Văn bản hợp nhất 57/VBHN-BCT hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực về an toàn điện do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 57/VBHN-BCT
Ngày ban hành 23/06/2020
Ngày có hiệu lực 23/06/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT ĐIỆN LỰC VỀ AN TOÀN ĐIỆN

Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, có hiệu lực kể từ ngày ngày 21 tháng 4 năm 2020.

Căn cứ Luật của Quốc hội số 32/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 về tổ chức Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1.[2] Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực về an toàn điện, bao gồm an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và về bồi thường, hỗ trợ khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, quản lý vận hành lưới điện cao áp.

2. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.[3] Lưới điện cao áp là lưới điện có điện áp danh định từ 1.000 V trở lên.

2.[4] (được bãi bỏ)

3. Nơi thường xuyên tập trung đông người gồm chợ, quảng trường, bệnh viện, trường học, nơi tổ chức hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến tàu, bến xe, nhà ga và các công trình công cộng khác.

4. Trạng thái võng cực đại của dây dẫn điện là trạng thái tính toán dây dẫn đồng thời chịu tác động khắc nghiệt nhất của các yếu tố ảnh hưởng như dòng điện qua dây dẫn, nhiệt độ môi trường xung quanh, tải trọng gió.

5.[5] Dây bọc là dây dẫn điện được bọc lớp cách điện có mức cách điện tối thiểu bằng điện áp pha của đường dây.

Điều 3. Quy định chung về an toàn đối với thiết bị điện và công trình điện lực

1. Việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện lực phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam và phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) An toàn về điện;

b) An toàn về xây dựng;

c) An toàn về công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp (thủy năng, than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và các dạng năng lượng khác);

d) An toàn về phòng, chống cháy nổ;

đ) Các quy định về bảo vệ môi trường.

2. Các thiết bị điện, dụng cụ điện mới sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải có chứng chỉ chất lượng hoặc có nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan của pháp luật; phải có bản hướng dẫn sử dụng kèm theo về các thông số kỹ thuật, tính năng, tác dụng cũng như các điều khác cần lưu ý để hướng dẫn người sử dụng phòng tránh sự cố và tai nạn điện.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

[...]