có);

t) Điều khoản về đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định tại Điều 15 Nghị định này;

u) Điều khoản về giao dịch trái phiếu theo quy định tại Điều 16 Nghị định này;

ư) Quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu, trong đó nêu cụ thể tỷ lệ biểu quyết chấp thuận các vấn đề phải được người sở hữu trái phiếu thông qua nhưng không thấp hơn tỷ lệ biểu quyết tương ứng từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên;

v) Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành;

x) Trách nhiệm và nghĩa vụ của từng tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến việc phát hành trái phiếu;

y) Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và danh sách nhà đầu tư chiến lược đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành trái phiếu kèm chứng quyền.”

Xem nội dung VB
Điều 13. Phương án phát hành trái phiếu và thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu xây dựng phương án phát hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận và làm căn cứ để công bố thông tin. Phương án phát hành trái phiếu bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Thông tin về doanh nghiệp phát hành (tên doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, trụ sở, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật);

b) Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư; các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn; nguồn vốn được cơ cấu (cụ từng khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu được cơ cấu, giá trị của khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu được cơ cấu). Riêng đối với tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, mục đích phát hành trái phiếu bao gồm để tăng vốn cấp 2 hoặc để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

c) Các tài liệu chứng minh đáp ứng từng điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định này; riêng đối với điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định này, doanh nghiệp phải có văn bản cam kết đáp ứng điều kiện này;

d) Điều kiện, điều khoản của trái phiếu dự kiến chào bán, đối với chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải dự kiến số lượng đợt chào bán, khối lượng chào bán của từng đợt và thời điểm chào bán của từng đợt;

đ) Phương án chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu đối với trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi (điều kiện, thời hạn, tỷ lệ hoặc phương pháp tính giá chuyển đổi, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, các điều khoản khác);

e) Phương án thực hiện quyền của chứng quyền đối với trường hợp chào bán trái phiếu kèm chứng quyền (điều kiện thực hiện quyền, thời hạn, tỷ lệ, giá hoặc phương pháp tính giá, việc đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, các điều khoản khác);

g) Điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có);

h) Một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp trong 03 năm liền kề trước năm phát hành và sự thay đổi sau khi phát hành (nếu có), bao gồm:

- Vốn chủ sở hữu;

- Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu;

- Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu;

- Lỗ/lãi (trường hợp lỗ, nêu cụ thể lỗ trong năm tài chính và lỗ lũy kế);

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu.

i) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có);

k) Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính hoặc ý kiến soát xét của kiểm toán đối với báo cáo tài chính;

l) Phương thức phát hành trái phiếu;

m) Kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu;

n) Kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu;

o) Cam kết công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành;

p) Các cam kết khác đối với nhà đầu tư mua trái phiếu (nếu có);

q) Điều khoản về đăng ký, lưu ký trái phiếu;

r) Điều khoản về giao dịch trái phiếu theo quy định tại Điều 0 Nghị định này;

s) Quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu;

t) Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành;

u) Trách nhiệm và nghĩa vụ của từng tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến việc phát hành trái phiếu;

v) Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và danh sách nhà đầu tư chiến lược đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành trái phiếu kèm chứng quyền.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Phương thức phát hành trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ

1. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo các phương thức sau:

a) Đấu thầu phát hành: là phương thức lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu mua trái phiếu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phát hành.

b) Bảo lãnh phát hành: là phương thức bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành.

c) Đại lý phát hành: là phương thức doanh nghiệp phát hành ủy quyền cho một tổ chức khác thực hiện bán trái phiếu cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

d) Bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng.

2. Doanh nghiệp phát hành quyết định phương thức phát hành và công bố cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Tổ chức có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư:

a) Đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

b) Đối với nhà đầu tư chiến lược: doanh nghiệp phát hành (khi chào bán trái phiếu) và công ty chứng khoán (nơi nhà đầu tư mua trên thị trường thứ cấp) có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chiến lược căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp phát hành về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật chứng khoán.

c) Tổ chức xác định tư cách nhà đầu tư có trách nhiệm ký xác nhận vào văn bản xác nhận của nhà đầu tư trước khi mua trái phiếu theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định tư cách nhà đầu tư.

4. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm:

a) Công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành theo quy định của Luật Chứng khoán;

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ đại lý phát hành khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.

5. Trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ:

a) Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp phát hành, trong đó nêu rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên.

b) Trách nhiệm chính của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành khi phân phối trái phiếu hoặc trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng bán trực tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư:

- Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, đảm bảo không có nội dung để nhà đầu tư nhầm lẫn giữa việc mua trái phiếu doanh nghiệp và gửi tiền tại tổ chức tín dụng; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho nhà đầu tư về trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành khi phân phối trái phiếu; không cung cấp thông tin sai sự thật, không cung cấp thông tin dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư;

- Chỉ phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư đã được doanh nghiệp phát hành hoặc công ty chứng khoán được ủy quyền xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sau khi đảm bảo nhà đầu tư đã được tiếp cận, hiểu rõ đầy đủ thông tin và ký văn bản xác nhận theo quy định tại Điều 8 Nghị định này; không được chào mời, hỗ trợ nhà đầu tư không thuộc đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ;

- Trường hợp cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư (trong đó nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu) và phải tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện các cam kết này.

- Trường hợp thực hiện bảo lãnh phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán thì phải cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư về phạm vi bảo lãnh phát hành, đảm bảo không có nội dung để nhà đầu tư nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán trái phiếu.

- Xác nhận tiền thu được từ chào bán trái phiếu đã được chuyển vào tài khoản nhận tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành và gửi cho doanh nghiệp phát hành để lưu tại hồ sơ chào bán trái phiếu và công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định.

6. Tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán.

a) Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp phát hành, trong đó nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên.

b) Trách nhiệm chính của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán khi cung cấp dịch vụ:

- Rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp và xác nhận kết quả rà soát tại công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp. Tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình;

- Không được tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành cung cấp thông tin sai sự thật hoặc dễ gây hiểu lầm về trái phiếu tại hồ sơ chào bán.

7. Đại diện người sở hữu trái phiếu là thành viên lưu ký của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được chỉ định hoặc được lựa chọn đại diện cho quyền lợi của người sở hữu trái phiếu theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

a) Đại diện người sở hữu trái phiếu phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp phát hành, trong đó nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên.

b) Khi cung cấp dịch vụ, đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Điều 24 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

c) Đại diện người sở hữu trái phiếu được thay đổi khi được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận. Trường hợp thay đổi các điều khoản khác tại hợp đồng đại diện người sở hữu trái phiếu, việc thay đổi phải đồng thời được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua.

8. Tổ chức kiểm toán đủ điều kiện, doanh nghiệp thẩm định giá, người ký báo cáo kiểm toán, chứng thư thẩm định giá và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ chào bán trái phiếu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi liên quan đến hồ sơ chào bán trái phiếu.

9. Các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này không phải là người có liên quan đối với doanh nghiệp phát hành theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn. Các tổ chức này chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

10. Bộ Tài chính hướng dẫn các hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, bảo lãnh, đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại diện người sở hữu trái phiếu.”
...
PHỤ LỤC V MẪU BẢN XÁC NHẬN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ TRƯỚC KHI MUA TRÁI PHIẾU

Mẫu 1. Áp dụng đối với nhà đầu tư cá nhân
...
Mẫu 2. Áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 14. Phương thức phát hành trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ

1. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo các phương thức sau:

a) Đấu thầu phát hành: là phương thức lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu mua trái phiếu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phát hành.

b) Bảo lãnh phát hành: là phương thức bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành.

c) Đại lý phát hành: là phương thức doanh nghiệp phát hành ủy quyền cho một tổ chức khác thực hiện bán trái phiếu cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

d) Bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng.

2. Doanh nghiệp phát hành quyết định phương thức phát hành và công bố cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành theo quy định của pháp luật.

a) Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và doanh nghiệp phát hành phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên. Nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ bao gồm trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trong việc công bố đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

b) Trường hợp tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư (trong đó nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu) và phải tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện các cam kết này.

4. Tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán. Khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán, đồng thời chịu trách nhiệm về việc rà soát của mình.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đăng ký trái phiếu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn sau:

a) 5 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận được báo cáo kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

b) 05 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp phát hành công bố thông tin về kết quả chào bán theo quy định tại Điều 20 Nghị định này đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

c) Khi đăng ký trái phiếu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp phát hành phải gửi kèm theo danh sách người sở hữu trái phiếu và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc danh sách người sở hữu trái phiếu đáp ứng đúng đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

2. Trái phiếu phải được lưu ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký trước khi giao dịch, chuyển quyền sở hữu trừ trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Việc trái phiếu doanh nghiệp được đăng ký, lưu ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán, không hàm ý Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác nhận và đảm bảo cho tính hợp pháp của đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp và việc thanh toán đầy đủ lãi, gốc của trái phiếu.

4. Việc chuyển quyền sở hữu trái phiếu đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện đối với các trường hợp:

a) Giao dịch mua bán trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

b) Thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các trường hợp chuyển quyền sở hữu trái phiếu không thực hiện qua hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Việc thanh toán giao dịch trái phiếu không áp dụng theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.”

Xem nội dung VB
Điều 15. Đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đăng ký, lưu ký trái phiếu trong thời hạn sau:

a) 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo dã nhận được báo cáo kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

b) 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

2. Tại một thời điểm, mỗi mã trái phiếu doanh nghiệp chỉ được đăng ký, lưu ký tại một tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Giao dịch trái phiếu

1. Doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Việc đăng ký giao dịch trái phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều này không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho tính hợp pháp của đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp và việc thanh toán đầy đủ lãi, gốc của trái phiếu.

2. Việc giao dịch trái phiếu phải được thực hiện thông qua thành viên giao dịch và đảm bảo tuân thủ các quy định:

a) Trái phiếu chỉ được phép giao dịch giữa các đối tượng nhà đầu tư nêu tại phương án phát hành trái phiếu, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

b) Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, việc giao dịch trái phiếu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán bao gồm:

a) Doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch trái phiếu chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của Tổng công ty lưu ký và bù trù chứng khoán Việt Nam.

b) Tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký giao dịch cho Sở giao dịch chứng khoán bằng hình thức điện tử theo Quy chế của Sở giao dịch chứng khoán. Hồ sơ đăng ký giao dịch bao gồm:

- Đơn đề nghị đăng ký giao dịch trái phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này;

- Giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

- Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

- Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu;

- Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);

- Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc loại trái phiếu phát hành (nếu có);

c) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán ra thông báo về việc trái phiếu đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, đồng thời thực hiện công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp từ chối, Sở giao dịch chứng khoán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán ra thông báo về việc trái phiếu đã đăng ký giao dịch, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đưa trái phiếu vào giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán.

4. Đăng ký giao dịch trái phiếu của doanh nghiệp sau quá trình tổ chức lại và việc hủy bỏ đăng ký giao dịch trái phiếu:

a) Trái phiếu đã đăng ký giao dịch của công ty bị hợp nhất, bị sáp nhập được tiếp tục đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

b) Các trường hợp hủy bỏ đăng ký giao dịch trái phiếu:

- Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc doanh nghiệp phát hành chuyển đổi, mua lại hoặc hoán đổi toàn bộ trái phiếu trước thời gian đáo hạn;

- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;

- Sở giao dịch chứng khoán phát hiện doanh nghiệp phát hành giả mạo hồ sơ đăng ký giao dịch, giả mạo hồ sơ thay đổi đăng ký giao dịch;

- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu chấm dứt sự tồn tại do giải thể hoặc phá sản hoặc thực hiện chia, tách doanh nghiệp.

