Xác định trách nhiệm của UBND phường khi xác nhận đất không tranh chấp

Ngày 27/3/2012, ông A vay ông B số tiền 240 triệu đồng bằng giấy viết tay. Sau một thời gian ông A không trả nợ cho ông B, nên ông B đã gửi đơn ra Toà án huyện. Sau khi thụ lý vụ án, ngày 30/7/2012, Toà án đã gửi cho phường C công văn có nội dung: Sau khi thụ lý vụ án nguyên đơn cung cấp thông tin hiện tại ông A đang làm thủ tục chuyển nhượng nhà và đất ở khối 3 nhằm mục đích tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và có đơn đề nghị Toà án và cơ quan có thẩm quyền tạm ngừng các giao dịch tài sản thuộc sở hữu của ông A. Để giải quyết triệt để, Toà án thông báo cho UBND phường C được biết để phối hợp thực hiện. Ngày 14/9/2012, Toà án đã có Quyết định số 32/2012/QĐ-DSST công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung: ông A có nợ và có nghĩa vụ trả 240 triệu đồng cho ông B. Tuy nhiên, đến ngày 19/9/2012, UBND phường C đã xác nhận đất không tranh chấp của ông A tại khối 3 và ông A đã chuyển nhượng thửa đất cho người khác nhưng đến nay vẫn chưa trả nợ cho ông B. Xác định trách nhiệm của UBND phường C khi xác nhận đất không tranh chấp mặc dù đã nhận được Công văn của Toà án?

Nội dung chính

    Xác định trách nhiệm của UBND phường khi xác nhận đất không tranh chấp

    Nếu vụ việc đúng như nội dung bạn nêu thì việc xác định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân phường C với nội dung đất không tranh chấp là phù hợp với thực tế, bởi vì vụ kiện giữa ông A và ông B là vụ kiện dân sự đòi tiền cho vay, còn diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông A không tranh chấp về quyền của ai được sử dụng, có lấn chiếm đất không hay đất có hay không thế chấp để vay tiền.

    Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông A cho người khác phải thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 19/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có chứng nhận của cơ quan công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

    Vì thế, việc xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường đất không có tranh chấp không có nghĩa rằng Uỷ ban nhân dân phường đồng ý và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông A đã hoàn thành. Trong vụ việc này, Toà án đã có công văn gửi Uỷ ban nhân dân phường C thì Uỷ ban nhân dân phường C cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án dân sự trước khi xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông A với người khác để đảm bảo việc thi hành án cho ông B thì tốt hơn.

    Mặc dù, Uỷ ban nhân dân phường C xác nhận đất không tranh chấp, nhưng do ông A phải thi hành án trả tiền cho ông B và việc chuyển nhượng đất giữa ông A với người khác thực hiện sau khi Quyết định số 32/2012/QĐ-DSST ngày 14/9/2012 của Toà án có hiệu lực pháp luật, ông A có nghĩa vụ trả 240 triệu đồng cho ông B. Vì thế, nếu ông A không dùng tiền chuyển nhượng đất để thi hành án thì diện tích đất đó vẫn bị kê biên để thi hành án cho ông B theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự:“Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”.

    15