Hãng hàng không được miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành lý và hàng hóa của hành khách khi nào?
Nội dung chính
Hãng hàng không được miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành lý và hàng hóa của hành khách khi nào?
Các trường hợp hãng hàng không được miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành lý, hàng hóa được quy định tại Khoản 3 Điều 165 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014. Theo đó:
Người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa tương ứng với mức độ thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
- Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa;
- Do quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa;
- Do xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang;
- Do lỗi của người gửi, người nhận hàng hóa hoặc do lỗi của người áp tải được người gửi hàng hoặc người nhận hàng cử đi kèm hàng hóa.
Về nguyên tắc, cũng tương tự như đối với tính mạng, sức khỏe của hành khách, khi hợp đồng vận chuyển giữa hành khách và hãng hàng không được giao kết và kể từ thời điểm hành khách bắt đầu chuyến bay cho đến thời điểm chuyến bay kết thúc, hãng hàng không phải chịu trách nhiệm đối với sự toàn vẹn của hành lý hành khách mang theo mà mình vận chuyển, đặc biệt đối với các hành lý làm thủ tục ký gửi. Tuy nhiên, khi đưa ra những quy định về nghĩa vụ của hãng hàng không như trên, các nhà làm luật cũng đồng thời cân nhắc tới nghĩa vụ của hành khách và đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi của mỗi bên trong quá trình vận chuyển.
Theo đó, đối với mất mát, thiếu sót trong hành lý của hành khách xảy ra trên chuyến bay, hãng hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên có xét đến yếu tố lỗi chủ quan của hành khách và các điều kiện khách quan như đặc tính tự nhiên, chất liệu của hành lý, khuyết tật vốn có của hàng hóa,...hãng hàng không sẽ được miễn toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc giảm một phần tương ứng với các nguyên nhân không thuộc phạm vi lỗi của bên vận chuyển. Việc xác định trách nhiệm bồi thường phải có sự đối chiếu và đi đến thống nhất giữa các bên, thông thường là thỏa thuận ở mức độ tương đối.
Như vậy, việc quy định cơ chế cân nhắc các yếu tố để xác định phạm vi chịu trách nhiệm bồi thường của hãng hàng không đối với thiệt hại về hành lý, hàng hóa của hành khách khi sử dụng dịch vụ của hãng là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Cơ chế này vừa bảo đảm hành khách được bảo vệ quyền lợi đối với tài sản của mình khi đi trên máy bay đồng thời bảo vệ cho uy tín, danh dự của hãng hàng không trong hoạt động khai thác tàu bay, hướng đến sự cân bằng vềquyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng không.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp hãng hàng không được miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hành khách.