Thông tư 3222BTC/HB năm 1946 về tiền hưu liễm khấu trừ vào lương bổng do Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu 3222BTC/HB
Ngày ban hành 21/08/1946
Ngày có hiệu lực 05/09/1946
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Văn Hiến
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3222BTC/HB

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 1946 

 

THÔNG TƯ

Của Bộ Tài chính gửi cho các ông Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ, Trung bộ Nam bộ.

Do sắc lệnh số 105 ngày 14 tháng 6 năm 1946, điều thứ 4 tiền hữu liễm khấu trừ vào lương bổng các công chức nhất luật tăng từ 6% lên 10% bắt đầu từ 1 tháng 1 năm 1946. Cũng kể từ ngày ấy, số tiền công quỹ phụ nạp gia tăng từ 7% lên 10%.

Sự gia tăng tiền hưu liễm và công quỹ phụ nạp ấn định như trên đi đôi với việc tăng cấp hưu bổng cho tất cả công chức nào, hoặc đã đúng niên hạn, bị về hưu trí kể từ 1 tháng 10 năm 1945, do sắc lệnh số 54 ngày 3 tháng 11 năm 1945, hoặc đã tự ý xin về hưu trí, sau khi đã làm đủ 25 năm có đóng đủ tiền hưu liễm. Tất cả các công chức ở trong trường hợp nói trên, đều được hưởng hưu bổng tính theo phân số hạng thâm niên, nghĩa là cứ mỗi năm làm việc được tính 1/60 số lương quân bình trong 3 năm cuối cùng (đáng lẽ chỉ được 1/75).

Việc tăng cấp hưu bổng như trên bắt buộc quỹ tự trị của nha Hưu bổng Việt Nam  phải chịu thêm một số tiền rất lớn, bên mục “chi” cần phải trù liệu một số “phụ thu để giữ nổi mực thăng bằng trong ngân sách tự trị của nha Hưu bổng đương ở trong một tình thế khó khăn về phương diện tài chính, “thu bất cập chi”. Đó là cái cớ chính của việc tăng tiền hưu liễm và công quỹ phụ nạp, cần phải giải thích cho tòan thế giới công chức hiểu biết rõ.

Dưới đây, Bản bộ ấn định rõ cách thức thi hành việc khấu trừ tiền hưu liễm tính theo phân số mới:

a. Tiền hưu liễm khấu trừ vào lương bổng hàng tháng.

Đạo sắc lệnh ban bố ngày 14 tháng 6 năm 1946, lẽ tất nhiên chưa thể thi hành ngay vào kỳ phát lương tháng 6 (dương lịch) được . Nhưng tới kỳ lương tháng 7 (dương lịch) vừa qua, các phòng việc tại các công sở phụ trách ngay số tiền hưu liễm, tính theo tỷ số mới là 10%, chỉ trừ vài nơi ở xa, vì sự giao thông chậm trễ, chưa nhận được lục tổng bản sắc lệnh ngày 14 tháng 6 năm 1946 nói trên, nên chưa làm kịp.

Dù sao, một khi đã tiếp nhận được bản sắc lệnh ấy, các công sở phụ trách phải tự động thi hành ngay điều thứ 4 trong sắc lệnh, không cần chờ một thông tư giải thích.

Vậy tờ thông tư này thực ra chỉ có mục đích là ấn định cách thức khấu trừ số tiền hồi khỏan (rappel) phụ tăng 4% (10% - 6%) về hưu liễm tính từ ngày 1 tháng 1 năm 1946 đến ngày đã bắt đầu trừ hưu liễm 10%.

b. Hồi khoản phụ tăng 4% (10% - 6%) về tiền hưu liễm và 3% về công quỹ phụ nạp kể từ 1 tháng 1 năm 1946.

Đáng lẽ tiền phụ tăng hưu liễm 4% tính từ 1 tháng 1 năm 1946 phải khấu trừ ngay tất cả vào ngân phiếu trả lương tháng 7 vừa qua hay chậm lắm là vào kỳ phát lương tháng 8 sắp tới. Nhưng vì muốn làm đỡ gánh nặng cho công chức khỏi phải trả ngay tất cả số tiền hồi khoản về hưu liễm vào một kỳ, Bản bộ đã thỏa hiệp cùng nha Hưu bổng cho phép các công chức được trừ dần số tiền phụ tăng ấy từng tháng một, miễn là đến ngày 31 tháng 12 năm 1946, thanh toán xong số hồi khoản kia và có thể lập ngay ngân phiếu chuyển nạp cho quỹ tự trị nha Hưu bổng số tiền phụ tăng về hưu liễm và công quỹ phụ nạp còn thiếu từ 1 tháng 1 năm 1946.