5. Thành viên giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán bao gồm thành viên giao dịch và thành viên giao dịch đặc biệt được Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán.

a) Thành viên giao dịch là công ty chứng khoán.

b) Thành viên giao dịch đặc biệt là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

c) Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành viên, hủy bỏ tư cách thành viên, đình chỉ hoạt động đối với thành viên giao dịch đặc biệt tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định đối với thành viên giao dịch đặc biệt tham gia giao dịch công cụ nợ của Chính phủ quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

6. Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định tại Điều này.”
...
PHỤ LỤC VI MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU TRÊN HỆ THỐNG GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 16. Giao dịch trái phiếu

1. Trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền chỉ được phép giao dịch giữa các nhà đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

3. Khi thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều này phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
14. Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 19 như sau:

“1. Chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.”

Xem nội dung VB
Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
15. Sửa đổi ... khoản 1 ... Điều 20 như sau:

" 1. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Xem nội dung VB
Điều 20. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điêu 4 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 15 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 20. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điêu 4 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 như sau:

“2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính công bố thông tin gồm báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

d) Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.

đ) Đối với trái phiếu xanh, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản này, hàng năm doanh nghiệp phát hành phải lập báo cáo về việc hạch toán, quản lý sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán; báo cáo tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.”

Xem nội dung VB
Điều 21. Công bố thông tin định kỳ
...
2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

d) Đối với trái phiếu xanh, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hàng năm doanh nghiệp phát hành phải lập báo cáo về việc hạch toán, quản lý sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán; báo cáo tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường
...
2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP , khoản 16 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán.

a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng.

b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

d) Đối với trái phiếu xanh, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hàng năm doanh nghiệp phát hành phải lập báo cáo về việc hạch toán, quản lý sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán; báo cáo tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
18. Sửa đổi khoản 2 Điều 29 như sau:

“2. Chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.”

Xem nội dung VB
Điều 29. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu
...
2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Điều 7. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 18 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 29. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp thực hiện việc công bố thông tin theo quy định tại thị trường phát hành và quy định tại Nghị định này.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này. Việc Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
19. Sửa đổi khoản 1 Điều 30 ... như sau:

“1. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi thông tin về kết quả chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Xem nội dung VB
Điều 30. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi thông tin về kết quả chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 8. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 19 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 30. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi thông tin về kết quả chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
20. Sửa đổi khoản 2 Điều 31 như sau:

“2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ.

d) Báo cáo về thông tin bất thường của doanh nghiệp phát hành (nếu có).

đ) Báo cáo về mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền (nếu có).

e) Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.”

Xem nội dung VB
Điều 31. Công bố thông tin định kỳ
...
2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể việc thay đổi mục đích sử dụng vốn và lý do thay đổi.

d) Báo cáo về thông tin bất thường của doanh nghiệp phát hành (nếu có).

đ) Báo cáo về mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền (nếu có).
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 9. Công bố thông tin định kỳ

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, khoản 20 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và bao gồm các nội dung sau:

a) Nội dung công bố thông tin định kỳ theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nội dung công bố thông tin việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu trong kỳ (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin định kỳ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 31. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ đến Sở Giao dịch Chứng khoán.

a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng.

b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể việc thay đổi mục đích sử dụng vốn và lý do thay đổi.

d) Báo cáo về thông tin bất thường của doanh nghiệp phát hành (nếu có).

đ) Báo cáo về mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền (nếu có).

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
21. Sửa đổi Điều 32 như sau:

“Điều 32. Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán

1. Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm:

a) Tổng hợp thông tin trên cơ sở nội dung thông tin đã tiếp nhận của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Xây dựng, ban hành Quy chế tiếp nhận, giám sát công bố thông tin, báo cáo và vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

2. Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp gồm các nội dung sau:

a) Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, một số chỉ tiêu tài chính (dư nợ vay trái phiếu (bao gồm tất cả các hình thức vay trái phiếu), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số tổng dư nợ vay trái phiếu (bao gồm tất cả các hình thức vay trái phiếu)/vốn chủ sở hữu, hệ số thanh toán lãi vay (lợi nhuận trước thuế và lãi vay/lãi vay)), mã trái phiếu, đối tượng chào bán của từng mã trái phiếu, lãi suất phát hành, ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn, báo cáo thanh toán gốc lãi trái phiếu, công bố thông tin bất thường, kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm theo quy định;

b) Tình hình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn, thị trường phát hành.

c) Tình hình chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, việc thực hiện quyền của chứng quyền, việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có).

d) Thông tin khác theo thỏa thuận giữa Sở giao dịch chứng khoán và doanh nghiệp phát hành để cung cấp cho đối tượng được tiếp nhận thông tin theo Quy chế tiếp nhận, giám sát công bố thông tin, báo cáo và vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán.

đ) Thông tin về các trường hợp doanh nghiệp phát hành không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư và các trường hợp doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn theo báo cáo của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu và công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành.

3. Nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu được truy cập chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Quy chế tiếp nhận, giám sát công bố thông tin, báo cáo và vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp do Sở giao dịch chứng khoán ban hành.”

Xem nội dung VB
Điều 32. Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán

1. Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm:

a) Tổng hợp thông tin trên cơ sở nội dung thông tin đã tiếp nhận của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Xây dựng, ban hành Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

2. Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp gồm các nội dung sau:

a) Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, mã trái phiếu (nếu có), ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn;

b) Tình hình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn, thị trường phát hành.

c) Tình hình chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, việc thực hiện quyền của chứng quyền, việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có).

d) Thông tin khác theo thỏa thuận giữa Sở giao dịch chứng khoán và doanh nghiệp phát hành để cung cấp cho đối tượng được tiếp nhận thông tin theo Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu được truy cập chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp do Sở giao dịch chứng khoán ban hành.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
22. Sửa đổi Điều 33 như sau:

“Điều 33. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

1. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Đại diện người sở hữu trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán định kỳ hàng quý, hàng năm và báo cáo trong trường hợp phát hiện tổ chức phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.

3. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Sở giao dịch chứng khoán. Riêng đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ đại lý phát hành, ngoài chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này, phải thực hiện chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Chế độ báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán

a) Sở giao dịch chứng khoán thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp gồm chào bán tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.

b) Ngoài chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản này, Sở giao dịch chứng khoán báo cáo đột xuất cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

5. Chế độ báo cáo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

a) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình đăng ký, lưu ký, chuyển quyền sở hữu, cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.

b) Ngoài chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam báo cáo đột xuất cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

6. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Điều này.”

Xem nội dung VB
Điều 33. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán

1. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp.

2. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Sở giao dịch chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ để Sở giao dịch chứng khoán tổng hợp báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Chế độ báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán

a) Sở giao dịch chứng khoán thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về tình hình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp gồm chào bán tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.

b) Ngoài chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản này, Sở giao dịch chứng khoán báo cáo đột xuất cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký và Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
24. Sửa đổi Điều 35 như sau:

“Điều 35. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14 Nghị định này khi cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định của Nghị định này. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Xem nội dung VB
Điều 35. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định của Nghị định này. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
25. Sửa đổi Điều 36 như sau:

“Điều 36. Trách nhiệm của đại diện người sở hữu trái phiếu

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14 Nghị định này khi cung cấp dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định của Nghị định này. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và Nghị định này khi cung cấp dịch vụ, thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu và chuyển quyền sở hữu trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và Điều 16 Nghị định này.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
26. Sửa đổi Điều 37 như sau:

“Điều 37. Trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành

1. Tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14 Nghị định này khi cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành.

2. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Xem nội dung VB
Điều 37. Trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành

1. Tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành.

2. Thực hiện đúng theo hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

4. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
27. Sửa đổi quy định tại khoản 3 ... Điều 38 như sau:

“3. Quản lý, giám sát việc thực hiện đầy đủ và đúng hạn chế độ công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Xem nội dung VB
Điều 38. Trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán
...
3. Quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
27. Sửa đổi quy định tại ... khoản 4 ... Điều 38 như sau:
...
4. Trường hợp phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành và cá nhân, tổ chức có liên quan giải trình, cung cấp bổ sung thông tin hoặc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Xem nội dung VB
Điều 38. Trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán
...
4. Trường hợp phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu giải trình, cung cấp bổ sung thông tin hoặc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
27. Sửa đổi quy định tại ... khoản 5 Điều 38 như sau:
...
5. Ban hành Quy chế tiếp nhận, giám sát công bố thông tin, báo cáo và vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; Quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.”

Xem nội dung VB
Điều 38. Trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán
...
5. Xây dựng Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; Quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giám sát giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán để ban hành sau khi có ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
29. Sửa đổi Điều 39 như sau:

“Điều 39. Trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại thị trường trong nước; cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

2. Có ý kiến chấp thuận Quy chế tiếp nhận, giám sát công bố thông tin, báo cáo và vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, Quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Quy chế đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định của Nghị định này.

3. Quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán và việc cung cấp dịch vụ về chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán, trong đó bao gồm việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán, cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành theo quy định tại Nghị định này; quản lý, giám sát Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc đăng ký, lưu ký, chuyển quyền sở hữu trái phiếu; quản lý, giám sát Sở giao dịch chứng khoán trong việc thực hiện công bố thông tin, chế độ báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Nghị định này.

4. Trên cơ sở quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, báo cáo của đại diện người sở hữu trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm thì thực hiện thanh tra, kiểm tra Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán.”

Xem nội dung VB
Điều 39. Trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại thị trường trong nước; cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

2. Quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán; giám sát Sở giao dịch chứng khoán trong việc thực hiện công bố thông tin, chế độ báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Nghị định này.

3. Trên cơ sở giám sát của Sở giao dịch chứng khoán tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Nghị định này, tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán.

4. Có ý kiến chấp thuận Quy chế vận hành chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp và Quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Nghị định này.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
30. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 40 như sau:

“2. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu; cấp phép cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp; giám sát việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu và việc các tổ chức này cam kết mua lại trái phiếu của doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.”

Xem nội dung VB
Điều 40. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
...
2. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu; giám sát việc tổ chức tín dụng cam kết mua lại trái phiếu của doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
32. Sửa đổi, bổ sung Điều 42 như sau:

“Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc công bố thông tin, việc cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này để kiến nghị Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi cơ chế chính sách.

3. Quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định của pháp luật về kiểm toán và pháp luật về giá.”

Xem nội dung VB
Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc công bố thông tin và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này để kiến nghị Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi cơ chế chính sách.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 2. Bãi bỏ khoản 7 Điều 4 của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Xem nội dung VB
Điều 4. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. “Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu” là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc tổ chức là thành viên lưu ký của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện dịch vụ đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp.
Khoản này bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Khoản này được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (sau đây gọi là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP) như sau:

“3. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.

b) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

c) Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật”.

Xem nội dung VB
Điều 34. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
...
3. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Khoản này được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2023
Điểm này được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/03/2023
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (sau đây gọi là Nghị định số 65/2022/NĐ-CP) như sau:

"b) Việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

- Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

- Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận)."

Xem nội dung VB
Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp
...
2. Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành:
...
c) Doanh nghiệp không được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu tại phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt.
Điểm này được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/03/2023
Điều này được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
3. Bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 5 như sau:

“4. Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi đáp ứng các quy định sau:

a) Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;

b) Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;

5. Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.”

Xem nội dung VB
Điều 5. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

2. Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

3. Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.
Điều này được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được bổ sung bởi Khoản 15 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
15. ... bổ sung ... khoản 1a Điều 20 như sau:
...
1a. Trường hợp doanh nghiệp chào bán không thành công hoặc hủy đợt chào bán trái phiếu, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán.”

