Thông báo số 96/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị triển khai đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 96/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/04/2008 |
Ngày có hiệu lực | 17/04/2008 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Trần Quốc Toản |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính,Giáo dục |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HOÁ TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ NHÀ CÔNG VỤ CHO GIÁO VIÊN GIAI ĐOẠN 2008 - 2012
Ngày 02 tháng 4 năm 2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan là thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 ở Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường thuộc 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được tổ chức qua mạng tin học truyền hình tại 5 địa điểm: trụ sở của Văn phòng Chính phủ (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, cơ quan là thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương và của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến kết luận như sau:
Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 được triển khai tiếp theo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002. Đây là một đề án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 25.200 tỷ đồng, đòi hỏi có sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện chặt chẽ từ trung ương đến địa phương để bảo đảm đúng tiến độ, đạt được mục tiêu đã đề ra.
Để thực hiện tốt Đề án này, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung triển khai các công việc chủ yếu sau đây:
1. Về phân cấp quản lý nhà nước thực hiện Đề án:
Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhiệm vụ là cơ quan thường trực quản lý Đề án chủ trì, phối hợp với các Bộ và các cơ quan liên quan hoàn thành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Đề án trước ngày 25 tháng 4 năm 2008, theo hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án của địa phương trước ngày 30 tháng 4 năm 2008; xác định Ban Quản lý dự án, hình thức quản lý dự án theo quy định của pháp luật, phù hợp thực tế địa phương, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao; xây dựng kế hoạch, danh mục công trình cần thực hiện, chú ý lồng ghép chương trình này với các chương trình xây dựng cơ bản chung về giáo dục tại địa phương; chịu trách nhiệm quyết định về đơn giá xây dựng tại địa phương.
2. Về thiết kế mẫu:
Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành thiết kế mẫu trường, lớp học và thiết kế mẫu nhà công vụ cho giáo viên trước ngày 30 tháng 6 năm 2008 để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo Đề án của địa phương có thể chủ động vận dụng điều chỉnh mẫu phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương.
3. Về bố trí nguồn kinh phí:
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh phương án bố trí vốn cho các địa phương trình phê duyệt trước ngày 15 tháng 4 năm 2008 để kịp thời triển khai thực hiện Đề án; khẩn trương xây dựng phương án phân bổ kinh phí tạm ứng cho năm 2008 là 4.000 tỷ đồng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 20 tháng 4 năm 2008.
Ngoài ngân sách hỗ trợ của trung ương, các địa phương dành ít nhất 35% vốn đầu tư cho giáo dục hàng năm để thực hiện Đề án. Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho sự nghiệp giáo dục và y tế trước ngày 25 tháng 4 năm 2008, trong đó dành không quá 20% tổng nguồn thu từ xổ số kiến thiết để thực hiện Đề án.
Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương được sử dụng để xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên trong phạm vi của Đề án. Kinh phí giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai để thực hiện việc này do các địa phương chịu trách nhiệm. Trong khi thực hiện Đề án, các địa phương chủ động bố trí kinh phí lồng ghép hợp lý với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác để kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường, lớp phổ cập mầm non 5 tuổi . . .
Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng kinh phí của Đề án; hướng dẫn về việc huy động và sử dụng nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch và mục tiêu vận động, đồng thời có quy định sử dụng đúng mục đích nguồn vốn này.
Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm đầu mối vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ít nhất 500 tỷ đồng, các địa phương huy động khoảng 1.500 tỷ đồng trong quá trình thực hiện Đề án từ 2008 đến 2012.
Các địa phương căn cứ vào thông báo của Bộ Tài chính về kinh phí hỗ trợ của Trung ương, phần kinh phí của địa phương để xây dựng kế hoạch và xác định danh mục xây dựng trong năm 2008, trong đó chú ý ưu tiên mục tiêu nhà công vụ cho giáo viên.
4. Về việc kiểm tra, giám sát:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành quy chế chỉ đạo triển khai và giám sát thực hiện Đề án ở địa phương, báo cáo với Hội đồng nhân dân và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học trong việc giám sát việc thực hiện Đề án trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức giao ban định kỳ với Ban Chỉ đạo các địa phương. Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, bảo đảm mỗi tỉnh được kiểm tra ít nhất một lần trong một năm. Kế hoạch giao ban, kiểm tra năm 2008 như sau:
- Giao ban lần thứ nhất: ngày 02 tháng 4 năm 2008.
Tháng 5, tháng 6 năm 2008 kiểm tra 22 tỉnh khó khăn nhất.
- Giao ban lần thứ 2: trước ngày 10 tháng 7 năm 2008.
Tháng 8, tháng 9 năm 2008 kiểm tra 22 tỉnh vùng khó khăn.
- Giao ban lần thứ 3: trước ngày 10 tháng 10 năm 2008.
Trước ngày 31 tháng 12 năm 2008 kiểm tra 20 tỉnh còn lại.