Quy định về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong khu vực biển biên giới như thế nào?
Nội dung chính
Quy định về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong khu vực biển biên giới như thế nào?
Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển được quy định tại Điều 8 Nghị định 71/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Việt Nam như sau:
- Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ (bản chính) sau:
+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu thuyền đó mang cờ quốc tịch cấp;
+ Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu thuyền (đối với tàu cá phải có Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu thuyền đó mang cờ quốc tịch hoặc cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp);
+ Danh sách thuyền viên, danh sách hành khách hoặc số thuyền viên, nhân viên phục vụ, hành khách trên tàu; Hộ chiếu của thuyền viên, nhân viên phục vụ và hành khách đi trên tàu thuyền;
+ Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp; Giấy chứng nhận an toàn vô tuyến điện theo quy định pháp luật;
+ Giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp (đối với tàu cá);
+ Giấy tờ về hàng hóa, vận chuyển hàng hóa trên tàu thuyền và giấy tờ khác có liên quan do pháp luật Việt Nam quy định.
- Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển phải treo cờ quốc tịch, treo quốc kỳ của Việt Nam ở đỉnh cột tàu cao nhất.
- Tàu thuyền nước ngoài neo, trú đậu ở cảng, bến đậu phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
- Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân, chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm khi đi trong lãnh hải Việt Nam có nghĩa vụ sau đây:
+ Phải có tài liệu kỹ thuật liên quan tới tàu thuyền và hàng hóa trên tàu, tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc;
+ Sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền cũng như của hàng hóa trên tàu thuyền;
+ Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên áp dụng đối với các loại tàu thuyền này;
+ Tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp làm ô nhiễm môi trường biển.
- Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan cần sự cứu giúp (gọi tắt là bị nạn) buộc tàu thuyền phải dừng lại, neo đậu trong lãnh hải hoặc trú đậu tại các cảng biển, bến đậu thì thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu thuyền phải phát tín hiệu cấp cứu và khi điều kiện cho phép phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia, Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã ven biển nơi gần nhất hoặc Tổng cục Thủy sản (đối với tàu cá) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất. Các cơ quan này sau khi nhận được thông báo phải tổ chức cứu nạn hoặc thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm để tổ chức cứu nạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 71/2015/NĐ-CP.