Xem nội dung VB
Điều 20. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu và công bố thông tin định kỳ

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 20. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được bổ sung bởi Khoản 15 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Khoản này được bổ sung bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
17. Bổ sung điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 22 như sau:

“c) Thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã phát hành, thay đổi đại diện người sở hữu trái phiếu.

d) Phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc.

đ) Khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý vi phạm pháp luật theo quy định.”

Xem nội dung VB
Điều 22. Công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp

1. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán:

a) Bị tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; khi có Quyết định về việc tổ chức lại hoặc chuyển đổi doanh nghiệp;

b) Có sự thay đổi về nội dung thông tin so với thông tin đã công bố khi chào bán trái phiếu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ lãi, gốc trái phiếu.
Khoản này được bổ sung bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được bổ sung bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
19. ... bổ sung khoản la Điều 30 như sau:
...
1a. Trường hợp doanh nghiệp chào bán không thành công hoặc hủy đợt chào bán trái phiếu, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán.”

Xem nội dung VB
Điều 30. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi thông tin về kết quả chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 8. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ KẾT QUẢ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 30. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi thông tin về kết quả chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được bổ sung bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được bổ sung bởi Khoản 23 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
23. Bổ sung khoản 6, khoản 7 Điều 34 như sau:

“6. Có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp phát hành và của nhà đầu tư.

7. Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này”

Xem nội dung VB
Điều 34. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

1. Tuân thủ quy định của Nghị định này về việc chào bán trái phiếu.

2. Phải quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

3. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật.

5. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều này được bổ sung bởi Khoản 23 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Chương này được bổ sung bởi Khoản 28 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
28. Bổ sung Điều 38a như sau:

“Điều 38a. Trách nhiệm của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

1. Tuân thủ quy định về việc đăng ký, lưu ký trái phiếu, chuyển quyền sở hữu và thanh toán giao dịch trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán.

2. Giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán, trong đó bao gồm việc thành viên lưu ký cung cấp dịch vụ theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

4. Trường hợp phát hiện có vi phạm trong việc đăng ký, lưu ký, chuyển quyền sở hữu đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có văn bản yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan giải trình, cung cấp bổ sung thông tin hoặc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét, xử lý theo mức độ vi phạm.

5. Ban hành Quy chế đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.”

Xem nội dung VB
Chương V QUẢN LÝ, GIÁM SÁT VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

Điều 34. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
...
Điều 35. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán
...
Điều 36. Trách nhiệm của tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu
...
Điều 37. Trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành
...
Điều 38. Trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán
...
Điều 39. Trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
...
Điều 40. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
...
Điều 41. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác
...
Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Chương này được bổ sung bởi Khoản 28 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được bổ sung bởi Khoản 31 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như sau:
...
31. Bổ sung khoản 4 Điều 41 như sau:

“4. Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.”

Xem nội dung VB
Điều 41. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

1. Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, chủ sở hữu công ty có trách nhiệm:

a) Phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều lệ của công ty, quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật doanh nghiệp.

b) Giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ công ty.

2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước, quản lý, giám sát việc huy động và sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý và báo cáo tài chính của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi Bộ Tài chính có yêu cầu.
Điều này được bổ sung bởi Khoản 31 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/09/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I CÔNG BỐ THÔNG TIN TRƯỚC ĐỢT CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt:

a) Đối với đợt chào bán đầu tiên, việc công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với các đợt chào bán tiếp theo, ngoài việc công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước mỗi đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin bổ sung cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu, đồng thời gửi Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I CÔNG BỐ THÔNG TIN TRƯỚC ĐỢT CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt:

a) Đối với đợt chào bán đầu tiên, việc công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với các đợt chào bán tiếp theo, ngoài việc công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước mỗi đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin bổ sung cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu, đồng thời gửi Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu và công bố thông tin định kỳ
...
2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC III CÔNG BỐ THÔNG TIN ĐỊNH KỲ CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH

Xem nội dung VB
Điều 21. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán.

a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng.

b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

d) Đối với trái phiếu xanh, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hàng năm doanh nghiệp phát hành phải lập báo cáo về việc hạch toán, quản lý sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán; báo cáo tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC IV CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI, TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN, MUA LẠI TRÁI PHIẾU TRƯỚC HẠN VÀ HOÁN ĐỔI TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 7. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I CÔNG BỐ THÔNG TIN TRƯỚC ĐỢT CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 29. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp thực hiện việc công bố thông tin theo quy định tại thị trường phát hành và quy định tại Nghị định này.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này. Việc Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 7. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I CÔNG BỐ THÔNG TIN TRƯỚC ĐỢT CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 29. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp thực hiện việc công bố thông tin theo quy định tại thị trường phát hành và quy định tại Nghị định này.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo quy định tại Điều 33 Nghị định này. Việc Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 9. Công bố thông tin định kỳ

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và bao gồm các nội dung sau:

a) Nội dung công bố thông tin định kỳ theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nội dung công bố thông tin việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu trong kỳ (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin định kỳ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC III CÔNG BỐ THÔNG TIN ĐỊNH KỲ CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH
...
PHỤ LỤC IV CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ TRÁI PHIẾU CHUYỂN ĐỔI, TRÁI PHIẾU KÈM CHỨNG QUYỀN, MUA LẠI TRÁI PHIẾU TRƯỚC HẠN VÀ HOÁN ĐỔI TRÁI PHIẾU

Xem nội dung VB
Điều 31. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm theo năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ đến Sở Giao dịch Chứng khoán.

a) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ 06 tháng.

b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

2. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và bao gồm các tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.

b) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

c) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể việc thay đổi mục đích sử dụng vốn và lý do thay đổi.

d) Báo cáo về thông tin bất thường của doanh nghiệp phát hành (nếu có).

đ) Báo cáo về mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của chứng quyền (nếu có).

