Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BNNPTNT năm 2015 hợp nhất Thông tư liên tịch về quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước cho dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt, tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 09/VBHN-BNNPTNT
Ngày ban hành 27/04/2015
Ngày có hiệu lực 27/04/2015
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/VBHN-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2015

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ THỦY SẢN, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 04/1998/TTLT/TS-KHĐT-TC-NHNNVN NGÀY 17/12/1998 HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ THEO KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC CHO CÁC DỰ ÁN ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TẦU ĐÁNH BẮT VÀ TẦU DỊCH VỤ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ

Thông tư liên tịch số 04/1998/TTLT-TS-KHĐT-BTC-NHNNVN ngày 17/11/1998 của Bộ Thủy sản, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn tín dụng nhân đầu tư theo kế hoạch nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 11 năm 1998, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 01/2001/TT-BTS ngày 08/6/2001 của Bộ Thủy sản về việc sửa đổi điểm a khoản 6 trong Thông tư liên tịch số 04/1998/TTLT-TS-KHĐT-BTC-NHNNVN ngày 17/11/1998 của Bộ Thủy sản, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn tín dụng nhân đầu tư theo kế hoạch nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tầu đánh bắt và tầu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ, có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 6 năm 2001.

Căn cứ Quyết định 393/TTg ngày 9/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tầu dịch vụ đánh bắt hải xa bờ; Quyết định 159/1998/QĐ-TTg ngày 03/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 393/TTg ngày 9/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Thủy sản - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt nam hướng dẫn thi hành một số điểm sau:1

1. Về Tổ chức tại các địa phương:

Thành lập Ban chỉ đạo chương trình đánh bắt hải sản xa bờ tại các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều dự án (nơi có ít dự án thì không nên tổ chức) giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ, do Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình này; hướng dẫn giúp đỡ các đơn vị kinh tế và ngư dân xây dựng dự án đầu tư.

Thành phần Ban chỉ đạo chương trình gồm Giám đốc các Sở Thủy sản, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Cục trưởng Cục Đầu tư và Phát triển.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, để có sự phối hợp của tổ chức cho vay và các ngành có liên quan tại địa phương để hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị và ngư dân vay vốn trên địa bàn sử dụng vốn vay đúng mục đích, khai thác tầu có hiệu quả, trả nợ vay đầu tư (gốc và lãi), đúng hạn theo hợp đồng tín dụng.

2. Về đối tượng được vay vốn:

- Thực hiện theo Điều 6 bản quy chế ban hành kèm theo Quyết định 393/TTg ngày 9/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được vay vốn đầu tư phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ và tầu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ là các đơn vị kinh tế có đăng ký hành nghề đánh bắt và dịch vụ đánh bắt hải sản, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị Quân đội làm kinh tế, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và Hộ ngư dân.

- Đối tượng được vay phải có kinh nghiệm đi biển và tổ chức hoạt động đánh cá xa bờ, có đủ mức vốn tự có theo quy định tại mục 4 của Thông tư này, có hiểu biết về quản lý phương tiện đánh bắt, kỹ thuật bảo quản nguyên liệu, có đăng ký hành nghề tại địa phương nơi cư trú, hoặc giấy phép hoạt động đánh bắt xa bờ do cơ quan bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp. Phải đăng ký tên Thuyền trưởng, Máy trưởng trong hợp đồng vay.

3. Về tài sản đảm bảo nợ vay và mua bảo hiểm:

a. Về tài sản đảm bảo nợ vay:

Các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tàu đánh bắt hải sản xa bờ và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo kế hoạch của Nhà nước được lấy tài sản hình thành bằng vốn vay để đảm bảo nợ vay. Trong thời hạn chưa trả hết nợ, các chủ đầu tư (chủ dự án) không được chuyển nhượng, mua bán hoặc thế chấp đối với tài sản thuộc vốn vay tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước.

b. Mua bảo hiểm:

- Bắt buộc chủ đầu tư đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ phải mua bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu, máy tàu (trừ phần giá trị ngư cụ và các vật dụng phục vụ sinh hoạt).

- Chủ đầu tư mỗi năm mua bảo hiểm một lần, không bắt buộc phải mua bảo hiểm một lần cho 2 hoặc 3 năm. Hàng năm, nếu chủ đầu tư nào không mua bảo hiểm và chưa có trang thiết bị bảo hiểm an toàn thì không cấp giấy phép hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ.

- Trong trường hợp có rủi ro xảy ra thuộc phạm vi được bảo hiểm, chủ đầu tư phải dùng số tiền bồi thường của Công ty Bảo hiểm để trả nợ khoản vốn vay cho bên cho vay. Trong trường hợp số tiền bảo hiểm trả nợ không đủ phần thiếu hụt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

4. Một số quy định về lãi suất, thời hạn vay, trả và tỷ lệ vốn tự có:

- Lãi suất cho vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thời gian cho vay tối đa không quá 7 năm, tính lãi kể từ ngày phát sinh nợ vay.

- Thời điểm bắt đầu trả lãi thực hiện sau 1 tháng và trả nợ gốc sau 12 tháng kể từ ngày tàu chính thức đi vào sản xuất (theo tiến độ ghi trong dự án được duyệt). Thời hạn trả nợ cụ thể do tổ chức cho vay và chủ đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Khuyến khích chủ đầu tư trả nợ (gốc và lãi) trước thời hạn. Trường hợp chủ đầu tư dây dưa không trả nợ khi đã quá hạn thì xử lý theo quy định về phạt nợ quá hạn của tổ chức cho vay, nếu thấy cần thiết thì khởi tố trước cơ quan pháp luật.

- Chủ đầu tư vay vốn phải có vốn tự có tham gia tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư của dự án.

5. Về thực hiện cho vay để ứng trước và cho vay thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án vay vốn tín dụng đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ:

- Thực hiện cho vay ứng trước và cho vay thanh toán khối lượng hoàn thành theo hợp đồng đã được ký kết giữa chủ đầu tư với đơn vị đóng tàu, cung cấp thiết bị, máy móc. Để đảm bảo vốn vay ứng trước được sử dụng đúng mục đích, điều kiện để được vay vốn ứng trước phải có hợp đồng tín dụng, hợp đồng đóng tàu, dự toán thiết kế được duyệt, các chứng từ thanh toán như hóa đơn mua vật tư (gỗ, sắt thép...), thiết bị (máy thủy...). Mức cho vay ứng trước không quá 25% tổng mức vốn đầu tư của dự án và có thể ứng trước nhiều lần trong phạm vi mức vốn được ứng trước theo quy định, được chuyển thẳng cho đơn vị đóng tàu, cung cấp thiết bị, máy móc theo đề nghị của chủ đầu tư vay vốn.

- Việc cho vay thanh toán được thực hiện theo khối lượng công việc hoàn thành theo từng giai đoạn đã được nghiệm thu. Bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành phải có xác nhận kỹ thuật của cơ quan đăng kiểm tàu.

6. Về mẫu tàu, máy thủy, cơ sở đóng tàu:

[...]