Thứ 7, Ngày 16/11/2024

Văn bản hợp nhất 24/VBHN-NHNN năm 2019 hợp nhất Thông tư quy định về giám sát các hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 24/VBHN-NHNN
Ngày ban hành 16/09/2019
Ngày có hiệu lực 16/09/2019
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đoàn Thái Sơn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN

Thông tư số 20/2018/TT-NHNN ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giám sát các hệ thống thanh toán, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về giám sát các hệ thống thanh toán.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống thanh toán là hệ thống bao gồm các phương tiện thanh toán, các quy định, quy trình, thủ tục, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tổ chức vận hành và các thành viên tham gia để xử lý, bù trừ, quyết toán các giao dịch thanh toán phát sinh giữa các thành viên tham gia.

2. Hệ thống thanh toán quan trọng là hệ thống thanh toán có vai trò chủ đạo trong việc phục vụ nhu cầu thanh toán của các chủ thể trong nền kinh tế, có khả năng phát sinh rủi ro hệ thống, đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:

a) Là hệ thống thanh toán duy nhất hoặc chiếm tỷ trọng lớn trên tổng giá trị thanh toán so với các hệ thống thanh toán cùng loại; hoặc

b) Là hệ thống xử lý các giao dịch thanh toán giá trị cao; hoặc

c) Là hệ thống được sử dụng để quyết toán cho các hệ thống thanh toán khác hoặc cho các giao dịch trên thị trường tài chính.

Các hệ thống thanh toán quan trọng quy định tại Thông tư này bao gồm: Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia; Hệ thống thanh toán ngoại tệ (do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam vận hành); hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán; hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính.

3. Tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quan trọng (sau đây gọi là tổ chức vận hành) là đơn vị trực tiếp vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.

4. Ngân hàng quyết toán là ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho các thành viên tham gia hệ thống thanh toán để thực hiện quyết toán các nghĩa vụ tài chính phát sinh giữa các thành viên này trong hệ thống thanh toán.

5. Rủi ro thanh khoản là rủi ro mà một thành viên tham gia hệ thống thanh toán không thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong hệ thống thanh toán khi đến hạn, mặc dù có thể thực hiện nghĩa vụ đó vào một thời điểm trong tương lai.

[...]