Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BKHCN năm 2014 hợp nhất Nghị định quy định và hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 02/VBHN-BKHCN
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Trần Việt Thanh
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/VBHN-BKHCN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2011.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,[1]

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của pháp luật dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các điều ước quốc tế quy định tại khoản này bao gồm:

a) Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, sửa đổi năm 1967 (sau đây gọi tắt là “Công ước Paris”);

b) Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000;

c) Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thụy Sĩ năm 1999;

d) Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) năm 1994, kể từ thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

đ) Các điều ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên.

Điều 3. Trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp

1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm sau đây trong quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

b) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp;

c) Tổ chức hệ thống cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp;

d) Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp;

đ) Tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

e) Thực hiện quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quy định tại Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ;

[...]