Việc trừ dần tiền phụ tăng hưu liễm sẽ làm theo cách thức sau đây:

- Ví dụ một công chức có một số lương chính ngạch hàng tháng (không kể các phụ cấp) là 100đ. Tiền hưu liễm khấu trừ vào lương, trước tính là 6đ (6%) nay tăng lên 10đ (10%) bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1946. Nhưng vì từ 1 tháng 1 năm 1946, đã trừ được mỗi tháng 6đ và đã lập ngân phiếu chuyển nạp nha Hưu bổg các số tiền khấu trừ trong đệ nhất lục cá nguyệt rồi (mỗi năm giá làm 2 kỳ). Vậy chỉ còn thiếu số phụ tăng tính là (10đ-6đ) = 4đ mỗi tháng. Tổng số tiền phải khấu thêm từ tháng giêng 1946 đến 30 tháng 6 năm 1946 là 24đ (4đ x 6 tháng) hay là 28đ (4 x 7 tháng) nếu chưa áp dụng kịp tỷ số hưu liễm mới 10% ngay từ tháng 7 vừa qua.

Lúc lập ngân phiếu trả lương tháng 8 sắp tới, phải khấu trừ ngay số tiền hồi khoản phụ tăng 2 tháng hay 3 tháng (8đ hay 12đ). Còn lại 16đ sẽ trừ dần mỗi tháng 4đ (phụ tăng một tháng) bắt đầu từ tháng 9 (dương lịch).

Tính theo cách ấy, thì thế nào tới cuối năm 1946, cũng sẽ trừ hết món tiền hồi khoản mà viên chức phải nộp quỹ Hưu bổng kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1946.

Vì theo thể lệ hiện hành (điều thứ 60 của tờ thông tư ngày 12 tháng 3 năm 1943), mỗi năm, chỉ lập 2 ngân phiếu chuyển nạp tiền hưu liễm và công quỹ phụ nạp cho quỹ Hưu bổng; một ngân phiếu phát hành trong tuần tháng 7 để nộp tiền về đệ nhất lục cá nguyệt; một ngân phiếu phát hành trong tuần tháng giêng năm sau để trả tiền về đệ nhị lục cá nguyệt năm trước. Vậy đến cuối năm 1946, sau khi đã khấu trừ các hưu liễm thường lệ thuộc từng tháng và số tiền hồi khoản (rappel) theo cách thức trên đây, các công sở phụ trách chỉ cần phát hành một ngân phiếu, tổng kết các món tiền đã khấu trừ vào lương bổng công chức cộng với số tiền hồi khoản phụ tăng về công quỹ phụ nạp (10%-7%) để chuyển nạp tổng số cho quỹ Hưu bổng.

Nói tóm lại, cách trừ dần số tiền phụ tăng hưu liễm như trên chẳng những hợp với thể lệ hiện hành về phương diện kế toán của nha Hưu bổng. Trái lại, các công chức được dễ dàng trong việc trả món tiền phụ tăng hưu liễm, tháng tháng sẽ không thấy số lương bổng được tính, hao hụt đi một cách rõ rệt, như là bị khấu trừ ngay vào một kỳ lương.

Vả chăng, chỉnh Bản bộ đã hoãn tới ngày nay, chờ sau khi đã ban bố sắc lệnh cấp cho công chức một số phụ cấp khả quan về gạo đất, rồi mới cho huấn lệnh về việc trừ số hồi khoản phụ tăng hưu liễm từ 1 tháng giêng năm 1946, cũng không ngoài cái mục đích giúp cho các công chức có thể giả được một cách dễ dàng phụ tăng hưu liễm, mà không thấy tổng số lương tháng bị hao hụt đi một chút nào, nhờ có số phụ cấp bổ túc gạo đắt vừa được hưởng.

Bản bộ yêu cầu các quý bộ, quý ban, lục tổng ngay tờ thông tư này cho các công sở phụ thuộc để kịp thi hành vào dịp lập ngân phiếu trả lương về tháng 8 sắp tới.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Lê Văn Hiến

 

9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