Nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5
Nội dung chính
Nguồn gốc của Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5
Khởi nguồn từ năm 1864, khi Quốc tế I được thành lập, C. Mác đã coi việc giảm giờ làm là một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào công nhân.
(1) Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 khởi nguồn từ phong trào công nhân thế kỷ XIX
- Năm 1864, Liên đoàn Công nhân Quốc tế (Quốc tế I) ra đời với sự tham gia của Karl Marx. Ông xem việc giảm giờ làm là một trong những mục tiêu cốt lõi để cải thiện đời sống công nhân.
- Tháng 9/1866, tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I ở Geneva (Thụy Sĩ), yêu cầu ngày làm việc 8 giờ chính thức trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
- Phong trào ban đầu mạnh mẽ nhất ở Anh cái nôi của cách mạng công nghiệp sau đó lan sang Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác.
(2) Làn sóng đấu tranh tại Mỹ và sự ra đời của phong trào công đoàn
- Từ năm 1827, công nhân Mỹ (nhiều người là di dân từ Anh) bắt đầu tổ chức đình công, biểu tình đòi giảm giờ làm, gắn liền với sự hình thành các công đoàn lao động.
- Năm 1868, dưới áp lực, chính phủ Mỹ buộc phải thông qua đạo luật 8 giờ/ngày cho công chức, nhưng các nhà máy tư nhân vẫn bắt công nhân làm 11-12 giờ/ngày, thậm chí không có ngày nghỉ.
(3) Sự kiện Haymarket và bước ngoặt lịch sử
- Năm 1884, Liên đoàn Lao động Mỹ tại Chicago tuyên bố: Từ 1/5/1886, tất cả công nhân phải được làm việc 8 giờ/ngày. Lý do chọn ngày 1/5:
+ Là ngày bắt đầu năm tài chính ở nhiều nhà máy.
+ Là thời điểm ký hợp đồng mới giữa công nhân và chủ lao động, thuận lợi để đưa ra yêu cầu.
- Ngày 1/5/1886, hơn 40.000 công nhân Chicago xuống đường bãi công. Phong trào nhanh chóng lan rộng đến New York, Baltimore, Cincinnati... với hàng trăm nghìn người tham gia.
- Ngày 4/5/1886, cảnh sát Mỹ nổ súng vào đoàn biểu tình tại Quảng trường Haymarket, làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Sự kiện này trở thành "Thảm kịch Haymarket", châm ngòi cho làn sóng phản đối khắp thế giới.
(4) Ngày 1/5 được chọn là Ngày Quốc tế Lao động (1889)
- Ngày 20/6/1889, tại Đại hội Quốc tế Cộng sản II (Paris), dưới sự chủ trì của Friedrich Engels, đại biểu từ 20 nước đã nhất trí chọn ngày 1 tháng 5 là Ngày Quốc tế Lao động.
- Từ năm 1890, ngày này trở thành dịp để công nhân toàn cầu biểu dương lực lượng, đòi quyền lợi và tưởng nhớ những người đã hy sinh trong phong trào.
Nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 (Hình từ Internet)
Ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5
Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 không chỉ là ngày để tôn vinh các thành tựu mà công nhân đã đạt được mà còn là thời điểm để khẳng định quyết tâm trong việc hoàn thành các nhiệm vụ mới, cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết với công nhân lao động ở các quốc gia khác. Đây là dịp để công nhân trên toàn thế giới thể hiện sức mạnh, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Ngày 1/5/1930, công nhân Việt Nam lần đầu tiên xuống đường biểu tình, đấu tranh đòi quyền lợi lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện chế độ làm việc 8 giờ một ngày. Đây là bước khởi đầu cho phong trào đấu tranh mạnh mẽ trong những năm 1930-1931, với cao trào là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC vào ngày 18/2/1946, công nhận Ngày 1/5 là ngày lễ chính thức, và công nhân lao động được nghỉ một ngày hưởng nguyên lương. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham gia của hàng vạn công nhân lao động.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của công nhân và người lao động Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa giai cấp công nhân trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội.
Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 có phải là ngày nghỉ lễ tết của người lao động không?
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 là một trong những ngày nghỉ lễ tết của người lao động.