Trường hợp bất khả kháng có bị tính vào thời gian không sử dụng đất hay không?
Nội dung chính
Các trường hợp bất khả kháng liên quan đến việc vi phạm về thời gian, tiến độ sử dụng đất là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì trường hợp bất khả kháng để áp dụng trong việc xử lý các trường hợp quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024 là sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật về dân sự mà ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất, bao gồm:
- Thiên tai, thảm họa môi trường;
- Hỏa hoạn, dịch bệnh;
- Chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp;
- Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật mà sau đó người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trở ngại khách quan, không do lỗi của người sử dụng đất, tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất;
- Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành.
Thời gian bị ảnh hưởng đối với trường hợp bất khả kháng có tính vào thời gian không sử dụng đất không không?
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 31 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Thời gian bị ảnh hưởng đối với trường hợp bất khả kháng không tính vào thời gian không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ sử dụng đất theo quy định tại khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định về các trường hợp bất khả kháng của pháp luật và thực tế triển khai các dự án đầu tư để xác định thời gian bị ảnh hưởng do trường hợp bất khả kháng đối với dự án thuộc địa bàn một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Lưu ý: Trường hợp dự án thuộc địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì căn cứ đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định; trường hợp cần thiết lấy ý kiến của bộ, ngành liên quan.
Thời gian bị ảnh hưởng đối với trường hợp bất khả kháng có tính vào thời gian không sử dụng đất không? (Ảnh từ internet)
Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục có bị phạt tiền không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định thì:
Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
Do đó, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, 2.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm bị buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.