Thông tư 29/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 29/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 04/03/2010
Ngày có hiệu lực 18/04/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Chứng khoán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 29/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN, TRUNG TÂM LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/ 2005;
Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH 11 ngày 29/6/ 2006;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 11/5/2007 về chuyển Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh thành Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg ngày 02/01/2009 về việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 về việc thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 1833/QĐ-TTg ngày 6/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi đối với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán;

Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký).

2. Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký thực hiện chế độ tài chính theo quy định tại Thông tư này; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán và kiểm toán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 2. Một số quy định về tổ chức và hoạt động

1. Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký là pháp nhân thuộc sở hữu Nhà nước, được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Điều lệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký là đơn vị hạch toán độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính; có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong nước, nước ngoài.

3. Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính thực hiện quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản đối với các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký.

II. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN

Điều 3. Vốn hoạt động

Vốn hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký bao gồm:

1. Vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

1.1 Vốn Ngân sách Nhà nước cấp do Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chuyển giao.

1.2 Vốn Ngân sách Nhà nước bổ sung trong quá trình hoạt động.

1.3 Việc tăng vốn điều lệ do Bộ Tài chính quyết định. Khi có quyết định thay đổi mức vốn điều lệ, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký phải điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối kế toán và Điều lệ, làm các thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ và công bố theo quy định của pháp luật.

2. Vốn tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Vốn huy động.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý vốn và tài sản

1. Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký được quyền quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đã đầu tư và các loại nguồn vốn hợp pháp khác theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo quyền lợi của những người liên quan như các thành viên của công ty, người lao động theo các hợp đồng và điều khoản đã cam kết.

2. Các biện pháp bảo toàn vốn:

2.1 Mua bảo hiểm tài sản cho các loại tài sản sau:

a) Nhóm tài sản hạ tầng công nghệ, bao gồm: Hệ thống giao dịch chính; hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ; hệ thống thông tin; hệ thống dịch vụ phụ trợ; hệ thống dự phòng; hệ thống đường truyền, cơ sở dữ liệu và các hệ thống công nghệ thông tin khác.

b) Nhóm các tài sản khác: nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải.

2.2 Trích lập các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi; trích quỹ bồi thường thiệt hại cho các công ty chứng khoán thành viên đối với Sở Giao dịch chứng khoán; trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để bồi thường thiệt hại cho khách hàng và thành viên lưu ký đối với Trung tâm Lưu ký; trích lập các khoản dự phòng khác theo quy định của pháp luật.

[...]