18:45 - 30/10/2024

Các ngày rằm lớn trong năm và ý nghĩa của các ngày rằm là gì?

Có bao nhiêu ngày rằm lớn trong năm? Ý nghĩa của ngày rằm trong năm là gì? Những việc nên và không nên làm trong những ngày rằm?

Nội dung chính

    Ngày rằm là ngày nào?

    Ngày rằm là ngày 15 Âm lịch hằng tháng, là ngày trăng tròn, một năm có 12 tháng do đó trong một năm có 12 ngày rằm. Nếu năm đó có tháng nhuận thì một năm sẽ có 13 ngày rằm.

    Theo Phật giáo Bắc Tông, trong 12 ngày rằm đó sẽ có 4 ngày rằm lớn với những ý nghĩa khác nhau. Vào những ngày này các Phật tử ở tứ phương tám hướng tề tựu lại với nhau để cùng tu tập như: ngồi thiền, tụng kinh, lễ Phật hay tham gia các lễ hội, nhằm mong cầu cuộc sống bình an, hạnh phúc.

    Các ngày rằm lớn trong Phật giáo bao gồm:

    - Thượng Nguyên: Hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, rơi vào ngày rằm tháng Giêng. Đây là ngày rằm đầu tiên trong năm. Nhiều người nhân dịp này mà cầu mong, ước nguyện cho bản thân, gia đình một năm mới bình an và hạnh phúc.

    - Lễ Phật Đản: Còn được gọi là ngày Phật Đản Sanh, nhằm vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch. Đây là ngày Đức Phật Thích Ca sinh ra được các sư thầy, Phật tử tổ chức. Vào những ngày lễ Phật Đản thường có những buổi diễu hành, tiết mục văn nghệ, lễ hội và cả những buổi tu tập, tụng kinh nhằm tưởng nhớ đến hình ảnh của Đức Phật và ghi nhớ những lời dạy của Ngài.

    - Vu Lan: Vu Lan rơi vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Ngày lễ Vu Lan là thời gian mà các Phật tử sẽ báo hiếu cha mẹ của mình thông qua việc đến chùa, tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu, tham gia các hoạt động khác như thả hoa đăng, thưởng thức các tiết mục văn nghệ,…

    - Hạ Nguyên: Hay còn được gọi là Tết Hạ Nguyên, rơi vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch, mang ý nghĩa thể hiện sự cảm tạ và lòng biết ơn đối với trời đất vì một mùa vụ bội thu. Ngoài ra, các Phật tử cũng sẽ dâng mâm lễ cúng để mời ông bà tổ tiên thể hiện sự biết ơn của mình với đấng sinh thành.

    Các ngày rằm lớn trong năm và ý nghĩa của các ngày rằm là gì?  Ngày rằm là ngày nào? (Hình ảnh internet)

    Ý nghĩa của ngày rằm trong năm?

    (1) Theo quan niệm dân gian: 

    - Theo quan niệm dân gian truyền lại từ xưa, ngày rằm chính là ngày trăng tròn trong tháng. Đây là thời gian mà tất cả mọi người, mọi thành viên trong gia đình sẽ tụ họp lại với nhau để dùng chung bữa cơm, cùng sinh hoạt, chuyện trò. Vì thế, vào những ngày này mà mọi gia đình thường sẽ thực hiện các lễ nghi, cúng vái, dâng hương, mâm cúng đầy đủ và đọc bài khấn đến gia tiên và các vị thần, Phật.

    - Khi thực hiện đầy đủ, tổ tiên và các vị thần sẽ cảm thấy hài lòng mà phù hộ độ trì cho gia đình được bình an, may mắn, tài lộc đầy nhà. Do đó, gia chủ nên ghi nhớ những bài khấn, các nghi thức để thực hiện đúng và đầy đủ để tránh phạm phải lỗi bất kính.

    (2) Theo Phật giáo

    - Đối với quan niệm trong Phật giáo, từng ngày rằm trong năm đều có những ý nghĩa khác nhau và Phật giáo sẽ có 4 ngày rằm lớn là: Rằm tháng 1 (Tết Thượng Nguyên), rằm tháng tư (Lễ Phật Đản), rằm tháng bảy (Lễ Vu Lan) và ngày rằm tháng 10 (Tết Hạ Nguyên). Đây là những ngày rằm mà các chùa, thiền viện thường tổ chức các chương trình lễ trang nghiêm và long trọng.

    - Trong Phật giáo, các ngày rằm trong năm cụ thể như sau:

    + Rằm tháng Giêng: Còn được gọi là Tết Thượng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu. Đây là ngày rằm đầu tiên trong năm mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm thuận lợi, bình yên và may mắn.

    + Tháng 2: Ngày Đức Phật hướng dẫn tăng đoàn trở về thành Ca-tỳ-la-vệ, độ vua cha là Tịnh Phạn đắc quả Nhập Lưu, dắt La Hầu La xuất gia đắc quả A La Hán.

    + Tháng 3: Ngày mà Ngài đến Tích Lan lần 2 để thuyết giảng về nguyên tắc chung sống hoà bình, từ bi cho bộ tộc Nasgas đang tranh giành ngai vàng.

    + Tháng 4: Ngày rằm tháng 4 là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời.

    + Tháng 5: Thánh tăng A La Hán Mahinda đến Tích Lan.

    + Tháng 6: Đánh dấu ngày Đức Phật thuyết pháp, kinh Chuyển Pháp Luân và lên cõi trời Đâu Xuất giảng pháp.

    + Tháng 7: Ngày bắt đầu an cư kiết hạ. Đồng thời cũng là ngày lễ Vu Lan xá tội vong nhân.

    + Tháng 8: Chư tăng an cư và nghiêm trì giới luật.

    + Tháng 9: Đức Phật hoàn tất 3 tháng thuyết giảng luận A-tì-đàm. Đồng thời, đây cũng là ngày mà Phật Di Lặc hạ sanh trong tương lai.

    + Tháng 10: Đức Phật gửi 60 vị A La Hán hoằng hoá Chân Lý. Tôn giả Di Lặc được Đức Phật Thích Ca thọ ký chứng quả Phật.

    + Tháng 11: Đánh dấu ngày A La Hán Tăng-già-mật-đa đến Tích Lan.

    + Rằm tháng Chạp: Là ngày Đức Phật đến Tích Lan sau 9 tháng chứng quả thành Phật.

    Những việc nên làm trong những ngày rằm?

    - Dọn dẹp bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên thật sạch sẽ để bày tỏ lòng thành kính.

    - Vệ sinh nhà cửa.

    - Chuẩn bị đầy đủ vật phẩm, mâm cúng, văn khấn để cúng rằm.

    - Đi lễ chùa, tham dự lễ hội được tổ chức bởi các chùa ở địa phương.

    - Làm việc thiện, giúp đỡ mọi người xung quanh.

    - Phóng sinh các loài động vật như chim, cá…

    - Ăn chay.

    - Tham gia thả đèn hoa đăng.

    Những việc nào không nên làm vào ngày rằm? 

    Đối với người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, phong tục của người Phương Đông là có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Dưới đây là một số điều phải kiêng kỵ vào những ngày rằm:

    - Kiêng vay mượn tiền, xuất tiền của.

    - Kiêng một số món ăn.

    - Kiêng không được cắt tóc.

    - Kiêng kì kèo giá cả rồi không mua.

    - Kiêng gặp người vía dữ.

    - Kiêng Không làm đổ vỡ đồ dùng.

    - Kiêng không nói tới điều rủi ro.

    - Kiêng nói bậy, chửi tục.

    223