Thông báo 85/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng Chủ tịch Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tại phiên họp Uỷ ban do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 85/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/06/2003 |
Ngày có hiệu lực | 17/06/2003 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Công Sự |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 85/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2003 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 85/TB-VPCP NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG CHỦ TỊCH UỶ BAN QUỐC GIA TÌM KIẾM CỨU NẠN TẠI PHIÊN HỌP UỶ BAN
Ngày 06/6/2003 tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) đã họp phiên toàn thể. Sau khi nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ TKCN năm 2002, quý I năm 2003 và phương hướng, nhiệm vụ TKCN năm 2003; ý kiến phát biểu của các thành viên Uỷ ban, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBQG TKCN đã kết luận:
1. Tìm kiếm Cứu nạn là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và bức xúc. Hiện nay do thời tiết, khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến khó lường, năm nào ở nước ta cũng xảy ra thiên tai như lũ, bão, dông, lốc, lũ quét. Ngoài ra, các thảm hoạ do con người gây ra cũng có chiều hướng gia tăng như cháy rừng, cháy nhà cao tầng, tràn dầu... Mục đích của nhiệm vụ TKCN là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Thời gian qua UBQGTKCN đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương hoạt động tương đối hiệu quả, song thiệt hại vẫn còn rất lớn. UBQGTKCN, các Bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tìm cho được nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề xuất được các phương án TKCN trong từng trường hợp cụ thể.
2. Theo chức năng, nhiệm vụ, UBQGTKCN phải thực hiện 2 yêu cầu chủ yếu sau:
- Xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể về TKCN; trên cơ sở đó, lập Kế hoạch TKCN cụ thể cho từng nhiệm vụ; đồng thời xây dựng các dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư và giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia TKCN.
- Khi xảy ra các thảm hoạ do thiên nhiên hoặc do con người gây ra, phải nắm bắt nhanh tình hình, phối hợp tổ chức lực lượng ứng cứu kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu.
Để giải quyết tốt hai yêu cầu trên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành và địa phương, trong đó Chính phủ đã xác định Bộ Quốc phòng là lực lượng chủ lực, thường trực TKCN. Bộ Quốc phòng, UBQGTKCN cần phối hợp với và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn chỉnh Đề án quy hoạch tổng thể về TKCN; lập Kế hoạch TKCN cụ thể (cho từng nhiệm vụ để xử lý các tình huống, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2003.
3. Đề án quy hoạch tổng thể phải dựa trên các phương án TKCN cụ thể trong Kế hoạch TKCN. Trong đó cần xác định rõ những thảm hoạ do thiên tai và những thảm hoạ do con người gây ra. Cụ thể:
a. Những thảm hoạ do thiên tai:
- Bão: khi bão lớn xảy ra thường dẫn đến đổ sập nhà cửa và các công trình khác; mưa lớn gây vỡ đê, lụt lội, chìm tàu trên biển, ven biển và trên sông... gây thiệt hại lớn trên diện rộng.
- Lũ quét, lũ ống khi có mưa lớn cuốn trôi nhà cửa và các công trình xây dựng khác, thường xảy ra ở các khu vực vùng núi trên miền Bắc và miền Trung.
- Động đất thường xuất hiện ở vùng Tây Bắc, song không loại trừ khả năng diễn ra ở vùng đồng bằng và đô thị. Động đất thường gây ra đổ sập nhà cửa. Đặc biệt nguy hiểm khi động đất xảy ra ở các thành phố.
- Lũ lụt lớn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long và kéo dài làm hàng triệu đồng bào trong khu vực phải sống trong vùng nước ngập sâu.
b. Những thảm hoạ do con người gây ra:
- Cháy nổ và cháy rừng: cháy trong thành phố, cháy nhà cao tầng, cháy nổ kho tàng; cháy rừng ở các vùng có địa hình khác nhau như vùng núi, Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Tai nạn chìm tàu thuyền trên biển gần đây có dấu hiệu gia tăng, song số vụ cứu được người còn thấp, số lượng người chết còn cao.
