Quyền sở hữu đất đai thuộc về ai? Nhà nước là đại diện sở hữu về đất đai có những quyền gì?
Nội dung chính
Quyền sở hữu đất đai thuộc về ai?
Theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp 2013 thì đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đồng thời căn cứ theo Điều 12 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền sở hữu đất đai như sau:
Sở hữu đất đai
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Như vậy, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước có trách nhiệm trao sử dụng đất đai cho người dân theo quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo tài nguyên đất được quản lý hiệu quả và sử dụng hợp lý vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Quyền sở hữu đất đai thuộc về ai? Nhà nước là đại diện sở hữu về đất đai có những quyền gì? (Hình từ Internet)
Nhà nước là đại diện sở hữu về đất đai có những quyền gì?
Thứ nhất, tại Điều 14 Luật Đất đai 2024 Nhà nước có quyền sở hữu đất đai và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:
(1) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước;
(2) Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật này; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương;
(3) Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
Theo quy định tại Điều 13 Luật Đất đai 2024 Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai thì có các quyền sau đây:
(1) Quyết định quy hoạch sử dụng đất.
(2) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
(3) Quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
(4) Quyết định thời hạn sử dụng đất.
(5) Quyết định thu hồi đất.
(6) Quyết định trưng dụng đất.
(7) Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất.
(8) Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
(9)Công nhận quyền sử dụng đất.
(10) Quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
(11) Quyết định chính sách tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
(12) Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Như vậy, theo Luật Đất đai 2024, Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai có quyền quyết định quy hoạch, mục đích và thời hạn sử dụng đất. Nhà nước cũng có quyền thu hồi, trưng dụng đất, giao và cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng, ban hành bảng giá đất, và quyết định chính sách tài chính về đất đai. Đồng thời, Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đảm bảo quản lý hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên đất vì lợi ích chung.
Trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 18 Luật Đất đai 2024 thì trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai được quy định như sau:
(1) Bảo đảm quyền tiếp cận của người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng vùng.
(2) Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
(3) Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đến người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.
Như vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai cho người sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân khác. Nhà nước phải công bố kịp thời, công khai thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đồng thời thông báo các quyết định và hành vi hành chính liên quan đến quản lý đất đai đến các bên bị ảnh hưởng. Điều này nhằm đảm bảo sự minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.