Đám tang hát karaoke tới 3 giờ sáng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Nhà có đám tang nhưng hát karaoke tới 3 giờ sáng bị xử phạt hành chính như thế nào? Lợi dụng nhà có đám tang để tổ chức đánh bạc có bị xử phạt hành chính không? Những hoạt động được khuyến khích sau đám tang là gì?

Nội dung chính

    Nhà có đám tang nhưng hát karaoke tới 3 giờ sáng bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung như sau:

    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

    b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;

    c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

    3 Hình thức xử phạt bổ sung:

    Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

    Theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

    4. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.

    Như vậy, việc lợi dụng nhà có đám tang để tổ chức hát karaoke đến 3 giờ sáng thì hành vi này được xem là hành vi làm ồn ào tại khu dân cư. Nhà hàng xóm của bạn có đám tang nhưng hát karaoke đến 3 giờ sáng thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

    Đám tang hát karaoke tới 3 giờ sáng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

    Đám tang hát karaoke tới 3 giờ sáng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)

    Lợi dụng nhà có đám tang để tổ chức đánh bạc có bị xử phạt hành chính không?

    Theo Khoản 2, 6 và 7 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi đánh bạc trái phép như sau:

    2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

    b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

    c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

    6. Hình thức xử phạt bổ sung:

    a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;

    b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

    c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

    7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.

    Do đó, theo quy định trên lợi dụng nhà có đám tang để tổ chức đánh bạc (nếu như với mục đích là trao đổi bằng tài sản dưới mọi hình thức) thì sẽ bị phạt tiền 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, sẽ tịch thu tang vật vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có từ việc đánh bạc.

    Những hoạt động được khuyến khích sau đám tang là gì?

    Căn cứ Khoản 3 Điều 10 Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định khuyến khích các hoạt động sau trong tổ chức việc tang:

    a) Các nghi thức cúng ba ngày, bảy ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ thực hiện trong ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ;   

    b) Thực hiện hình thức hoả táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch;

    c) Việc chôn cất người qua đời thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

    d) Xoá bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác;

    đ) Không rắc vàng mã trên đường đưa tang.

    Trên đây là những hoạt động được khuyến khích sau đám tang mà luật quy định.

    255