Chủ nhật, Ngày 27/10/2024
14:17 - 26/09/2024

Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp có những trách nhiệm gì trong việc thực hiện dân chủ tại các cơ quan và đơn vị?

Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp có những trách nhiệm gì trong việc thực hiện dân chủ tại các cơ quan và đơn vị?

    Căn cứ Điều 4 Quyết định 92/QĐ-BTP năm 2016 về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thứ trưởng được quy định như sau:

    Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị:

    - Tổ chức và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phổ biến, quán triệt kịp thời, thường xuyên đến cán bộ, công chức, viên chức những chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện dân chủ.

    - Thực hiện dân chủ, công khai trong quản lý, điều hành hoạt động của Bộ theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

    - Chỉ đạo tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tiếp theo.

    - Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chấp hành việc thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Quy chế này. Kịp thời xử lý người có hành vi không chấp hành hoặc cản trở thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan đơn vị; người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; người có hành vi lợi dụng dân chủ để gây mất uy tín cán bộ, công chức, viên chức, gây mất đoàn kết nội bộ.

    - Lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo tổ chức, bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi trực tiếp trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đăng ký được gặp và có nội dung, lý do phù hợp, cụ thể hoặc ủy quyền 01 Thứ trưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy chế này.

    - Chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân và chỉ đạo công khai kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật; thông tin với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

    - Chỉ đạo việc thông báo, công khai những thông tin, tài liệu, trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình những nội dung công việc trong cơ quan quy định tại Điều 11 và Điều 13 Quy chế này, trừ những tài liệu mật theo quy định của pháp luật.

    - Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chính sách khác để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

    - Ban hành Quy chế quản lý trang thiết bị làm việc của Bộ Tư pháp bảo đảm việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc và các tài sản nhà nước khác thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện các quy định về công khai tài chính. Chỉ đạo việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.

    - Định kỳ hàng năm tổ chức, chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Quy chế này và các công tác, hoạt động khác của cơ quan, báo cáo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.

    Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện những nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc lĩnh vực, đơn vị được Bộ trưởng phân công phụ trách.