Văn bản hợp nhất 16/VBHN-BTNMT năm 2024 hợp nhất Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 16/VBHN-BTNMT
Ngày ban hành 15/08/2024
Ngày có hiệu lực 15/08/2024
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Lê Minh Ngân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/VBHN-BTNMT

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐÁNH GIÁ CHẤT NẠO VÉT VÀ XÁC ĐỊNH KHU VỰC NHẬN CHÌM CHẤT NẠO VÉT Ở VÙNG BIỂN VIỆT NAM

Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2020, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 23/2022/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2023.

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Căn cứ Luật bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

Căn cứ Nghị định 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật về đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét

1. Việc áp dụng các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét phải tuân thủ theo các phương pháp được quy định tại Thông tư này và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.

2. Trường hợp các phương pháp tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp tiêu chuẩn khu vực hoặc phương pháp tiêu chuẩn nước ngoài chưa được quy định tại Thông tư này sẽ được xem xét, chấp nhận sử dụng nếu có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn.

3. Trường hợp các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các phương pháp mới thì áp dụng theo các phương pháp mới đó.

Điều 4. Giải thích thuật ngữ và từ viết tắt

Các thuật ngữ và từ viết tắt trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Chất nạo vét để nhận chìm ở biển (sau đây gọi là chất nạo vét) là chất thu được từ hoạt động nạo vét dưới đáy ở vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam cần nhận chìm ở biển.

2. Mức độ khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm là tỉ lệ chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét được một loài sinh vật nào đó hấp thụ qua các đường tiếp xúc khác nhau.

3. Tích lũy sinh học của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét là sự gia tăng nồng độ của chất gây ô nhiễm trong cơ thể sinh vật theo thời gian.

4. Ổ sinh thải là một không gian sinh thái mà ở đấy những điều kiện môi trường quy định sự tồn tại và phát triển lâu dài không hạn định của cá thể, loài.

5. Vùng phụ cận là vùng biển lân cận khu vực nạo vét, khu vực nhận chìm chất nạo vét và chịu ảnh hưởng, tác động của các quá trình thủy động lực, lan truyền vật chất do hoạt động nạo vét, vận chuyển, nhận chìm chất nạo vét ở biển.

6. QCVN: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

[...]