BỘ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/VBHN-BYT
|
Hà Nội, ngày
18 tháng 01 năm 2018
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI
THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH Y TẾ
Thông tư liên tịch số 56/2015/TTLT-BYT-BNV ngày
29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tiêu chuẩn, điều
kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên
ngành y tế, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung
bởi:
Thông tư số 44/2016/TT-BYT ngày 15/12/2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 9 của Thông tư liên tịch số
56/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Nội vụ
quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh
nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế (sau đây viết tắt là Thông tư số
44/2016/TT-BYT), có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2017.
Căn cứ Luật Viên chức
ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số
29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử
dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số
63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số
58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ
trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định về điều kiện và nội dung,
hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành
y tế, như sau:[1]
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này
quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh
nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành y tế.
2. Thông tư liên tịch này áp
dụng đối với viên chức chuyên ngành y tế dự các kỳ thi thăng hạng chức danh nghề
nghiệp viên chức chuyên ngành y tế trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đối với công chức của đơn
vị sự nghiệp y tế hiện đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y
tế có thể áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch này để tham gia dự thi thăng
hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều 2.
Nguyên tắc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế
1. Đơn vị sự nghiệp có nhu cầu,
có vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp thi thăng hạng.
2. Việc tổ chức thi thăng hạng
chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng
pháp luật.
Điều 3.
Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Viên chức được đăng ký dự
thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Đơn vị sự nghiệp công lập
có nhu cầu;
2. Đang giữ chức danh nghề
nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh nghề
nghiệp đăng ký dự thi thăng hạng (trừ thăng hạng từ chức danh y sĩ lên chức
danh bác sĩ hoặc bác sĩ y học dự phòng);
3. Có khả năng đảm nhiệm hoặc
đang làm việc ở vị trí công việc phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký
dự thi thăng hạng;
4. Được cơ quan, tổ chức,
đơn vị sử dụng viên chức đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian ba
năm liên tục tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có phẩm chất đạo đức tốt; không
trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý
kỷ luật theo quy định của pháp luật;
5. Được cơ quan, tổ chức,
đơn vị có thẩm quyền quản lý hoặc sử dụng viên chức cử tham dự thi thăng hạng
chức danh nghề nghiệp;
6. Có đủ tiêu chuẩn của hạng
chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi.
Chương
II
HÌNH THỨC, NỘI
DUNG THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 4.
Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I
1. Môn thi kiến thức chung
a) Hình thức thi: Tự luận.
b) Thời gian thi: 180 phút.
c) Nội dung thi: Kiểm tra kiến
thức, năng lực hiểu biết của viên chức về quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng
về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; định hướng chiến lược
phát triển của ngành, lĩnh vực và hiểu biết về pháp luật chuyên ngành; áp dụng
vào thực tiễn để đưa ra giải pháp đối với các vấn đề nảy sinh trong thực tế của
ngành, lĩnh vực phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I (với 60% nội
dung thi) và hiểu biết pháp luật viên chức (với 40% nội dung thi).
2. Môn thi chuyên môn, nghiệp
vụ
a) Hình thức thi: viết và
trình bày, bảo vệ đề án hoặc xây dựng quy trình chuyên môn, kỹ thuật và trình
bày, bảo vệ quy trình chuyên môn, kỹ thuật
b) Thời gian thi:
Viết đề án hoặc xây dựng quy
trình chuyên môn, kỹ thuật: 8 giờ (480 phút);
Trình bày và bảo vệ đề án hoặc
quy trình chuyên môn, kỹ thuật: 30 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra và
đánh giá trình độ, năng lực và kỹ năng xây dựng đề án, trình bày và bảo vệ các
nội dung đề án, giải pháp giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn gắn
với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề
nghiệp hạng I.
3. Môn thi ngoại ngữ
a) Hình thức thi: viết và phỏng
vấn.
b) Thời gian thi: viết là 90
phút và phỏng vấn (hội thoại) là 15 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra
các kỹ năng: đọc, hiểu, viết, nghe và nghe nói (hội thoại) ở bậc 4 theo quy định
của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I.
4. Môn thi tin học:
a) Hình thức thi: trắc nghiệm
hoặc thực hành trên máy vi tính.
b) Thời gian thi: 45 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra hiểu
biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft office, sử dụng
Internet.
Điều 5.
Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II
1. Môn thi kiến thức chung
a) Hình thức thi: Tự luận.
b) Thời gian thi: 180 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra kiến
thức, năng lực hiểu biết của viên chức về định hướng chiến lược phát triển của
ngành và hiểu biết về pháp luật chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh
nghề nghiệp hạng II (với 60% nội dung thi) và hiểu biết pháp luật viên chức (với
40% nội dung thi).
2. Môn thi chuyên môn, nghiệp
vụ
a) Hình thức thi: trắc nghiệm
hoặc thực hành do Hội đồng thi quyết định.
b) Thời gian thi: trắc nghiệm
45 phút hoặc thực hành 30 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra và
đánh giá trình độ, năng lực, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đang đặt
ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ
của chức danh nghề nghiệp hạng II.
3. Môn thi ngoại ngữ
a) Hình thức thi: viết.
b) Thời gian thi: 90 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra
các kỹ năng: đọc hiểu, viết ở trình độ bậc 3 theo quy định của tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp hạng II.
4. Môn thi tin học
a) Hình thức thi: trắc nghiệm
hoặc thực hành trên máy vi tính.
b) Thời gian thi: 45 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra hiểu
biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng
Internet.
Điều 6.
Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III
1. Môn thi kiến thức chung
a) Hình thức thi: Tự luận.
b) Thời gian thi: 150 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra kiến
thức, năng lực hiểu biết của viên chức về định hướng chiến lược phát triển của
ngành và hiểu biết về pháp luật chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh
nghề nghiệp hạng III (với 60% nội dung thi) và hiểu biết pháp luật viên chức (với
40% nội dung thi).
2. Môn thi chuyên môn, nghiệp
vụ
a) Hình thức thi: trắc nghiệm
hoặc thực hành do Hội đồng thi quyết định.
b) Thời gian thi: trắc nghiệm
30 phút, thực hành 15 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra và
đánh giá trình độ, năng lực, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đang đặt
ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ
của chức danh nghề nghiệp hạng III.
3. Môn thi ngoại ngữ
a) Hình thức thi: viết.
b) Thời gian thi: 60 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra
các kỹ năng: đọc hiểu, viết ở trình độ bậc 2 theo quy định của tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp hạng III.
4. Môn thi tin học
a) Hình thức thi: trắc nghiệm
hoặc thực hành trên máy vi tính.
b) Thời gian thi: 30 phút.
c) Nội dung thi: kiểm tra hiểu
biết về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng
Internet.
Điều 7.
Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ và tin học trong kỳ thi thăng hạng chức danh
nghề nghiệp
1. Miễn thi môn ngoại ngữ đối
với viên chức có một trong các điều kiện sau đây:
a) Viên chức tính đến ngày
31 tháng 12 của năm tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có tuổi đời từ
đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ;
b) Viên chức đang làm việc ở
vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào
tạo cấp theo thẩm quyền (không áp dụng trong kỳ thi thăng hạng II lên hạng I);
c) Viên chức là người dân tộc
thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số (không áp dụng trong kỳ thi
thăng hạng II lên hạng I);
d) Viên chức có bằng tốt
nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;
đ) Viên chức có bằng tốt
nghiệp theo trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với trình độ đào tạo
chuyên môn, nghiệp vụ quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thi thăng hạng
mà học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
2. Miễn thi môn tin học đối
với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở
lên.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 8.
Hiệu lực thi hành [2]
1. Thông tư liên tịch này có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016.
2. Bãi bỏ quy định về nội
dung, hình thức thi nâng ngạch viên chức chuyên ngành y tế tại Quyết định số
07/2006/QĐ-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 9.
Trách nhiệm thi hành
1.[3] Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp y tế căn cứ vào tiêu chuẩn, điều
kiện quy định tại Thông tư liên tịch này theo thẩm quyền được giao cử viên chức
tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn,
điều kiện của viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Viên chức tham dự kỳ thi
thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên chức
danh bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), từ chức danh bác sĩ y học dự phòng
chính (hạng II) lên chức danh bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) năm 2017
phải có thời gian 02 năm gần nhất làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng thay
cho 02 năm gần nhất giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III), bác sĩ y học
dự phòng chính (hạng II).
Viên chức tham dự kỳ thi
thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế năm 2017 chưa phải
có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi nhưng trong
thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng
theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản
lý, sử dụng viên chức phải cử viên chức đã tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh
nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế năm 2017 tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng
để bảo đảm đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền được giao tổ chức thi thăng hạng
chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế theo đúng quy định của pháp
luật.
3. Trong quá trình thực hiện,
nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế để tổng hợp và chủ trì, phối hợp
với Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.
|
XÁC THỰC VĂN
BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Lê Tuấn
|