Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BGTVT năm 2019 hợp nhất Thông tư hướng dẫn về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 02/VBHN-BGTVT
Ngày ban hành 14/01/2019
Ngày có hiệu lực 14/01/2019
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.

Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai;

Căn cứ Nghị định số 66/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhà chức trách hàng không;

Căn cứ Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay1.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay có hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.

2. Các nội dung về quy hoạch và quản lý quy hoạch cảng hàng không, sân bay; quản lý, sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay; yêu cầu đối với hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay; quản lý xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình tại cảng hàng không, sân bay; đưa công trình vào khai thác, đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay; quản lý, khai thác thiết bị hàng không và phương tiện hoạt động tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm khai cảng hàng không, sân bay; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại cảng hàng không, sân bay; kinh doanh dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay được quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với sân bay chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam.

Điều 3. Định nghĩa, thuật ngữ, chữ viết tắt

1. Điểm quy chiếu sân bay (Aerodrome Reference Point) là điểm đánh dấu vị trí địa lý của sân bay.

2. Khu bay (Airfield) là phần sân bay dùng cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và lăn, bao gồm cả khu cất hạ cánh và các sân đỗ tàu bay.

3. Sân đỗ tàu bay (Apron) là khu vực được xác định trong sân bay dành cho tàu bay đỗ để phục vụ hành khách lên, xuống; xếp, dỡ hành lý, bưu gửi, hàng hóa; tiếp nhiên liệu; cung ứng suất ăn; phục vụ kỹ thuật hoặc bảo dưỡng tàu bay.

4. Đường cất hạ cánh (Runway) là một khu vực hình chữ nhật được xác định trên mặt đất tại khu bay dùng cho tàu bay cất cánh và hạ cánh.

5. Vị trí chờ lên đường cất hạ cánh (Runway - Holding position) là vị trí được lựa chọn trên đường lăn hoặc khu vực tới hạn của hệ thống thiết bị ILS/MLS mà ở đó tàu bay và phương tiện đang vận hành phải dừng lại chờ huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu cho phép lăn tiếp, nhằm mục đích đảm bảo an toàn khai thác cho đường cất hạ cánh, không ảnh hưởng đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật (OLS).

6. Lề đường (Shoulder) là khu vực tiếp giáp với mép mặt đường được chuẩn bị tốt nhằm đảm bảo chuyển tiếp êm thuận giữa mặt đường và bề mặt tiếp giáp.

7. Khu vực an toàn tại vị trí đỗ tàu bay (Aircraft Safety Area on the Parking) là khu vực hạn chế nằm trong ranh giới có đường kẻ màu đỏ xung quanh vị trí đỗ của tàu bay.

8. Phương tiện chuyên ngành hàng không là phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế, đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của cảng hàng không, sân bay.

[...]