Văn bản hợp nhất 7821/VBHN-BTP năm 2013 hợp nhất Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 7821/VBHN-BTP
Ngày ban hành 25/11/2013
Ngày có hiệu lực 25/11/2013
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7821/VBHN-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG1

Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2009 được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2013.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khóa XII về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp2,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh3

Nghị định này quy định về Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại; phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Giải thích từ ngữ4

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

2. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 2a. Thừa phát lại5

Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 3. Công việc Thừa phát lại được làm

1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Điều 4. Đảm bảo hiệu lực hoạt động của Thừa phát lại

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật liên quan; không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại hoặc tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại

1. Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

[...]