Thông tư 19-BYT/TT-1988 quy định tạm thời chế độ thu tiền khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế đối với người nước ngoài do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 19-BYT/TT
Ngày ban hành 26/07/1988
Ngày có hiệu lực 26/07/1988
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đặng Hồi Xuân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-BYT/TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1988

 

THÔNG TƯ

SỐ 19-BYT/TT NGÀY 26-7-1988 QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ THU TIỀN KHÁM, CHỮA BỆNH VÀ DỊCH VỤ Y TẾ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Sau khi có sự thoả thuận với Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế tạm thời quy định chế độ thu tiền khám, chữa bệnh và dịch vụ Y tế đối với người nước ngoài như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Trên cơ sở của nguyên tắc quan hệ song phương, bằng cách áp dụng chế độ miễn phí Y tế (toàn bộ hoặc từng phần) đối với những người nước ngoài có "thân phận ngoại giao", các đoàn khách quốc tế, thuỷ thủ, phi công, người quá cảch thuộc những nước có thực hiện chế độ miễn phí Y tế toàn bộ hoặc từng phần cho cán bộ, nhân viên, học sinh của Việt Nam công tác, học tập tại nước đó.

2. Thực hiện chế độ thu trực tiếp hoặc gián tiếp các chi phí về khám chữa bệnh và dịch vụ y tế đối với các đối tượng khác ngoài quy định trên.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THU TIỀN KHÁM, CHỮA BỆNH, DỊCH VỤ Y TẾ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

1. Các chi phí về khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế bao gồm tiền thuốc, tiền Vaccine, tiền ăn, hoá chất xét nghiệm, máu, dịch chuyền, phim X quang, điện nước, hao mòn máy móc, tiền phòng ở, tiền xăng xe đi lại và tiền công tác dịch vụ kỹ thuật.

2. Phương thức thu:

a) Thu trực tiếp: các cơ sở y tế Việt Nam được thu trực tiếp đối với các đối tượng sau:

- Những người nước ngoài đang công tác, học tập, lao động, du lịch hoặc quá cảnh là công dân thuộc các nước không có tên trong danh mục được miễn phí y tế toàn bộ hoặc từng phần.

- Những phương tiện vận tải đường biển, đường bộ, hàng không và thuỷ thủ, lái xe, phi công, hành khách trên các phương tiện vận tải đó được tiến hành kiểm dịch trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Thu gián tiếp:

Những người nước ngoài đang công tác, học tập, lao động, du lịch hoặc quá cảnh là công dân thuộc các nước có tên trong danh sách miễn phí y tế từng phần được trả gián tiếp cho các cơ sở y tế Việt Nam thông qua một số cơ quan, đơn vị sau:

- Chuyên gia do cơ quan nơi chuyên gia làm việc thanh toán.

- Cán bộ, công nhân các xí nghiệp liên doanh do xí nghiệp liên doanh thanh toán.

- Người du lịch thông qua các công ty du lịch phụ trách khách du lịch đó thanh toán (nếu đã đóng bảo hiểm du lịch).

- Sinh viên, thực tập sinh do các trường nơi sinh viên, thực tập sinh đó đang học thanh toán.

c) Riêng các nhà tư bản đầu tư tại Việt Nam thuộc bất cứ nước nào đều có trách nhiệm trực tiếp trả tiền y tế phí.

3. Biểu giá, loại tiền và tỷ giá thanh toán.

a) Căn cứ vào bảng giá khám, chữa bệnh cho chuyên gia nước ngoài do liên Bộ Y tế - Uỷ ban vật giá Nhà nước ban hành tại Quyết định số 173- QĐ/LB ngày 10 -10 -1978 đồng thời tham khảo giá khám, chữa bệnh dịch vụ y tế của một số nước, có cân nhắc đến điều kiện phục vụ y tế Việt Nam. Bộ Y tế tạm thời ban hành biểu giá khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế cho người nước ngoài.

Từng thời kỳ sẽ có sự điều chỉnh cho thích hợp. Để thuận tiện cho việc đánh giá, tạm quy định giá theo đồng đô la Mỹ (USD).

b) Loại tiền và tỷ giá thanh toán:

- Đối với các đối tượng quy định tại điểm 2a, mục II trực tiếp trả y tế phí bằng USD hay USD phiếu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành có giá trị tương đương.

- Đối với các cơ quan có nhiệm vụ trả y tế phí cho người nước ngoài đã quy định tại điểm 2b, mục II, thì thống nhất dùng tiền đồng Việt Nam để thanh toán cho các cơ sở y tế theo tỷ giá kiều hối của Nhà nước do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hoặc Ngân hàng Ngoại thương thành phố quy định.

- Các cơ sở y tế trực thuộc Trung ương sẽ nộp ngay toàn bộ số ngoại tệ thu được vào tài khoản của Bộ Y tế tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, các cơ sở y tế 1 trực thuộc địa phương nộp vào Ngân hàng Ngoại thương tỉnh, thành phố.

c) Về sử dụng:

- Số phí y tế thu được, các cơ sở y tế (cả Trung ương và địa phương) sẽ được sử dụng 90% ( cả số thu bằng tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối) để củng cố cơ sở vật chất, mua máy móc thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của đơn vị, trường hợp đơn vị có nhu cầu nhập thuốc men, máy móc bằng ngoại tệ thì phải lập dự toán được Bộ duyệt trong phạm vi 90% số ngoại tệ nói trên. Cứ 3 tháng một lần, các cơ sở và địa phương phải tổng hợp báo cáo về Bộ, nếu là cơ sở y tế trực thuộc Trung ương và Sở Y tế, Sở Tài chính nếu là cơ quan địa phương để xin quyền sử dụng.

[...]