09:18 - 11/11/2024

Hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản và vấn đề thừa kế phát sinh

Hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản và vấn đề thừa kế phát sinh được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Cha mẹ tôi có 6 người con, năm 2005 ông họp toàn thể gia đình phân chia tài sản cho các con, tương đối đồng đều, 6 anh em và cha mẹ đều ký vào biên bản cuộc họp, nhưng không đưa ra chính quyền chứng thực, anh con trai trưởng được chia nhiều hơn, vì giao nghĩa vụ chăm lo cho cha mẹ đến khi qua đời, sau đó là ma chay, mồ mả đất đai tài sản được chia theo nội dung biên bản, anh em đã sử dụng ổn định từ năm 2006 đến nay, năm 2011 cha chết, còn mẹ, các em gái đã lấy chồng ở riêng, nay về đòi chia tài sản, sau đó tự ý chiếm đoạt tài sản đất đai, lấy lý do là có công sức nhiều hơn các con trai, vì tình anh em người anh bị lấy đất, không dùng sức quyền để lấy lại, chỉ im lặng, mong nhận được tư vấn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

    Hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản và vấn đề thừa kế phát sinh

    Bạn thân mến, dựa theo các thông tin bạn cung cấp, tôi xin được tư vấn như sau:

    Do bạn không nói rõ trong biên bản phân chia tài sản bao gồm các loại tài sản gì, chúng tôi xin chia trường hợp để dựa trên đó bạn tham khảo. Cụ thể:

    - Đối với những loại tài mà pháp luật quy định biên bản hay hợp đồng liên quan không phải công chứng, chứng thực thì những thỏa thuận trong biên bản vẫn có giá trị pháp lý và những tài sản đó khi đã chia thì sẽ thuộc quyền sở hữu của mỗi người được nhận;

    - Đối với những loại tài sản mà pháp luật quy định phải có công chứng, chứng thực (quyền sử dụng đất…) thì những thỏa thuận trong biên bản không có giá trị pháp lý.

    Năm 2011, cha bạn mất đi, không để lại di chúc, các em gái về tranh chấp tài sản đất đai của người anh. Trong trường hợp này, pháp luật quy định phần tài sản mà trong biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý sẽ được coi như chưa chia (tài sản là nhà đất…) mà vẫn thuộc quyền sở hữu của cha mẹ bạn và sẽ được xử lý như sau:

    Một nửa khối tài sản của cha mẹ bạn sẽ trở thành tài sản thừa kế của cha bạn để lại, do không có di chúc nên sẽ chia theo pháp luật. cụ thể:

    Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về “Người thừa kế theo pháp luật”

    1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

    3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

    Căn cứ vào quy định nêu trên, một nửa khối tài sản sẽ được mang ra chia thừa kế cho các con và vợ, mỗi người được một phần bằng nhau.

    Còn lại một nửa khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn, bà có toàn quyền phân chia cho các con, cho ai, cho bao nhiêu và phải làm thành văn bản có công chứng, chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý.

    12