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
...
Mục 3. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA TỔ CHỨC TƯ VẤN HỒ SƠ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU, TỔ CHỨC ĐẤU THẦU, BẢO LÃNH, ĐẠI LÝ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU, ĐẠI DIỆN NGƯỜI SỞ HỮU TRÁI PHIẾU, TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ TRÁI PHIẾU, SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VÀ TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Điều 10. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu

1. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm về tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP .

2. Nội dung báo cáo: Theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Kỳ báo cáo bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 đối với kỳ báo cáo năm và bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu quý đến ngày cuối của tháng cuối quý đó đối với kỳ báo cáo quý.

3. Nơi nhận, hình thức và phương thức gửi báo cáo: Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu gửi báo cáo theo hình thức văn bản giấy về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý liền sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

Điều 11. Báo cáo của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước

1. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm về tình hình cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP .

2. Nội dung báo cáo: Theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này. Kỳ báo cáo bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 đối với kỳ báo cáo năm và bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu quý đến ngày cuối của tháng cuối quý đó đối với kỳ báo cáo quý.

3. Nơi nhận, hình thức và phương thức gửi báo cáo: Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp báo cáo theo hình thức văn bản điện tử cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý liền sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

Điều 12. Báo cáo của đại diện người sở hữu trái phiếu

1. Đại diện người sở hữu trái phiếu gửi báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP .

2. Nội dung báo cáo: Theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. Kỳ báo cáo bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 đối với kỳ báo cáo năm và bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu quý đến ngày cuối của tháng cuối quý đó đối với kỳ báo cáo quý.

3. Nơi nhận, hình thức và phương thức gửi báo cáo: Đại diện người sở hữu trái phiếu gửi báo cáo theo hình thức văn bản giấy về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và theo hình thức văn bản điện tử cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý liền sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

5. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện vi phạm, đại diện người sở hữu trái phiếu báo cáo đột xuất cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử (địa chỉ hòm thư: [email protected]) và báo cáo theo hình thức văn bản điện tử cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để công bố trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 13. Báo cáo của tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu, tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với trái phiếu đang được đăng ký, lưu ký tại tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu cho đến thời điểm các trái phiếu này không còn đăng ký, lưu ký tại tổ chức đăng ký, lưu ký.

2. Nội dung báo cáo định kỳ (lũy kế từ ngày 01 tháng 01 đến ngày kết thúc quý/năm) theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức báo cáo: Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu gửi báo cáo theo hình thức văn bản điện tử cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tại chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

5. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định tại Điều này đối với các trái phiếu đã phát hành trước khi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và đang được đăng ký, lưu ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cho đến khi các trái phiếu này không còn dư nợ.

Điều 14. Báo cáo định kỳ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam

1. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP .

2. Nội dung báo cáo định kỳ theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. Kỳ báo cáo bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 đối với kỳ báo cáo năm và bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu quý đến ngày cuối của tháng cuối quý đó đối với kỳ báo cáo quý.

3. Nơi nhận, hình thức và phương thức báo cáo: Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam gửi báo cáo theo hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (địa chỉ hòm thư: [email protected]); đồng thời, gửi nội dung báo cáo đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo hình thức văn bản điện tử tại chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp để Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tiếp tục tổng hợp, báo cáo về tình hình lưu ký và cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý liền sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

Điều 15. Báo cáo định kỳ của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội

1. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bao gồm các nội dung sau:

a) Báo cáo về tình hình chào bán và giao dịch trái phiếu tại thị trường trong nước, tình hình chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế trong kỳ (lũy kế từ ngày 01 tháng 01 đến ngày kết thúc quý hoặc năm đó). Riêng đối với báo cáo cuối quý 2 và báo cáo năm, bổ sung nội dung về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Nội dung báo cáo theo các biểu mẫu tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đánh giá, nhận xét về tình hình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ và lũy kế từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo bao gồm: tình hình chào bán trái phiếu doanh nghiệp; việc tuân thủ chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; việc tuân thủ chế độ báo cáo của các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; tình hình giao dịch trái phiếu; tình hình thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu; tình hình thực hiện chuyển đổi, thực hiện quyền, mua lại trái phiếu trước hạn và hoán đổi trái phiếu.

2. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tiếp tục thực hiện báo cáo về tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu, tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các tổ chức đăng ký, lưu ký (bao gồm Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam) theo quy định tại Điều 13 Thông tư này và báo cáo của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Điều 14 Thông tư này. Việc báo cáo thực hiện cho đến thời điểm các tổ chức đăng ký, lưu ký (bao gồm Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam) không còn nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

3. Nơi nhận, hình thức và phương thức báo cáo: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gửi báo cáo theo hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (địa chỉ hòm thư: [email protected]).

4. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Đối với báo cáo quý, thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý liền sau. Riêng đối với báo cáo cuối quý 2, thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 20 tháng 9 của năm báo cáo;

b) Đối với báo cáo năm, thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là ngày 29 tháng 4 năm sau.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 33. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán
...
4. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký và Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Mục 3. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA TỔ CHỨC TƯ VẤN HỒ SƠ CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU, TỔ CHỨC ĐẤU THẦU, BẢO LÃNH, ĐẠI LÝ PHÁT HÀNH, TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ TRÁI PHIẾU VÀ SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

Điều 10. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu

1. Tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm về tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Báo cáo bao gồm những nội dung sau:

a) Số lượng hợp đồng tư vấn chào bán trái phiếu doanh nghiệp hoàn thành trong kỳ, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong kỳ, lũy kế từ ngày 01 tháng 01 đến ngày kết thúc quý hoặc năm báo cáo, kèm theo thông tin cụ thể về các hồ sơ tư vấn chào bán đã thực hiện trong kỳ (tên doanh nghiệp phát hành, mã trái phiếu, ngày phát hành, khối lượng phát hành, kỳ hạn, phương thức phát hành);

b) Đánh giá việc tuân thủ quy định về điều kiện và hồ sơ chào bán đối với từng hợp đồng tư vấn chào bán trái phiếu đã thực hiện và hoàn thành trong kỳ theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

