Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2015 hợp nhất Luật giao thông đường thủy nội địa do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 05/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 31/12/2015
Ngày có hiệu lực 31/12/2015
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015

 

LUẬT

GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Luật giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật số 48/2014/QH13 ngày 17 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015;

2. Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về giao thông đường thủy nội địa1.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động giao thông đường thủy nội địa; các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.2 Hoạt động giao thông đường thủy nội địa gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.

2. Luồng chạy tàu thuyền (sau đây gọi là luồng) là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn.

3. Âu tàu là công trình chuyên dùng dâng nước, hạ nước để đưa phương tiện qua nơi có mực nước chênh lệch trên đường thủy nội địa.

4. Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

5. Hành lang bảo vệ luồng là phần giới hạn của vùng nước hoặc dải đất dọc hai bên luồng để lắp đặt báo hiệu, bảo vệ luồng và bảo đảm an toàn giao thông.

6. Thanh thải là việc loại bỏ các vật chướng ngại trên đường thủy nội địa.

7. Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.

8. Phương tiện thô sơ là phương tiện không có động cơ chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước.

9. là phương tiện được kết ghép lại bằng tre, nứa, gỗ hoặc các vật nổi khác để chuyển đi hoặc dùng làm phương tiện vận chuyển tạm thời trên đường thủy nội địa.

10. Hoán cải phương tiện là việc thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện.

11. Phương tiện đi đối hướng nhau là hai phương tiện đi ngược hướng nhau mà từ phương tiện của mình nhìn thấy mũi phương tiện kia thẳng trước mũi phương tiện của mình.

12. Đoàn lai là đoàn gồm nhiều phương tiện được ghép với nhau, di chuyển nhờ phương tiện có động cơ chuyên lai kéo, lai đẩy hoặc lai áp mạn.

[...]