Văn bản hợp nhất 29/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Kiểm toán nhà nước do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 29/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 16/12/2019
Ngày có hiệu lực 16/12/2019
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2019

 

LUẬT

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Luật số 55/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Kiểm toán nhà nước[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Kiểm toán nhà nước.

2. Cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là văn bản do Kiểm toán nhà nước lập và công bố sau mỗi cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền ký tên, đóng dấu.

2. Bằng chứng kiểm toán là tài liệu, thông tin do Kiểm toán viên nhà nước thu thập liên quan đến cuộc kiểm toán, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

2a.[2] Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

3. Đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

4. Hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán là các tài liệu do Kiểm toán nhà nước thu thập, phân loại, sử dụng, lập, lưu trữ và quản lý theo quy định.

5. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

6. Kiểm toán nhà nước chuyên ngành là đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, thực hiện kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán ở trung ương và các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

7. Kiểm toán nhà nước khu vực là đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, thực hiện kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán ở địa phương và các nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8. Kiểm toán viên nhà nước là công chức nhà nước được Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm vào các ngạch kiểm toán viên nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

9. Ngạch Kiểm toán viên nhà nước là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm toán viên nhà nước, bao gồm các ngạch: Kiểm toán viên, Kiểm toán viên chính và Kiểm toán viên cao cấp.

10. Tài chính công bao gồm: ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.

11. Tài sản công bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tài sản công được giao cho các doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

[...]