2. Nơi nhận, hình thức và phương thức gửi báo cáo: Tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu gửi báo cáo theo hình thức văn bản giấy đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

Điều 11. Báo cáo của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu

1. Tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm về tình hình chào bán trái phiếu theo hình thức văn bản điện tử cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

2. Nội dung báo cáo bao gồm:

a) Số lượng hợp đồng và khối lượng trái phiếu đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành đã hoàn thành và đang thực hiện trong kỳ và lũy kế từ ngày 01 tháng 01 đến ngày kết thúc quý hoặc năm báo cáo;

b) Kết quả đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ theo từng doanh nghiệp phát hành, trong đó nêu rõ về điều kiện, điều khoản cơ bản của từng trái phiếu phát hành theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, phương thức phát hành, việc tuân thủ quy định về nhà đầu tư mua trái phiếu và cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu sau khi chào bán, phân phối trái phiếu.

3. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

Điều 12. Báo cáo của tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu, tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho đến khi các trái phiếu đáo hạn; số lượng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

2. Nội dung báo cáo trong kỳ (lũy kế từ ngày 01 tháng 01 đến ngày kết thúc quý/năm) theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức báo cáo: Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu gửi báo cáo theo hình thức văn bản điện tử đến Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội qua Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 15 tháng đầu tiên của quý sau đối với báo cáo quý, chậm nhất là ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.

Điều 13. Báo cáo định kỳ của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội

1. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP gồm các nội dung sau:

a) Báo cáo về tình hình phát hành và giao dịch trái phiếu tại thị trường trong nước, tình hình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong kỳ (lũy kế từ ngày 01 tháng 01 đến ngày kết thúc quý/năm) theo các biểu mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Riêng đối với báo cáo cuối quý 2 và báo cáo năm, ngoài các nội dung quy định tại điểm a khoản này còn bao gồm tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, tình hình lưu ký đối với các trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Đánh giá, nhận xét về tình hình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ và lũy kế từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo (tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp; việc tuân thủ chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; việc tuân thủ chế độ báo cáo của các tổ chức cung cấp dịch vụ; tình hình giao dịch trái phiếu; tình hình thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu; tình hình thực hiện chuyển đổi trái phiếu; tình hình thực hiện quyền, mua lại trái phiếu trước hạn và hoán đổi trái phiếu).

2. Nơi nhận, hình thức và phương thức báo cáo: Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội gửi báo cáo theo hình thức văn bản giấy đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; báo cáo theo hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - email: [email protected]).

3. Thời hạn gửi báo cáo:

a) Đối với báo cáo quý, thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý sau. Riêng đối với báo cáo cuối quý 2, thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 30 tháng 9;

b) Đối với báo cáo năm, thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là ngày 29 tháng 4 năm sau.
...
PHỤ LỤC V BIỂU MẪU BÁO CÁO CỦA TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ TRÁI PHIẾU
...
PHỤ LỤC VI MẪU BIỂU BÁO CÁO ĐỊNH KỲ CỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

Xem nội dung VB
Điều 33. Báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán
...
4. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký và Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Thông tư 122/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (VB hết hiệu lực: 25/12/2024)
Việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/01/2022
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thông tư này không quy định việc mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành; mua, bán trái phiếu do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành; mua trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức chiết khấu; mua, bán có kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường quốc tế; mua, bán trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức tái chiết khấu.

3. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với từng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

4. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp giữa tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và tổ chức tín dụng hỗ trợ thực hiện theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

3. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

2. Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

3. Trái phiếu có bảo đảm là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.

4. Trái phiếu kèm chứng quyền là loại trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

5. Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Điều 4. Nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

1. Tổ chức tín dụng được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

2. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tổ chức tín dụng mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải tuân thủ các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về góp vốn, mua cổ phần và các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

6. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi:

a) Trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương án);

c) Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án;

d) Phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn;

đ) Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

7. Ngoài việc đáp ứng các quy định khác tại Điều này, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất.

8. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành;

b) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác;

c) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

9. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

10. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền.

11. Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:

a) Đáp ứng các quy định khác tại Điều này;

b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;

c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

12. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc và bên nhận chuyển giao bắt buộc, việc bán có kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp không áp dụng quy định tại khoản 11 Điều này.

13. Đồng tiền trong giao dịch mua, bán trái phiếu doanh nghiệp là đồng Việt Nam.

Điều 5. Trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán

Trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo đúng quy định của pháp luật.

2. Được phát hành bằng đồng Việt Nam.

3. Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu).

Điều 6. Quy định nội bộ

1. Căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng ban hành và định kỳ hàng năm đánh giá quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với mô hình quản lý, đặc điểm hoạt động kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là quy định nội bộ).

2. Quy định nội bộ phải quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

3. Quy định nội bộ tối thiểu phải có quy trình nghiệp vụ, quy định quản lý rủi ro đối với hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

4. Căn cứ quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan, trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp:

a) Tổ chức tín dụng gửi quy định nội bộ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng), trừ trường hợp quy định tại điểm b Khoản này;

b) Tổ chức tín dụng thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi quy định nội bộ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp

1. Thẩm định việc đáp ứng các nguyên tắc tại Điều 4 Thông tư này để xem xét quyết định việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

2. Thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành; trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

3. Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hoặc khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết tại điểm c khoản 6 Điều 4 Thông tư này, tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi nợ gốc, lãi trái phiếu.

4. Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 06 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

5. Xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 8. Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp

1. Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và người có liên quan phát hành; trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm; trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm; trái phiếu doanh nghiệp đầu tư sẵn sàng để bán; trái phiếu doanh nghiệp đầu tư giữ đến ngày đáo hạn; trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh.

