Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên bộ 02-TT/LB năm 1980 hướng dẫn biện pháp xử lý đối với người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động do Bộ lao động -Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 02-TT/LB
Ngày ban hành 10/01/1980
Ngày có hiệu lực 10/01/1980
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Nội vụ
Người ký Phan Văn Hựu,Trần Đông
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Vi phạm hành chính

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TT/LB

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 1980 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI TRONG TUỔI LAO ĐỘNG, CÓ SỨC LAO ĐỘNG, KHÔNG CHỊU LAO ĐỘNG.

Quyết định số 201-CP ngày 10-8-1974 của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 85-TTg ngày 12-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ quy định về sắp xếp việc làm cho những người có khả năng làm việc và bắt buộc lao động đối với người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động, sống lêu lổng, du đãng, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự trị an. Bộ Lao động đã ra thông tư số 08-LĐ/TT ngày 31-7-1979 hướng dẫn về sắp xếp việc làm. Liên Bộ Lao động - Nội vụ ra thông tư hướng dẫn cụ thể về bắt buộc lao động như sau.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, “lao động là quyền lợi, nghĩa vụ và vinh dự hàng đầu của công dân”. “Công dân có quyền làm việc. Người có sức lao động phải lao động”, Ủy ban nhân dân các cấp phải tận dụng mọi nguồn lao động, đất đai, rừng biển, máy móc, vật tư, nguyên liệu, phế liệu, phế phẩm… hiện có để khai thác, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng theo tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng, bảo đảm cho mọi người trong tuổi lao động đều có việc làm và đều phải làm việc có ích cho xã hội. Mặt khác, phải kiên quyết và kịp thời xử lý đối với số ít người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động, sống bám xã hội, nhằm giáo dục họ trở thành người lao động có ích cho xã hội, góp phần ngăn ngừa tận gốc tệ nạn xã hội.

I. ĐỐI TƯỢNG BẮT BUỘC LAO ĐỘNG

Bắt buộc lao động đối với những người trong tuổi lao động (từ 18 đến hết tuổi lao động) có sức lao động, hiện không theo học văn hóa, nghiệp vụ, kỹ thuật mà không chịu lao động có ích cho xã hội, sống lêu lổng, du đãng, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự trị an, nhưng chưa đến mức phải tập trung giáo dục, cải tạo hoặc truy tố trước pháp luật.

Cụ thể là:

1. Người có sức lao động không chịu lao động, làm ăn phi pháp như buôn bán tem phiếu, các loại vé; buôn bán, tích trữ những hàng hóa vật tư của Nhà nước cấm buôn bán ở thị trường tự do; mua bán, tàng trữ những đồ vật, tài sản trộm cắp của Nhà nước, của nhân dân.

2. Người có sức lao động không chịu lao động, sống lêu lổng, du đãng, gây rối trật tự trị an (lang thang, tụ tập, ăn chơi trác táng, càn quấy, đánh nhau…).

3. Người có sức lao động không chịu lao động, có hành động phạm tội hình sự nhẹ.

4. Người hết hạn tù hoặc hết hạn tập trung giáo dục cải tạo được tha về, nhưng không chịu lao động, không tuân theo sự sắp xếp việc làm của chính quyền.

5. Người không được phép cư trú chính thức ở thành phố, thị xã, chính quyền đã trả về nơi cú trú cũ nhưng vẫn ở lì tại thành phố, thị xã, không có nghề nghiệp chính đáng.

Người dưới 18 tuổi phạm những khuyết điểm trên sẽ xử lý theo quyết định số 217-TTg ngày 18-12-1967 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại các trường giáo dục thiếu niên chậm tiến.

Được hoãn bắt buộc lao động:

- Người ốm được bác sĩ chứng nhận đang phải điều trị , phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 3 tháng, người trong gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất như bị cháy nhà, vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ đang ốm nặng, được chính quyền cơ sở chứng nhận là người đang có trách nhiệm chính lo liệu công việc của gia đình, thì được tạm hoãn cho đến khi có điều kiện đi lao động bắt buộc;

- Phụ nữ có con nhỏ đã trên 3 tháng chỉ bắt buộc lao động tại chỗ. Người có khó khăn về gửi con trong giờ lao động thì chính quyền và đoàn thể ở cơ sở giúp đỡ, tạo điều kiện để họ làm tròn nhiệm vụ.

II. THỜI HẠN VÀ HÌNH THỨC BẮT BUỘC LAO ĐỘNG

1. Thời gian:

- Thời hạn bắt buộc lao động từ 6 tháng đến 2 năm;

- Người hoàn thành nhiệm vụ lao động sản xuất, tiến bộ thực sự về phẩm chất, đạo đức được xét giảm thời hạn hoặc xóa kỷ luật bắt buộc lao động;

- Người chây lười, hết hạn bắt buộc lao động mà không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm nội quy, kỷ luật lao động,… đã bị cảnh cáo, thì bị kéo dài thời hạn bắt buộc lao động. Thời hạn kéo dài không quá 2 năm. Người bị bắt buộc lao động đã hết thời gian (kể cả thời hạn kéo dài) vẫn không tiến bộ và người không thi hành lệnh bắt buộc lao động thì chuyển sang tập trung giáo dục cải tạo.

2. Hình thức bắt buộc lao động:

Có hai hình thức bắt buộc lao động: tập trung và tại chỗ.

a) Bắt buộc lao động tập trung: người bị bắt buộc lao động tập trung phải lao động, học tập và sinh hoạt tại đơn vị lao động (công trường, nông trường…).

b) Bắt buộc lao động tại chỗ: giành cho người có con nhỏ hoặc có cha mẹ già yếu, gia đình neo đơn.

Người bị bắt buộc lao động tại chỗ phải đến lao động, sản xuất ở các công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiên tiến do Ủy ban nhân dân khu phố, quận, thị xã chỉ định. Ngoài giờ sản xuất, học tập, người bị bắt buộc lao động được về ăn, ở, sinh hoạt với gia đình, chịu sự giám sát của chính quyền và nhân dân ở cơ sở.

III. TRÌNH TỰ PHẢI LÀM TRONG VIỆC XỬ LÝ VÀ THỦ TỤC RA LỆNH BẮT BUỘC LAO ĐỘNG

1. Thông qua đăng ký lao động, đăng ký hộ khẩu và quần chúng phát hiện, chính quyền cơ sở phải trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân người có sức lao động lại không chịu lao động; tổ chức giáo dục, động viên và sắp xếp việc làm cho họ đi lao động; đồng thời lên danh sách, hồ sơ những người cần bắt buộc lao động rồi gọi đến trụ sở chính quyền giáo dục và hẹn trong 15 ngày phải tự tìm lấy việc làm; người nào không tự tìm được việc làm, thì chính quyền cơ sở sắp xếp việc làm cho họ.

[...]