- Tai nạn tàu thuyền trên sông.
- Tai nạn Hàng không xảy ra ở nhiều quốc gia. Cần có phương án TKCN đường không khi xảy ra tai nạn trên biển xa, biển gần, trên đất liền.
- Sự cố tràn dầu do vỡ tàu, chìm tàu, cháy tàu gây ra. Thảm hoạ này có thể xảy ra ở các tàu vận tải và đặc biệt nguy hiểm khi các tàu chở dầu lớn bị sự cố. Trước mắt, cần xây dựng các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu ở miền Trung và miền Nam, sau đó sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm ở miền Bắc.
- Tai nạn ở các dàn khoan do cháy nổ hoặc do bão bị sập.
- Tai nạn ở các nhà cao chân khu vực Bãi cạn Cà Mau.
- Những thảm hoạ khác dẫn đến sập đổ nhà cửa công trình.
Nhiệm vụ của UBQGTKCN, mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng phải xây đựng cho được Kế hoạch TKCN bao gồm các tình huống và các phương án khắc phục từng loại hình thảm hoạ nêu trên, trong đó cần xác định lực lượng nào là chủ lực, lực lượng nào phải tham gia; trách nhiệm của từng lực lượng theo khu vực, theo nhiệm vụ; ai là người chỉ huy và cơ chế phối hợp giữa các lực lượng. Cần chú ý khi giải quyết hậu quả phải trên cơ sở phương châm 4 tại chỗ, khi cần thiết phải có lực lượng tăng cường.
Về cơ chế chỉ huy khi thảm hoạ xảy ra ở địa phương nào, Chủ tịch tỉnh, thành phố nơi đó phải là người chỉ huy chung, cơ quan quân sự với tư cách là cơ quan Thường trực TKCN làm tham mưu và có thêm chức năng phối hợp với các lực lượng khác của các Bộ, ngành (ví dụ khi cháy nhà trong thành phố thì lực lượng chủ lực và chỉ huy trực tiếp là Bộ Công an, song các lực lượng khác trong đó có quân đội phải tham gia; hoặc khi nhà cửa bị đổ sập thì phải sử dụng lực lượng quân đội 1à chủ lực, song vẫn phải huy động các lực lượng khác trên địa bàn). Trên cơ sở từng phương án TKCN, xem xét lại các trang bi hiện có nếu, cần trang bị thêm, lập dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định đầu tư (đầu tư trang bị gì, Bộ, ngành nào là chủ đầu tư, ai là người quản lý, sử dựng trang bị), trong dự án cần trình bày cả yêu cầu huấn luyện, đào tạo cán bộ và các chính sách cho các lực lượng chuyên trách TKCN trong khi làm nhiệm vụ trực sẵn sàng và khi tham gia khắc phục thảm hoạ.
4. Trên cơ sở Đề án quy hoạch tổng thể và Kế hoạch TKCN cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất kế hoạch đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao năng lực TKCN.
5. Phải phân biệt rõ sự khác biệt giữa UBQGTKCN với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng; hai ban chỉ đạo trên mang tính chuyên ngành, vừa giải quyết nhiệm vụ phòng ngừa vừa lo chống thảm hoạ. UBQGTKCN phải giải quyết nhiệm vụ TKCN trong mọi thảm hoạ, do đó cần sớm xây dựng cơ chế phối hợp giữa UBQGTKCN và hai Ban chỉ đạo trên.
6. Về văn bản pháp quy
- Khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về TKCN.
- Bộ Quốc phòng cần sớm cụ thể hoá nhiệm vụ TKCN được Chính phủ giao và giao nhiệm vụ cho các đầu mối trực thuộc. Các Bộ, ngành khác, trên cơ sở nhiệm vụ được Nghị định của Chính phủ xác định, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch TKCN của Bộ, ngành mình.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, Ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
|
Nguyễn Công Sự (Đã ký) |