Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BTC năm 2023 hợp nhất Thông tư hướng dẫn về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP; 32/2018/NĐ-CP; 121/2020/NĐ-CP và 140/2020/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 09/VBHN-BTC
Ngày ban hành 06/06/2023
Ngày có hiệu lực 06/06/2023
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Cao Anh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2023

 

THÔNG TƯ[1]

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN TẠI DOANH NGHIỆP QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2015/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2015; NGHỊ ĐỊNH SỐ 32/2018/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2018; NGHỊ ĐỊNH SỐ 121/2020/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 10 NĂM 2020 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 140/2020/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 11 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 05 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ; có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 07 năm 2021; được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 16/2023/TT-BTC ngày 17 tháng 03 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 05 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ; có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 05 năm 2023.

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.[2]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Điều 2. Điều chỉnh vốn điều lệ

1. Điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

a) Đối với doanh nghiệp thành lập mới, căn cứ Đề án thành lập doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định và số vốn nhà nước thực cấp (đối với doanh nghiệp thành lập mới không có dự án đầu tư xây dựng), vốn nhà nước đã cấp theo quyết toán công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với doanh nghiệp thành lập mới trên cơ sở bàn giao dự án đầu tư xây dựng) để ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện đăng ký mức vốn điều lệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thành lập bằng mức vốn thực tế đã cấp và đầu tư của nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b)[3] Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

2. Điều chỉnh vốn điều lệ khi bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12, Điều 14 và Điều 18 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; Điều 1 Nghị định số 121/2020/NĐ-CP; khoản 9 và khoản 10 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện vốn có trách nhiệm yêu cầu công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện đăng ký số vốn tăng thêm theo quy định của Luật doanh nghiệp, đồng thời có thông báo bằng văn bản tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước đã đầu tư (thực góp) tại công ty và số lượng cổ phiếu do cổ đông nhà nước nắm giữ (đối với đầu tư vào công ty cổ phần) trong thời hạn 01 tháng sau khi công ty tăng vốn điều lệ để gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu theo dõi quản lý.

Điều 3. Chuyển nhượng vốn, quyền mua cổ phần, quyền góp vốn đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1.[4] Nguyên tắc, thẩm quyền quyết định và phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 15 và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 18, khoản 19 Điều 2 và khoản 4, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Tổ chức có chức năng thẩm định giá căn cứ các quy định nêu trên, quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, quy định của pháp luật về thẩm định giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó giá trị thương hiệu (bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá trị doanh nghiệp được xác định theo các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định.

Khi chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác không phải là thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau khi các thành viên trong công ty không mua hoặc không mua hết), cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 15 và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 18, khoản 19 Điều 2 và khoản 4, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp với Điều lệ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo thoái hết phần vốn cần chuyển nhượng và không làm vượt quá số lượng thành viên tối đa theo quy định của Luật doanh nghiệp.

2.[5] Nguyên tắc, thẩm quyền quyết định và phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 12 và khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 15 và khoản 16 Điều 2, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Tổ chức có chức năng thẩm định giá căn cứ các quy định nêu trên, quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, quy định của pháp luật về thẩm định giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó giá trị thương hiệu (bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá trị doanh nghiệp được xác định theo các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định.

[...]