08:20 - 13/12/2024

Ban hành Luật Công đoàn mới nhất năm 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012

Luật Công đoàn mới nhất năm 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012? Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định Luật Công đoàn 2024?

Nội dung chính

    Luật Công đoàn mới nhất năm 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012

    Ngày 27 tháng 11 năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012.

    Luật Công đoàn 2024 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2024

    Luật Công đoàn 2024 áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp); tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.

    Bên cạnh đó, Luật Công đoàn 2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

    Điều 21 Luật Công đoàn 2024  quy định về quyền của đoàn viên công đoàn như sau:

    (1) Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

    (2) Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn.

    (3) Được tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động và quy định của Công đoàn.

    (4) Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của Công đoàn theo quy định của Luật này và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    (5) Chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    (6) Được Công đoàn hỗ trợ pháp lý miễn phí pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, cán bộ, công chức, viên chức.

    (7) Được Công đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; được thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và thụ hưởng các hoạt động chăm lo, phúc lợi khác do Công đoàn thực hiện.

    (8) Được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch do Công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

    (9) Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

    (10) Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    (11) Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.

    (12) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    Luật Công đoàn mới nhất năm 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012

    Luật Công đoàn mới nhất năm 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012 (Hình từ internet)

    Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định Luật Công đoàn 2024?

    Căn cứ Điều 10 Luật Công đoàn 2024 quy định:

    Các hành vi bị nghiêm cấm
    1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.
    2. Phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn, bao gồm các hành vi sau đây:
    a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
    b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; chuyển người lao động làm công việc khác;
    c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong lao động;
    d) Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và phân biệt đối xử khác trong lao động;
    đ) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cán bộ công đoàn;
    e) Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ công đoàn không tham gia hoạt động công đoàn, thôi làm cán bộ công đoàn hoặc có hành vi chống lại Công đoàn;
    g) Chi phối, cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động công đoàn;
    h) Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
    3. Sử dụng biện pháp kinh tế, đe dọa tinh thần hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức Công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của Công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn.
    4. Không bảo đảm các điều kiện hoạt động công đoàn và cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật.
    5. Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng; quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn không đúng quy định.
    6. Nhận viện trợ, tài trợ, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trái quy định của pháp luật.
    7. Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.
    8. Thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động công đoàn.

    Như vậy, Luật Công đoàn 2024 nghiêm cấm các hành vi nêu trên.

    Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo Luật Công đoàn 2024 được quy định ra sao?

    Căn cứ Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định:

    Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
    1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
    2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
    3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, theo quy định pháp luật, quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo Luật Công đoàn 2024 được quy định cụ thể là:

    -  Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

    - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.

    - Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật Công đoàn 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    72