Viên chức Quản lý dự án hàng hải hạng IV cần bao nhiêu năm kinh nghiệm để đủ điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên Quản lý dự án hàng hải hạng III?
Nội dung chính
Viên chức Quản lý dự án hàng hải hạng IV cần bao nhiêu năm kinh nghiêm để đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên Quản lý dự án hàng hải hạng III?
Căn cứ khoản 4 Điều 6 Thông tư 41/2022/TT-BGTVT có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng III như sau:
Quản lý dự án hàng hải hạng III - Mã số: V.12.41.03
...
4. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng III:
Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng III khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng IV hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;
b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng IV và tương đương đạt tối thiểu một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: Đã tham gia quản lý dự án của 01 dự án nhóm C cùng loại;
Đã chủ trì thiết kế hoặc thẩm định hoặc thẩm tra thiết của 02 công trình cấp III;
Đã chủ trì thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của 01 dự án nhóm C hoặc 01 công trình cấp III;
Đã tham gia quản lý dự án của 01 dự án đầu tư xây dựng nhóm C và có một trong bốn chứng chỉ hành nghề: quản lý dự án hạng III, thiết kế xây dựng hạng III, giám sát thi công xây dựng hạng III, định giá xây dựng hạng III.
Như vậy, để đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên Quản lý dự án hàng hải hạng III cần có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng IV từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).
(Hình từ Internet)
Hệ số lương của viên chức Quản lý dự án hàng hải hạng IV là bao nhiêu?
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 41/2022/TT-BGTVT có quy định về xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải như sau:
Xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải
..........
2. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
b) Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
c) Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
d) Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án hàng hải hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
...
Như vậy, Hệ số lương của viên chức Quản lý dự án hàng hải hạng IV là từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức Quản lý dự án hàng hải hạng IV là gì?
Tại Điều 3 Thông tư 41/2022/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức Quản lý dự án hàng hải hạng IV như sau:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.
- Thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
- Có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp.
- Không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi.
- Đoàn kết, sáng tạo, tự nâng cao trình độ, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi kiến thức mới.
- Có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác.
- Tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ.