Thông tư liên bộ 8a-TT/LB năm 1971 vấn đề cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động về sinh sống ở nông thôn do Bộ Nội vụ - Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương ban hành

Số hiệu 8a-TT/LB
Ngày ban hành 22/06/1971
Ngày có hiệu lực 07/07/1971
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương,Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc,Trần Quốc Mạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ-BAN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8A-TT/LB

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 1971 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VẤN ĐỀ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VỀ HƯU VÀ NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG VỀ SINH SỐNG Ở NÔNG THÔN

Hiện nay, cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động (gọi tắt là cán bộ hưu trí mất sức) về nông thôn ngày càng đông.

Nhiều anh chị em còn tương đối khỏe, đã tích cực tham gia phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, trực tiếp lao động sản xuất hoặc tham gia các khâu gián tiếp sản xuất hoặc tham gia các khâu gián tiếp sản xuất trong hợp tác xã như làm thống kê kế hoạch, kế toán … đã đóng góp phần đáng kể cho hợp tác xã.

Song cũng có nhiều anh chị em hưu trí, mất sức về địa phương còn khả năng lao động lại làm ăn riêng lẻ, thậm chí có người thuê mướn nhân công, tự ý phát nương làm rẫy để sản xuất, không nộp thuế, không làm nghĩa vụ với Nhà nước, làm ảnh hưởng không tốt với nhân dân, đến việc củng cố, tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Đối với những người có tham gia hợp tác xã do chưa có chính sách quy định cụ thể, nhiều nơi giải quyết chưa thỏa đáng, nên đã hạn chế mặt tích cực của anh chị em, không động viên được đông đảo cán bộ hưu trí, mất sức tham gia sản xuất và công tác trong hợp tác xã.

Để tranh thủ sự đóng góp của anh chị em hưu trí, mất sức vào công việc của hợp tác xã, đồng thời cũng tạo điều kiện để anh chị em tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, Bộ Nội vụ và Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp Trung ương quy định một số chính sách như sau.

Cán bộ hưu trí, mất sức nghỉ việc về ở nông thôn cần sinh hoạt, học tập với nhân dân nơi cư trú và tuỳ theo tình hình sức khỏe và khả năng của mỗi người mà tham gia các mặt công tác thích hợp ở địa phương, phải gương mẫu chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những người còn khả năng lao động sản xuất nên xin vào hợp tác xã nông nghiệp hoặc tham gia lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.

Hợp tác xã nông nghiệp nên kết nạp anh chị em vào hợp tác xã nếu họ tự nguyện và có đủ điều kiện làm xã viên như Điều lệ hợp tác xã đã quy định.

Sau khi đã được công nhận là xã viên hợp tác xã, anh chị em hưu trí, mất sức phải tuân theo điều lệ, nội quy của hợp tác xã và được hưởng mọi quyền lợi như những xã viên khác.

Những người không vào hợp tác xã nhưng muốn tham gia công tác trong hợp tác xã thì nói chung hợp tác xã nên nhận cho họ được lao động trong hợp tác xã và giao công tác thích hợp với sức khỏe và khả năng của mỗi người.

Khi gia nhập hợp tác xã, việc đóng cổ phần do Đại hội xã viên xét và quyết định theo như điều lệ hợp tác xã.

Về đất ở và đất làm kinh tế phụ, nếu gia đình họ là xã viên hợp tác xã thì đương nhiên gia đình đã có đất làm kinh tế phụ rồi, hợp tác xã không phải giải quyết gì thêm trong trường hợp này; nếu gia đình họ chưa là xã viên hợp tác xã, nay họ về cùng với gia đình đưa ruộng đất vào hợp tác xã thì hợp tác xã để lại cho họ một ít đất ở và đất kinh tế phụ như đối với các gia đình nông dân khác, trường hợp họ không có ruộng đất kể cả đất ở thì Đại hội hoặc Đại hội đại biểu xã viên xét cấp cho họ một ít đất để làm nhà ở, trên tinh thần tiết kiệm, nhất là ở đồng bằng.

Về công lao động, dù là xã viên hay không phải là xã viên, nhưng được hợp tác xã nhận cho tham gia lao động và có gia đình là xã viên, thì toàn bộ công điểm của họ được tính như những người khác để dự vào phân phối thu nhập trong hợp tác xã.

Riêng về phân phối lương thực thì giải quyết như sau:

Anh chị em đã được Nhà nước cung cấp lương thực theo tiêu chuẩn, nên khi phân phối lương thực trong  hợp tác xã theo ngày công của họ phải được trừ phần cung cấp đó đi. Trường hợp bình quân lương thực của hợp tác xã còn lại để chia tương đối cao, số ngày công của anh chị em làm cho hợp tác xã cũng nhiều, thì sau khi trừ phần Nhà nước cung cấp, số tăng hơn anh chị em được hưởng như những xã viên khác. Ở những hợp tác xã lương thực còn lại để chia chỉ bằng hoặc thấp hơn mức lương thực Nhà nước cung cấp thì không phải cung cấp thì không phải phân phối thêm cho anh chị em mà công điểm của họ được thanh toán bằng tiền. Trường hợp gia đình anh chị em thiếu lao động, tính công ăn chia không bảo đảm mức ăn trung bình chung của hợp tác xã thì công điểm của họ được bổ sung cho gia đình để tham gia phân phối lương thực, nhằm bảo đảm cho gia đình có mức ăn như những xã viên khác trong hợp tác xã. Nếu gia đình anh chị em không phải là xã viên, chỉ có bản thân họ tham gia lao động và công tác cho hợp tác xã, thì việc trả công cho họ thế nào là do hai bên thỏa thuận giao ước với nhau.

Trên đây Bộ Nội vụ và Ban quản lý hợp tác xã Trung ương quy định một số điểm chính nhằm giúp địa phương hướng thu hút cán bộ hưu trí, mất sức về nông thôn tham gia lao động sản xuất với tập thể.

Yêu cầu Ủy ban hành chính các tỉnh, thành và khu vực Vĩnh Linh vào thông tư này mà hướng dẫn cán bộ, công nhân viên chức về hưu, nghỉ việc vì mất sức và các hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương thi hành.

TM. BAN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ
 NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
PHÓ TRƯỞNG BAN
 
 


Trần Quốc Mạnh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ

THỨ TRƯỞNG
 
 


Lê Tất Đắc