Điều 9. Phân loại, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp

1. Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

2. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Điều 10. Hạch toán kế toán, thống kê và lưu giữ hồ sơ mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

1. Tổ chức tín dụng hạch toán kế toán mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về chế độ kế toán.

2. Tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo thống kê đối với hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp xanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chế độ báo cáo thống kê của tổ chức tín dụng.

3. Tổ chức tín dụng lưu giữ hồ sơ mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lưu giữ hồ sơ tín dụng.

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó. Việc sửa đổi, bổ sung các hợp đồng trên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành chỉ được thực hiện khi nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2022.

2. Các quy định sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp;

b) Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 6 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

Xem nội dung VB
Điều 40. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Hướng dẫn việc chào bán trái phiếu của tổ chức tín dụng, hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/01/2022
Đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 5. Trách nhiệm giám sát
...
Chương II ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ, THỰC HIỆN QUYỀN, CHUYỂN QUYỀN SỞ HỮU

Điều 6. Đăng ký, hủy đăng ký và quản lý thông tin trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 7. Lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 8. Thực hiện quyền của người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 9. Chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Chương III TỔ CHỨC GIAO DỊCH

Điều 10. Đăng ký giao dịch, hủy bỏ đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 11. Thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 12. Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 13. Tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 14. Công khai thông tin về hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán
...
Chương IV THANH TOÁN GIAO DỊCH

Điều 15. Các tổ chức tham gia hệ thống thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 16. Thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 17. Đối chiếu, xác nhận giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 18. Xử lý lỗi sau giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 19. Xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Điều 20. Loại bỏ thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I THÔNG TIN TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ
...
PHỤ LỤC II THÔNG TIN BỔ SUNG KHI ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN NHÀ ĐẦU TƯ THAM GIA GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ

Xem nội dung VB
Chương II CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
...
Mục 2. ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ VÀ GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU

Điều 15. Đăng ký, lưu ký trái phiếu

1. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đăng ký, lưu ký trái phiếu trong thời hạn sau:

a) 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo dã nhận được báo cáo kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

b) 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

2. Tại một thời điểm, mỗi mã trái phiếu doanh nghiệp chỉ được đăng ký, lưu ký tại một tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.

Điều 16. Giao dịch trái phiếu

1. Trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền chỉ được phép giao dịch giữa các nhà đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

3. Khi thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều này phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2023
Chế độ công bố thông tin về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được hướng dẫn bởi Mục 1, Mục 2 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP .

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 15 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP , khoản 16 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP , khoản 17 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Hình thức công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 6. Hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu theo tối thiểu một trong các hình thức sau:

a) Văn bản giấy;

b) Văn bản điện tử;

c) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phát hành.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin theo hình thức văn bản điện tử cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

Mục 2. CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Điều 7. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 18 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 8. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 19 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 9. Công bố thông tin định kỳ

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP , khoản 20 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và bao gồm các nội dung sau:

a) Nội dung công bố thông tin định kỳ theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nội dung công bố thông tin việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu trong kỳ (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin định kỳ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc công bố thông tin và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
Chế độ công bố thông tin về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được hướng dẫn bởi Mục 1, Mục 2 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt:

a) Đối với đợt chào bán đầu tiên, việc công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với các đợt chào bán tiếp theo, ngoài việc công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước mỗi đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin bổ sung cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu, đồng thời gửi Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt:

a) Đối với đợt chào bán đầu tiên, việc công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với các đợt chào bán tiếp theo, ngoài việc công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước mỗi đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin bổ sung cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu, đồng thời gửi Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 19. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

a) Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Riêng đối với chào bán trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình hạch toán, quản lý, giải ngân vốn từ chào bán trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

c) Việc doanh nghiệp gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán chỉ có mục đích để Sở giao dịch chứng khoán thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 32 Nghị định này, không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt:

a) Đối với đợt chào bán đầu tiên, việc công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với các đợt chào bán tiếp theo, ngoài việc công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước mỗi đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin bổ sung cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu, đồng thời gửi Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin bổ sung theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 4 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường
...
3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 22. Công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp

1. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán:

a) Bị tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; khi có Quyết định về việc tổ chức lại hoặc chuyển đổi doanh nghiệp;

b) Có sự thay đổi về nội dung thông tin so với thông tin đã công bố khi chào bán trái phiếu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ lãi, gốc trái phiếu.

2. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện chế độ báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 4 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.


...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.


...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.


...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.


...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.


...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 23. Công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc ngày thực hiện quyền của chứng quyền, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

2. Đối với mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu:

a) Trong thời hạn 10 ngày trước ngày mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm báo cáo cơ quan phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán.

3. Nội dung công bố thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này để tổng hợp, công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này và báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Chế độ công bố thông tin về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...

Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Điều 3. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP .

2. Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 4. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 15 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP , khoản 16 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP , khoản 17 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Hình thức công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 5. Công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hình thức công bố thông tin:

a) Đối với công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn và trước đợt hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

b) Đối với công bố thông tin về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu: hình thức công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 6. Hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu theo tối thiểu một trong các hình thức sau:

a) Văn bản giấy;

b) Văn bản điện tử;

c) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phát hành.

2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin theo hình thức văn bản điện tử cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Chương II CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
...
Mục 4. CÔNG BỐ THÔNG TIN
Chế độ công bố thông tin về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Chế độ công bố thông tin về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Căn cứ Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 2. CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Điều 7. Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 18 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 8. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và khoản 19 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 9. Công bố thông tin định kỳ

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin định kỳ theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, khoản 20 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và bao gồm các nội dung sau:

a) Nội dung công bố thông tin định kỳ theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nội dung công bố thông tin việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền của trái phiếu kèm chứng quyền, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn và kết quả hoán đổi trái phiếu trong kỳ (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức công bố thông tin định kỳ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Chương III CHÀO BÁN TRÁI PHIẾU RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
...
Mục 2. CÔNG BỐ THÔNG TIN
Chế độ công bố thông tin về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Thông tư 76/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/12/2024