Cách nhận biết và phòng tránh lừa đảo khi thuê nhà trọ cho sinh viên

Việc thuê nhà trọ là một phần quan trọng trong cuộc sống đại học của sinh viên. Dưới đây là một số cách giúp nhận biết và phòng tránh lừa đảo khi thuê nhà trọ.

Nội dung chính

    Với số tiền hạn chế từ gia đình chu cấp hàng tháng, hầu hết sinh viên đều mong muốn tìm được một phòng trọ giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít sinh viên đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo khi thuê phòng trọ, khiến các bạn trẻ vô cùng hoang mang. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo phổ biến và cách phòng tránh mà các tân sinh viên và người mới đi làm cần nắm rõ.

    Lừa đảo tiền đặt cọc giữ phòng trọ khi thuê nhà trọ

    Hình thức lừa đảo: Chủ nhà trọ treo biển quảng cáo hấp dẫn về phòng trọ giá rẻ và yêu cầu sinh viên đặt cọc một khoản tiền lớn để giữ chỗ. Sau đó, khi sinh viên đến nhận phòng, họ nhận ra điều kiện phòng không như mong đợi hoặc gặp phải khó khăn khi đòi lại tiền cọc.

    Cách nhận biết: Yêu cầu đặt cọc lớn, đưa ra các chi phí phát sinh bất hợp lý sau khi đã thỏa thuận, liên tục hoãn thời gian chuyển vào hoặc dùng cách đe dọa để buộc sinh viên bỏ cọc.

    Cách phòng tránh: Kiểm tra thông tin của chủ nhà trọ qua Google, tham khảo ý kiến người dân xung quanh, ghi âm lại cuộc nói chuyện với chủ nhà. Tránh đặt cọc khi có dấu hiệu lừa đảo và yêu cầu giấy tờ đặt cọc chi tiết, rõ ràng.

    Cách nhận biết và phòng tránh lừa đảo khi thuê nhà trọ cho sinh viên (Hình từ Internet)

    Tăng chi phí hàng tháng bất thường sau khi thuê nhà trọ

    Hình thức lừa đảo: Ban đầu, chủ nhà trọ đưa ra các mức chi phí cực kỳ ưu đãi. Sau khi sinh viên dọn vào ở, chủ nhà trọ tăng giá điện, nước, tiền giữ xe và các khoản chi phí khác một cách bất thường, khiến sinh viên không thể chịu nổi và phải rời đi, đồng thời mất tiền cọc.

    Cách nhận biết: Hợp đồng thuê nhà trọ không rõ ràng hoặc không có, các chi phí ban đầu quá hấp dẫn, phòng trọ không có đồng hồ điện, nước riêng.

    Cách phòng tránh: Kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng phòng trọ trước khi đặt cọc. Thảo luận chi tiết về các chi phí với chủ nhà và yêu cầu ghi rõ trong hợp đồng. Đảm bảo phòng có đồng hồ điện, nước riêng.

    Cho địa chỉ ma

    Hình thức lừa đảo: Kẻ lừa đảo yêu cầu đặt cọc trước mà không dẫn sinh viên đi xem phòng trực tiếp. Khi sinh viên đến địa chỉ hẹn, phòng trọ hoặc chủ nhà không tồn tại.

    Cách nhận biết: Chủ nhà viện lý do không dẫn bạn đi xem phòng, yêu cầu đặt cọc giữ chỗ và giao giấy hẹn ghi địa chỉ phòng trọ.

    Cách phòng tránh: Yêu cầu được xem phòng trực tiếp trước khi đặt cọc. Chỉ đặt cọc khi có biên nhận rõ ràng. Nếu là tân sinh viên, nên tìm đến ký túc xá hoặc nhờ người quen hỗ trợ tìm phòng trọ an toàn.

    Lừa đảo tiền giới thiệu phòng trọ

    Hình thức lừa đảo: Những người môi giới tự xưng tìm thông tin phòng trọ và đăng lên các trang web, nhóm Facebook. Khi sinh viên liên hệ, họ sẽ yêu cầu một khoản tiền môi giới để dẫn đi xem phòng và sau đó đe dọa nếu không trả tiền.

    Cách nhận biết: Người môi giới không nắm rõ thông tin về căn phòng, nhiệt tình dẫn sinh viên xem phòng nhưng gặp một chủ khác khi đến. Số điện thoại thường xuất hiện trên nhiều tin rao bán hoặc cho thuê bất động sản.

    Cách phòng tránh: Kiểm tra số điện thoại và địa chỉ phòng trọ trên Google. Liên hệ và hỏi kỹ thông tin về phòng trọ trước khi gặp. Đi cùng bạn bè khi đi xem phòng để tránh bị uy hiếp.

    Những chia sẻ trên hy vọng sẽ giúp sinh viên tránh được các rủi ro khi thuê nhà trọ. Hãy luôn cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ tài chính và an toàn cá nhân.

     

    26